Thêm lửa hy vọng
“Mùa cát vọng” với tên quốc tế là “The Future Cries Beneath Our Soil” lấy bối cảnh ở một ngôi làng nghèo thuộc khu phố An Hưng, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị-vùng đất chịu hậu quả nặng nề bởi chiến tranh. Bộ phim xoay quanh cuộc sống thường ngày có phần khác thường của 4 người đàn ông thường tụ họp trong một ngôi nhà không có cửa, uống rượu, đàm đạo, chơi đàn và hồi tưởng về quá khứ.
Bộ phim lấy cảm hứng từ những rung động và sự ám ảnh của nữ đạo diễn: “Khi tôi đặt chân đến Quảng Trị và gặp chú Thanh nhạc sĩ và những người bạn, tôi đã biết ngay đây là nhân vật của mình và căn nhà đơn sơ của chú chính là địa điểm mình sẽ quay phim!”. Từ đó, đạo diễn Phạm Thu Hằng làm phim về đề tài hậu chiến bằng một góc nhìn khác, một góc nhìn không hề có tiếng súng. Bởi chị hiểu rằng: Dấu vết chiến tranh sẽ nặng nề hơn khi mình có thể cảm nhận được nhưng không nhìn thấy được!
    |
 |
Poster của bộ phim “Đi tìm Phong” - sắp được ra rạp tại Việt Nam. |
Được thực hiện từ năm 2014 và quay rải rác trong 4 năm, “Mùa cát vọng” đã khéo léo ghi lại bóng tối của chiến tranh qua những câu chuyện dung dị, thường nhật. Phạm Thu Hằng từng là nhà nghiên cứu ở Việt Nam, sau đó tốt nghiệp một chương trình học thạc sĩ PTL ở Bồ Đào Nha, Hungary và Bỉ. Sau “Mùa cát vọng”, Phạm Thu Hằng đang chuẩn bị thực hiện bộ phim kể về những người bị bệnh phong.
Gian nan nhưng không đơn độc
Nhắc tới PTL Việt Nam, không thể không kể đến: “Chìm nổi sông Hương”, “Những cô gái Ngư Thủy” hay “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”-những bộ PTL “kinh điển” đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, thể loại PTL độc lập này dường như biến mất trên thị trường phim Việt Nam.
Cho đến giữa năm 2000, PTL độc lập bắt đầu nhen nhóm ở cộng đồng làm phim tự do, tạo làn gió mới với những đề tài gai góc vốn ít được đề cập ở những bộ phim điện ảnh. Tinh thần của phim độc lập chính là cách tiếp cận sâu với hiện thực, mạnh dạn mở rộng và thể hiện đậm nét dấu ấn cá nhân của tác giả. Do đó, các tác phẩm này luôn đưa đến góc nhìn đa chiều về những vấn đề trong xã hội đương đại.
Đánh dấu sự phát triển trở lại của dòng phim này chính là PTL “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm thực hiện trong 5 năm từ năm 2009 đến 2014, kể về cuộc mưu sinh của những người đồng tính ở gánh hát lô tô. Tác phẩm từng đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan PTL Đông Nam Á Chopshots ở Indonesia; lọt vào vòng tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Điện ảnh tài liệu lần thứ 36 tại Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, PTL được phát hành thương mại, chinh phục đông đảo người xem.
Tiếp sau đó là những cái tên: “Đi tìm Phong” của đạo diễn Trần Phương Thảo, “Lửa Thiện Nhân” của Đặng Hồng Giang hay “Tiếng hát sau những chấn song” của đạo diễn Đào Thanh Hưng. Tuy luôn phải đối mặt với vấn đề khó khăn về ngân sách làm phim nhưng với niềm đam mê cháy bỏng, nhiều con đường đã dẫn mở ra với dòng PTL độc lập ở Việt Nam. Như đạo diễn Trần Phương Thảo (phim Đi tìm Phong) đã tiếp cận quỹ hỗ trợ PTL độc lập của Canada; đạo diễn Nguyễn Thị Thắm (Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng) xin quỹ làm phim ở Pháp…
Cũng như bao dự án PTL độc lập khác, “Mùa cát vọng” cũng phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là kinh phí để làm phim. Đạo diễn Phạm Thu Hằng đã phải mang dự án “Mùa cát vọng” đi thuyết trình tại nhiều diễn đàn, hội thảo về PTL độc lập ở nước ngoài để có thể kiếm tìm nguồn vốn cho dự án. Sau nhiều chuyến đi, cuối cùng chị được 3 quỹ điện ảnh của Hàn Quốc tài trợ kinh phí làm phim.
Cùng với “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” và “Lửa Thiện Nhân”..., “Mùa cát vọng” đã tiếp tục trở thành ngọn lửa đầy hy vọng để tiếp sức cho dòng PTL độc lập của Việt Nam.
MINH ANH