Từ “Tài sản nước cộng hòa”
Tháng 9-2013, khi đang làm việc ở Báo Công an nhân dân, tôi rất vui khi nhận được lời mời của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tham gia nhóm công tác sang Moscow để tìm hiểu về dự án “Tài sản nước cộng hòa” đang phát trong giai đoạn đó và rất ăn khách trên kênh truyền hình Nga Pervyi Kanal. Phải rất cảm ơn lãnh đạo VTV, đặc biệt là Tổng giám đốc Trần Bình Minh, người bạn chí cốt một năm chỉ gặp mặt vài lần nhưng rất hiểu và quý nhau, cùng chung một tình yêu vô bờ bến đối với những gì thuộc về văn hóa Nga và văn hóa Nga Xô viết. Anh Minh có lẽ cũng muốn tham khảo thêm ý kiến của một nhà thơ như tôi để VTV “Việt hóa” một chương trình nghệ thuật Nga sao cho hợp?
Đó là một chuyến đi rất bổ ích. Nhóm công tác không đông người, do anh Trịnh Lê Văn-lúc đó đang là Trưởng ban Văn nghệ VTV-làm chỉ huy. Tham gia nhóm, ngoài tôi ra còn có các bạn ở các bộ phận chức năng của VTV và đặc biệt là có chị Lê Nga, từng tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật VGIK ở Moscow cùng chồng là đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Mọi thành viên trong đoàn đều có những nhiệm vụ cụ thể mà VTV giao cho. Riêng tôi, có lẽ vì là nhà thơ nên được tùy nghi cảm nhận, không phải thực hiện việc gì cụ thể... Ở Moscow, nhóm đã được anh Duy Nghĩa, phóng viên thường trú của VTV tại SNG rất nhiệt tình chăm sóc và hướng dẫn trong mọi giao tiếp và sinh hoạt...
 |
Chương trình thu hút sự tham gia của nhiều nhà phê bình văn học-nghệ thuật. Ảnh: ĐỨC KIÊN |
Lần đầu tiên trong đời tôi được tiếp xúc gần đến thế với công việc ở Ostankino và biết thêm nhiều điều thú vị về dự án “Tài sản nước cộng hòa” mà bản thân tôi cũng rất thích xem trên truyền hình Nga. Nhan đề dự án lấy lại tên của một bộ phim hành động phiêu lưu hai tập vốn rất nổi tiếng thời Xô viết, nói về giai đoạn nội chiến. Phim “Tài sản nước cộng hòa” ra mắt khán giả tháng 4-1972, cốt truyện ly kỳ, lại có sự tham gia của những ngôi sao hàng đầu của nền điện ảnh Xô viết, như: Andrey Mironov, Oleg Tabakov, Evgueni Evstigneyev... nên rất thu hút người xem. Tên phim trong tiếng Nga vì thế cũng đã trở thành gần như một thuật ngữ mang tính đời thường: Khi muốn đánh giá cao ai đó tài năng thì người ta bảo, đấy là “tài sản nước cộng hòa”...
Dự án truyền hình “Tài sản nước cộng hòa” đã phát sóng chương trình đầu tiên ngày 6-9-2009 và tồn tại tới ngày 25-9-2016. Dẫn chương trình liên tục từ đầu tới cuối là hai gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ Nga, Nghệ sĩ Nhân dân Yuri Nikolaev (sinh năm 1948) và Dmitry Shepelev (sinh năm 1983). Mỗi lần phát sóng được bắt đầu bằng tiết mục cặp đôi MC trình bày trích đoạn đầu tiên từ bài hát “Ca khúc vòng quanh” của nhạc sĩ Oscar Feltsman, phổ thơ Mikhail Tanits và Igor Shaferan, từng quen thuộc qua giọng hát nam danh ca Eduard Khil... Đó như là nhạc hiệu truyền thống của chương trình, rất có sức thu hút.
 |
Nhà thơ Hồng Thanh Quang trong trường quay "Giai điệu tự hào". Ảnh: QUANG CƯỜNG |
Ở giai đoạn đầu, từ năm 2009 đến giữa năm 2010, mỗi lần phát sóng đều được xây dựng xung quanh một số ca khúc Nga Xô viết và ca khúc Nga được người nghe ưa chuộng. Mỗi lần phát sóng giới thiệu một tuyển chọn từ một thập niên, bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Còn có một số chương trình xây dựng theo thể loại, ví dụ như tình ca đô thị hay những bài hát thời chiến...
Trong mùa phát sóng thứ hai, chủ đề chương trình đã được thay đổi và được xây dựng cả theo danh mục tác phẩm sáng tác của các nhạc sĩ... Tham gia hội đồng tranh luận của các lần phát sóng là những người quen biết của các ca sĩ tham gia chương trình và các nhà báo, nhà thơ trẻ... Cuối mỗi lần phát sóng lại tổ chức bình chọn bài hát yêu thích nhất từ những tiết mục vừa được trình bày. Và cuối mỗi mùa phát sóng lại chọn ra danh mục chương trình gala từ những bài hát đã được chọn. Bài hát được nhiều người yêu thích nhất sẽ được tôn vinh ở cuối chương trình gala... Từ mùa phát sóng thứ ba, hình thức chương trình vẫn được giữ nguyên nhưng nội dung đã mở rộng ra thêm, dành cho cả các danh ca và các nhà thơ, những người soạn lời cho các ca khúc...
Các bài hát được phát trong “Tài sản nước cộng hòa” đi kèm phần lời hiện song song trên màn hình để người nghe có thể hiểu rõ hơn nội dung của chúng. Và những người có mặt tại trường quay cũng như khán giả màn ảnh nhỏ, thông qua tin nhắn được cùng tham gia bình chọn những tác phẩm mà mình yêu thích nhất. Điều này thực ra cũng quen thuộc. Nét đặc sắc của các chương trình “Tài sản nước cộng hòa” mùa đầu là sự tham gia thảo luận của hai hội đồng, lớn tuổi và trẻ tuổi. Thành phần của hai hội đồng này là những gương mặt có sức nặng xã hội, làm các ngành nghề khác nhau, có đời sống và theo những xu hướng tư duy khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau... Trong hội đồng thảo luận trẻ có không ít người mà trước đó, thậm chí còn chưa từng nghe một số bài hát rất phổ biến được giới thiệu trong chương trình... Bởi thế, các ý kiến phát biểu thường rất nặng tính chủ quan, mang dấu ấn cá nhân rõ rệt và hay làm nảy sinh những đụng độ góc nhìn lắm khi quyết liệt... Trong các mùa sau, phần thảo luận diễn ra bớt tính phản biện lẫn nhau nhưng bù lại, có nhiều chi tiết đời sống và cảm xúc. Và cũng không kém phần sôi nổi.
Trong một nước Nga đương đại với nhiều định hướng chính trị, xã hội và văn hóa khác với thời còn tồn tại Liên bang Xô viết, những ca khúc như một phần di sản nghệ thuật từ thời trước để lại, thông qua cách cảm nhận của người nghe bây giờ giúp thấy rõ thêm rất nhiều điều nhân tình thế thái. Và sự khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong ý kiến của những khán giả khi cùng thảo luận về các bài hát vừa nghe đã tạo nên kịch tính, sự sống động, thành thật và lôi cuốn của cả chương trình. Qua đó có thể thấy rõ thêm “nhiệt độ tâm trạng” của xã hội đương thời. Đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi, có lẽ vì điều này chăng mà anh Trần Bình Minh đã quyết định để VTV mua bản quyền “Tài sản nước cộng hòa”?
Cuối mỗi lần phát sóng là một ca khúc nước ngoài nổi tiếng qua sự thể hiện của các nghệ sĩ ngoại quốc hoặc chính các nghệ sĩ Nga... Những ca khúc nhận được nhiều bình chọn nhất từ phía hai hội đồng thảo luận, khán giả trong trường quay và khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được đưa vào chung kết. Ngày 30-5-2010 đã công bố người thắng cuộc đầu tiên của dự án “Tài sản nước cộng hòa”: Ca khúc “Chỉ có khoảnh khắc”, lời thơ Leonid Derbenev, nhạc của Aleksandr Zatsepin, qua sự thể hiện của ca sĩ Oleg Anofrief. Giành chiến thắng trong mùa thứ hai là bài hát “Giai điệu” của nhà thơ Nikolai Dobronravov và nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova qua sự thể hiện của ca sĩ Nikolai Noskov. Trong mùa thứ ba, ca khúc “Vĩnh cửu xanh” lấy từ chương trình biểu diễn của nam danh ca Muslim Magomayev qua sự thể hiện của nữ ca sĩ người Gruzia, Tamara Gverdtsiteli. Trong mùa thứ tư, giành chiến thắng là ca khúc “Ngày chiến thắng” lấy từ chương trình biểu diễn của ca sĩ Lev Leshchenko qua sự thể hiện của chính ông...
Tới mùa phát sóng 2014-2015, dự án “Tài sản nước cộng hòa” không sản xuất thêm chương trình phát sóng mới mà chỉ cho phát những chương trình cũ. Nửa cuối năm 2015, dự án lại cho ra mắt một vài chương trình mới nhưng rồi đã phải chấm dứt sự tồn tại của mình vì như chính các chủ nhân của dự án tâm sự, những gì xứng đáng trong gia tài âm nhạc thì đã làm hết cả rồi... Nếu tiếp tục làm thì chắc chắn sẽ không còn đủ tầm vóc và sức hấp dẫn như cũ nữa. Và không thể theo phương thức của “Tài sản nước cộng hòa”...
Khách mời chuyên nghiệp
Thực tế trường quay của “Tài sản nước cộng hòa”, nhóm công tác của VTV được đối tác Nga dẫn vào tham quan trường quay, giới thiệu cặn kẽ quy trình và phương thức tổ chức chương trình. Trong trường quay được lắp ghép cụ thể mỗi đợt cho vài ba lần phát sóng, bạn làm mọi việc theo kiểu dây chuyền công nghiệp, quay riêng từng phần như ca sĩ biểu diễn, rồi dẫn chương trình, rồi phần thảo luận của khách mời... Khán giả của chương trình là những nhân công được trả tiền (cũng không nhiều lắm), thường là những người lớn tuổi, quen thuộc với Ostankino, luôn sẵn sàng làm bất cứ một động tác biểu cảm cần thiết mà đạo diễn chương trình yêu cầu... Các nghệ sĩ tham gia chương trình tới trường quay theo lịch riêng thuận tiện cho họ và khi họ tới, mọi công việc khác phải dừng để họ biểu diễn rồi đi “như cơn gió”... Những khách mời ở các chương trình mà tôi được chứng kiến, tiến hành phần thảo luận một cách độc lập với các tiết mục, như thể họ đã xem trước rồi... Họ nói và tranh luận với nhau một cách có vẻ như ngẫu hứng, không có sự can thiệp của dẫn chương trình... Với không ít người trong số các khách mời này, đó là một công việc mang tính chuyên nghiệp nhiều hơn là những tâm huyết cá nhân từ xúc cảm...
Hai người dẫn chương trình cùng nhau làm một lèo hết tất cả lời giới thiệu giữa các tiết mục. Theo cảm nhận của tôi, họ giống những nghệ sĩ biểu diễn hơn là người dẫn chương trình vì lời dẫn hiện ra trước mặt họ trên một màn ảnh riêng, họ chỉ việc nhìn vào và đọc sao cho giống như đang ngẫu hứng nói... Lời dẫn đã được biên soạn rất chắc tay, không cần phải thêm và không được bớt bất cứ từ nào... Yuri Nikolaev và Dmitry Shepelev làm rất xuất sắc việc này. Đôi khi họ cũng phải sử dụng đến hai, ba đúp nhưng thường là “phát một ăn ngay”...
Với cách làm đó, từ trường quay tới chương trình phát sóng là một quãng đường không ngắn mà trách nhiệm rất nặng nề là ở những người dựng hình và biên tập... Nói thật là tôi rất ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến từ những phần được thực hiện ở trường quay, về sau đã được dựng ghép rất khéo léo và sinh động thành các chương trình phát sóng hấp dẫn và rực rỡ của dự án “Tài sản nước cộng hòa”.
Nhìn chung, những gì tai nghe mắt thấy càng làm hài lòng hơn những người trong nhóm công tác của VTV. Và với quyết tâm của Tổng giám đốc Trần Bình Minh, VTV đã ký ngay với đối tác Nga để mua bản quyền “Tài sản nước cộng hòa” vào tháng 10-2013.
“Giai điệu tự hào”: Không chọn cách làm dễ
Ở Việt Nam, lãnh đạo VTV đã quyết định chọn tên chương trình là “Giai điệu tự hào”. Một cái tên rất hay theo định hướng tuyên truyền, giúp công việc xây dựng nội dung dễ dàng hơn nhưng cũng là một điều kiện khiến cho việc này trở nên không đơn giản khi phải khai thác di sản âm nhạc từ quá khứ có nhiều biến động lịch sử của đất nước trong những thập niên qua. Và cũng tạo thêm lý do để va đập các góc nhìn trong phần thảo luận, tạo thêm sức hút cho chương trình.
Phải nói rằng, lực lượng tham gia sản xuất chương trình, theo những gì tôi cảm nhận được, đã là rất “oách”. Và họ cũng đã không chọn cách làm dễ vì muốn tạo nên một dấu ấn khác, không chỉ về nghệ thuật mà cả về nhận thức xã hội. Trong giai đoạn đầu, đơn vị được chọn để phối hợp với VTV thực hiện dự án là công ty Motion Media. Giám đốc ý tưởng là nhà thơ Phan Huyền Thư, người luôn luôn sôi sục những ý tưởng phản biện nhưng cũng rất biết hòa nhã để công việc trôi chảy. Phần việc của Phan Huyền Thư khá nặng vì lắm lúc đòi hỏi phải cực kỳ có bản lĩnh và cứng cỏi để tạo dựng được một nội dung và nghệ thuật xứng tầm như mong muốn... Hòa âm, phối khí là các nhạc sĩ Quốc Trung, Thanh Phương, Lưu Hà An, những người đã tìm thấy sân chơi rất đắc ý cho mình ở “Giai điệu tự hào”... Đạo diễn Phạm Hoàng Nam là cố vấn của chương trình. Những nghệ sĩ tham gia biểu diễn cho chương trình được chọn lựa kỹ càng và khó tính nên chất lượng nghệ thuật rất cao, rất mới mẻ nhưng không bị xa lạ ngay cả với những khán giả có xu hướng hoài cổ...
Một sự đặc biệt cố gắng của những người làm chương trình trong giai đoạn đầu là việc lên danh sách các khách mời tham gia hai hội đồng bình luận. Đó không chỉ đơn thuần là những danh sĩ quen thuộc mà cả những trí thức trẻ với những góc nhìn thanh xuân và thanh tân đến mức dễ gây tranh biện của mình. Có lẽ ít khi trên màn ảnh nhỏ ở nước ta lại có thể diễn ra việc trình bày suy tư, tâm huyết một cách cởi mở và bạo dạn như thế. Việc này dĩ nhiên cũng tạo sức ép không nhỏ lên vai những người có trách nhiệm với chương trình, nhưng theo tôi, đó chính là cái sự được của “Giai điệu tự hào”: Không chỉ nới rộng không gian nghệ thuật mà còn giúp cởi mở hơn trong cách nhìn về các sự kiện lịch sử, xã hội và những vấn đề thời sự trong đời sống đương đại... Nguyên tắc “đi sát mép nước mà không để ướt chân” đã được áp dụng ở đây, đôi lúc khá mạo hiểm nhưng nhìn chung, vẫn đủ độ an toàn nhờ khâu biên tập kỹ càng và cẩn trọng...
Dẫn bằng niềm yêu thích
Mãi tới cuối năm 2013, trước khi chương trình “Giai điệu tự hào” bấm máy không lâu, tôi mới nhận được lời mời làm người dẫn cùng với chị Hà Thu Nga, một mỹ nhân quen thuộc trên màn ảnh nhỏ và với MC nổi tiếng Quỳnh Hoa khi chị Nga tạm rời sân khấu vì bận... mang bầu. Hình như nhà sản xuất trước khi quyết định mời tôi tham gia cũng đã thử các phương án khác. Trả lời phỏng vấn về việc này, tôi vui vẻ nói một cách nghiêm túc rằng: “Tôi nghĩ mình không phải là lựa chọn tốt nhất nhưng là sự lựa chọn cuối cùng còn lại”. Thực sự, tôi đã nhận lời làm người dẫn chương trình là do niềm yêu thích và vì nó gần với quan điểm đạo đức, thẩm mỹ của tôi.
Và tôi đã làm MC của chương trình “Giai điệu tự hào” từ đầu cho tới số tháng 5-2015, khi phải ngậm ngùi chia tay vì lý do công việc chuyên môn ở cơ quan chính.
Với tôi, đó là quãng thời gian rất lý thú mà tôi không thể nào quên.
HỒNG THANH QUANG