Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã sản sinh ra đội ngũ nhà văn mang áo lính hùng hậu. Đội ngũ những người cầm bút trong quân đội, nếu được tập hợp lại đã có thể thành một binh đoàn. Đây là một binh đoàn chủ lực tinh nhuệ đặc biệt, cùng với các loại hình nghệ thuật khác đã làm nên sức mạnh tinh thần hào hùng trong suốt nửa thế kỉ qua (Tổng tập nhà văn quân đội-kỉ yếu và tác phẩm). Sau Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước chuyển sang trang sử mới: Độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lực lượng nhà văn quân đội đương nhiên không còn đông đúc như thời chiến tranh; nhiều người lần lượt chuyển ra dân sự hoặc nghỉ chính sách. Thế hệ nhà văn chống Mỹ tính đến thời điểm này còn mang quân phục theo tôi biết, chỉ còn đôi ba người và họ cũng đã lục tuần, thất thập... Nói như vậy cũng có nghĩa là trong quân đội chỉ còn chủ yếu là lực lượng cầm bút xuất hiện sau năm 1975 với những độ tuổi khác nhau từ thế hệ 7X, 8X đến lớp nhà văn từ bốn mươi tuổi trở lên.

Đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đi thực tế sáng tác tại Mù Căng Chải (Yên Bái) tháng 11-2009. Ảnh: NGUYỄN DU

Trong sáng tạo văn chương, tuổi đời không quyết định thành công của tác phẩm. Tài năng và vốn sống mới là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng như một lẽ tự nhiên khi nhìn nhận đánh giá một giai đoạn văn học nào đó, người ta vẫn chia tác giả theo thế hệ. Đội ngũ nhà văn quân đội xuất hiện sau năm 1975 chủ yếu là lớp nhà văn sinh ra và lớn lên trong chiến tranh chống Mỹ và lớp người cầm bút trẻ hơn thuộc các thế hệ sau đó. Điểm danh ta thấy lớp “5x, 6x” gồm các nhà văn, nhà thơ như: Ngô Vĩnh Bình, Trần Anh Thái, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Bình Phương, Mai Nam Thắng, Phạm Thanh Khương, Nguyễn Quốc Trung, Bùi Thanh Minh, Hà Đức Hạnh, Sương Nguyệt Minh, Tô Nhuần, Nguyễn Tiến Hải, Hoàng Đức Nhuận, Đỗ Viết Nghiệm, Nguyễn Anh Nông, Lê Anh Dũng, Nguyễn Thanh Tú… Thế hệ “7x” có những đại biểu: Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Kim Trọng, Quỳnh Vân, Phùng Văn Khai, Bùi Như Lan, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Quỳnh Linh, Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Minh Tâm, Thôn Trung Phương…

Cũng như thế hệ chống Mỹ, xuất phát điểm của họ phần lớn là lính, làm chiến sĩ trước khi viết văn. Từ những binh sĩ yêu văn chương, tập viết lách sau những giờ lăn lộn trên thao trường bãi tập, dần dà họ được quân đội cho học hành tử tế, chập chững bước đi và có người đã khẳng định được mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật gian nan. Trong chiến tranh đã có những cây bút từ bên ngoài bổ sung cho quân đội thì thời bình cũng vậy. Một số người viết văn làm thơ được lực lượng vũ trang tiếp nhận như: Đỗ Bích Thúy, Đoàn Minh Tâm, Phạm Duy Nghĩa, Quỳnh Linh… Đặc điểm nổi bật của lớp nhà văn quân đội thời “hậu chiến” là hầu hết họ đã qua đại học, là những cử nhân cầm bút và thời đại bùng nổ thông tin đã hỗ trợ đắc lực cho quá trình tiếp nhận những khuynh hướng, trào lưu sáng tạo nghệ thuật mới trong và ngoài nước. Xã hội và cả quân đội nữa cởi mở hơn, cho nên những người cầm bút mang áo lính có điều kiện thử sức trong những đề tài và nội dung mà thế hệ cha anh của họ cho là vùng cấm hay vấn đề nhạy cảm như sự mất mát đau thương, thất bại, phản bội trong chiến tranh, bi kịch xã hội, tình dục… Dẫu vậy, những thành công của họ đã thực sự tạo được ấn tượng mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội hay chưa là vấn đề chúng ta quan tâm. Viết về cái gì không quan trọng bằng viết như thế nào? Những tác phẩm của họ đã ghi được dấu ấn vào đời sống văn học, đã nhập vào lòng công chúng như thế nào là điều mà chúng ta cần bàn tới. Và, với đối tượng số một của họ-những người lính, thì tác phẩm của các nhà văn quân đội hiện nay đã thực sự là món ăn tinh thần hay chưa cũng là điều đáng quan tâm. Bởi, đề tài người lính vẫn luôn luôn là hòn đá thử vàng với những nhà văn mang quân phục.

Trong lớp nhà văn quân đội xuất hiện sau năm 1975 đã có những tác giả khẳng định được mình trên văn đàn đất nước. Tên tuổi của họ dần dà trở nên quen thuộc với bạn viết, bạn đọc trong cả nước. Đó là Trần Anh Thái với những trường ca Đổ bóng xuống mặt trời; Ngày đang mở sáng. Sương Nguyệt Minh với các tập truyện ngắn Người ở bến sông Châu; Mười ba bến nước. Bùi Thanh Minh với các tiểu thuyết Cõi đời hư thực và Giời cao đất dày. Nguyễn Bình Phương với những tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn; Thoạt kì thủy. Nguyễn Quốc Trung với tiểu thuyết Người trong cõi người. Ngô Vĩnh Bình với các tập lí luận phê bình Một chặng đường văn học; Chuyện thơ, chuyện đời. Nguyễn Hữu Quý với Mười nghìn khát vọng; Làng đảo; Sinh ở cuối dòng sông; Vạn lí Trường Sơn. Mai Nam Thắng với trường ca Cổ tích làng cát. Nguyễn Đình Tú với các tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù; Nháp; Phiên bản. Đỗ Bích Thúy với tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá. Đỗ Tiến Thụy với tập truyện ngắn Gió đồng se sắt. Phùng Văn Khai với tiểu thuyết Hư thực. Nguyễn Thế Hùng với tiểu thuyết Họ vẫn chưa về…

Trên đây tôi chỉ mới liệt kê một số tác giả và tác phẩm mà theo tôi là ít nhiều có dư luận trong bạn viết, bạn đọc. Và cũng nhận thấy rằng, lớp nhà văn quân đội sau năm 1975 đã có những đóng góp vào nền văn học đổi mới của nước nhà với những tên tuổi nổi bật như: Nguyễn Bình Phương, Trần Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy… Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, lớp nhà văn quân đội thời “hậu chiến” chưa tạo được ảnh hưởng nhiều trong xã hội nói chung và quân đội nói riêng như thế hệ cha anh mình. Những tác giả nặng kí mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ảnh hưởng của những trang viết của họ đối với xã hội và nhất là với người lính còn rất hạn chế. Chưa có những tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh và người chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng đất nước trước đây và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc hôm nay. Một số nhà văn quân đội lại có vẻ thờ ơ với đề tài đó, kể cả những người đang nổi danh hiện nay. Nếu các nhà văn quân đội không mặn mà với đề tài người lính thì ai sẽ kế tục thế hệ cầm bút cha anh viết về chiến sĩ. Sẽ có một khoảng trống trong văn học đương đại của nước nhà khi những tác phẩm viết về chiến tranh và người lính ngày càng ít dần đi. Sự thiếu hụt về lực lượng và tác phẩm ngày càng lộ rõ hơn; điều ấy cũng có nghĩa rằng, những người lính đang bảo vệ, xây dựng Tổ quốc hôm nay khó tìm thấy các trang viết tươi mới, xúc động về mình.

 THANH KHÊ