Sáng sớm, tôi vui sướng nhảy chân sáo theo mẹ ra chợ và được ngắm nhìn bao điều thích thú của phiên chợ Tết. Đó là tiếng chào hỏi, nói cười, trao đổi, mua bán của các bà, các chị, các mẹ; tiếng vịt, gà, lợn kêu... khiến tâm hồn tôi như lạc vào một thế giới cổ tích.

Chợ Tết quê sớm mai thơm mùi cốm nếp, bánh rán, bánh chưng, các món ăn dân dã làng quê. Phía góc chợ là hàng trầu, cau có các cụ già nhai trầu bỏm bẻm, nói cười vui vẻ, khoe hàm răng đen nhánh. Rồi hình ảnh ông đồ già ngồi cho chữ và viết câu đối đỏ. 

Chợ có dãy hàng hoa làm bằng giấy và vàng mã với nhiều màu lấp lánh; những bó hương trầm thơm nức làm tăng thêm sự linh thiêng và huyền ảo của ngày giáp Tết. Các dãy hàng được bày bán đều là những nông sản người dân một nắng hai sương nuôi trồng, dành dụm để bán lấy tiền sắm Tết. Những món hàng ấy được mua bán, trao đổi rất thân thương, mộc mạc và thấm đẫm tình người. Rồi là những dãy hàng hoa với cây quất, cành đào, hoa cúc, thược dược, đồng tiền... tươi rói sắc màu trong lất phất mưa xuân khiến tôi không thể rời mắt. Tôi thích nhất là được ngắm những chú lợn đất, tò he, trống cơm đủ sắc màu.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Hôm ấy, sau khi bán gánh gạo, 5 con gà, mấy chục quả trứng, mẹ tôi mua sắm đồ cúng lễ, lá dong, đậu xanh và mua cho tôi một cái chong chóng, quả bóng bay và một chiếc bánh rán. Mẹ bảo, dù khó khăn đến mấy thì ngày Tết vẫn cố gắng mua sắm đầy đủ lễ vật, mâm ngũ quả bày trên ban thờ để kính lễ các vị thần linh, tổ tiên, cầu mong một năm mới bình an, khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi. Trước khi về, mẹ không quên mua quần áo mới cho chị em tôi. Dù nhà nghèo nhưng chưa bao giờ cha mẹ để chị em tôi mặc áo cũ vào sáng mồng Một Tết. Cha mẹ luôn thực hiện ước mong của chị em tôi là được diện quần áo mới, nhận tiền mừng tuổi vào buổi sáng đầu năm và đi chúc Tết họ hàng, thầy cô. Ngày ấy, nhà nghèo nên chỉ Tết chúng tôi mới có quần áo mới. Suốt cả năm, chị em tôi mặc lại quần áo cũ, đứa bé mặc lại của đứa lớn. Tôi lớn nhất thì mặc lại quần áo của các chị họ...

Chợ Tết quê tôi những ngày tháng Chạp không đơn thuần là mua bán, sắm Tết mà còn là nơi chơi xuân, giao lưu, gặp gỡ đầy ắp tình cảm chân thành, ấm áp của người nông dân sau những ngày tháng cày cấy lam lũ ngoài ruộng đồng. Nơi ấy, những nét đẹp văn hóa truyền thống tỏa ra và được lưu giữ, tiếp nối trong tình người, tình đất, tình quê chân thật, mộc mạc đến nao lòng. Hằng năm, khi tháng Chạp về trong tiết trời se lạnh, bảng lảng khói sương, lòng tôi lại rưng rưng nhớ phiên chợ Tết quê xưa. Phiên chợ Tết ngày ấy đã gieo vào tâm hồn tôi những ký ức đẹp nhất, nó là hành trang nâng bước tôi vượt qua những khó khăn, vất vả để tiến bộ, trưởng thành. Đó cũng chính là chất men say để tôi luôn nhớ, biết ơn nguồn cội và mãi mãi cất lên lời yêu quê hương tha thiết. 

Tản văn của LÊ KIM PHƯỢNG