QĐND - Với hơn 300 năm lịch sử, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh đã để lại những dấu ấn văn hóa khá đậm, trong đó có cả dấu ấn văn hóa kiến trúc. Để đến ngày nay, dù đứng giữa một “bản hợp ca” những phong cách kiến trúc hiện đại, dấu ấn văn hóa kiến trúc ấy vẫn tiếp tục hiện hữu, trở thành nền tảng cho sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại.

Bản sắc kiến trúc truyền thống của Thành phố Hồ Chí Minh hình thành từ giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19, khi những dòng người di cư vào Nam xây dựng xóm ấp, nhà cửa để cư ngụ. Đặc điểm cơ bản nhất của giai đoạn này là do điều kiện thiên nhiên thuận lợi, nên những ngôi nhà thường đơn sơ với những vật liệu bán kiên cố, đến nay không còn giữ lại được. Việc thờ cúng tổ tiên chủ yếu tập trung ở đình làng. Tuy nhiên, những ngôi đình truyền thống phía Bắc vào đến phía Nam đã có nhiều thay đổi. Đình phía Nam được chia ra nhiều nhà có chức năng khác nhau, thường có hình vuông với 4 vạt mái dốc về 4 phía, có thể vì 4 hướng không có sự chênh lệch nhau quá lớn về khí hậu như ở miền Bắc… 4 hướng đều được rộng mở như để đón người từ 4 phương đến.

Triết lý phương Đông đã được nghiên cứu ứng dụng vào công trình Dinh Độc Lập.

Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp quy hoạch thành phố Sài Gòn hoàn toàn theo kiểu một thành phố phương Tây và những công trình lớn của họ cũng hoàn toàn là những kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Điển hình là Dinh Norodom, Dinh Xã Tây (nay là trụ sở HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Tòa Khâm sứ, Bưu điện Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Lớn Sài Gòn, Khách sạn

Continental Saigon. Tuy nhiên, dần dần người Pháp nhận ra những kiến trúc đó không phù hợp với Việt Nam nói chung và với Sài Gòn nói riêng. Ở xứ nhiệt đới, cây cối rất dễ mọc, to lớn, tán lá rộng, phải được kết hợp làm một thành phần quan trọng của đô thị nói chung và của kiến trúc công trình nói riêng. Vì thế, người Pháp đã tổ chức trồng cây xanh dọc theo các đường phố, tổ chức những không gian cây xanh lớn tập trung. Nhờ đó, đã có sự cải thiện rất lớn về cảnh quan đô thị và tạo nên một nét riêng biệt trong bố cục không gian kiến trúc cảnh quan. Trong các kiến trúc sau này của Pháp xây dựng như các trường Lê Quý Đôn (Chasseloup Laubat), Nguyễn Thị Minh Khai (trường Áo Tím), trường Lê Hồng Phong (Pétrus Ký) cho đến Viện Pasteur, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Đồn Đất)… không gian cây xanh trở thành một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với kiến trúc. Thậm chí, nếu không có không gian cây xanh thì những kiến trúc ở trên đều trở nên quá tầm thường.

Ngoài vấn đề cây xanh, các kiến trúc Pháp ở Sài Gòn còn chú trọng tới vấn đề thời tiết mưa to, nắng lớn, mưa giông gió rất mạnh. Vì thế, mái nhà và các bộ phận che mưa chắn nắng rất quan trọng. Từ đó, các kiến trúc sư (KTS) người Pháp đã đi sâu tìm hiểu các kiến trúc truyền thống của Việt Nam, và các kiến trúc sau này của họ xây dựng được khoác lên mình những bộ mái dày dặn hơn. Các mái che chắn có độ dốc lớn và cùng vật liệu với mái nhà, những hàng hiên rộng cũng ra đời từ đấy. Ngoài ra, các KTS Pháp còn học được các kiểu mái chồng để tạo sự đối lưu không khí, làm cho ngôi nhà mát mẻ, thông thoáng hơn. Như vậy, về nội dung công năng, người Pháp vẫn giữ được bố cục mặt bằng tiên tiến của phương Tây nhưng về hình thức, về cái vỏ kiến trúc bên ngoài đã có rất nhiều thay đổi, học tập các kiến trúc truyền thống để phù hợp với điều kiện thiên nhiên hơn.

Khách sạn Continental Saigon-một trong những công trình kiến trúc đầu tiên người Pháp xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi phác thảo phong cách kiến trúc của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh không thể không nhắc tới kiến trúc của người Hoa. Người Hoa đã kiến tạo nên đô thị khá rộng lớn ở khu vực Chợ Lớn. Chợ Lớn vốn là một khu đất chật, người đông nên nhà cửa san sát và chủ yếu là thuộc dạng nhà liên kế. Các phố buôn bán thường là nhà lầu, tầng trệt mặt tiền dùng để buôn bán, phía sau và tầng trên dùng để ở. Nhà người Hoa ở khu vực Chợ Lớn còn tạo ra một không gian ở phía sau cho những hộ khác cách nhau bằng khoảng trống, có khi là sân trong, có khi là giếng trời và các lối đi từ ngoài đường vào rất hẹp, rất ngóc ngách. Khu vực Chợ Lớn cũng là nơi tập trung các chùa, hội quán của người Hoa. Phong cách kiến trúc chùa miếu là phong cách kiến trúc Nam Trung Hoa, nhưng do đất đai hạn chế nên kiến trúc thường nằm trong một không gian khá chật hẹp, không rộng rãi như các chùa, các hội quán của người Hoa ở Hội An.

Từ những năm 60 của thế kỷ 20 trở đi, với sự viện trợ của người Mỹ, tại Sài Gòn xuất hiện khá nhiều kiến trúc mới. Điều đặc biệt nhất của các công trình kiến trúc giai đoạn này là hầu hết do các KTS người Việt thiết kế. Sự tìm tòi của họ hướng về những triết lý phương Đông, hướng về cách giải quyết tốt hơn, mới lạ hơn trong các giải pháp che mưa che nắng, nhưng đồng thời họ cũng rất mạnh dạn tiếp thu những xu hướng kiến trúc hiện đại trong việc tổ chức hình khối và đường nét. Tiêu biểu cho thời kỳ này là công trình Dinh Độc Lập của KTS Ngô Viết Thụ-triết lý Phương Đông về âm dương ngũ hành, về thuật phong thủy đã được nghiên cứu ứng dụng vào kiến trúc hiện đại. Đồng thời, kiến trúc Dinh Độc Lập cũng cố gắng khai thác những mô típ trang trí của Việt Nam từ hình thức kiến trúc bên ngoài cho đến bên trong. Ngay các kiến trúc cao tầng ở Sài Gòn giai đoạn này cũng có nét riêng của mình, không giống như châu Âu, châu Mỹ. Tuy mới là bước đầu đi vào lĩnh vực kiến trúc hiện đại với số lượng công trình không nhiều, nhưng các KTS Sài Gòn đã thể hiện sự tìm tòi một hướng đi cho kiến trúc của mình. Vì thế, có thể nói không quá rằng, kiến trúc thời kỳ này đã đẩy nền kiến trúc Việt Nam nói chung tiến lên một bước.

Công trình Diamond Plaza tạo một sự tương phản rất rõ nét giữa hiện đại và cổ kính. Ảnh: Tuấn Hoàng

Sau năm 1975, Chính phủ đầu tư thêm nhiều trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa, thể dục-thể thao (TDTT)… Công trình lớn nhất thời bấy giờ là Nhà hát Hòa Bình tại quận 10 và Nhà thi đấu TDTT Phan Đình Phùng. Nhà hát Hòa Bình với 3.000 chỗ ngồi là công trình lớn, rất phức tạp về kỹ thuật và rất khó về nghệ thuật. So với trình độ của ta lúc bấy giờ là có phần vượt quá tầm mức. Do vậy, khi công trình hoàn thành tuy không xảy ra vấn đề gì lớn về kỹ thuật, nhưng về âm thanh chưa tốt và về nghệ thuật không để lại một dấu ấn gì đáng kể. Nhưng dẫu sao, đây cũng là một cố gắng rất lớn của các kỹ sư và các KTS của chúng ta. Trong khi Nhà thi đấu Phan Đình Phùng tuy có quy mô không lớn, nhưng vẫn là nhà thi đấu lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Giống như Nhà hát Hòa Bình, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng không có sai sót gì về kỹ thuật, nhưng về nghệ thuật kiến trúc vẫn không để lại dấu ấn.

Thời đất nước mở cửa, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Khách sạn, văn phòng, nhà ở cao cấp… trở thành lĩnh vực được đầu tư sớm nhất và quy mô nhất. Chỉ sau 5-7 năm, hàng chục công trình cao tầng đã mọc lên tại khu trung tâm thành phố, góp phần làm thay đổi bộ mặt kiến trúc cảnh quan rõ rệt. Các KTS Việt Nam, các nhà quản lý đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có không ít đóng góp vào quá trình này. Bằng những yêu cầu khá khắt khe về tổ chức không gian kiến trúc, bằng những sự phê duyệt khá thận trọng và cả những phác thảo gợi ý cho đến đóng góp ý kiến rất cụ thể cho từng công trình nên chúng ta đã có những thành công nhất định. Công trình Land Mark rất hiện đại nhưng cũng “rất nhiệt đới” và pha một chút duyên dáng. Công trình Diamond Plaza tạo một sự tương phản rất rõ nét giữa hiện đại và cổ kính bằng cách phần bệ được giữ lại phong cách kiến trúc cũ, khối tháp sử dụng hình khối và vật liệu rất hiện đại. Công trình tạo được sự hài hòa với xung quanh, tạo được khung cảnh khá hoành tráng từ phía vườn cây nhìn vào, tạo được một bối cảnh vừa tương phản vừa hài hòa cho Nhà thờ Đức Bà.

Thành phố Hồ Chí Minh được hình thành từ sự hội nhập, do đó, không có gì lạ khi có rất nhiều phong cách kiến trúc hiện diện trên mảnh đất này. Tuy nhiên, điều đáng quý nhất là tất cả các phong cách kiến trúc từ các vùng, miền khác nhau, khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh, đều phải “chấp nhận” thay đổi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và con người nơi đây. Từ đó, một phong cách riêng có của Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành.

HUY QUÂN