Ngồi trước chúng tôi là ông lão râu tóc bạc trắng, nụ cười nhân hậu, khuôn mặt hao hao giống di ảnh Nam Cao trên bàn thờ. Ông Trần Hữu Đạt, em trai ruột thứ tư của nhà văn Nam Cao, năm nay tuy đã 89 tuổi nhưng dáng vẻ còn nhanh nhẹn, trí nhớ khá minh mẫn. Ông sinh năm 1922, sau Nam Cao (tên thật là Trần Hữu Tri) 7 năm. Song thân của các ông là ông bà Trần Hữu Huệ và Trần Thị Minh sinh được năm trai, ba gái, ông Đạt là con trai thứ tư, sau Nam Cao và hai người anh là Trần Hữu Thuật và Trần Hữu Tuần. Ông Đạt nhớ lại:
- Thuở nhỏ, anh Nam Cao hay dẫn tôi đi chơi, tối tối hai anh em thường ra lò gạch ven sông Châu để ngắm trăng sáng. Có lần khi về tôi buồn ngủ, đi ngật ngưỡng, anh chỉ vào bóng tôi rồi bảo: Mày có biết cái gì đây không, mày đi như thằng say rượu!
|
Hằng ngày, ông Trần Hữu Đạt vẫn say mê đọc và viết
|
Trong ký ức của ông Đạt thì Nam Cao là người ít nói, khi ngồi vào bàn viết thì rất tập trung, cả khi cụ Huệ đến bên cạnh ông vẫn cặm cụi viết, cụ Huệ đứng nhìn một lát rồi về. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Đạt gia nhập Đoàn thanh niên cứu quốc ở quê, tham gia tuyên truyền Việt Minh nhưng ông hoạt động bí mật, giấu cả anh trai mình. Lúc ấy Nam Cao cũng đã tham gia cách mạng, thấy ông Đạt mỗi khi đi vắng thì trong huyện lại xảy ra biểu tình, đánh lính, cướp thuế. Nam Cao gọi ông Đạt đến và ôn tồn:
- Những ngày qua em đi đâu? Nếu em tham gia cách mạng rồi thì tốt, nhưng phải hết sức cẩn thận, vì bọn trốt-kít đang hoạt động ráo riết đấy!
Tổng khởi nghĩa tháng Tám, ông Đạt tham gia cướp chính quyền, phá kho thóc của Nhật chia cho dân, vận động xây dựng lực lượng tự vệ. Từ đó đến năm 1975, cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động bán hợp pháp trong lòng địch nhưng bị đồng đội hiểu nhầm bắt giam. Rời nơi giam giữ ông tiếp tục hoạt động và bị địch bắt giam, tra tấn đủ mọi cực hình song ông vẫn giữ vững chí khí cách mạng. Ông trốn tù và tiếp tục tham gia kháng chiến. Hòa bình lập lại, ông được đi dự khóa đào tạo báo chí rồi chuyển về công tác ở ngành văn hóa tỉnh Hà Nam, sau đó về một xí nghiệp sản xuất ở huyện Lý Nhân. Khác với nhà văn Nam Cao chuyên về truyện ngắn, ông Đạt rất yêu thơ và viết nhiều thơ. Khi còn công tác cũng như hiện nay, ngoài viết thơ đều đặn và tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ Đại Hoàng, ông còn viết ca cảnh, kịch, chèo, tham gia tổ chức các phong trào văn nghệ ở địa phương, biên tập cho Đài phát thanh huyện Lý Nhân. Ở đâu, lúc nào ông Đạt cũng sôi nổi, hóm hỉnh, được bà con trong vùng kính trọng, yêu mến.
Năm 1946, ông Đạt cưới bà Trần Thị Nhi là con gái ông Hương Đước (nguyên mẫu nhân vật Trương Rự trong truyện ngắn Nửa Đêm của Nam Cao). Bà Nhi hiền lành, hết mực vì chồng con, ông bà sinh được chín người con, trong đó con trai thứ hai là liệt sĩ Trần Hữu Kim, các con còn lại bây giờ công tác và lập gia đình ở nhiều vùng đất nước. Từ ngày về hưu, ông Đạt cùng vợ sống trên mảnh đất hương hỏa của cha ông, nơi có vườn chuối, ao cá và ngôi nhà giản dị ông dựng lại trên nền ngôi nhà cũ đã bị Tây đốt khi xưa. Đã 7 năm nay, bà Nhi ốm liệt giường, các con ở xa, ngày ngày, một mình ông Đạt cần mẫn chăm chút người vợ từng cốc nước, viên thuốc. Ai ai cũng cảm phục và xúc động trước nghị lực và tình nghĩa của hai ông bà. Bác Son, con dâu ông Trần Hữu Mỡ (em họ ông Đạt) cho biết: "Chị ấy ốm liệt giường, anh Đạt tuổi cao nhưng hằng ngày vẫn chăm chút vợ, vệ sinh cá nhân từng li từng tí, cẩn thận xúc cho vợ từng thìa cơm. Vậy mà anh không hề kêu ca hay phàn nàn, luôn lạc quan và hài hước...".
Làng Đại Hoàng hôm nay không còn những "cái lò gạch cũ". Thôn xóm ngày càng khang trang với những ngôi nhà cao tầng vút lên giữa những khóm chuối xanh ngắt, đời sống của các hộ giáo dân ngày một nâng cao. Trong khung cảnh ấm no thanh bình ấy, những người như nhà văn Nam Cao và ông Trần Hữu Đạt mãi mãi là những tấm gương về tài trí và nhân cách cho các thế hệ cháu con tự hào và học tập…
Bài và ảnh: Công Luật