Từ khoảng năm 2010, nước ta có nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống mọc lên ở các thành phố lớn, các tác giả viết sách dạy kỹ năng sống cũng đông đảo hơn, mảng sách kỹ năng sống chiếm một khu vực lớn dần trong các nhà sách. Trong các trường học, kỹ năng sống trở thành một môn học ngoại khóa. Vì thế mà thị trường sách dạy kỹ năng sống cũng trở nên sôi động, phong phú hơn với nhiều thể loại, nhiều tác giả với cách tiếp cận khác nhau khiến người mua đôi khi hoang mang không biết nên mua sách nào. Nhiều người lo ngại liệu chất lượng sách này ở mức độ nào, hiệu quả đến đâu, nhất là khi một số sách, đặc biệt sách dạy kỹ năng cho trẻ nhỏ, học sinh có những nội dung được cho không phù hợp thời gian qua... Trong khi vẫn còn hiện tượng nhà xuất bản (NXB) buông lỏng trách nhiệm, thậm chí “bán” giấy phép để cho ra những xuất bản phẩm kém chất lượng thì việc bạn đọc băn khoăn  khi chọn mua sách cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy, giữa thị trường muôn vàn loại sách kỹ năng sống ấy, cách hữu hiệu nhất để người đọc lựa chọn được sách chất lượng có lẽ là tìm đến các NXB uy tín. Ví dụ, NXB Giáo dục Việt Nam với các sách dạy kỹ năng cho đối tượng là học sinh các cấp học, có thể đưa vào hệ thống giáo dục các nhà trường; NXB Kim Đồng với các sách kỹ năng dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng; NXB Phụ nữ có sách phong phú cho các lứa tuổi từ nhi đồng đến thanh niên, trung niên, cao tuổi, sách cho phụ nữ…

leftcenterrightdel
Sách kỹ năng sống là một mảng được NXB Phụ Nữ quan tâm đầu tư.

 Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sách giáo dục tại TP Hà Nội (NXB Giáo dục Việt Nam) thì ở nhiều nước, kỹ năng sống được chia ra thành các nhóm kỹ năng cho các đối tượng, lứa tuổi khác nhau dựa trên những tiêu chuẩn chung với các tên gọi phổ biến như: Kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp… Từ các nhóm tên gọi đó, tác giả đưa ra cách hướng dẫn để người đọc học. Mỗi tác giả lại có góc tiếp cận khác nhau để đưa ra một quy trình, thậm chí mỗi lứa tuổi lại cần có cách tiếp cận riêng, chính điều đó tạo nên sự đa dạng của sách kỹ năng sống. Tuy nhiên, dù kỹ năng sống rất rộng và có thể cách tiếp cận khác nhau nhưng tác giả vẫn phải dựa trên những kiến thức, tiêu chuẩn chung, cơ bản nhất được nhiều nước trên thế giới công nhận.

Hiện nay, sách kỹ năng sống ở Việt Nam chủ yếu được dịch từ nước ngoài, tham khảo từ sách nước ngoài. Tác giả trong nước phần lớn là những chuyên gia, nhà nghiên cứu hoặc một số là tác giả chia sẻ dựa trên kinh nghiệm, hiểu biết cá nhân. Nhu cầu xã hội tăng khiến sách kỹ năng sống cũng là mảng được nhiều NXB quan tâm và trên thực tế, các NXB hoàn toàn có thể quyết định chất lượng sách qua việc lựa chọn tác giả, chất lượng bản thảo.

Sách kỹ năng là một trong những mảng sách chủ đạo được NXB Phụ nữ đầu tư, quan tâm với nhiều nhóm đối tượng, trong đó sách giáo dục giới tính, kỹ năng sống chiếm khoảng 70%. Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ, để quản lý chất lượng dòng sách này, với sách mua bản quyền nước ngoài, NXB lựa chọn những tác giả lớn, có uy tín. Với những tác giả trong nước, nhất là tác giả tự do viết dưới dạng chia sẻ kinh nghiệm hay tác phẩm văn học thì NXB cũng hoàn toàn có thể kiểm định được chất lượng bản thảo. Biên tập viên là người đầu tiên tiếp cận bản thảo và đây phải là đội ngũ có năng lực, trình độ để đánh giá được bản thảo có đạt tính khoa học, dễ hiểu, hấp dẫn hay không; sau đó đến trưởng phòng biên tập kiểm tra về nội dung bản thảo; rồi tới ban lãnh đạo NXB. Đặc biệt, nếu bản thảo có những nội dung còn gây tranh cãi thì sẽ không cấp phép xuất bản. “NXB phải chịu trách nhiệm về sách do đơn vị mình xuất bản, vì vậy, hơn ai hết, các NXB phải làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, nếu các NXB không nghiêm túc thì cũng sẽ không tồn tại được trước sự cạnh tranh và đặc biệt là sự lựa chọn của bạn đọc”-bà Phượng nói.

Bài và ảnh: DƯƠNG THU