QĐND - Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hơn thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng hồ sơ để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” của nhân loại. Lộ trình của việc xây dựng hồ sơ cho nghề làm tranh dân gian Đông Hồ dự kiến sẽ được hoàn tất vào khoảng cuối năm 2014. Đây không chỉ là một tin vui với người Đông Hồ, còn là niềm tự hào, niềm hy vọng của người dân Việt trước việc một di sản văn hóa phi vật thể dân tộc được bổ sung vào kho tàng văn hóa phi vật thể thế giới.
 |
Tranh Đông Hồ “Mục đồng thổi sáo”. |
Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái. Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, dân làng Mái rất trọng lời ăn tiếng nói, trên dưới thưa gửi rất rõ ràng.
Làng còn có cả những làn điệu dân ca của riêng mình: “Hỡi anh đi đường cái quan/ Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu/ Mua tờ tranh điệp tươi màu/ Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều”.
Cả nhà thơ trào phúng số 1 trong lịch sử văn học Việt Nam - Tú Xương - cũng phải có đôi dòng về làng Mái: “Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loẹt lòe trên vách bức tranh gà”.
Đông Hồ có nghề làm tranh từ nửa thiên niên kỷ qua. Người Đông Hồ luôn tự hào với sản vật ấy. Bởi cái lẽ, đề tài của tranh Đông Hồ phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi, gắn liền với văn hóa người Việt. Tranh Đông Hồ luôn bám sát thời cuộc, từ tranh châm biếm như: “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”, “Hứng dừa”, cách nay vài trăm năm, đến những tranh “Trai tứ khoái”, “Gái bảy nghề”... vẽ về thói sinh hoạt đàng điếm của đám trai gái thành thị thời thực dân Pháp, đến các tranh thể hiện cuộc sống thuần chất người nông dân Việt Nam cần cù chịu khó… Đó là cách cảm, cách nghĩ tinh tế của những nghệ nhân làng Mái xưa đã khéo léo vận dụng sự sáng tạo của mình để đấu tranh, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, đồng thời cũng thể hiện khát vọng và tình yêu quê hương đất nước qua đường nét, màu sắc trên từng bức tranh.
Tranh Đông Hồ đặc biệt còn bởi tranh được vẽ trên giấy điệp với những màu sắc tự nhiên. Giấy dó làm từ vỏ cây dó, phủ lên một lớp bột làm từ vỏ điệp. Màu vẽ hoàn toàn làm từ chất liệu tự nhiên như: Màu xanh từ lá chàm, màu đỏ từ sỏi son, màu đen từ than lá tre, màu vàng từ hoa hòe, màu trắng từ vỏ điệp… Người làm tranh rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: Sơn hồ lên giấy, phơi sấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho lớp điệp khô, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in phải là một lần phơi… Bởi sự tinh tế, cầu kỳ trong khâu thực hiện cùng với những đường nét vẽ giản dị nhưng đầy cuốn hút, tranh Đông Hồ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ cho đến ngày hôm nay.
 |
Tranh Đông Hồ “Đàn lợn”. |
Dù được coi là niềm tự hào của xứ kinh Bắc, nhưng nghề tranh Đông Hồ cũng không tránh khỏi quy luật nghiệt ngã của cơ chế thị trường, thời những sản phẩm công nghệ lấn át những sản phẩm thủ công. Thời kỳ cực thịnh của dòng tranh Đông Hồ là thập niên 30-40 của thế kỷ trước. Khi đó, 17 dòng họ trong làng Đông Hồ đều làm tranh. Mỗi năm phiên chợ bán tranh của làng chỉ họp năm phiên, mỗi phiên năm ngày vào dịp tháng Chạp để bán cho khách thập phương. Để chuẩn bị cho phiên chợ, cả làng tất bật từ tháng bảy âm lịch. Sân nhà, sân đình, triền đê sông Đuống bừng lên năm sắc màu cơ bản: Sắc đỏ của sỏi son, sắc xanh từ lá chàm, sắc vàng của hoa hòe, mầu đen của rơm nếp và lá tre, mầu trắng óng ánh từ vỏ sò, vỏ điệp. Đến những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tranh Đông Hồ bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn. Những bản khắc cổ có giá trị đã bị hư hỏng, thất lạc rất nhiều. Từ năm 1970 đến 1985, tranh Đông Hồ được xuất sang 12 nước XHCN. Thời kỳ này, việc xuất khẩu tranh đạt được kết quả nhiều nhất. Và đến hiện nay, cả làng Đông Hồ chỉ còn rất hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam vẫn bám trụ lại với nghề, nhưng không phải để sống bằng nghề mà chỉ vì mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.
Trong một nỗ lực khôi phục nghề làm tranh ở Đông Hồ, cách đây hơn chục năm, Câu lạc bộ làng tranh được thành lập với 20 hội viên nhằm mục đích tổ chức dạy nghề, quản lý và bán tranh tại đình làng. Câu lạc bộ được Tổng cục Du lịch hỗ trợ 50 triệu đồng, xã trích ngân sách 15 triệu đồng và vận động nhân dân đóng góp 20 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, câu lạc bộ hầu như không hoạt động, chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Với hơn 400 năm lịch sử, làng tranh Đông Hồ xứng đáng là một sản vật dân gian tiêu biểu của nền văn hóa dân tộc. Việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghề làm tranh Đông Hồ là “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” hết sức cần thiết. Đó sẽ là tiền đề cho việc xây dựng những kế hoạch bảo tồn, phát triển cho nghề làm tranh khắc gỗ. Bên cạnh đó, nếu được UNESCO công nhận, tranh Đông Hồ sẽ có thêm những cơ hội mới vươn ra thế giới qua các sản phẩm lưu niệm, từ đó sẽ có những cơ hội mới để phát triển và bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo có truyền thống của dân tộc.
NGUYỄN THÀNH CHUNG