Sức hút bảo tàng ảo

Hiện nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật công nghệ, công nghệ số hóa và tương tác 3D đang được ứng dụng rất thành công và hiệu quả trong việc tuyên truyền và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử. Nhiều bảo tàng hàng đầu trên thế giới đã và đang triển khai công nghệ Bảo tàng tương tác 3D, tiêu biểu là: Bảo tàng tự nhiên Quốc gia Smithsonian (Mỹ), Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng V&A Museum of ChildHood (Anh), Quần thể di tích Angkowat (Campuchia). Bảo tàng điện tử 3D giúp khách tham quan tương tác thông tin, tư liệu trực tiếp. Bên cạnh đó, thông qua kết nối internet, du khách tham quan có thể sử dụng máy tính, thiết bị di động kết nối, tham quan bảo tàng ở mọi lúc, mọi nơi.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan Bảo tàng 3D tại Côn Đảo. Ảnh: NGỌC SƠN 
Ông Hoàng Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (Vietsoftpro), cho biết: “Hầu hết các bảo tàng lớn, các di tích nổi tiếng trên thế giới đã sử dụng bảo tàng ảo tương tác 3D. Điểm mạnh của bảo tàng ảo là đem các hình ảnh, không gian trưng bày một cách chân thực nhất đến với khách tham quan trên toàn cầu. Với những thông tin tư liệu, video phong phú, bảo tàng ảo còn cung cấp cho công chúng thông tin thực tế nhiều hơn trưng bày thực”. Thực tế, ở Việt Nam đã có một số bảo tàng sớm ứng dụng công nghệ này vào hoạt động của mình, tiêu biểu là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Quảng Ninh... Tuy nhiên, các bảo tàng mới chỉ dừng lại trong một số không gian trưng bày, chuyên đề nổi bật mà chưa mở rộng quy mô ra tổng thể bảo tàng.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là 1 trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội. Nhận thấy giá trị của việc ứng dụng công nghệ tương tác 3D, ngay từ năm 2014, bảo tàng đã chủ động triển khai, ứng dụng công nghệ này cho một số khu trưng bày chuyên đề, triển lãm và được công chúng, du khách tham quan trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá cao bởi hiệu quả thực tiễn sớm được kiểm chứng.

Món quà nơi biên giới, hải đảo

Năm 2016, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện xây dựng chương trình Bảo tàng điện tử 3D tổng thể trong dự án “Xây dựng chương trình giáo dục truyền thống lịch sử quân sự Việt Nam tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo bằng công nghệ tương tác 3D”. Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc bảo tàng, khẳng định: “Việc triển khai thực hiện dự án Bảo tàng điện tử 3D thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở những nơi cuộc sống và điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, ít có cơ hội để được thụ hưởng những sản phẩm văn hóa với công nghệ hiện đại”.

leftcenterrightdel
Bàn giao Bảo tàng điện tử 3D giữa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Vùng 4 Quân chủng Hải quân. 
Mục tiêu của dự án là giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật, di tích lịch sử nhằm khẳng định truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tới cán bộ, chiến sĩ ở xa. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản cho các thế hệ, nhất là với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ và bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Đơn vị thực hiện đã xây dựng hệ thống phần mềm Bảo tàng điện tử 3D với việc: Tiến hành số hóa 3D tại 452 điểm tham quan dưới dất; 11 điểm tham quan tổng thể trên không; 95 hiện vật tiêu biểu; 700 hiện vật trưng bày; 800 hình ảnh/tư liệu; xây dựng 12 phim thuyết minh; ghi hình 172 hạng mục hướng dẫn viên tại thực địa, thu âm, biên tập 34 băng thuyết minh. Xây dựng các bộ thiết bị ki-ốt lắp đặt tại Côn Đảo, Phú Quốc, Song Tử Tây và Trường Sa Lớn. Mặc dù đơn vị thực hiện đã có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện bảo tàng điện tử tương tác 3D nhưng dự án của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nhiệm vụ khó khăn nhất vì chưa có tiền lệ. Bởi, ngoài việc số hóa 3D hiện vật, không gian trưng bày còn phải ghi hình thuyết minh viên tại nhiều địa điểm bảo tàng, di tích khác nhau từ Bắc vào Nam, tiến hành số hóa cả dưới đất và trên không. Vấn đề bảo quản thiết bị trong môi trường khắc nghiệt ngoài biển, đảo đòi hỏi phải tính toán kỹ, đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ tự động hóa cho người sử dụng và chuyển giao công nghệ cho đơn vị quản lý bảo tàng 3D tại các điểm đảo.

Bước đột phá trong giáo dục lịch sử quân sự

Một trong những điểm mới trong ứng dụng công nghệ tương tác 3D mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện là ghi hình thuyết minh viên đối với các điểm tham quan và tích hợp vào phần mềm, giúp người xem có thể tiếp thu nội dung đầy đủ bằng cả hình ảnh và âm thanh, không khác biệt khi tham quan tại thực địa. Giải pháp đó giúp nội dung tuyên truyền phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn hơn phương thức số hóa thành hình ảnh thông thường. Sau khi hoàn thành lắp đặt, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Về hiệu quả khoa học, đây là một dự án ứng dụng công nghệ hiện đại nhất và quy mô lớn nhất trong lĩnh vực bảo tàng lịch sử quân sự nói riêng và bảo tàng ở Việt Nam nói chung. Việc ứng dụng thành công không chỉ hoàn thiện, phong phú thêm hệ thống trưng bày mà còn trở thành bảo tàng hàng đầu tại Việt Nam và khu vực trong việc ứng dụng công nghệ cao vào công tác trưng bày, quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử quân sự của bảo tàng tới công chúng, nhất là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Về hiệu quả kinh tế, việc lắp đặt bảo tàng ảo ngoài biển, đảo là cơ sở tiền đề quan trọng để mở rộng dự án ở nhiều điểm khác trên khắp mọi miền đất nước. Do vậy, trong tương lai, đó sẽ là công cụ quảng bá rất hữu hiệu ra phạm vi toàn cầu, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan bảo tàng. Đặc biệt, đối với công tác trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động dưới hình thức trưng bày điện tử trong và ngoài nước sẽ đem lại lợi ích lớn về kinh tế, xã hội. Ngoài ra còn có thể sử dụng trong việc quảng bá trên internet, điển hình như việc tích hợp vào website của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, xuất bản thành các ấn phẩm lưu trữ, phát huy và khai thác dưới góc độ kinh tế một cách hiệu quả.

Về hiệu quả xã hội, nội dung tuyên truyền phong phú, ý nghĩa, hình thức giáo dục sinh động, hấp dẫn đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo tới tham quan, học tập, khai thác tìm hiểu. Đặc biệt, nhiều chiến sĩ trẻ rất thích thú với hệ thống bảo tàng ảo, tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng và phấn khởi, được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị quản lý sử dụng đánh giá cao.

Tiếp nhận Bảo tàng điện tử 3D tại Phú Quốc, Đại tá Nguyễn Duy Tỷ, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 5 Hải quân, khẳng định giá trị của việc khai thác, ứng dụng công nghệ 3D trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử quân sự tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Để khai thác có hiệu quả, lãnh đạo, chỉ huy Vùng 5 Hải quân sẽ có kế hoạch tham quan cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. Mong muốn mô hình này được nhân rộng, trong chuyến bàn giao tại đảo Song Tử Tây và Trường Sa, lãnh đạo Vùng 4 Hải quân và ban chỉ huy các đảo cũng đề nghị bảo tàng báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam mở rộng lắp đặt tại các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa.

Áp dụng công nghệ điện tử tương tác 3D của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là bước đi mới, lần đầu tiên được triển khai trên quy mô tổng thể, phạm vi ứng dụng rộng tại Việt Nam. Những kết quả đạt được là cơ sở quan trọng để hướng tới mở rộng xây dựng chương trình tư liệu 3D cho nhiều bảo tàng quân đội khác và các di tích lịch sử tiêu biểu để quảng bá văn hóa lịch sử quân sự, giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

MAI THỊ NGỌC (Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)