Tôi có đứa em thứ ba-Lê Hữu Văn, người em đẹp trai, cao lớn và khỏe mạnh nhất nhà, sinh tháng 5-Đinh Hợi (1947).
Theo phân công của các bậc sinh thành thì đó là đứa em phải thay thế các anh, chị lần lượt đi xa để lo toan việc nhà, chăm sóc bố mẹ và ba đứa em còn nhỏ. Khi miền Bắc chuyển sang chiến tranh, có gia đình nào ở Khu Bốn mà không đóng góp người thân cho chiến trường. Đúng tuổi 18, còn thiếu mấy tháng, vào đầu năm 1965, em được vào bộ đội thuộc đơn vị pháo cao xạ, chiến đấu ở tỉnh quê-Hà Tĩnh, nơi trận địa bến Đò Trai.

Do về thăm nhà để đón đứa em trai thứ tư, lúc này mới 15 tuổi ra Bắc tiếp tục học nơi cơ quan tôi sơ tán, tôi còn kịp gặp Văn, và ba anh em còn được ăn với nhau một bữa cơm khách của đơn vị pháo 37mm trong nhà dân. Bữa cơm chiều muộn, để tránh máy bay; và bóng em cao lênh khênh, đứng trên đê, in lên nền trời xám bạc, với hút mờ phía xa là dãy Mồng Gà, ngóng theo đến hút mắt hai người thân mải vội lên xe đạp với lỉnh kỉnh hành lý trên đường ra Vinh, để ra Hà Nội.

Và tôi biết em đang rơm rớm nước mắt, bởi không biết những gì rồi sẽ xảy ra sau cuộc chia tay giữa ba anh em: Chặng đường ra Hà Nội dài hơn 400 cây số dưới bom đạn, đèn dù và pháo sáng; và chiến trận thì đang lấn nhanh ra cả hai hướng Bắc-Nam. Sau đó đơn vị pháo của em chuyển dần vào Vĩnh Linh, rồi mất tin tức sau Mậu Thân. Rất nhiều năm về sau, gia đình vẫn không nhận được tin gì về em, cho đến khi nhận được giấy báo tử cùng với nhiều bạn thuộc lứa tuổi Đinh Hợi với nó ở cùng quê Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cả một lứa như thế đã ra đi và chỉ có vài người trở về. Thế nhưng bố mẹ tôi vẫn không tin là con trai đã hy sinh. Ông bà vẫn nuôi hy vọng là con vẫn chiến đấu ở một chiến trường nào đó, hoặc nhất thời bị lạc đơn vị...

leftcenterrightdel
                             Minh họa: MẠNH TIẾN 

Niềm tin đứa con trai vẫn sống và nhất định sẽ về đã là điểm tựa tinh thần cho bố mẹ tôi, nhất là mẹ tôi; đã giúp người sống trong chờ đợi, cho đến những năm cuối đời, ở tuổi ngót 80. Dẫu đã có tin đích xác là em đã hy sinh và ngày mất do không xác định được nên đã chọn ngày 27-7 lịch tây làm giỗ cho em, nhưng mẹ vẫn không hết hy vọng... Với món tiền trợ cấp ít ỏi cho liệt sĩ, khoảng mấy chục nghìn đồng mỗi tháng, chính đứa em trai không biết là còn hay mất ấy đã nuôi mẹ tôi-cả tinh thần và vật chất, trong những năm tháng xa con, xa cháu, cả trong chiến tranh, cả trong hòa bình.

Đẻ một đàn con, nuôi chúng trưởng thành, nên người, nên danh, nên phận, có con có cháu, đủ cả nội ngoại... thế mà việc báo hiếu bố mẹ thì tất cả không ai bằng đứa em đã hy sinh. Đứa em không chỉ thương cha mẹ mà cũng rất yêu quý các anh chị; mỗi dịp Tết hoặc nghỉ hè về, không lúc nào thiếu các “của ngon vật lạ” của một xứ quê nghèo, để dành cho những đứa cháu nào mít, ổi, bưởi, cam, chuối, mía và đủ các loại thức ăn dân dã... Chính nó vẫn là người lúc nào cũng ở bên mẹ, luôn luôn là điểm tựa tinh thần cho mẹ. Thậm chí cả món tiền trợ cấp ít ỏi hằng tháng vẫn cứ là đều đặn, thường xuyên hơn chúng tôi-những đứa con sớm rời gia đình, mải lo danh phận và con cái, nếu thỉnh thoảng có gửi chút ít tiền về thì mẹ cũng thường ít khi nhận, bảo là để dành cho cháu... Còn mẹ đã có “thằng em bộ đội”-như cách mẹ nói, để tránh chữ “liệt sĩ”-nó nuôi!

Từ cảnh ngộ riêng của gia đình tôi, có một đứa em hy sinh và nỗi lòng người mẹ không lúc nào cạn niềm tin con trai sẽ về, tôi nghĩ đến hàng vạn, hàng chục vạn hoặc còn nhiều hơn, các bà mẹ Việt Nam, suốt hơn 40 năm, ở khắp nơi, những người phải chịu sự hy sinh lớn nhất là hy sinh những đứa con-những đứa trẻ, khỏe nhất, cho đất nước. Vào những ngày của tháng Bảy, bất cứ năm nào, kể cả ngày tây và ngày ta, là ngày nhớ đến những liệt sĩ đã hy sinh, và cũng đã trở thành ngày giỗ của em tôi, tôi lại nghĩ trước hết về Mẹ-người mẹ cụ thể của riêng tôi và bà mẹ chung của Tổ quốc. Bởi không thể nào, và cũng chưa ai nói hết được tình thương, nỗi đau của người mẹ mất con. Và, trong lòng người sống, những đứa con nằm lại ở chiến trường cũng không bao giờ mất đi sự hiện hữu ruột rà và thiêng liêng của nó.

GS PHONG LÊ