Chưa bao giờ suối Là Va hung dữ như mùa nước năm nay. Nửa đêm hôm ấy, trời vẫn mưa lớn lắm, cái chứng tiểu đêm buộc bà thức dậy ra ngoài. Bà thấy nhà chao đảo bà ngỡ mình chóng mặt. Bốn năm nay, ở trong căn nhà xây mới, bà rất yên tâm mỗi khi trời mưa gió. Bà vội sờ lên đầu giường, vớ cái đèn pin lao ra cửa. Soi xuống, đã thấy ầng ậng biển nước ngay giáp rặng thùng lục trong vườn. Nước gầm réo như đàn ngựa ngàn con đang ở đâu lao về. “Ông ơi!”-Bà gào thất thanh: “Duy ơi! Cả nhà dậy thôi!”. Bà nhào vào buồng con dâu ôm lấy thằng bé bốn tháng. Vợ Duy bế thằng lớn năm tuổi. Duy dắt bố chạy. Tất cả bật ra khỏi nhà chạy thốc lên phía đường mòn phía sau lưng hô hoán cả chòm...

leftcenterrightdel

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Dậy thôi! Lũ quét. Dậy thôi! Cứ thế, những tiếng hô hào loang ra khắp bản lúc gà gáy. Chỉ chục phút sau, dòng Là Va hung dữ đã quét phăng toàn bộ nhà cửa, hoa màu vườn tược trên lộ trình của nó. Cơn thịnh nộ của đất trời đã biến dòng suối hiền lành thơ mộng thành dòng sông mênh mang và hung dữ. Khi mọi người yên vị trên vách núi Cú và kiểm đếm, thì thấy thiếu thằng Duy. Bà Luy hoảng hốt gọi tên con. Tất cả mọi người đều gọi, nhưng không thấy Duy lên tiếng. Đêm đen bao phủ. Vợ Duy vật vã kêu gào gọi chồng. Tiếng ông Hạnh: “Tôi đã giết con rồi bà ơi. Nó bảo quay về nhà nhưng tôi không quyết liệt ngăn cản nó. Trời ơi! Quay về nhà làm gì?”. Tiếng vợ Duy nức nở nghẹn ngào: “Chắc anh ấy quay về nhà lấy số tiền bán trâu cô Dung gửi rồi mẹ ơi”. Dung là con gái bà, lấy chồng bản trên, bán con trâu được hai chục triệu đồng chờ được ngày thì sửa nhà nên đem nhờ anh trai cất.

Đến sáng cũng không thấy Duy đâu. Cả mẹ chồng với con dâu đều lịm đi. Ba ngày sau, bộ đội công binh tìm thấy Duy tận dưới bản Quỳ. Đúng khúc ngoặt của suối Là Va dưới chân cầu treo. Căn nhà của bà Luy ở thấp nhất bị lũ cuốn mất, không để lại chút dấu vết gì. Các nhà còn lại đổ nát hoặc sập xuống, bùn đất vùi lấp tang thương. Giờ đây, đến cái bát ăn, cái xô đựng nước, cái chiếu trải lên nền lều cũng là của bà con bản trên giúp đỡ. Mọi thứ đồ đạc khi được tìm thấy thì cũng gẫy vụn, móp mép và hỏng hết. Cái lều này, bà con dựng tạm trên đất trồng ngô lấy chỗ làm ma cho thằng Duy. Nhìn dòng suối tuy đã yên trở lại nhưng vẫn đỏ lựng và trốc trác những vết lở lói, nhiều người vẫn không khỏi sững sờ, bàng hoàng.

Đang trong cơn đau đớn tê dại thì thấy từ chân dốc có ba người đi lên. Dẫn đầu là Phó chủ tịch xã Tùng và hai cán bộ tiểu đoàn công binh đóng trong địa bàn. Sau khi thắp hương cho Duy xong, Tùng và hai đồng chí còn lại cứ đứng mà nói chuyện. Trong lều có gì đâu mà ngồi. Có cái ghế đẩu duy nhất nhặt ở đâu về thì bà Luy lấy cái áo của bà phủ lên rồi để đặt bát hương thờ con trai. Cái bát hương cũng là cái bát ăn cơm mẻ miệng. Tùng bối rối không biết bắt đầu từ đâu. Bà Luy từng là vợ liệt sĩ. Chồng bà hy sinh năm bảy nhăm, ngay trước ngày chiến thắng thống nhất nước nhà. Người con gái chung với người chồng ấy đã có gia đình riêng. Hòa Bình gần mười năm, bà Luy tái giá với thương binh Đoàn Văn Hạnh là người miền xuôi và sinh thêm Duy cùng một đứa con gái nữa. Bà Luy là người Tày trong bản. Bố bà Luy là liệt sĩ chống Pháp. Theo quy định của chế độ ưu đãi, bốn năm trước, gia đình bà Luy đã được hỗ trợ một khoản tiền trị giá sáu mươi triệu đồng để phụ vào khi xây ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà sàn đã quá cũ. Nhưng căn nhà mới vừa kịp bén hơi người đã bị lũ cuốn mất...

Nghe đại diện lãnh đạo xã thông báo sẽ dành số tiền ủng hộ của đơn vị công binh để dựng tặng gia đình bà một căn nhà mới thì bà Luy ái ngại lắm. Tuy đang cảnh màn trời chiếu đất nhưng lòng dạ người mẹ mất con chẳng tha thiết gì. Với lại, trong bản, bao nhiêu ngôi nhà đổ sập xuống cũng đang bươi móc bùn đất để tìm đồ đạc kia. Sao bà dám thêm một lần nhận sự ưu ái, lòng tốt của mọi người?

Căn lều bé tí, khi ba cán bộ bước vào thì con dâu bà Luy ý tứ đem hai con ra phía ngoài. Thấy đứng lâu không tiện, Tùng nháy mắt cho hai cán bộ đi cùng để chào về thì bất ngờ ông Hạnh ở đâu chạy vào lều, người ướt lướt thướt. Ông nắm lấy tay Tùng, cười nhăn nhở: “Cho xin điếu thuốc”. Tùng giật bắn mình, nhìn người thương binh cụt tay trạc tuổi cha mình. Sao ông lại ra nông nỗi này? Trên người ông là manh áo bảo hộ rộng thùng thình như đi mượn. Chiếc áo ướt nhẹp đầy hoa cỏ bám vào thân thể gầy gò. Dưới là... da thịt trần trụi, không mặc gì cả, hồn nhiên như trẻ con. Tùng còn chưa hiểu gì thì con dâu ông Hạnh từ ngoài chạy vào, dí đứa con bé vào tay mẹ chồng và cầm cái tã trẻ con ẩm ướt vội quàng quanh người bố chồng ở chỗ hở hang và thắt chặt lại một mối phía sau mông. Ông Hạnh cười ngu ngơ, vỗ vai cán bộ Thảo, là thiếu tá, tiểu đoàn phó, cười ngượng nghịu: “Cho xin điếu thuốc, thèm quá, điếu trôi mất rồi”. Bà Luy ngại ngùng chạy lại cầm tay chồng kéo ra ngoài: “Ông ra đây! Tí nữa tôi làm điếu cho! Đây là anh Tùng, Phó chủ tịch xã, con bác Thanh. Bác Thanh trên Là Va 2 ý, ông nhớ không?”. Ông Hạnh gật gật: “Nhớ rồi, nhớ rồi, Thanh chính trị viên đại đội”. Quay cổ nhìn vào nhà, ông Hạnh cười rất thân mật: “Các cậu cũng đánh trận ấy phải không? Nhìn cánh thông tin không lẫn vào đâu được...”. Bà Luy giới thiệu tiếp, cốt để ông quên đi việc giật cái tã trẻ con trên người xuống: “Còn đây là các cán bộ, đại diện cho đơn vị công binh, muốn giúp chúng ta làm nhà mới...”. Nghe bà Luy giới thiệu đến đấy, ông Hạnh nhảy cẫng lên reo hò như trẻ con: “Bộ đội hả? Công binh hả? Có biết Hạnh choắt này không?”-Vừa hỏi, ông vừa vung vảy cái ống tay áo ở bên cánh tay cụt gần đến mỏm vai và cười rất tự nhiên…

Tin ông Hạnh phát điên sau khi mất con, Tùng đã biết trước. Nhưng anh không thể hình dung ra tình trạng ông ấy lại đến mức này. Hình ảnh người thương binh già cuốn chiếc tã trẻ con và những câu hỏi ngô nghê khiến ngực Tùng buốt nhói. Mải nghĩ đến cuộc họp ở ủy ban và những ý kiến về việc gia đình bà Luy lần thứ hai được hưởng chế độ ưu đãi làm nhà, Tùng bước hụt, suýt sa chân xuống một vết nứt đang há rộng ra trên sườn núi Cú. Nơi này, thật sự không an toàn nữa rồi!

Thiếu tá, Tiểu đoàn phó là người đàn ông trạc ngoài bốn mươi, có nước da bánh mật và khuôn mặt tròn, tán lông mày đậm, đôi mắt sắc sảo nhưng ánh nhìn ấm áp. Đợi Tùng gạt đất bùn bết đầy đế ủng ra rồi đi tiếp, anh mới nói: “Về nhân lực thì xã không phải lo. Đơn vị chúng tôi sẽ tiếp tục cử anh em đến hỗ trợ bà con. Chúng ta phải làm tích cực thì mới mong ổn định trong tháng 8...”.

Đi cuối cùng là Phương, cán bộ tiểu đoàn tăng cường tại cụm ba xã trong đó có Lóng Luông. Từ đầu đến giờ Phương chưa nói câu nào. Anh là người tham gia trực tiếp vụ tìm kiếm Duy và cũng là người đầu tiên chạm vào thi thể Duy dưới nước. Gần đến lối rẽ về phía trường học và ủy ban xã thì bất ngờ Tùng hỏi Phương: “Theo anh, với số tiền ấy, chúng ta xây gạch hay dựng nhà gỗ?”. Phương thở dài: “Giờ dựng nhà gỗ thì gỗ ở đâu ra? Tôi đã sơ bộ tính toán rồi. Số tiền ấy đủ vật liệu xây, trát và lợp cho ngôi nhà cấp bốn ba gian khoảng bảy chục mét vuông. Về thợ thì anh em trong đơn vị chúng tôi có thể đảm đương toàn bộ. Bốn mươi lăm triệu là làm được. Chúng ta phải triển khai trước khi bắt đầu một đợt mưa lũ mới. Thiếu đâu, vấp đâu, chúng ta lại bàn tiếp. Đợt này, một số xã khác cũng bị thiệt hại nặng nề, cần đến sự hỗ trợ để ổn định cuộc sống và sản xuất. Vì thế, chúng tôi buộc phải chia nhỏ số tiền hỗ trợ và các đợt hỗ trợ cho bà con...”.

Tùng đi chậm lại rồi dừng hẳn. Giọng anh se sắt buồn: “Ông Hạnh là thương binh nặng, cụt một cánh tay, trong đầu còn vài mảnh đạn. Gần chục năm nay, ông ốm đau liên miên, trở thành gánh nặng cho vợ con. Số tiền trợ cấp hằng tháng không đủ trả nợ dần cho món vay rất lớn để chữa chạy cho con dâu. Cô ấy mổ tim lần thứ ba đấy. Giờ trông có vẻ ổn rồi. Nhưng cú sốc này lớn quá, không biết sẽ thế nào. Giờ bệnh tình ông Hạnh lại như thế! Phía chính quyền, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện giúp gia đình”.

Giữa tháng 8, cả bản Là Va giống như một công trường xây dựng, ngổn ngang tranh tre, gỗ lạt, cát sỏi. Cả những ụ đất, mom đá người ta đào bới lên để tìm kiếm những đồ đạc thất lạc trong trận lũ quét. Những triền ruộng lúa đang vào chắc thì bị đất cát vùi lấp. Mỗi ngày, hàng trăm con người, từ già trẻ, trai gái, từ dân tới quân, cật lực vá víu, dựng lại những ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, đổ rạp. Vừa làm mọi người vừa động viên nhau, kiểu gì Tết Độc Lập cũng có nhà mới. Ở miền núi, đồng bào gọi Ngày Quốc khánh mồng Hai tháng Chín là Tết Độc Lập. Cũng mổ lợn, mổ gà, cũng trang trí nhà cửa, cũng tổ chức lễ hội, thi biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian. Tùng từng đi nhiều nơi, nhưng đúng là Tết Độc Lập quê anh thật lạ. Người già, người trẻ nô nức kéo về thị trấn phố huyện từ sáng sớm mồng Hai để “chơi Tết”. Những bản xa như Lóng Luông, người ta làm Tết tại bản. Năm nay, thế là Tết mất vui rồi. Ai cũng ngậm ngùi nói thế...

Ngôi nhà mới của gia đình bà Luy được xây dựng sang mé sườn đông của núi Cú. Nhà lợp xong mái thì chấm bảy giờ tối ngày ba mốt tháng Tám. Đại úy Phương người đẫm mồ hôi, chuyền tay cho anh em ca nước và quay lại nói với Tùng: “Vừa vặn một tháng. Cũng không ngờ tay nghề của anh em lại khá thế! Vậy là mọi người có nhà mới đón Tết Độc Lập rồi nhé!”.

Mọi người đang phấn khởi nói chuyện thì ông Hạnh từ đâu đi tới. Phương giật mình. Hôm gặp ông với manh áo thùng thình và cái tã trẻ con cuốn làm quần, Phương đã nghĩ tới bộ quân phục mới được phát của mình. Mới sáng nay, anh đã tặng cho người thương binh già ấy. Nhưng anh đã dặn kỹ là hai hôm nữa, Tết Độc Lập ông mới được mặc. Vậy mà ông đã vội đem ra diện. Ông đeo cái bình phun thuốc sâu hỏng, móp mép trên vai như đeo máy điện đàm. Tay trái cầm khư khư một hòn gạch vỡ, ốp vào tai, giọng ông thảng thốt. “Mất tín hiệu rồi, mất tín hiệu rồi! A lô! Cường ơi! A lô...”. Ông Hạnh hết gọi đồng đội lại gọi con. Nhưng hầu hết mọi người có mặt ở đó đều lặng yên. Chỉ có mẹ con bà Luy cứ dựa vào nhau mà khóc.

Phương đưa mắt nhìn Tùng đầy ân hận. Có nhẽ nào, bộ quân phục mới lại khiến bệnh tình của bác Hạnh trở nên trầm trọng hơn? Tùng lắc đầu, nói như đếm từng chữ:

- Không phải vậy đâu! Chính bộ quân phục đã có những tác động tích cực lên trí nhớ của bác ấy. Cứ để bác ấy đối diện với tất cả. Kể cả nỗi đau mất con. Tôi tin, bác ấy sẽ ổn định và bình phục. Anh có biết bác ấy vừa gọi tên ai không? Một đồng đội cùng đơn vị thông tin của bác ấy đấy! Và người này cũng chính là người chồng đã hy sinh của bà Luy...    

Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN