Trong cuốn hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2014) có đoạn viết về Trung đoàn 22 như sau: “Để phù hợp với tính chất hoạt động mới và tăng cường lực lượng địa phương trong giai đoạn đánh phá bình định nông thôn của địch, tháng 2-1970, Quân khu chấp nhận ý kiến đề nghị của tôi, quyết định cho phân tán Trung đoàn 22, Sư đoàn 3: Tiểu đoàn 7 ra Quảng Ngãi; Tiểu đoàn 8 về Bình Định; Tiểu đoàn 9 vào Phú Yên. Số còn lại bổ sung cho Trung đoàn 2, Trung đoàn 12 và Sư đoàn bộ”. Như vậy đồng nghĩa với việc, từ tháng 2-1970, Trung đoàn 22 đã không còn phiên hiệu. 

Tiền thân của Trung đoàn 22 là Trung đoàn 1 thuộc Quân khu Hữu Ngạn, gồm 3 tiểu đoàn bộ binh 1, 2, 3 và các đơn vị trực thuộc được thành lập ngày 15-3-1965, tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tháng 6-1965, Trung đoàn lên đường vào miền Nam chiến đấu. Vào đến ngã ba Đông Dương thì Tiểu đoàn 2 đi tiếp vào Đông Nam Bộ, hai tiểu đoàn 1 và 3 về Trung Trung Bộ và được bổ sung Tiểu đoàn Phủ Thông thuộc Trung đoàn 1 chủ lực của Quân khu 5. Từ đấy, Trung đoàn mang phiên hiệu Trung đoàn 22 với mật danh “Quyết tâm” gồm các tiểu đoàn 7, 8, 9 và các đơn vị trực thuộc, biên chế trong đội hình Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 5.

Trong 5 năm (1965-1970) hoạt động ở chiến trường Bình Định, Quảng Ngãi, Trung đoàn 22 thường xuyên đương đầu với các đơn vị tinh nhuệ của Mỹ-ngụy... Trung đoàn 22 đã đánh nhiều trận cực kỳ ác liệt, lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc, tiêu diệt sinh lực địch, phá vỡ ách kìm kẹp trong các “ấp chiến lược” và đập tan những trận càn, những chiến dịch tìm diệt của Mỹ-ngụy.

 Trong hàng trăm trận đánh xuất sắc của Trung đoàn 22 mà báo chí thời đó đã đề cập nhiều, xin lược ghi một đoạn trong cuốn “Ký ức Sư đoàn” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2005) của Đô đốc Giáp Văn Cương, nguyên Tư lệnh Hải quân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3-Sao Vàng: “Khi Lữ đoàn 3, Sư đoàn “Kỵ binh bay” Mỹ vừa đổ quân xuống khu vực Bồng Sơn-Tam Quan đã gặp ngay Trung đoàn 22 của ta chờ sẵn chủ động tiến công. Suốt 4 ngày đêm từ 28 đến 31-1-1966, Trung đoàn 22 đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 4 đại đội thuộc Lữ đoàn 3. Cuối năm 1966, Sư đoàn tổ chức tập kích cụm quân Mỹ đang đóng giữ tại đồi Xuân Sơn (huyện Hoài Ân) do Trung đoàn 22 đảm nhận. Lúc đó, Trung đoàn 22 đang ở phía Bắc huyện An Lão, phải hành quân hai ngày hai đêm mới tới vị trí tập kết. Mọi việc chuẩn bị cho trận đánh đã hoàn tất vào đêm 23-12-1966, nhưng trưa 24-12 trời đổ mưa lớn, nước lũ tràn về ngập đầy sông, suối, đồng ruộng. Các vị trí đặt hỏa lực cũng ngập nước. Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn 22 đã có một quyết định khó khăn là lùi thời gian nổ súng hai ngày nữa, mặc dù biết điều kiện cực kỳ phức tạp như vấn đề bảo đảm bí mật vì bộ đội đã vào vị trí xuất phát xung phong mà máy bay địch thường xuyên quần lượn, xoi mói trên đầu, bom và pháo liên tục giội xuống xung quanh căn cứ. Vấn đề căng thẳng nữa là bảo đảm tiếp tế hậu cần không đủ nên hầu hết bộ đội hạn chế ăn uống, thậm chí nhịn đói chờ giờ tiến công địch. Đúng 1 giờ ngày 26-12-1966, vừa hết thời gian ngừng bắn trong dịp lễ Noel, Trung đoàn 22 bất ngờ nổ súng tiến đánh căn cứ Xuân Sơn...”. Trong số các báo viết về sự kiện này, Báo Quân đội nhân dân số 2057 ngày 5-2-1967 có bài viết: “Chiến thắng Xuân Sơn (Bình Định), một trận đánh tuyệt đẹp của Quân Giải phóng”: 13 phút diệt gọn 2 tiểu đoàn và 1 trung đội lính Mỹ; phá hủy 11 đại bác, 2 súng cối, bắn rơi và phá hủy 4 máy bay...

leftcenterrightdel

Trung đoàn 22 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2020.  Ảnh: QUỐC HẢ 

Dù nhiều chiến công xuất sắc như vậy nhưng đã nửa thế kỷ trôi qua, Trung đoàn 22, Sư đoàn 3-Sao Vàng (thuộc Quân khu 5 trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, nay là Sư đoàn 3-Sao Vàng thuộc Quân khu 1) không còn phiên hiệu. Tài liệu lưu trữ của Trung đoàn cũng thất lạc trong chiến tranh. Trải qua thời gian dài, số cựu chiến binh của Trung đoàn 22 còn rất ít; người khỏe mạnh càng hiếm. Sau giải phóng miền Nam, theo yêu cầu nhiệm vụ, Sư đoàn 3 khẩn trương cơ động ra miền Bắc chuẩn bị cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Vì thế, một số cựu chiến binh Trung đoàn 22 và Phòng Chính trị Sư đoàn 3 đã cố gắng sưu tầm tư liệu, xây dựng báo cáo thành tích, hoàn thiện hồ sơ để Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 3 đề nghị Quân khu 1 và Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng trình Đảng, Nhà nước xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Trung đoàn 22. Đây là việc làm đầy khó khăn, cần lòng kiên trì, vô tư vì đồng đội thân yêu.

Người tích cực, miệt mài tham gia vào quá trình cùng Sư đoàn 3 sưu tầm, phục dựng, biên tập tài liệu để tái hiện hình ảnh và truyền thống Trung đoàn 22 là cựu chiến binh, thương binh Phạm Quốc Bảo. Được sự giúp sức, động viên của đồng đội, ông Phạm Quốc Bảo đã dành nhiều thời gian tìm đọc tài liệu, hàng chục cuốn sách với hàng nghìn trang ở Thư viện Quân đội, Thư viện Quốc gia Việt Nam; những bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Vietnam Courier... để tìm thông tin viết về các trận đánh của Trung đoàn 22 từ năm 1965 đến 1970. Có những báo cáo về trận đánh điển hình của Trung đoàn 22 đã thành tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Thông tin khoa học quân sự Bộ Quốc phòng và được đưa vào giảng dạy trong một số nhà trường Quân đội. Ngoài ra, ông Phạm Quốc Bảo cũng đã khai thác nguồn tài liệu (một số báo cáo mật của Sư đoàn 3 và Trung đoàn 22 viết ở chiến trường từ năm 1966 đến 1969) bị quân đội Mỹ lấy mất, lưu trữ tại Trung tâm khai thác tài liệu chiếm được trong chiến tranh Việt Nam-một tổ chức của quân đội Mỹ (Captured Document Exploitation Center-CDEC) chụp lại bằng vi phim (microfilm). Vì thời gian quá lâu, các bản đánh máy hay viết tay ở chiến trường nhiều đoạn đã mờ nhòe nên phải dùng công nghệ hiện đại chụp, chiếu, phóng to để đọc, biên tập lại...

Với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm cao của nhiều cựu chiến binh Trung đoàn 22 và cán bộ, nhân viên Phòng Chính trị Sư đoàn 3-Sao Vàng (Quân khu 1), chiến công hào hùng của Trung đoàn 22 đã được tái hiện, trong đó có phần đóng góp công sức rất lớn của ông Phạm Quốc Bảo. Điều này như nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân công lao và sự hy sinh anh dũng vì Tổ quốc, vì nhân dân của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22; tô thắm thêm truyền thống Sư đoàn 3-Sao Vàng.

Ông Phạm Quốc Bảo sinh năm 1947, tại xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Từ năm 1965 đến 1971, ông tham gia công tác tại Ty Công an Hà Tây; Sư đoàn 320B; Trung đoàn 22, Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 5. Khi bị thương, ông chuyển về Đoàn 587 Quân khu Hữu Ngạn. Năm 1972, ông được đi học luật ở Đại học Quốc gia Azerbaijan (Liên Xô), tốt nghiệp năm 1978. Về nước, ông công tác ở Văn phòng Quốc hội. Ông được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Bulgaria kiêm nhiệm Cộng hòa Bắc Macedonia.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phạm Quốc Bảo (bên trái) và cựu binh Mỹ Peter Mathews trong buổi trao lại cuốn sổ tay cho thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất tại Hà Tĩnh, ngày 4-3-2023. Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 2023, khi biết cựu binh Mỹ Peter Mathews trước kia thuộc Sư đoàn "Kỵ binh bay" đang giữ cuốn sổ tay của liệt sĩ Cao Văn Tuất (quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh), muốn sang Việt Nam trao lại cho gia đình, ông Bảo rất cảm động, nhận ra những tài liệu của người đồng đội từ hòm thư 21220 GM Phi trường 10 là của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22. Ông đã cung cấp thông tin về đơn vị và nơi chiến đấu, hy sinh của liệt sĩ Cao Văn Tuất cho Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân để tổ chức buổi đón nhận cuốn nhật ký.

Ông Bảo đã viết một số sách về Trung đoàn 22, Sư đoàn 3-Sao Vàng tặng các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và bạn bè. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của một số sách: “Hồ Chí Minh trên đất nước hoa hồng”; “Xứ sở hoa hồng Bulgaria”...; đồng thời, ông cũng chủ biên hoặc tham gia biên soạn ấn phẩm về nghị viện các nước trên thế giới, Liên minh Nghị viện thế giới và nhận được một số giải báo chí về hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân.

NGUYỄN NHÂN TỎ