|
Giáo sư Hoàng Chương trong đêm khai mạc liên hoan tại rạp Hồng Hà, Hà Nội (27-8-2006) |
Sáng 27-8 vừa qua, tại rạp Hồng Hà (Hà Nội), Liên hoan sân khấu thực nghiệm Mê-kông 2006 đã chính thức khai mạc với sự tham gia của 7 đoàn nghệ sĩ đến từ các nước khu vực sông Mê-kông. Đây là cuộc liên hoan nghệ thuật sân khấu thường niên để trao đổi văn hóa-nghệ thuật thực nghiệm chuyên đề về giới tính, tình dục và HIV/AIDS theo sáng kiến của Hiệp hội giáo dục sân khấu Phi-líp-pin (PETA) với sự bảo trợ của UNESCO và quỹ ROCKEFELLER. Phóng viên báo Quân đội nhân dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Hoàng Chương-Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc-đơn vị đồng tổ chức cuộc liên hoan lần này.
* Thưa Giáo sư, được biết liên hoan năm nay tại Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 27-8 đến ngày 16-9, tức là tròn 3 tuần. Hình như rất ít cuộc liên hoan nghệ thuật quốc tế kéo dài như vậy?
- Nếu là một cuộc liên hoan biểu diễn nghệ thuật thông thường thì 3 tuần quả là hơi dài. Nhưng đây là cuộc liên hoan mà mục đích chính để nghệ sĩ các nước trong khu vực cùng một số khách mời của các nước khác đến để trao đổi văn hóa-nghệ thuật thực nghiệm xoay quanh chủ đề về giới tính, tình dục và HIV/AIDS. Thực chất đây sẽ là một khóa tập huấn về sử dụng các hình thức nghệ thuật sân khấu truyền thống mang đậm màu sắc phương Đông, để phổ biến những kiến thức về giới tính, tình dục và HIV/AIDS. Các nghệ sĩ sẽ “vừa học, vừa hành” bằng những đề cương tác phẩm theo chủ đề trên đây; được giúp đỡ, tạo điều kiện hoàn thiện tác phẩm và biểu diễn báo cáo. Với những nội dung như vậy, e rằng 3 tuần sẽ là quá ngắn.
* Nếu vậy, tại sao không gọi là một khóa đào tạo hay tập huấn chuyên đề mà lại gọi là Liên hoan sân khấu…?
- Giới tính, tình dục, là những vấn đề tế nhị, “khó nói”, nhất là với người phương Đông, trong đó có khu vực sông Mê-kông của chúng ta. Trong khi đó, khu vực này lại đang là một trong những “tâm động đất” HIV/AIDS của châu Á, với khoảng hơn hai triệu người có vi-rút HIV chưa kể một số lượng khá lớn chưa thống kê được. Để tuyên truyền, hướng dẫn về giới tính, tình dục và HIV/AIDS cần nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức và biện pháp. Trong đó, dùng nghệ thuật sân khấu-nhất là sân khấu truyền thống dân tộc-để chuyển tải là một cách làm hiệu quả đã được đúc kết thành lý luận. Vì vậy PETA đã chủ trương nghệ thuật hóa, sân khấu hóa hoạt động này bằng những cuộc liên hoan thường niên và lần thứ nhất tổ chức năm 2005 tại Phi-líp-pin đã thu kết quả tốt.
* Chương trình liên hoan lần này tại Việt Nam sẽ gồm những nội dung cụ thể như thế nào?
- Chương trình sẽ gồm 4 nội dung chính là: Những kiến thức về giới tính, tình dục và HIV/AIDS; Kỹ năng đạo diễn sân khấu và phương pháp rèn luyện với nhiều loại hình nghệ thuật khác; Xây dựng thể văn tường thuật cho người viết truyện và kỹ năng “kể chuyện” bằng hình tượng nghệ thuật của diễn viên. Xen giữa các buổi học sẽ là những buổi biểu diễn minh họa và cuối cùng là một liên hoan sân khấu thực nghiệm về những tác phẩm được thực hiện trong 3 tuần qua. Giảng viên chính là các nghệ sĩ của PETA và một số chuyên gia quốc tế. Đặc biệt, các “học viên” là nghệ sĩ đến từ các quốc gia cũng là những giảng viên ở từng nội dung cụ thể.
|
Áp phíc quảng cáo chương trình tham gia liên hoan của đoàn nghệ thuật Thái Lan |
* Liên hoan lần này, Việt Nam có bao nhiêu nghệ sĩ và tiết mục tham gia?
- Do đây là một chương trình mới mẻ và mới tổ chức lần thứ hai nên chúng ta cũng chưa có nhiều “tiềm năng” và kinh nghiệm. Lần này, chủ nhà Việt Nam có 7 nghệ sĩ của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Tuổi Trẻ tham gia với hai tiết mục sân khấu thử nghiệm về phòng chống HIV/AIDS và thái độ ứng xử của cộng đồng đối với những người có HIV/AIDS. Hy vọng các lần sau, Việt Nam sẽ có nhiều nghệ sĩ và tác phẩm tham gia hơn.
* Thưa Giáo sư, những nghệ sĩ và tác phẩm như thế nào thì được tham gia Liên hoan sân khấu thực nghiệm Mê-kông lần thứ hai?
- Đó là những nghệ sĩ (diễn viên, đạo diễn, biên đạo múa, biên kịch, nhạc sĩ, quản lý văn hóa…) có quốc tịch Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam, Thái Lan, Mi-an-ma và Trung Quốc; bao gồm cả những học viên của các ngành nghệ thuật đương đại và cổ điển ở các nước nói trên thuộc các loại hình sân khấu. Tất nhiên ngoài kỹ năng chuyên môn, họ phải là những người quan tâm đến vấn đề giới tính, tình dục và HIV/AIDS; cùng sẻ chia mục đích cuộc liên hoan; có khả năng tiếp tục duy trì, phát huy kết quả sau liên hoan; sẵn sàng học hỏi và sẻ chia kinh nghiệm trong lĩnh vực này và tất nhiên phải thành thạo tiếng Anh. Những người trên đây phải tự nguyện làm đơn gửi PETA, kèm theo một đề cương tác phẩm hoặc ý tưởng nghệ thuật về chủ đề giới tính, tình dục và HIV/AIDS. Những người đủ tiêu chuẩn tham gia sẽ được cấp trước học bổng toàn phần hoặc bán phần. Nơi tiếp nhận hồ sơ có thể hỏi về Trung tâm nghiên cứu bảo tồn & phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam (59 Thợ Nhuộm-Hà Nội, điện thoại: 04.9347084) sẽ được hướng dẫn cụ thể.
· Xin cảm ơn Giáo sư!
· Mai Nam Thắng thực hiện