Một cuốn sách “nặng trĩu kệ sách”, “ôm trùm một không gian-thời gian xuyên suốt gần 10 thế kỷ”... đang nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với GS Phong Lê về tác phẩm và công việc nghiên cứu, phê bình văn học của ông.

Đi tìm cái đẹp, cái chân thật...

Phóng viên (PV): Trước tiên, xin chúc mừng ông về công trình “90 chân dung văn hóa, văn chương Việt”. Theo nhà văn Ma Văn Kháng thì cuốn sách là một cuộc gặp gỡ lớn của các tài tử văn nhân, một cuộc trình diện, một đại hội hoa đăng tưng bừng của một thời kỳ lịch sử vẻ vang của văn chương, văn hóa nước nhà... Ông có thể chia sẻ đôi điều về sự ra đời của đứa con tinh thần này?

GS Phong Lê: Văn hóa là một phạm trù rộng, còn văn chương thì hẹp hơn, là lõi cốt của văn hóa. Phải nói rằng, xuất phát điểm nghiên cứu của tôi khi về Viện Văn học là văn học Việt Nam hiện đại và đơn vị cơ bản là các tác giả. Những năm cuối đời, tôi cảm thấy có nhu cầu đi ngược lịch sử, để có cái nhìn tổng thể về văn hóa, văn chương dân tộc trong suốt 1.000 năm qua. Trở lại để thấy ngọn nguồn dòng chảy, đi giữa chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn và lòng yêu thương con người...

Với cuốn sách này, tôi học cách tổ chức chọn lựa nhân vật của hai bậc thầy, vừa là thầy nghề nghiệp, vừa là bậc tiền bối khi tôi mới vào nghề, đó là: Hoài Thanh với 45 chân dung trong “Thi nhân Việt Nam” và Vũ Ngọc Phan với 79 nhân vật trong các tập “Nhà văn hiện đại”. Còn tôi chọn 90 chân dung, một con số hơi lớn nhưng đó là cả một đời nghiên cứu văn học của tôi.

PV: Vì sao lại là 90 chân dung văn hóa, văn chương Việt, thưa ông?

GS Phong Lê: Khá nhiều người hỏi tôi câu hỏi này. Do đâu mà có sự chọn lựa như thế à? (Cười). Con số 90 là nỗ lực rất lớn, là sự nắm bắt của tôi, là sự đọc, sự hiểu những người tôi có hạnh phúc được khảo sát, được chiêm nghiệm trong suốt hành trình nghề nghiệp của mình. Nhiều người tôi đã thuộc lòng họ từ khi còn học phổ thông. Tôi nhập môn yêu thích văn chương cũng vì họ... Nhưng con số ấy cũng là hạn chế, bất cập của tôi. Vì tôi không thể ôm được bao nhiêu tên tuổi lớn khác cũng rất sáng giá, như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi (thời kỳ trung đại) và còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ hiện đại, những gương mặt trẻ của nửa sau thế kỷ 20 không có mặt trong cuốn sách này. Tôi đã có lời xin lỗi bạn đọc ở ngay đầu sách bởi con số 90 vẫn chưa phải đầy đủ phương diện về đời sống văn hóa, văn học Việt Nam. Và hy vọng, những người khác, bậc thầy của mình, đồng nghiệp mình sẽ viết về họ, viết hộ tôi. Nếu ai có nhu cầu nhìn lại lịch sử văn học nước nhà xem cha ông ta đã làm như thế nào để mình kế tục thì họ sẽ làm tốt hơn tôi...

PV: Mỗi bài viết, ông không chỉ đưa bạn đọc đến với tài năng, sự cống hiến của các tài tử văn nhân trong sự nghiệp mà còn khai thác giá trị nhân cách của họ lưu danh cho hậu thế. Phải chăng, đó là sự miệt mài kiếm tìm và định vị giá trị nhân văn con người của ông?

leftcenterrightdel

Giáo sư Phong Lê. Ảnh: MINH THÀNH

GS Phong Lê: Mỗi nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, tôi cố gắng tìm một đặc trưng nổi bật của họ làm nên cốt cách, đóng góp ấn tượng của họ đối với lịch sử dân tộc. Tất nhiên không phải nhà văn nào tôi cũng nắm được như thế nhưng số đông trong 90 chân dung này đều phải đáp ứng được một yêu cầu về đời sống nhân sinh con người, chuyện đời người, nhu cầu về nghề nghiệp, bài học nhân sinh để tôi theo đuổi. Ví dụ: Chu Văn An là khí phách và nhân cách, Nguyễn Trường Tộ là bản lĩnh và bi kịch (do những hạn chế của thời đại); Thạch Lam-giữa hai bờ lãng mạn và hiện thực; Nguyễn Tuân-người tìm đến được cái đẹp, cái thật; Nguyên Hồng-người và văn; Nam Cao-đời viết và nghiệp văn...

Tôi ấn tượng với Nam Cao, chỉ với 36 năm sống ngắn ngủi nhưng đã để lại gia tài văn chương rất lớn, mà qua các tác phẩm như: “Chí Phèo”, “Đôi mắt”, “Sống mòn”... cũng đã cho thấy một lẽ sống đáng trân trọng của ông. Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, phần đời tôi được biết và ngưỡng mộ cũng là một tấm gương lớn về cốt cách văn hóa, một nghị lực sống suốt 10 năm chống chọi với bệnh lao, suốt một năm trời phải im lặng... Mỗi người tôi đi tìm một vẻ đẹp riêng làm nên nét đặc trưng của họ. Mỗi nhà văn tôi chọn ở đây không phải là ngẫu nhiên mà đều có sự tâm đắc, tâm huyết của mình gửi gắm vào, đó là những tấm gương để mình noi theo.

Trong đó, tôi cũng dành tình cảm lớn hơn cho Nguyễn Du và Hồ Chí Minh khi chọn mỗi người hai bài. Về Nguyễn Du là hai bài tôi tâm đắc nhất nói đến chủ nghĩa nhân văn xuyên thời đại và nghệ thuật sử dụng ngôn từ của ông qua kiệt tác “Truyện Kiều”. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Có lẽ đến nay ở nước ta chưa có ai vượt Nguyễn Du về nghệ thuật sử dụng tiếng Việt. Còn Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, là tấm gương lớn về nhân cách và sự nghiệp văn học đã để lại nhiều kiệt tác như: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập”, “Di chúc”... Đặc biệt là “Nhật ký trong tù”-một tác phẩm vô giá, một chân dung tự họa, một bản lĩnh, nhân cách của Người.

Yêu nghề đến cùng

PV: Từng là học trò trực tiếp của các nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam tên tuổi như: GS Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan... ông đã học được những gì ở họ?

GS Phong Lê: Tôi có những bậc thầy từ giảng đường đến nghề nghiệp mà tôi luôn ngưỡng mộ. Với tôi, GS Đặng Thai Mai và Hoài Thanh là hai bậc thầy không chỉ trên nhiều phương diện của cuộc sống và nghề nghiệp mà cả về văn phong. Chính nghiên cứu phê bình lại càng cần đến văn, cần đến một thâm hậu về trí tuệ, một tinh tế trong cảm xúc và một cân nhắc rất kỹ lưỡng trên từng câu văn, từng chữ dùng cho đến các dấu chấm, phẩy... Với Vũ Ngọc Phan, tôi luôn nhớ điều ông từng nói: “Văn chương tuy không bổ ích trực tiếp cho người đời như cơm gạo, nhưng nó chính là một thứ đồ ăn về đường tinh thần của một dân tộc văn minh; nó chính là hồn của một dân tộc biết suy nghĩ”...

PV: Hơn 60 năm nghiên cứu, phê bình văn học, ông được đánh giá là người rất thẳng thắn và “chưa bao giờ lảng tránh thổ lộ chính kiến” như tính cách đặc trưng của người xứ Nghệ. Ông quan niệm thế nào về sự thẳng thắn, chân thực trong phê bình văn học?

GS Phong Lê: Phải nói thật chứ! (Cười). Trong phê bình có điều gì phải dối trá, giấu diếm đâu nhỉ? Tất nhiên, sự yêu ghét tác phẩm phải dựa trên một quan điểm nào đó. Mỗi nhà phê bình cần có quan điểm rõ ràng, nhưng phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Hoàn toàn không có vụ lợi trong việc này. Nhưng muốn trung thực được với chính mình thì phải say. Công việc nghiên cứu, phê bình văn học với tôi cũng như mọi nghề. Đã làm nghề thì phải say, yêu nghề đến cùng. Để hành nghề được thì phải dành thời gian đọc, đi, nghĩ, viết. Làm văn hóa, văn chương mà không đọc thì không được; phải đi đây đi đó rồi nghĩ (là trung tâm) và cuối cùng phải viết ra những suy nghĩ của mình...

PV: Và “đọc, đi, nghĩ, viết” cũng chính là nguồn vui, là lẽ sống của ông để “quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên thù hận” đến “chẳng thèm ăn, chẳng thèm mặc, chẳng thèm chơi” như bạn bè ông thường nhận xét vui về ông. Vậy, dự định sắp tới của ông là gì?

GS Phong Lê: Có lẽ “90 chân dung văn hóa, văn chương Việt” là công trình lớn cuối đời sự nghiệp văn chương của tôi rồi. Giờ đây tôi không còn cảm thấy áp lực nữa. Sau này tôi dự kiến sẽ ghi lại những suy nghĩ hằng ngày những điều mình thấy có ích rồi in ra cho người thân, con cháu đọc. Đó là những điều tâm huyết sau một đời người, có thể đề tên tác phẩm là “Nghĩ vụn”...

Tôi luôn nghĩ, tiền bạc, của cải mất đi thì có thể lấy lại được nhưng thời gian mất đi thì không thể lấy lại được. Thời gian là vốn quý nhất của con người. Do vậy, tôi luôn cố gắng rèn luyện từng ngày để quên đi tuổi tác, bệnh tật... Còn sức khỏe thì còn đọc, còn đi, nghĩ và viết. Nghề văn, hoặc nghề cầm bút nói chung theo tôi là góp phần giúp cho con người định hướng sống và mở rộng thêm các biên độ sống, sống có ích và sống vui...

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác lý luận phê bình văn học Việt Nam hiện nay và có thể đưa ra một vài đề xuất để góp phần cải thiện sự nghiệp phê bình văn học nước nhà trong thời kỳ mới?

GS Phong Lê: Tôi nghĩ rằng, theo quy luật phát triển thì giá trị của phát minh khoa học đời sau phải vượt đời trước, còn giá trị văn chương nghệ thuật thì đời sau phải khác đời trước chứ không phải hơn trước. Sự độc đáo, cá biệt làm nên giá trị văn chương nghệ thuật của mỗi tác giả. Với phê bình văn học cũng vậy. Mỗi thời đại có những giá trị nhất định do thời đại quy định. Tôi không bao giờ so sánh phê bình hiện nay hơn hay kém so với thời kỳ trước.

Tuy nhiên, phê bình hiện nay gắn bó với đời sống báo chí nhiều hơn văn học, có lẽ vì thế vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, trong khi sáng tác lại bề bộn, nhiều màu vẻ. Muốn cho phê bình ngày càng chuyên nghiệp thì cần có một đội ngũ-yêu nghề, tinh thông về nghề và sống được bằng nghề. Họ phải được đào tạo và giao trách nhiệm, được tạo điều kiện tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ. Quan trọng là mỗi thành viên phụ trách một công việc, tận tâm trong nhiệm vụ, gắn bó với nghề, có sức nghĩ, sức viết, thì có thể chuyển được tình hình.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

GS Phong Lê sinh ngày 10-11-1938 tại xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1959 đến 2003 công tác tại Viện Văn học-Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học những năm 1988-1995. Ông đoạt Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005 và nhiều giải thưởng cao quý khác.

HÀ THANH MINH (thực hiện)