Tự học của con người là sản phẩm được xuất phát từ nhu cầu sinh tồn, phát triển. Ngay từ thuở bình minh của xã hội loài người, khi sống bằng săn bắt hái lượm, con người đã phải tự học để chống lại thú dữ, để khắc chế thiên nhiên, tìm ra nguồn thức ăn. Tìm ra lửa, nấu chín thức ăn, chuyển từ ăn sống sang ăn chín đã cho thấy quá trình tự học của con người mất rất nhiều thời gian, công sức.

Việc con người tự học, sáng tạo ra chữ viết, tìm ra những giải pháp bắt thiên nhiên phục vụ con người, hay việc con người tìm các công cụ lao động và phát minh, cải tiến các loại máy móc từ thô sơ đến hiện đại để giảm công sức, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm... là quá trình tự học không ngừng. Ngoài ra, con người còn tự học, tự nghiên cứu, khám phá và xây dựng các nền văn hóa, nền văn minh, làm giàu giá trị về tư tưởng, thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật... Tất cả việc đó trở thành văn hóa tự học.

Văn hóa tự học giúp con người chiến thắng sức ì bản thân, sống tốt đẹp hơn, yêu đời, yêu con người hơn, giúp con người nhận thức và chống lại cái ác, đồng thời vươn tới những đỉnh cao. Chính trị gia Benjamin Franklin phát biểu: “An investment in knowledge pays the best interest” (Khoản đầu tư vào kiến thức sẽ đem lại lãi suất cao nhất).

leftcenterrightdel

 Minh họa Thắp sáng văn hóa tự học: Lê Anh

Ở nước ta, quá trình phát triển đã xây dựng văn hóa tự học thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân.

Là đất nước ở khu vực Á Đông và chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo, Phật giáo, nên văn hóa tự học của dân tộc Việt Nam đã có từ sớm. Chính nhờ văn hóa tự học mà người Việt đã không chịu lệ thuộc hoàn toàn vào chữ Hán. Người Việt đã sáng tạo ra loại chữ viết riêng-chữ Nôm; qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Việt, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ. Cũng nhờ ý chí tự tôn, tự hào dân tộc và phát triển văn hóa tự học mà trong suốt thời kỳ phong kiến dài đằng đẵng, mỗi lúc Tổ quốc lâm nguy, dân tộc Việt Nam lại xuất hiện người tài, những anh hùng kiệt xuất có khả năng tập hợp sức mạnh đoàn kết, giương cao ngọn cờ độc lập, tự do. Điển hình trong số ấy phải kể đến Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác... Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi trình độ KHCN được nâng lên, khi áp lực nhu cầu cuộc sống ngày càng lớn thì văn hóa tự học ngày càng được đề cao. Để theo kịp sự phát triển của xã hội, của nền sản xuất có hàm lượng KHCN cao thì con người càng phải tích cực tự học để thích ứng, tồn tại và phát triển. Bởi thực tế cho thấy, kiến thức, tri thức học ở các trường đại học và chuyên nghiệp chỉ có tác dụng là nền tảng và định hướng phương pháp. Thế nên, ở nước ta, văn hóa tự học được đề cao thông qua phong trào xây dựng xã hội học tập. Ví dụ điển hình là phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp ở các địa phương, cơ quan, đơn vị và được toàn dân hưởng ứng rất nhiệt thành. Nếu lấy dẫn chứng về các tấm gương tự học trong lịch sử dân tộc Việt thì khó có thể kể hết, trong đó rất đáng khâm phục là gương nhà giáo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký.

Gần đây tôi quen "người đặc biệt" Nguyễn Hữu Thịnh, sinh năm 1981, quê ở thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thịnh đặc biệt là vì năm lên 8 tuổi bị bệnh hiểm nghèo, lên cơn co giật, chân tay run rẩy, lưỡi líu, không nói được. Gia đình đã đưa Thịnh đi chữa trị nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Từ ấy, Thịnh làm bạn với chiếc giường nhỏ và những bức tường, mọi sinh hoạt cá nhân đều dựa vào người khác. Không đầu hàng trước số phận, Thịnh kiên trì học nói, học ngồi xe lăn và học viết chữ để đọc sách. Đến nay, Thịnh đã làm được 5 tập thơ, trong đó có những tác phẩm được giải ở hội thi thơ địa phương. Sau Tết Giáp Thìn 2024, Thịnh đi hội ở các làng lân cận khu vực huyện Cẩm Giàng và bán thơ. Mỗi ngày như thế, Thịnh bán được 5-7 cuốn. Ngoài ra, Thịnh còn nhận quảng bá, bán sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp trong nước trên mạng xã hội để được hoa hồng. Tôi cho rằng, Thịnh là tấm gương của ý chí tự học và anh đã làm sáng hơn văn hóa tự học trong thế hệ 8X thời nay.

Bên cạnh những tấm gương và tinh thần xây dựng văn hóa tự học, nhìn vào thực tế thấy trong xã hội chúng ta, việc tự học mới phát triển ở bề rộng mà ít có chiều sâu. Đa phần mọi người thường dành thời gian tự học hỏi để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, phục vụ mục đích phát triển kinh tế là chính. Số tìm hiểu, học hỏi để mở rộng hiểu biết về các loại hình nghệ thuật, phát triển giá trị tư tưởng chính trị... còn ở mức độ nhất định.

Gần nhà tôi có ông thợ mộc năm nay đã gần 60 tuổi. Trước đây, ông đóng các loại vật dụng giường, tủ, bàn ghế và dụng cụ, vật liệu của ông thường vứt ngổn ngang, không thu dọn sau mỗi buổi làm việc. Hiện nay, cơ sở ấy đã phát triển thành xưởng khá lớn với khoảng 20 công nhân và nhiều loại máy móc hiện đại, nhưng thói quen làm đâu bỏ đấy vẫn không thay đổi. Khi tôi hỏi ông về “quy tắc 5S” của người Nhật, một phương pháp quản lý và sắp xếp nơi làm việc hiệu quả bắt đầu bằng chữ S rất phổ biến và thông dụng (dịch ra tiếng Việt là: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và kỷ luật) thì ông nói rằng chưa nghe bao giờ.

Ở những lĩnh vực khác, khi tìm hiểu về văn hóa tự học ở lớp trẻ nhận thấy, hiện tượng lạm dụng internet, điện thoại thông minh, sa vào trò chơi điện tử, lười nghĩ, lười học... đang là nỗi lo. Hiện tượng thực dụng, tập trung chuyên môn, chuyên ngành mà không mở rộng tìm hiểu kiến thức lĩnh vực khác, khiến hiểu biết nghèo nàn, dễ sinh tâm lý cực đoan. Đặc biệt, hiện tượng chuộng bằng cấp đã khiến cho văn hóa tự học ít được đề cao. Hiện tượng ít đọc sách khá lớn đã cho thấy văn hóa tự học ở nhiều người trong xã hội ta chưa được đề cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến văn hóa tự học chưa đi vào chiều sâu, trong đó nổi bật là tâm lý thỏa mãn, dừng lại, nước đến chân mới nhảy. Điều này được ghi dấu trong tục ngữ Việt Nam: Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà mạn hảo ngâm nôm Thúy Kiều. Trong tác phẩm “Hịch tướng sĩ”, Trần Quốc Tuấn đã từng phê phán những quan lại, quân sĩ thời Trần không nhìn thấy họa xâm lăng, lấy chọi gà, đánh bạc, làm vườn, quyến luyến vợ con, lo làm giàu, ham săn bắn, thích rượu ngon, mê tiếng hát... làm thú vui. Từ góc độ văn hóa tự học nhìn vào hiện tượng này đã cho thấy tính chủ động tự học, vươn lên của người Việt bị bó buộc bởi nhiều rào cản, bị nhu cầu cuộc sống hằng ngày lấn lướt.

Muốn xây dựng văn hóa tự học thì mỗi người trong xã hội cần nêu cao ý chí tự học và tự tìm ra phương pháp tự học phù hợp. Không chỉ tự học nâng cao trình độ hiểu biết chuyên môn, chuyên ngành mà phải mở rộng ra nhiều lĩnh vực, làm phong phú thêm nhu cầu nhận thức, tiếp thu tinh hoa tri thức văn hóa dân tộc, nhân loại, nâng cao đạo đức, tư tưởng và các giá trị nghệ thuật.

Để tự học hiệu quả, ngoài ý chí, bản lĩnh, mỗi người cần tự tìm ra phương pháp phù hợp, trong đó đọc sách cần được xem là trung tâm. Bởi sách là tài sản văn hóa ghi lại những giá trị của dân tộc, nhân loại. Quá trình đọc sách cũng cần có phương pháp, trong đó việc người đọc ghi chép lại những kiến thức, thông tin cốt lõi trong sách để sử dụng lâu dài cần được xây dựng thành thói quen thường trực. 

J.Viennet từng nói: “Sự học trang hoàng đời sống và làm cho ta mến đời hơn. Nó là một thú vui không khi nào giảm”. Còn Dorothy Billington thì nói: “Nếu chúng ta ngừng học thì chúng ta sẽ ngừng phát triển”. Kỹ sư Henry Ford thì nhấn mạnh: “Anyone who stops learning is old, whether at twenty or eighty. Anyone who keeps learning stays young” (Bất kỳ ai ngừng học hỏi đều trở nên già cỗi, dù là 20 hay 80. Bất kỳ ai không ngừng học hỏi đều sẽ mãi tươi trẻ).

Xây dựng cho mình ý chí tự học trên nền phong trào xã hội học tập là cách tốt nhất để thắp sáng văn hóa tự học sâu bền. Hay nói cách khác, đó là giải pháp mang lại giá trị gốc cho mỗi người!

PGS, TS NGUYỄN VIỆT KHÔI