Sau những lùm xùm, rắc rối, ông được UBND TP Hồ Chí Minh điều về làm phó tổng giám đốc một doanh nghiệp xây dựng lớn của thành phố, nhưng ông đã khẳng khái từ chức ngay lập tức vì cho rằng, tổ chức đã điều động mình giữ một chức vụ không phù hợp với chuyên môn. Sự việc này từng gây “bão” dư luận cuối năm 2019 và cuối cùng ông Đoàn Ngọc Hải đã xin nghỉ việc, chấm dứt những đồn đoán ác ý cho rằng ông “vùng vằng” với tổ chức và vẫn “ham chức ham quyền”. Nói như ngôn ngữ đời thường, ông Đoàn Ngọc Hải đã “về vườn” để giữ danh dự của mình.

Những chức vụ ông Đoàn Ngọc Hải từng nắm giữ tuy chưa phải là to, chưa được tính vào hàng ngũ cán bộ cao cấp nhưng cũng không phải là nhỏ. Với danh tiếng của mình, sau khi “về vườn”, những người như ông Đoàn Ngọc Hải thường có 3 “lối đi”: Một là tiếp tục giữ gìn tư cách người cán bộ, đảng viên, tiếp tục làm việc, đóng góp xây dựng xã hội theo hướng tích cực. Hai là “cáo quan ở ẩn”, “mai danh ẩn tích”, không xuất đầu lộ diện chốn đông người, sống “bầu rượu túi thơ” không màng thế sự. Ba là quan sát, chiêm nghiệm thế sự, sử dụng mạng xã hội và sự quan tâm của báo chí để bình luận, phê phán xã hội; thậm chí tham gia vào các nhóm “dân chủ cuội” như một số trí thức về hưu khác, bắt đầu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Thực lòng, tôi rất lo ông Đoàn Ngọc Hải sẽ trượt vào “con đường” thứ ba. Đây là sự trượt ngã mà không ít cán bộ, trí thức sau khi “về vườn” đã dính vào. Có vị chủ động tìm đến với nhóm “dân chủ cuội”, nhưng có vị thì trượt dần dần rồi trượt hẳn. Ví dụ, có vị đã làm đến chức thứ trưởng, nhưng nghỉ hưu thì bắt đầu “phản tỉnh”, nói những điều trái ngược với chính nhận thức của mình khi đương chức. Lại có vị hàm thứ trưởng, chỉ vì “dỗi” với tổ chức khi không được lên cấp trưởng đã viết đơn xin nghỉ việc, đi làm cho khu vực tư nhân, mở ra một chương trình từ thiện cho học sinh miền núi, từ đó nhận tài trợ của nước ngoài cho chương trình từ thiện, dần dần “trượt ngã” lúc nào không hay...

Nhưng ông Đoàn Ngọc Hải đã không chọn “con đường” thứ ba. Ít nhất cho đến giờ phút này, ông đã thể hiện mình vẫn giữ được danh dự, phẩm chất của người đảng viên. Sau khi “về vườn”, ông bán các vật dụng cá nhân, dành dụm tiền mua xe ô tô để chở miễn phí bệnh nhân nghèo. Vừa rồi, ông đã chở miễn phí một bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về quê tận Hà Giang. Hành trình 600km của người tài xế thiện nguyện từng “hét ra lửa” ấy được cộng đồng nồng nhiệt ghi nhận. Ông Đoàn Ngọc Hải cũng bỏ tiền túi ra giúp đỡ rất nhiều đồng bào nghèo trên cả nước.

Từ một cán bộ “nói có người nghe, đe có người sợ”, giờ tự lo “cơm đùm cơm nắm”, chọn ăn ngủ ở các khách sạn bình dân để đi làm tài xế từ thiện, tôi đồ rằng, trong xã hội không mấy người làm được như thế.

Tôi thầm ước ao ông Đoàn Ngọc Hải sẽ luôn giữ được mình, hãy làm từ thiện vô tư, đúng với sức mình, không ồn ào, không náo động. Tôi cũng rất mong tổ chức đảng nơi ông Đoàn Ngọc Hải sinh hoạt thực sự quan tâm đến ông, vừa là chỗ dựa chính trị, định hướng để ông Đoàn Ngọc Hải luôn vững vàng trên con đường cống hiến.

Chúng ta biết rằng, một âm mưu hiểm độc mà các thế lực thù địch với Việt Nam đang ráo riết tiến hành là dựng lên những “ngọn cờ phản kháng”. Chúng tìm cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất tinh vi đối với những cán bộ, đảng viên “về vườn” hoặc bị kỷ luật. Một “ngọn cờ” tự nổi như ông Đoàn Ngọc Hải chắc chắn sẽ là “miếng mồi” mà các thế lực thù địch đang hướng đến.

Vui mừng, xúc động về những việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải nhưng chúng ta vẫn canh cánh những nỗi lo! Hy vọng ông Đoàn Ngọc Hải luôn giữ được bản lĩnh chính trị của mình.

NGUYỄN HỒNG