Một cảnh trong vở “Hoa biển” của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa trình Bộ VH-TT kế hoạch “xã hội hóa” hệ thống các đơn vị nghệ thuật công lập. Theo đó, từ nay cho tới năm 2010 số đơn vị sân khấu công lập sẽ giảm từ 128 xuống còn 60 đơn vị. Phần lớn những đơn vị công lập được giữ lại là các bộ môn kịch hát dân tộc. Còn lại, một nửa các đơn vị sân khấu công lập hiện nay sẽ phải “tự bơi tự sống”. Cuộc Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc lần thứ nhất vừa qua đã chứng tỏ hướng đi tất yếu của nghệ thuật biểu diễn, đó là phải xã hội hóa.

“Sức ì” ngay từ trong ý thức

Trong kế hoạch của Liên hoan sân khấu xã hội hóa (SKXHH) sẽ có đại diện của các nhà hát thuộc Bộ VH-TT tham dự, để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của các đơn vị xã hội hóa. Vậy mà tham dự chỉ lèo tèo vài ba người, sân khấu phía Bắc chỉ thấy có 2 vị giám đốc và phó giám đốc của 2 nhà hát. Liên hoan của lực lượng SKXHH có nhiều cái khác so với các liên hoan lần trước. Trong khi các vở diễn của nhiều đơn vị công lập sau khi tham gia liên hoan hội diễn thì có thể bị bỏ cất kho, thì các vở diễn tại LH lần này đều là những vở diễn có tuổi thọ và doanh thu cao. Vở Số đỏ của Công ty cổ phần sân khấu-điện ảnh Vân Tuấn có tới 120 buổi diễn. Hãy khóc đi em, Trái tim nhảy múa là 2 trong 10 vở đạt doanh thu cao nhất trong năm 2005 của kịch Idecaf. Riêng vở Ra giêng anh cưới em của Công ty TNHH Nụ Cười Mới đã đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng. Đây cũng là lần đầu tiên, một cuộc LH tầm cỡ quốc gia tổ chức bán vé và có doanh thu.

Ngay như quan niệm dựng và diễn của các đơn vị SKXHH cũng xóa bỏ những hàng rào quan niệm cũ. Chính vì vậy mà LH đã xuất hiện nhiều đạo diễn trẻ có tài năng như Đức Thịnh, Vũ Minh... Ngoài những tên tuổi “sao” đã định hình với thương hiệu của từng đơn vị như : NSƯT Thành Lộc, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Thành Hội (Idecaf), NSƯT Hồng Vân, NSƯT Bảo Quốc (Kịch Phú Nhuận), NSƯT Việt Anh, NSƯT Ngọc Giầu (Kịch Sài Gòn) thì hàng loạt những ngôi sao tài năng trẻ có cơ hội khoe tài: Thanh Thúy, Tăng Bảo Quyên, Thanh Vân, Ngọc Trinh, Thúy Nga… Sự năng động trong quản lý và công tác tổ chức biểu diễn, tài tiếp thị quảng cáo, nắm bắt thị hiếu của khán giả đã giúp cho những sân khấu như Idecaf, Vân Tuấn, Kịch Sài Gòn… phát triển mạnh và tạo nên những khán giả riêng cho sân khấu của mình. Việc không có mặt tham dự và tìm hiểu SKXHH của lãnh đạo nhiều đơn vị công lập có thể nhìn nhận trước hết là do sức ì về nhận thức. Hơn thế, sức ì này cũng ở tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại lăn vào thị trường để khẳng định mình bằng tài năng thực sự.

Sân khấu xã hội hóa vẫn cần nhiều động lực

“Cái mà chúng tôi cần, đó là sân khấu xã hội hóa có thể cạnh tranh lành mạnh với các đoàn nghệ thuật công lập bằng những dự án mang tính thực tế! Giá như mỗi năm Nhà nước hỗ trợ tiền cho chúng tôi từ một đến hai vở khoảng 20 – 30 triệu đồng, chúng tôi sẽ xây dựng những tác phẩm đạt tiêu chí theo đơn đặt hàng của Nhà nước!”. NSƯT Hồng Vân – Giám đốc Công ty Vân Tuấn (Kịch Phú Nhuận) tâm sự như vậy. Theo tác giả Lê Duy Hạnh-Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo LH-thì đã tới lúc các đơn vị sân khấu công lập cần phải suy nghĩ về mình. Họ hàng năm được Nhà nước bao cấp tới tiền tỷ trong khi các đơn vị SKXHH chỉ cần được Nhà nước tài trợ 20 – 30 triệu để dàn dựng một vở diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Cái khó nhất của SKXHH là không chủ động về rạp hát, vì hầu hết đều phải đi thuê. Idecaf thuê khán phòng của Viện Trao đổi văn hóa Pháp ở Lê Thánh Tôn và nhà thiếu nhi quận 1 (số 7 Trần Cao Vân). Kịch Phú Nhuận thì đi thuê lại trung tâm văn hóa Phú Nhuận, cả 3 điểm diễn của ông bầu “Phước Sang” cũng phải đi thuê! Chính chuyện thuê mướn mặt bằng là hạn chế khiến các đơn vị ngại đầu tư bởi lẽ khi bỏ một số vốn lớn ra đầu tư nâng cấp rạp chẳng may bị đòi lại điểm diễn thì làm sao thu hồi vốn? Không có một rạp biểu diễn đáp ứng yêu cầu biểu diễn nên các SKXHH khó có thể thực hiện những vở diễn có quy mô hoành tráng, hiện đại như ý.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: Trong năm nay ngành VH-TT sẽ hoàn tất dự án xây dựng các Trung tâm nghệ thuật biểu diễn. Dự kiến sẽ có khoảng 10 trung tâm biểu diễn lớn trên khắp các vùng miền trên toàn quốc với quy mô chứa số lượng từ 5.000 đến 10.000 người. Hai trung tâm biểu diễn lớn sẽ được xây dựng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những dự án này sẽ giúp cho nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa có điều kiện và cơ sở biểu diễn hiện đại. Thứ trưởng Bộ VH-TT Lê Tiến Thọ cho biết: Sau LH này, Bộ VH-TT xem xét trong năm 2007, các SKXHH có bao nhiêu kịch bản và kịch bản nào có hiệu quả sẽ đầu tư từ 1 đến 2 vở diễn mỗi năm, dựa trên đề nghị của Sở VH-TT địa phương, với số tiền tài trợ không quá 100 triệu đồng. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có kế hoạch giao lưu nghệ thuật giữa các miền để kích cầu phát triển sân khấu, xây dựng hoạt động định kỳ cho LH SKXHH. Bộ VH-TT và các Sở VH-TT địa phương sẽ rà soát lại chính sách đã ban hành để mang lại sự công bằng cho mặt bằng nghệ thuật, cho các nghệ sĩ hoạt động ngoài công lập.

Sự thành công của lực lượng SKXHH đã khẳng định việc xã hội hóanghệ thuật biểu diễn là hướng đi tất yếu. Nhà nước xã hội hóa các đơn vị công lập không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà là để khơi dậy sự năng động trong nghệ sĩ như một tố chất thiết yếu để tồn tại trong cơ chế thị trường.

HIỀN LƯƠNG