Cuối năm 1953, thực dân Pháp đã biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm “bất khả chiến bại”. Tại đây, địch xây dựng hai sân bay, trong đó sân bay khu trung tâm có quy mô lớn nhất Đông Dương, máy bay hạng nặng có thể cất, hạ cánh. Tháng 11-1953, địch thiết lập cầu hàng không Hà Nội-Điện Biên Phủ, tiếp tế khoảng 200 tấn hàng xuống tập đoàn cứ điểm mỗi ngày.
Lúc ấy, tướng Navarre, chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương cho rằng "số phận của Điện Biên Phủ gắn liền hơn bao giờ hết với vai trò của không quân" và rất tự tin, nếu "Việt Minh tự đưa mình vào cái bẫy" mà chúng đã giăng sẵn thì nhất định sẽ bị "nghiền nát". Sở dĩ địch ngạo mạn tuyên bố như vậy vì ta chưa có lực lượng phòng không (LLPK) đủ mạnh nên bộ binh của ta gặp bất lợi.
Ngày 1-4-1953, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 (Trung đoàn 367) được thành lập, được Liên Xô, Trung Quốc giúp vũ khí, đào tạo cán bộ. Trung đoàn 367 được chia thành nhiều khối, bí mật sang Trung Quốc huấn luyện và tiếp nhận vũ khí mới. Ngày 21-12-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 367 tham gia chiến dịch. Tiểu đoàn Pháo cao xạ 383 (Tiểu đoàn 383) và Tiểu đoàn Pháo cao xạ 394 (Tiểu đoàn 394) về nước chiến đấu. Sau 25 ngày đêm hành quân, cán bộ, chiến sĩ của hai tiểu đoàn cùng đoàn xe kéo 24 khẩu pháo cao xạ vượt hơn 1.000km đến vị trí tập kết bí mật, an toàn.
    |
 |
Pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, sau thời gian dài vất vả chuẩn bị, ngày 13-3-1954, giờ mở màn chiến dịch, 24 khẩu pháo cao xạ 37mm của Trung đoàn 367 tấn công mãnh liệt khiến không quân địch bị bất ngờ, lâm vào thế lúng túng, đội hình rối loạn, phải nâng độ cao và dạt ra ngoài, tạo thời cơ để bộ binh xung trận, nhổ cứ điểm Him Lam, tiếp tục đánh cứ điểm Độc Lập, tiêu diệt cụm phân khu phía Bắc của tập đoàn cứ điểm.
Để đối phó và lấy lại thế cân bằng, ngày 17-3-1954, tướng Navarre ra lệnh, chỉ đạo toàn bộ lực lượng không quân lên Mặt trận Điện Biên Phủ với hy vọng dùng uy lực của không quân để đè bẹp Việt Minh. Liên tục các ngày 17, 18, 19-3-1954, không quân địch phối hợp với pháo binh tổ chức một đợt đánh lớn vào các trận địa pháo cao xạ của ta với quyết tâm "nhổ bật pháo cao xạ Việt Minh ra khỏi lòng chảo Điện Biên Phủ". Nhưng ngày 18-3-1954, không quân địch phải thực hiện kế hoạch thả dù tiếp tế ban đêm thay vì ban ngày. Điều này báo hiệu sức mạnh tuyệt đối trên không của địch đã mất.
Cùng khoảng thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh 4 tiểu đoàn còn lại và cơ quan Trung đoàn 367 rời Tân Dương (Trung Quốc) về nước. Cuối tháng 3-1954, trước khi mở màn đợt 2 của chiến dịch, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 367 bao gồm 6 tiểu đoàn hỏa lực đã có mặt ở chiến trường mà quân địch không hề hay biết. Trong chiến đấu, bộ đội pháo cao xạ đã triệt để thực hiện phương châm: "Bộ binh đi đến đâu, pháo cao xạ đi đến đó", lấy yểm hộ bộ binh và pháo binh làm trung tâm. Bộ đội pháo cao xạ trở thành "áo giáp" tin cậy; đồng thời tạo thế, chớp thời cơ, tập trung hỏa lực, tạo ra vòng vây lửa, buộc không quân địch phải đánh theo ý đồ của ta.
Theo thống kê, vào giai đoạn cuối của chiến dịch, quân Pháp đã tung vào Điện Biên Phủ 3.691 lần máy bay xuất kích, trong đó loại ném bom hạng nặng, hạng trung B-24, B-26 là 1.043 lần chiếc và 1.115 lần chiếc khu trục. Riêng ngày 7-1-1954, chúng huy động đến 147 lần chiếc.
Để tạo ra vòng vây lửa trên không, các đơn vị pháo cao xạ đã tích cực cơ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các hình thức chiến thuật, phát huy cách đánh gần, đánh đêm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Các đơn vị pháo cao xạ được đưa xuống giáp các vị trí sân bay địch, hình thành thế bao vây. Tiểu đoàn 394 đã tiến hẳn xuống và hình thành thế bao vây sân bay Mường Thanh. Tiểu đoàn 381 được tăng cường từ hậu phương lên cũng hình thành thế bao vây đồi Độc Lập (phía Bắc sân bay). Tiểu đoàn 383 áp sát phía Nam đồi A1.
Trong chiến dịch, ngoài việc bố trí các trận địa pháo cao xạ sáng tạo, phù hợp với thực tế, khác nhiều so với huấn luyện như triển khai đội hình chiến đấu hình thước thợ thay vì bố trí vòng cung bảo vệ mục tiêu thì các đơn vị cao xạ còn hiệp đồng với pháo binh mặt đất phục kích máy bay địch rất thành công. Chuyện là, ta bố trí những trận địa pháo binh giả ở một đồi sống trâu, cao hơn trận địa pháo thật ở phía sau, cách cầu Mường Thanh không xa. Khi pháo mặt đất khai hỏa thì trận địa giả cũng cho nổ bộc phá, giống tiếng nổ đầu nòng. Rồi ta cho lộ trận địa và nhử máy bay địch đến oanh kích. Các trận địa pháo phòng không bố trí gần đó chớp thời cơ bắn khi địch bổ nhào cắt bom. Cách lừa địch này khiến không quân địch không biết đâu là hư, đâu là thực.
Sau khi áp sát hàng rào địch, khép chặt vòng vây vùng trời tập đoàn cứ điểm, pháo cao xạ 37mm đã tiêu diệt nhiều máy bay địch khi chúng bổ nhào, do vậy, phi công địch không thể tự do đánh phá, buộc phải lượn vòng nhỏ để thả dù tiếp tế, vô tình lại làm mồi cho súng máy phòng không. Nhiều đạn dược, lương thực, thuốc men, kể cả lính dù của địch lọt vào tay quân ta.
Từ việc ta đánh bật máy bay ra khỏi vùng trời lòng chảo khiến cầu hàng ở sân bay Hồng Cúm bị ngưng trệ. Nhiều máy bay ném bom bị bắn rát, ném vội bom rồi chuồn, có chiếc bị bắn cháy, đâm đầu xuống cánh đồng giữa Hồng Cúm, Tây Trang. Những chiếc máy bay hai thân chuyên chở hàng, mấy hôm đầu còn vòng đi, vòng lại thả dù hàng vào căn cứ, sau bị ta bắn rát quá chúng phải thả cả loạt 60 dù một lúc, gió đưa dù bay tản mát sang cả trận địa bao vây của quân ta.
Những ngày cuối của chiến dịch, lực lượng pháo cao xạ triển khai trên diện tích không rộng giữa lòng chảo, dưới tầm phi pháo ác liệt của địch. Nhưng nhờ quán triệt nguyên tắc chiến thuật tích cực cơ động, bộ đội pháo cao xạ đã bảo toàn lực lượng, đánh địch liên tục, càng đánh càng mạnh. Ngày chiến đấu căng thẳng, nhưng đêm đến, cán bộ, pháo thủ đào đắp thêm trận địa đến mờ sáng. Hôm nay đánh địch ở trận địa này, ngày mai lại chuyển sang đánh địch ở trận địa khác. Do đó, chỉ với 36 khẩu pháo cao xạ cỡ nhỏ, dù mới ra quân trận đầu, nhưng bộ đội pháo cao xạ đã khiến hàng trăm máy bay địch phải lúng túng, bất lực. Tướng Lauzin, Tư lệnh Không quân Đông Dương phải cay đắng thú nhận: "Không quân Pháp phải thường xuyên xuất hiện 4 lần trên một đường bay, trên những nòng pháo phòng không của đối phương... chưa bao giờ thấy như ở đây, cầu hàng không lại rơi đúng vào lưới lửa của nòng súng quân địch".
Suốt trong 3 giai đoạn của chiến dịch, bộ đội cao xạ đã thiết lập lưới lửa phòng không; bảo vệ, tạo điều kiện để bộ binh xây dựng hệ thống giao thông hào, vây lấn, dồn ép, chia cắt các sân bay, buộc địch phải rút dần về khu trung tâm cố thủ. Hỏa lực của bộ đội cao xạ tạo ra vòng vây lửa trên không, buộc không quân địch lâm vào thế bất lợi, phải bỏ cầu hàng không, không thể chi viện hỏa lực cho các trận địa phòng ngự mặt đất. Kết thúc chiến dịch, ta đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, riêng Trung đoàn 367 bắn rơi 52 máy bay...
Thời gian đã lùi xa, song kỳ tích vòng vây lửa mà bộ đội pháo cao xạ thiết lập trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn sáng chói, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật sử dụng lực lượng, tạo thế phòng không, làm cho không quân địch bị động. Kỳ tích ấy để lại bài học quý cho xây dựng LLPK chính quy, hiện đại kết hợp với xây dựng phòng không nhân dân, đáp ứng yêu cầu phòng thủ khu vực. Trong đó, chú trọng xây dựng LLPK vùng trọng điểm, nơi trọng yếu, sẵn sàng bảo vệ cơ quan, cơ sở sản xuất then chốt, công trình trọng yếu khi tác chiến xảy ra.
Chúng ta phải tích cực xây dựng lực lượng chiến đấu có bản lĩnh, dũng cảm, kiên cường, sáng tạo, linh hoạt. Hiện nay, để không bị động, bất ngờ trong bảo vệ bầu trời, việc cần thiết là các đơn vị phòng không phải nâng cao thể chất, sức bền, khả năng cơ động liên tục cho bộ đội kết hợp với nâng cao chất lượng huấn luyện đạt các tiêu chí cơ bản, vững chắc, chuyên sâu. Nổi bật là huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy, năng lực hiệp đồng bảo đảm tác chiến theo phương châm nhanh chóng, kịp thời, thống nhất, tập trung. Cần nghiên cứu kỹ địch, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn và sẵn sàng đối phó với phương tiện chiến tranh mới, vũ khí công nghệ cao. Trong huấn luyện, coi trọng rà soát, hoàn thiện các phương án; tổ chức diễn tập vòng tổng hợp, luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tăng khả năng cơ động; làm chủ khí tài và hiệp đồng tác chiến thắng lợi.
Thiếu tướng PHẠM VĂN TÍNH
Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân