QĐND - Cuộc tổng kết và lễ trao giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học, nghệ thuật, báo chí 5 năm (2009-2014) đã khép lại với nhiều dư âm tốt đẹp, sự tỏa lan mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Nhìn vào hơn 2000 tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí… được tuyển chọn tham dự giải và đặc biệt là 185 tác phẩm đoạt giải, dễ nhận thấy diện mạo nội dung đề tài và giá trị tư tưởng, nghệ thuật của các thể loại tác phẩm đem lại. Những gương mặt tác giả được tôn vinh lần này, bên cạnh sự khẳng định của các tên tuổi đã thành danh, là sự xuất hiện của những tác giả trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X… Đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng (CTCM) được tiếp cận, khai thác dưới nhiều góc nhìn mới mẻ cùng sự thể hiện sâu sắc, sinh động…

Tôn vinh giá trị nhân văn Bộ đội Cụ Hồ

Trước lễ trao giải được Tổng cục Chính trị tổ chức ở khu vực phía Nam, nhà văn Võ Thu Hương, một trong những cây bút nữ trẻ tiêu biểu của văn đàn TP Hồ Chí Minh hiện nay, đã tìm đến Cơ quan Đại diện phía Nam, Báo Quân đội nhân dân. Hương bảo, cô muốn tìm kiếm cơ hội thâm nhập sâu hơn đời sống người chiến sĩ hôm nay để có vốn sống, nguồn tư liệu cho những sáng tác sắp tới. Giải thưởng lần này, mặc dù chưa được vinh danh nhưng tập truyện ký “Nụ cười chim sắt” (NXB Kim Đồng-2013) viết về cựu chiến sĩ biệt động Lê Thị Thu Nguyệt của Võ Thu Hương cũng đã tạo ấn tượng tốt đẹp. 

Trong hơn 200 tác phẩm văn học tham dự giải, có nhiều tác phẩm của những gương mặt trẻ như Võ Thu Hương. Sách của họ đều có chất lượng tốt, nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận tích cực, nhưng khi đặt cạnh những tác phẩm của những người cầm bút có thâm niên, chất tươi trẻ của các tác giả trẻ chưa thể “chín mọng” như của thế hệ cầm bút đi trước. Tiểu thuyết “Đèn kéo quân” của cây bút lão thành Lương Sĩ Cầm là một minh chứng của sự từng trải, vốn sống phong phú và tư duy chín muồi của nhà văn khi viết về chiến trường những ngày đầu chống Pháp. Nhà văn U.70 Văn Lê thêm một lần nữa chứng tỏ sự chắc tay và thế mạnh của mình trong mảng đề tài ông tâm huyết, đeo đuổi với tiểu thuyết “Phượng Hoàng”. Chọn cách viết trực diện về chiến trường Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, phải là người giàu vốn sống và trải nghiệm mới có thể chuyển tải vào trang viết những chi tiết, hình ảnh, câu chuyện và số phận nhân vật chiến tranh nhuần nhuyễn, sống động như vậy. “Sương đẫm lá khộp khô” là tập thơ được đánh giá cao của nhà thơ Ngân Vịnh. Thủ pháp tu từ tài hoa của nhà thơ đã thành danh được thể hiện ngay trong đầu đề tác phẩm. Đề tài ngỡ như “khô” ấy, đã được nhà thơ “tưới đẫm” bằng một thứ “sương” nhân bản khi viết về chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia. Chất hiện thực quyện trong sự lãng mạn đã lột tả khá hoàn hảo vẻ đẹp của những người chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế. Trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và “Hạ thủy những giấc mơ” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý được tôn vinh, cũng là tác phẩm của hai tên tuổi đã thành danh. Viết về người chiến sĩ hôm nay trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc thiêng liêng, trường ca của Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Hữu Quý là những khúc ca mang vẻ đẹp hùng tráng, được hun đúc, đắp bồi từ mạch nguồn truyền thống ngàn năm của dân tộc.

Thành công của những khám phá mới 

Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2014 là nơi thể hiện diện mạo các loại hình nghệ thuật ca múa nhạc đỉnh cao của giới nghệ sĩ mặc quân phục. Nhiều tác phẩm có giá trị ra đời từ sân chơi tâm huyết này. Bên cạnh đó, nhiều tác giả từ các “nôi” nghệ thuật trong cả nước tâm huyết với đề tài LLVT và CTCM cũng đã có nhiều tác phẩm xuất sắc. Nét chung là những khám phá, tìm tòi, khát khao vươn tới cái mới lạ trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc, chất đương đại quyện với dân gian tạo nên sức gợi, sức cảm của tác phẩm, đi vào đời sống bộ đội và công chúng. Có thể kể đến những tác phẩm xuất sắc của các loại hình như: Về múa có: “Những con người huyền thoại” (Biên đạo: Xuân Thanh, âm nhạc: Đức Trịnh); “Vượt Pha Đin” (Biên đạo: NSƯT Hồng Phong, NSƯT Kiều Lê, âm nhạc: Viết Thân)… Về âm nhạc có các ca khúc: “Khúc tráng ca biển” (Âm nhạc: Vũ Thiết, lời thơ Trịnh Công Lộc), “Bà mẹ Gạc Ma” (Âm nhạc: Phạm Minh Tuấn, lời thơ: Lê Tú Lệ)…; hợp xướng “Người lính” (Âm nhạc: Xuân Phương, lời thơ: Lê Cảnh Nhạc); hòa tấu dàn nhạc bigband “Tâm hồn thơ-trái tim thép” của Trần Mạnh Hùng; hợp xướng “Bản hùng ca bất hủ” của Hồ Trọng Tuấn và Trương Ngọc Ninh… 

Các tác giả khu vực phía Nam nhận giải thưởng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG TRỰC

Không ồn ào nhưng giới sáng tác mỹ thuật 5 năm qua đã dành cho mảng đề tài LLVT, CTCM sự quan tâm lớn lao. Cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài LLVT, CTCM, một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu toàn quốc năm 2014, chính là nơi phản ánh diện mạo mỹ thuật cả nước với nhân vật trung tâm Bộ đội Cụ Hồ. Phong phú về chất liệu, đa dạng về thể loại, đặc biệt là sự ra đời của nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc kích thước lớn có giá trị nghệ thuật cao, đã thể hiện tâm huyết, tài năng của các họa sĩ về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Các tác phẩm mỹ thuật có phong cách thể hiện mới mẻ, tập trung ca ngợi truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ. Tượng đúc đồng “Đảo Hoàng Sa-chủ quyền hải phận Việt Nam” của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo khắc họa hình tượng người chiến sĩ hiên ngang trước Biển Đông, thể hiện ý chí, bản lĩnh, quyết tâm của cả dân tộc trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.    Tranh sơn mài “Bình minh” của họa sĩ Nguyễn Trường Linh thể hiện sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ dưới tán rừng Trần Hưng Đạo. Đó như là ánh bình minh khởi đầu cho những chiến công huy hoàng, lừng lẫy của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Có một điều thú vị trong các tác phẩm mỹ thuật đỉnh cao về LLVT, CTCM là những họa sĩ lớn tuổi thường chọn thể hiện hình tượng người chiến sĩ hôm nay, còn các họa sĩ trẻ lại tâm huyết với đề tài lịch sử truyền thống. Sự hòa quyện phong cách sáng tác của hai thế hệ họa sĩ qua tác phẩm của mình đã tạo nên sợi dây kết nối truyền thống-hiện tại giàu chất anh hùng và tính nhân văn. 
Các tác phẩm điện ảnh thể hiện sự phong phú, đa dạng về thể loại: Phim truyện nhựa, phim truyện video, phim tài liệu, phim khoa học. Có thể nói, hệ thống tác phẩm của giải như một “bộ sưu tập” về lịch sử, truyền thống quân đội và sự tiếp nối của đội ngũ Bộ đội Cụ Hồ hôm nay dưới góc nhìn nghệ thuật. Theo đánh giá của Hội đồng xét giải, chất lượng các tác phẩm điện ảnh khá đồng đều, hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo điện ảnh tạo hiệu ứng tốt cho người xem. Một số phim đã đoạt các giải thưởng có giá trị cả trong nước và quốc tế; tiêu biểu là: Phim truyện nhựa “Mùi cỏ cháy” của Công ty TNHH phim Truyện Việt Nam; phim tài liệu “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc” của Điện ảnh Quân đội nhân dân; phim tài liệu “Ký ức một thời” của Công ty TNHH một thành viên phim Tài liệu và Khoa học Trung ương… Cảm hứng xuyên suốt trong các tác phẩm điện ảnh là lột tả giá trị văn hóa nhân văn để khẳng định nét đẹp nhân cách, phẩm chất anh hùng của Bộ đội Cụ Hồ. 
Sân khấu cũng quy tụ nhiều tác phẩm giá trị lấy hình tượng Bộ đội Cụ Hồ làm cảm hứng chủ đạo trong sáng tác, dàn dựng. Một trong những vở diễn được chú ý là “Nhiệm vụ hoàn thành” của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Vở diễn ca ngợi sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến, tái hiện những mốc son lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu bật những công lao to lớn và phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhân vật trung tâm trong vở chèo “Nguyễn Chí Thanh, sáng trong như ngọc một con người” của Nhà hát Chèo Quân đội. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật chèo, hình ảnh một danh tướng, vừa là nhà quân sự, vừa là nhà chính trị tài ba được khắc họa chân thực, gần gũi với đời sống bộ đội và nhân dân. Đây là những tác phẩm sân khấu có ý nghĩa lớn trong bồi đắp giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống cho bộ đội và thế hệ trẻ hôm nay. Vở diễn “Rừng xưa” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và “Chuyến tàu tốc hành trong đêm” (Nhà hát Kịch nói Quân đội), là những “lát cắt” điển hình về đời sống của người lính trở về sau chiến tranh... Trong bộn bề khó khăn, vất vả cùng những đớn đau, mất mát, hy sinh, những người lính vẫn luôn giữ vững chí khí, tin tưởng vào giá trị tốt đẹp của cuộc đời, gợi mở những suy tư, trăn trở cho xã hội về nghĩa cử tri ân, uống nước nhớ nguồn đối với người có công với đất nước. 

Nóng hổi hơi thở cuộc sống

Báo chí là lĩnh vực có số lượng tác phẩm đồ sộ nhất, phản ánh kịp thời, toàn diện, đầy đủ, sâu sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của LLVT, những kinh nghiệm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bước chân của các nhà báo đã đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những điểm “nóng” của bão lụt, thiên tai… để phản ánh những hoạt động của người chiến sĩ hôm nay trên tất cả các thể loại: Báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử. Các tác phẩm báo chí được trao giải lần này đều là những sản phẩm được đầu tư công phu, có chất lượng tốt, hấp dẫn bạn đọc và khán, thính giả. Các tác phẩm “Thực hiện NQ 51 tại Quân khu 1” của nhóm tác giả: Ngọc Long, Nguyên Thắng, Duy Thành (Báo Quân đội nhân dân); “Người La Hủ trong mây” của tác giả Thu Hòa, (Đài Tiếng nói Việt Nam) “Cải tiến vũ khí huấn luyện chiến sĩ mới” của nhóm tác giả: Kim Dung, Trung Đức, Hùng Hiếu, Lê Nam (Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng  Kinh tế)… là những tác phẩm tiêu biểu.
Ở loại hình nhiếp ảnh, ảnh báo chí, hình ảnh người chiến sĩ hôm nay là nhân vật trung tâm. 5 năm qua, các tay máy chuyên và không chuyên cả trong và ngoài quân đội, bằng tâm huyết, niềm đam mê, tình yêu cháy bỏng, đã theo sát bước chân chiến sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đến lao động sản xuất, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hoạt động văn hóa-thể thao… để kịp thời ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Từng là cựu chiến sĩ trinh sát Quân khu 9, NSNA Hồng Thái (CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ) liên tục trong 5 năm qua đã theo đuổi đề tài người chiến sĩ hôm nay. Anh đã chụp hàng vạn bức ảnh ở các đơn vị thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4…, tổ chức triển lãm cá nhân nhiều lần, xuất bản sách ảnh về Bộ đội Cụ Hồ. Một số tác phẩm xuất sắc của anh cũng đã được tôn vinh tại giải lần này. Những bộ ảnh đoạt giải của các tác giả đều là kết quả của những chuyến đi lên rừng, xuống biển, có mặt ở những thời điểm nóng bỏng. Một số bộ ảnh tiêu biểu gồm: “Bốn cùng” ở Mường Nhé” của Nguyễn Minh Trường; “Binh đoàn Cửu Long diễn tập hiệp đồng chiến đấu” của Nguyễn Trọng Đức; “Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc” của Bùi Viết Đồng… 

PHAN TÙNG SƠN