Hình ảnh đầu tiên tôi thấy là một cụ bà người Mông tay xách ấm nước, tay cầm cuốc, lưng còng như dáng núi lần bước ra nương rau cải mèo, mặc người đàn ông níu tay vẻ như năn nỉ… Đó là cụ Vàng A Sinh và con rể Lý Seo Chư, người Mông ở thôn Bản Phố. Hỏi ra mới vỡ lẽ, cụ năm nay đã bước sang tuổi 102 rồi, con cháu muốn cụ nghỉ ngơi từ lâu, không để cụ ra nương nữa, nhưng phải nỗi cụ… không chịu nghỉ. Ngày nào cụ cũng đội khăn, xỏ giày, xách ấm nước, cái cuốc nhỏ và cái ghế để sẵn ngoài nương để chăm sóc, thu hái rau. Các cháu giấu cuốc để cụ không làm được liền bị cụ mắng, dỗi bỏ cả cơm làm các cháu lại phải dỗ dành mãi.
|
|
Đã 102 tuổi, nhưng hằng ngày cụ Sinh vẫn lên nương. |
Trước năm 1979, cụ Vàng A Sinh ở thôn Chinh Chu Lìn, xã Ngải Thầu (nơi giáp biên giới thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cùng con trai Sùng A Dũng, là dân quân hoạt động tích cực ở địa phương. Anh Dũng được phân công làm bảo vệ, cùng đồng chí chủ tịch hội phụ nữ xã đi vận động các gia đình người Mông tránh mắc mưu kẻ xấu kích động bạo loạn. Một buổi sáng còn mờ sương cách đây 40 năm, anh Sùng A Dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ, để lại người vợ trẻ cùng 3 con thơ… Cụ Sinh đau đớn như chết đi sống lại nhưng vẫn bám thôn bản giữ quê cha đất tổ. Mãi năm 1990, con gái cụ là Sùng Thị Mai, đang là giáo viên và chồng là anh Lý Seo Chư, nhân viên Bưu điện huyện Bắc Hà thuyết phục mãi mới đưa được cụ lên Bản Phố sống cùng...
Trong nắng xuân vàng rực màu hoa cải, vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu hằn những nếp nhăn lấp loáng mồ hôi, với cái cuốc nhỏ, cụ Sinh làm cỏ, vun gốc rau cải mèo-món ăn quốc hồn quốc túy không thể thiếu trong mâm cơm người Mông ở Bắc Hà. Trên gương mặt in đậm đường nét thời gian của người mẹ liệt sĩ hơn trăm tuổi, nụ cười hiền, ánh mắt luôn toát lên niềm vui sống. Ở tuổi xưa nay hiếm, khi được hỏi, cụ Vàng A Sinh trả lời một cách rõ ràng, mạch lạc bằng tiếng Mông, được cháu ngoại là giáo viên dịch ra tiếng Kinh: Khi là thiếu nữ 16 tuổi, cụ về làm vợ kế của Sùng A Páo, người đàn ông góa vợ hơn cụ 22 tuổi, sinh được 7 người con, 3 trai, 4 gái. Ông Páo mất năm 1980. Cụ được 30 cháu nội, ngoại…, được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất dành cho mẹ liệt sĩ 1.515.000 đồng/tháng và 270.000 đồng/tháng trợ cấp người cao tuổi. Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Quốc khánh (2-9) và Ngày Người cao tuổi hằng năm… cụ được các cơ quan, đoàn thể, trường học đến thăm hỏi, động viên. Vào mỗi dịp sinh nhật (20-1), cụ vẫn được Chủ tịch nước gửi thiệp mừng thọ.
Có một điều bình dị ở miền xuôi nhưng lại rất đặc biệt với người Mông ở lưng chừng núi, lưng chừng đèo Bắc Hà là cụ luôn động viên các con, cháu học hành: Con gái là giáo viên Trường Tiểu học Bản Phố, con rể Lý Seo Chư ra trường về công tác ở bưu điện huyện rồi đi học tiếp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Cháu trai là Trung úy Lý Tiến Dũng công tác ở Ban CHQS huyện Bắc Hà, cháu dâu tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. Cháu gái út Lý Thị Hương đang dạy ở Trường Mầm non Bản Phố. Chuyện gia đình cụ có chàng rể Lý Seo Chư hiếu nghĩa cùng vợ chăm người mẹ liệt sĩ hơn trăm tuổi gần 30 năm nay còn được bà con trong xã và chính quyền lấy làm gương giáo dục con cháu. Nhiều người hỏi cụ Sinh bí quyết sống lâu, một số người cho rằng đó là vì cụ giữ gìn sức khỏe, sống lành mạnh; người bảo bởi cụ sống rất vị tha, không mấy khi cáu giận; có người đùa rằng do cụ chăm chỉ lên nương… Nhưng hơn hết, chúng tôi nghĩ, có lẽ bởi cụ được sống trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc của quê hương, sự hiếu nghĩa, tình yêu thương của những người thân trong gia đình, bản làng!
Bài và ảnh: ĐỒNG KHẮC THỌ