Vào tháng 10-2024, tôi cùng gia đình có dịp đến bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu để đi thăm thác Trái tim dài 1,6km.
Chúng tôi ở trong homestay của một gia đình đồng bào dân tộc Mông được trang trí mang đậm bản sắc dân tộc, gọn gàng, sạch sẽ, mang lại cảm giác ấm cúng. Điều bất ngờ và ấn tượng với chúng tôi là cách làm du lịch cộng đồng ở đây rất bài bản. Chúng tôi được thưởng thức ẩm thực độc đáo, như: Lợn cắp nách, mèn mén, gà đen, rượu ngô, rượu gạo, bánh giầy... với giá vừa phải. Chúng tôi đến nhiều điểm trong bản, chợ và được tận thấy không gian văn hóa của người Mông, tìm hiểu các công đoạn làm váy lanh, thăm nhà tỏ tình, khu vui chơi đánh cầu, ném pao, khu bảo tồn mô hình đá ruộng bậc thang, nơi trưng bày lò rèn truyền thống, cối giã gạo, súng kíp, cối xay bột, giã bánh giầy.
Khảo sát qua một người dân địa phương, chúng tôi được biết, việc làm du lịch cộng đồng được hình thành cách đây gần 10 năm và khá bài bản. Cùng với việc mở cửa đón khách du lịch, người dân bản Sin Suối Hồ trồng và phát triển giống địa lan, cây ăn quả phục vụ du khách. Thu nhập từ phát triển du lịch cộng đồng của các hộ dân nơi đây tỷ lệ thuận với mức đầu tư, phổ biến từ 50 đến 300 triệu đồng/năm.
Khách du lịch đến bản Sin Suối Hồ rất đa dạng, phổ biến là thanh niên mê phượt, khám phá; các gia đình dưới xuôi; khách đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ. Đặc điểm của đối tượng này là thời gian lưu trú không dài và chi phí phục vụ cho nhu cầu du lịch không nhiều. Những người làm du lịch cộng đồng ở đây nói với tôi rằng, rất ít thấy du khách quay lại lần thứ hai.
Từ câu chuyện này, về Hà Nội tôi đến một số cơ sở dịch vụ lữ hành chuyên phục vụ khách du lịch trong nước và nước ngoài để khảo sát. Kết quả cho thấy, hiện nay các địa phương miền núi Tây Bắc tổ chức phát triển du lịch cộng đồng thông qua nhiều cách làm sáng tạo và cũng đã thu được kết quả khá tốt, trong đó chủ yếu là đầu tư xây dựng homestay và khai thác văn hóa dân tộc bản địa được chú trọng nhiều hơn, dần tạo ra sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc tổ chức homestay và tổ chức hoạt động văn hóa ở các địa phương là khá giống nhau nên khó thu hút được du khách quay lại. Với khách nước ngoài, họ thích khám phá những cái mới, đặc sắc trong văn hóa bản địa nên việc giới thiệu, định hướng cho họ quay lại nơi cũ là không dễ. Hơn nữa, họ có những trang thông tin riêng để nắm bắt nên rất khó thuyết phục.
Hiện nay, tổ chức du lịch cộng đồng phát triển khá nhiều ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn... Điều đáng nói là cách làm ở các nơi khá giống nhau, đều tập trung giới thiệu phong cảnh địa phương, giao lưu ẩm thực, giới thiệu các loại hình sinh hoạt văn hóa ca hát, vui chơi giải trí, làm những sản phẩm truyền thống. Có nơi sáng tạo thì tổ chức cho du khách tham gia lao động sản xuất. Vì sự giống nhau trong tổ chức giữa nhiều địa phương nên gây sự nhàm chán cho du khách.
Theo các chuyên gia, du lịch cộng đồng muốn phát triển được cần phải dựa vào hai vấn đề cốt lõi là cảnh sắc, điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa bản địa. Nếu như cảnh sắc và điều kiện tự nhiên là điều kiện để kéo du khách đến thì văn hóa lại là chất men để làm say lòng du khách.
Thực tế cho thấy, việc khai thác tự nhiên làm du lịch ở nhiều nơi còn thiếu tính bảo vệ và phát triển nên gây ra hiện tượng nghèo dần. Tôi từng đi một số thác, suối ở khu vực huyện Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa và thấy rõ điều này. Hồi chưa có phong trào làm du lịch, thác Yang bay rất đẹp, rất nguyên sơ, thơ mộng. Tuy nhiên, ngày tôi trở lại, sau hơn 10 năm được khai thác làm du lịch thì cái đẹp tự nhiên không còn nhiều mà thay vào đó là lòng thác thiếu nước, trơ đá.
|
|
Du khách tham gia làm bánh giầy tại bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Ảnh: THANH NGỌC
|
Thực tế cho thấy, đa phần lực lượng làm du lịch cộng đồng là những nông dân địa phương được bồi dưỡng chút kiến thức đón tiếp khách hết sức sơ lược. Họ chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch, còn thiếu kỹ năng, trình độ ngoại ngữ phục vụ du khách, không có khả năng tự định hướng, thích nghi với môi trường phục vụ du lịch. Nhưng điều đáng bàn hơn là họ chưa được bồi dưỡng, chưa biết cách để đưa đặc sắc trong văn hóa của đồng bào mình thành chất men say để mời gọi, giữ chân du khách. Các sản phẩm du lịch văn hóa chỉ ở dạng trình bày, giới thiệu và trình diễn hết sức thuần túy.
Cạnh đó, do phát triển du lịch cộng đồng thường hướng tới chủ thể là hộ gia đình ở địa phương nên nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng cơ sở du lịch cũng hạn hẹp. Hơn nữa người dân làm du lịch cũng chưa biết cách hợp tác, huy động vốn nên ở nhiều nơi tiện nghi dành cho du khách còn ở mức độ, khó thu hút du khách. Chính vấn đề này khiến các công ty lữ hành khó trong giới thiệu với du khách. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến mối liên hệ giữa các công ty lữ hành với điểm đến du lịch cộng đồng lỏng lẻo.
Ở bình diện lớn hơn thì thấy nhiều nơi chính quyền địa phương cũng chưa có kế hoạch tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Chưa có chính sách về vốn để xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng để đủ khả năng kết nối các bên liên quan trong tổ chức phát triển du lịch... Cá biệt, có địa phương xây dựng dự án và đầu tư rất bài bản nhưng sau một thời gian thấy không có khả năng phát triển thì ít quan tâm, thậm chí bỏ rơi để cho bà con “tự bơi”.
Mỗi một dân tộc thiểu số ở vùng núi cao đều có bề dày lịch sử văn hóa phong phú, đa dạng. Những đặc sắc văn hóa đó thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, nó có thể tựu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong lễ hội, trong lao động, sản xuất và trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, trong thờ cúng. Nhưng nếu mang những nét văn hóa đặc sắc ấy trưng bày, biểu diễn liên tục và không có sự khác biệt, không đổi mới thì sẽ gây nhàm chán cho du khách. Để phát triển du lịch cộng đồng thì cần có phương thức biểu đạt mới về văn hóa phù hợp với xu thế hiện đại và điều kiện tự nhiên của địa phương.
Hiện nay, dù đang ở thời của thông tin bùng nổ, nhưng chúng tôi thấy, việc giới thiệu, quảng bá cho du lịch cộng đồng chỉ giới hạn qua một vài bài báo và các review của các Facebooker, TikToker... khá đơn điệu. Tôi nghĩ rằng, điều này là chưa đủ để kéo du khách đến nhiều hơn với du lịch cộng đồng.
Tôi từng xem một bộ phim truyền hình của nước ngoài có tên “Đi đến nơi có gió” và được biết sau khi bộ phim đó được khởi chiếu ít lâu thì địa phương nơi quay bộ phim ấy trở thành địa chỉ du lịch rất nổi tiếng, giúp ích cho người dân phát triển kinh tế nhanh hơn, thu nhập ngày càng cao hơn. Tôi rút ra một kết luận nho nhỏ là, điểm đặc biệt để vùng đất ấy hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm thì ngoài cảnh đẹp thiên nhiên là văn hóa bản địa. Đạo diễn, nhà sản xuất bộ phim đã rất khéo léo trong việc xây dựng kịch bản với những xung đột, những nút thắt mở toát lên cái đẹp trong văn hóa ứng xử của người bản địa.
Tôi nghĩ rằng, song song với các biện pháp bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số thì chúng ta cũng cần có cách phát triển những giá trị văn hóa ấy thông qua cách quảng bá khéo léo, có chiều sâu, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Cần kéo các văn nghệ sĩ đến với đồng bào để có những sản phẩm văn hóa phục vụ nhu cầu phát triển du lịch.
Tôi cũng như nhiều người trong xã hội đều có tâm lý chung khi đi du lịch, là muốn khám phá cảnh đẹp tự nhiên ở địa phương, đặc biệt là về lịch sử văn hóa. Những giá trị mà du khách thu được sẽ tạo ra cho họ tâm lý hứng thú cho những chuyến đi tiếp theo. Tuy nhiên, khi thu về sự nhàm chán, đơn điệu thì tâm lý ấy cũng khó có thể được gợi lại rồi nhen nhóm biến thành những chuyến đi mới. Tôi cho rằng, nếu không có cách làm sáng tạo phát huy giá trị văn hóa bản địa, tạo sức hút thì du lịch cộng đồng sẽ khó bền vững bởi thời gian.
NGUYỄN THỊ THU