Hóa vàng nhằm mồng 3, mồng 4 Tết Nguyên đán, kiểu gì các bà, các mợ cũng quây quần bên nhau, bàn chuyện đi hội chùa Hương, đi lễ Yên Tử. Ngày còn bé, tôi không hình dung ra được Yên Tử non thiêng kỳ vĩ đến độ nào, chỉ biết mỗi khi nói đến địa danh này, các bà đều một lòng tôn nghiêm, khiến tụi nhỏ chúng tôi cũng “suỵt, bé mồm thôi, bà đang nói về Yên Tử đó”.
    |
 |
Chùa Đồng ở Yên Tử. Ảnh: Getty Images. |
Hồi học Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình-Hà Nội), lớp 12, niên khóa 1995-1996, cô chủ nhiệm thông báo: “Được sự đồng ý của hội phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường, lớp chúng ta sẽ đi Yên Tử hai ngày vào trung tuần tháng 2”. Ối trời, nghe tin mà cả lớp choáng váng. Đi tận hai ngày một đêm cơ đấy! “Ngủ đêm thế nào”, “ấy nằm cạnh tớ nhé”, “đêm ông nào trông cửa cho chị em ngủ nhể”... Chuyện đang xôm thì hôm sau cô chủ nhiệm nói nhỏ: “Hủy chuyến đi các em à”. “Sao thế cô?”, cả lớp nhao lên như muốn vỡ bờ. “Cuối tuần này gió mùa Đông Bắc về, dự báo thời tiết ở Yên Tử xuống 2-3 độ C, ban phụ huynh cảm thấy không an toàn khi lớp đi vào thời điểm có gió mùa Đông Bắc, lạnh lắm các em à”. Cả lớp xin cô cho đi với muôn vàn lý do, không biết thằng nào khéo mồm còn lồng ghép “cô xinh thế này, cô nỡ lòng nào không cho bọn em đi”. Thế rồi không biết quyết tâm sắt đá của tập thể lớp hay những mỹ từ khiến cô chủ nhiệm thay đổi suy nghĩ. “Được rồi, nếu các em quyết tâm đi thì tập thể lớp làm một cái đơn, cán bộ lớp và các bạn tổ trưởng ký vào”. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến bây giờ, chúng tôi chưa thấy lá đơn nào được viết nhanh với sự đồng thuận cao độ đến vậy. Sau đó, cô chủ nhiệm đạp xe đến nhà từng thành viên trong ban phụ huynh, xin chữ ký từng người rồi cô trò phấn chấn lên đường.
Yên Tử đón chúng tôi trong màn sương mù dày đặc. Trước đó, xe mới chạy được đôi chục cây số, nhiều bạn đã say xe gần chết. Có đi chơi xa bao giờ đâu, tự dưng được đi hơn trăm cây số, nhiều đứa vui quá, hưng cảm quá độ cũng dẫn đến say xe. Đến nơi, đã thấy các bà, các chị đội lễ thành kính lên chùa Đồng (còn có tên “Thiên Trúc tự”-chùa Cõi Phật) tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m). Tương truyền, ngôi chùa được xây từ thời Lê với chất liệu bằng đồng, có quy mô nhỏ, do một bà phi phủ chúa Trịnh cung tiến. Năm 1740, gió bão làm chùa bị hư hại, chỉ còn tượng Phật và rường cột. Đến năm 1931, thủ tự chùa Long Hoa là Bùi Thị Mỹ đã tái tạo thiền am. Ngôi chùa được làm bằng xi măng cốt đồng. Đến năm 1993, ni trưởng Đàm Lựu và phật tử ở Mỹ công đức dựng một ngôi chùa nhỏ bằng đồng bên cạnh. Năm 2006, hai ngôi chùa trên được hạ giải. Hiện nay, là ngôi chùa bằng đồng, dài 4,6m, rộng 3,6m, cao 3,5m, nặng 70 tấn do Phật tử trong, ngoài nước công đức, khánh thành năm 2007, thay thế và tọa lạc trên nền hai chùa trên. Hai bên chùa có giá treo chuông, khánh. Sau chùa là nhà tăng cho sư an trú lo Phật sự của chùa. Lên đến nơi đây, du khách hãy hoan ca cùng trời đất:
Trên non Yên Tử chòm cao nhất,
Trời mới canh năm đã sáng tinh.
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả,
Nói, cười, người ở giữa mây xanh.
(Trích thơ Nguyễn Trãi, bản dịch của Đào Duy Anh)
Để xem nào, thời điểm tháng 2-1996, chúng tôi bò như cún con lên chùa Đồng, thấy chùa sao mà chơ vơ, bé quá trời. Nhìn các bà, các chị một lòng thành tâm cúi lễ khiến chúng tôi tự nhủ: Chốn này ắt linh thiêng, bằng không sao già trẻ, lớn bé bao năm qua cứ hành hương lên đất Phật. Một lòng hướng thiện, cả lớp cúi lạy làm lễ nơi chùa Đồng trong cái lạnh cắt da, cắt thịt.
    |
 |
Du khách đến với Yên Tử trẩy hội đầu năm. Ảnh: TRỊNH BÍCH NGỌC. |
Trên đường từ chùa Đồng xuống núi, tôi chợt nhớ cơ man bao truyện ngoại kể về chốn non thiêng Yên Tử. Đầu tiên là truyện về Ngọa Vân am. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, nơi đây vẫn còn hoang vu, cỏ mọc um tùm, rắn rết đầy rẫy. Tại sườn đông Yên Tử, có một tu sĩ ngày ngày đào măng, hái rau rừng nhưng chỉ ăn một bữa vào lúc 10 giờ sáng, rồi ngồi tu thiền. Những người đi rừng kiếm củi, kiếm phong lan, bẫy thú mỗi khi qua am trên đường về nếu còn thừa gạo, muối đều tự nguyện để lại cho tu sĩ. Có người bảo tu sĩ là nam, có người bảo là nữ nhưng trong truyện ngoại kể, là nữ. Rồi một ngày, tu sĩ đột nhiên mất tích, người dân địa phương không còn thấy hình bóng vị tu sĩ dưới cánh rừng. Trong am, những nhúm muối, gạo vẫn còn găm trên cao. Một tháng, hai tháng... người dân địa phương đi qua am chỉ mong chỗ gạo, muối kia vơi đi nhưng đồ vật vẫn còn nguyên, mà người sao chẳng thấy. Mỗi lần kể đến đây, ngoại lại “nam mô a di đà phật”, hằng mong Bồ tát hiển linh.
Truyện thứ hai. Yên Tử năm thập niên trước là một cánh rừng hoang vu, nơi đồng bào người Dao hay vào rừng hái thuốc. Mỗi chuyến đi rừng có khi kéo dài đến một tuần, tìm cho đủ 30-40 vị thuốc để mang về nấu cao. Thậm chí, trong lúc nấu cao lá thuốc, nếu thiếu vị nào, người Dao lại tức tốc vào rừng kiếm cho bằng được để cao lá thuốc đủ vị. Trong một lần hái là thuốc, nhóm thanh niên người Dao nghe thấy tiếng hổ gầm ở chùa Một Mái, khiến một thời gian không ai dám bén mảng lại khu vực này. Cho đến một ngày, có người thợ săn muốn khám phá bí mật nơi chùa Một Mái đã vác súng săn tiến về phía chùa. Khi nhìn qua khe cửa, người thanh niên giật mình thấy một nữ tu sĩ trẻ tuổi ngồi thiền, bên cạnh là một mãnh hổ đang phủ phục. Khi mặt trời xuống núi, vị nữ tu dừng thiền, xoa đầu hổ. Con hổ hướng ra hiên chùa, gầm lên một tiếng rồi chạy vào rừng thẳm. Người thợ săn đem chuyện kể cho dân làng nghe. Bán tín bán nghi, mọi người rón rén lên chùa và đều chứng kiến cảnh tượng đúng như lời người thợ săn kể. Thế nhưng vào một ngày mưa gió, chùa Một Mái đổ nát hoang tàn, vị nữ tu và con hổ đều biến mất. Kể đến đây, ngoại lại “nam mô a di đà phật”.
Chùa Một Mái tuy nhỏ, trông đơn sơ, mộc mạc nhưng ẩn chứa trong đó là cả một giá trị lịch sử to lớn. Cùng với lối kiến trúc độc đáo tựa vào vách núi giữa lưng trời, ở vào vị trí phong thủy tuyệt đẹp đã góp phần vào một chỉnh thể hoàn chỉnh không thể tách rời trong hệ thống chùa, tháp gắn liền với tư tưởng Phật giáo Đại Việt, nơi khởi nguồn của Thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử linh sơn. Hiện nay, ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu. Tháng 10-2014, nền chùa Một Mái được mở rộng; mái, tường đẹp cổ kính như ngày nay. Mỗi độ xuân sang, hoa mai vàng nở rộ trước hiên chùa. Ngồi trong chùa, lắng nghe tiếng kinh, hướng tầm mắt ra xa ngắm mai vàng rung rinh chào gió Đông, thiết tưởng số mệnh nhẹ tênh, đời người như cơn gió thoáng qua chốn bồng lai tiên cảnh.
... Đêm xuống, lớp chúng tôi nghỉ chân bên một hiên chùa. Trời lạnh thấu xương, gió thổi tung cả cánh cửa. Đám con trai đến lúc thể hiện, kiếm cót ép cùng mấy thanh tre dựng làm cánh cửa. Gió to, đêm hôm đó, cả bọn cứ thay nhau giữ cửa. Đồ ăn tối đó mới thực là ngon. Bọn con gái đặt mấy nồi cháo, thịt lợn chưa kịp nhừ, đứa nào đứa nấy nhanh tay vục một bát cháo; đứa nào thủng thẳng từ tốn thì được ăn thêm rau cải cúc. Cả đám ăn uống như tằm ăn dỗi, quên cả mời cô giáo chủ nhiệm. Mà hình như bữa đó cô giáo chủ nhiệm ăn cơm chay với các sư ở chùa thì phải. Chịu, đoạn này chúng tôi không nhớ nổi. Chỉ nhớ sau chuyến đi để đời trên, về lớp, cô chủ nhiệm ra một đề văn quá hay: “Anh/chị hãy viết một bài văn, nói lên vẻ đẹp của đất nước ta”. A di đà phật! Thế nào mà thằng Trường (Nguyễn Văn Trường) bữa đó say xe, bị ngộ độc thức ăn lại được cô đọc bài trước lớp. 8 điểm. Chao ôi, ngày đó bài văn nào được điểm 8 không biết chừng còn được cô hiệu trưởng đọc trước toàn trường vào lễ chào cờ sáng thứ 2. Xuân về, Tết đến, mấy đứa bạn học gặp nhau, chúng tôi lại trêu: “Thằng này (Trường) ngày đó say xe, ăn bát cháo chay nên được Phật độ”.
THÔNG ĐẠT