Thế hệ nhà văn hậu sinh may mắn hữu duyên được sống và cống hiến tại địa chỉ đỏ này, ngày ngày đi qua gốc đại già hay nhìn lên tường của phòng làm việc, đặc biệt là mỗi lần nhìn lên tường của hội trường tầng hai tòa soạn, cứ đầy lên cảm nhận về mối tương giao huyền bí, đầy lên cảm giác đang hiện hữu nơi không gian này “những người muôn năm cũ”, và những con người “sống trung liệt thác anh linh/ suối vàng thơm phách mây xanh thỏa hồn” đó luôn dõi theo mình, để khích lệ để nhắc nhớ.
Mỗi nhà văn tại ngũ Nhà số 4 ý thức sâu sắc, rằng tờ tạp chí mà mình đang góp sức làm hôm nay đã từng là sách gối đầu giường, là món ăn tinh thần không thể thiếu của không chỉ bộ đội, là niềm kiêu hãnh của những người làm báo văn nghệ; tòa soạn là thánh đường của những người yêu văn chương; được đứng tên trên Văn nghệ quân đội là niềm mơ ước, là đích phấn đấu của những người cầm bút trên mọi miền đất nước. Thời gian qua, đặc biệt những năm gần đây, Văn nghệ quân đội luôn phát huy truyền thống, củng cố và khẳng định phong độ sắc diện uy tín, sức lan tỏa của mình, thấy rõ qua số lượng phát hành và qua dư luận.
Song hành với việc làm báo trong tư cách là những biên tập viên góp sức cho ra những số tạp chí chất lượng cao, mỗi nhà văn Văn nghệ quân đội tại ngũ còn ý thức cao độ tư cách nhà văn, tư cách cầm bút sáng tác của mình, tiếp bước và bước tiếp các thế hệ nhà văn tiền bối, những thế hệ vàng, những người đã đóng đinh tên tuổi vào thành tựu của nền văn học chống Mỹ, cũng như của nền văn học Đổi mới. Tre già măng mọc, lớp cha trước lớp con sau, nơi địa linh Nhà số 4 này, những thế hệ nhà văn cứ nối/gối nhau ghi danh lên tấm bản đồ văn chương, dự phần viết nên lịch sử văn học của dân tộc.
leftcenterrightdel
Các nhà văn trẻ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại Trại sáng tác Tuyên Quang 2018 
Có người từng đặt ra câu hỏi, liệu thế hệ nhà văn 7x, 8x chủ lực của Văn nghệ quân đội hôm nay có sợ cớm nắng bởi những cây cao bóng cả trong lịch sử của tạp chí hay không. Câu trả lời có lẽ là, với tất cả sự khiêm cung và tự tin của mình, thế hệ nhà văn 7x, 8x chủ lực hôm nay ngưỡng vọng để phát huy truyền thống, để viết tiếp truyền thống, chứ không sợ cớm nắng bởi truyền thống. Bởi vì, thế hệ nào có sứ mệnh lịch sử, có việc làm, có đường đi của thế hệ ấy. Nếu cứ sợ cớm nắng bởi Nguyễn Du chẳng hạn thì lịch sử văn học dân tộc đã không được chứng kiến những hiện tượng thơ lục bát như Nguyễn Bính, như Đồng Đức Bốn… Nếu cứ sợ cớm nắng bởi những cây cao bóng cả tiền chiến chẳng hạn thì đã không hiển lộ những cây cao bóng cả tiền bối của Nhà số 4. Và nếu sợ cớm nắng bởi những cây cao bóng cả tiền bối của Nhà số 4 thì đã không bung trổ một thế hệ nhà văn mới đang hiện diện tại đây, ngày hôm nay. Đã là người cầm bút thì ai, thuộc thế hệ nào cũng muốn bung trổ hết mình, tuy nhiên “lực” không phải lúc nào cũng “tòng tâm”…
Những nhà văn Nhà số 4 hôm nay, đặc biệt là nhà văn trẻ, hướng đến thử sức và chinh phục nhiều đề tài khác nhau, chứ không nhất thiết phải theo đuổi duy nhất đề tài chiến tranh và người lính. Họ luôn nỗ lực rút ngắn cự ly tiếp cận, dấn nhập với bề bộn ngổn ngang đời sống để hấp phả hơi thở đương đại vào trang viết, qua đó thực thi quyền lực của văn chương trong việc cập nhật và dự báo thời tiết chính trị, văn hóa-xã hội.  
Nhưng nói gì thì nói, trách nhiệm xã hội của các nhà văn quân đội hôm nay, mà tinh hoa đang dồn tụ ở Nhà số 4, là viết nên những tác phẩm văn học có chất lượng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trong đó người lính, đặc biệt là những người lính thời bình, phải là hình tượng nghệ thuật trung tâm của tác phẩm. Thời gian qua, các nhà văn tại ngũ của Nhà số 4 đã trình xuất nhiều tác phẩm thuyết phục, hoặc trực diện về đề tài chiến tranh và người lính, hoặc có yếu tố chiến tranh và người lính tham gia vào chỉnh thể nghệ thuật tác phẩm, như tiểu thuyết Biển xanh màu lá của Nguyễn Xuân Thủy; các tiểu thuyết “Hoang tâm”, “Xác phàm” của Nguyễn Đình Tú; tiểu thuyết “Cánh chim kiêu hãnh” của Đỗ Bích Thúy; tiểu thuyết “Con chim joong bay từ A đến Z” của Đỗ Tiến Thụy; các tập truyện ngắn “Hương đất nung”, “Những người đốt gạch” và các tập bút ký “Gió đi dưới trời”, “Nơi ước mơ hẹn gặp”, Những liệt sĩ thời bình của Phùng Văn Khai; tiểu thuyết “Ngược sáng” và tập bút ký “Trường Sa trong mắt trong” của Nguyễn Mạnh Hùng; tập bút ký “Mùa tân binh” của Uông Triều; trường ca “Bình nguyên đỏ” của Lý Hữu Lương; trường ca “Sóng trầm biển dựng” của Đoàn Văn Mật; tập thơ “Thức cùng tưởng tượng” của Nguyễn Thị Kim Nhung; các tập tiểu luận-phê bình “Văn học và người lính”, “Tiểu thuyết và chiến tranh”, “Văn học và chiến tranh” của Nguyễn Thanh Tú, “Văn chương nhìn từ Nhà số 4” của Đoàn Minh Tâm, “Bên gốc đại Nhà số 4” của Hoàng Đăng Khoa, “Ngọn sáng” của Nguyễn Thanh Tâm; và rất nhiều tác phẩm lẻ là truyện ngắn, bút ký, thơ, tiểu luận-phê bình chưa xuất bản thành tập của các tác giả kể trên và các tác giả còn lại.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn mà nói rằng, những nhà văn Nhà số 4 tại ngũ đã và đang gây ấn tượng trên văn đàn nhiều khi lại không phải là bằng những tác phẩm đề tài chiến tranh và người lính. Nhắc đến Nguyễn Bình Phương là nhắc đến những tiểu thuyết ma mị về vô thức bản năng... Nhắc đến Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa là nhắc đến những tác phẩm về dân tộc và miền núi. Nhắc đến Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy là nhắc đến những tác phẩm đề tài xã hội nóng bỏng. Nhắc đến Phùng Văn Khai, Uông Triều, Đinh Phương là nhắc đến những tác phẩm đề tài lịch sử. Nhắc đến Đỗ Tiến Thụy là nhắc đến những tác phẩm về rừng ruộng… 
Như vậy, tiếp tục đề tài chiến tranh và người lính, đặc biệt là dấn nhập để có được những tác phẩm dài hơi đầy đặn vạm vỡ phản ánh một cách chân thực sinh động người lính ở-thì-hiện-tại đang là một đòi hỏi kỳ vọng lớn của xã hội đối với các nhà văn quân đội, trước hết là những nhà văn tại ngũ Nhà số 4.
SÔNG GIANH