Tập thơ “Đi về phía mặt trời” của Lê Cảnh Nhạc gồm 123 bài, chia thành hai phần: “Dặm đời” và “Hồn Việt”. Mở đầu tập thơ là cát. Tại sao lại là cát mà không phải thứ gì khác? Vì suy cho cùng, mọi thứ mà con người có được, sở hữu nó đều bắt nguồn từ những hạt nhỏ bé li ti mà chúng ta gọi là cát bụi. Những thiên tài, vĩ nhân hay bậc thánh hiền... đều được cấu thành từ những nguyên tố phong trần vi tế nhất. Chính nó mới là chất liệu nuôi dưỡng chân lý, không bị chi phối bởi bất cứ một triết thuyết lớn lao hay thế lực cao siêu nào.
Cát chính là duy nhất, là điểm đến của mọi cuộc ra đi và trở về trên bước chân lữ khách. Bởi thế, không ngẫu nhiên “Đi về phía mặt trời” mở đầu bằng hình ảnh “Cát ngàn đời mở lòng ôm biển cả”. Cát đã mở lòng thì lập tức một đời sống khác hiện ra, đó là sự bao dung, chấp nhận, tôn trọng và cảm thông với đối tượng là những đợt sóng trào. Khi sự rộng lớn mênh mông mở ra thì thế giới mới tràn đến: “Lấp lánh lân tinh dưới trời nắng lửa/ Cháy ngời lên như muôn triệu vì sao”. Không khí rực rỡ, chói sáng của câu thơ cho cảm giác về sự khoan dung. Đó cũng là phẩm chất cao quý, là cảnh giới cao thượng, sự trưởng thành về nhận thức của nhân vật được ẩn dụ. “Cát bời bời cuộn trào lay gió bão/ Cát sắt son gắn kết dựng tường thành” không khí mạnh mẽ, vững chắc. “Triệu bàn chân không thể hằn dấu vết/ Thầm lặng ùa lên che nỗi đau mình”. Tự tin, bản lĩnh không gì có thể che vùi khuất lấp là một phẩm tính đặc biệt của cát. Nó vừa rắn chắc vừa cao thượng và cũng là chính nó, thiện lành dành tặng cho chính mình. Bởi lẽ, khi cát ùa lên thì nỗi đau biến mất, tâm hồn rộng mở sạch trong, mọi thứ sáng lên: “Cát ngời lên hoa lệ sắc pha lê” báo hiệu hiện tượng mới diễn ra: “Cát trẻ trung, cát vĩnh hằng không tuổi/ Cát chở che muôn vạn kiếp luân hồi”. Khi thân trong thì tâm mới sạch. Tâm trong sạch, ở đâu cũng an nhiên, tự tại. Đó mới là thứ vững bền muôn thuở, mới là cứu cánh của tồn tại.
“Đi về phía mặt trời” mang khát vọng của một thứ ánh sáng bao trùm. Đó là tập hợp của những lời ca được liên kết với nhau bởi những suy tư về cuộc đời. Phần “Dặm đời” là lời tự sự của chính tác giả về thân phận, nỗi niềm, nỗi đời, nhân tình thế thái nhưng luôn mang một ý thức rõ rệt hướng về nơi ánh sáng. Bởi ở đâu có ánh sáng thì bóng tối mất đi. Cuộc đời luôn là vậy, luôn là sự giằng co giữa hai cực bóng tối và ánh sáng. Vì thế, con người phải “Đi về phía mặt trời”, tìm cách vượt thoát khỏi tăm tối, u mê để vươn tới ánh sáng, vươn tới cái cao thượng, thánh thiện. Thế nên: “Tuyệt đỉnh phút thăng hoa/ Đừng quên linh hồn từng nhuốm bụi”, đừng để những vầng sáng chói lòa mê dụ cuốn về phía bóng tối, vì: “Bóng tối gian manh vỗ về tâm trí/ Uốn lời ta lúc diễn thuyết đăng đàn”.
|
|
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Ngay cả những lúc vinh quang nhất cũng đừng quên chính sự vinh quang ấy, cái bóng ấy đang che lấp bao người khác. Hơn thế nữa, tác giả không ngần ngại vạch trần sự thật của quyền uy: “Khi ta cố leo lên những nấc thang quyền lực/ Càng leo cao mặt nạ càng dày/ Khao khát uy quyền chiếm đoạt lòng tin/ Tự ngộ nhận linh hồn mình vĩ đại”. Cái ngộ nhận đôi khi che khuất mọi tầm nhìn, nó bị bủa vây bởi những lời tụng ca ngọt ngào đường mật làm cho mọi thứ rối tung lên, thật-giả bất phân. Vì thế, nếu không tỉnh táo, không thật sự lý trí, suy xét thấu đáo, mọi sự sẽ dẫn đến một tương lai nhiều hệ lụy. “Ai rồi cũng trở về cùng cát bụi/ Núi đổ rồi phận đá bạc như vôi”. Đoạn thơ trên không chỉ mang thông điệp thức tỉnh mà nó còn có ý nghĩa về sự tồn tại của kiếp người.
Phần “Dặm đời” còn có những bài thơ viết về quê hương, cha mẹ, người thân mang nặng nỗi niềm nhân thế. Đó là lúc nhà thơ lang thang đi khắp nẻo đường tìm người cha đã hy sinh trong cuộc chiến: “Miền thiên thu cao xanh in hình cha/ Vẫn rạng ngời như ngày vào trận tuyến/ Ngày sinh con cha đi mãi không về/ Mẹ chờ cha buốt cả trời thương nhớ”. Câu thơ buồn và đẹp như xoáy vào lòng người đọc... Trong cái mạch buồn ngậm ngùi nhiều day dứt ấy, tác giả tiếp tục bộc bạch: “Giận cái nghèo, thương mẹ cha vất vả/ Càng yêu quê, làm sao nỡ ly hương/ Dù bước chân đã bươn trải bốn phương/ Hồn quê vẫn rưng rưng trong từng câu hát”. Đó là niềm tự hào, là tiếng hát được cất lên dù rất ngắn ngủi nhưng kiêu hãnh về quê hương đất mẹ. Nó cũng là sự bền vững của văn hóa, của tính dân tộc trong mỗi con người xứ Nghệ.
Tác giả Lê Cảnh Nhạc là người nặng lòng, thường day dứt với quá khứ, về ý nghĩa của những điều đẹp đẽ đã qua nay không còn trở lại: “Mũi tên thời gian vút khỏi cung rồi/ Day dứt trong ta tê buốt cuộc đời/ Bởi không còn ở ngày mai những gì ta gặp lại”. Nhưng cuộc đời đôi khi đầy nghịch lý, vì thế, không phải cứ mũi tên bay đi là mất tất cả, mà nó còn phải nợ nần giăng mắc với bao hệ lụy, ví như: “Em là bầu trời trong đôi mắt con/ Em là bài ca tình yêu cuộc sống/ Trong giá băng nhen lên niềm hy vọng/ Cho anh vượt qua vòng xoáy cuộc đời”. Người con gái trong cuộc tình này cho dù không còn nữa nhưng dấu ấn mà cô ấy để lại thật sâu đậm: “Em buộc hồn anh về phương ấy”, hồn thơ tiếp tục đẩy lên cao: “Dẫu chia chiếc gối đôi đường/ Làm sao chia được lửa hương bao ngày/ Làm sao chia được nồng say/ Làm sao chia được biển đầy ái ân”. Đoạn thơ chùng xuống, xót xa, nuối tiếc. Cái thời má ấp tay kề đã không còn nữa, chiếc gối-thứ tượng trưng cho đoàn viên, hạnh phúc bị phân ly, chia cắt không còn nguyên vẹn, không hạnh phúc. Nhưng cái hương lửa xưa kia vẫn còn đó, đầy cảm thương làm cho chiếc gối đơn côi ngày trước, khôn nguôi nhớ nhung, day dứt.
Nỗi ám ảnh người xưa không dừng lại mà nó tiếp tục kéo dài: “Dòng sông cuộc đời đã thiếu vắng em/ Mải miết chảy giữa đôi bờ dâu bể/ Điều có thể mãi mãi là không thể/ Chỉ bóng hình ám ảnh suốt dòng trôi”, cuộc chia ly này là không thể cứu vãn, nó đã ra đi mãi mãi, cái còn lại chỉ là nỗi ám ảnh khôn nguôi: “Trong cô đơn vòng tay lạnh cóng/ Trăng chẳng thể nào xuống với anh đâu/ Trăng cứ chơi vơi lơ lửng trên đầu/ Mặc yêu thương lặng thầm tê tái”, câu thơ nhói buốt, xót xa trong nhớ nhung, sầu muộn của một cuộc tình không trọn vẹn, lãng mạn và đầy bi kịch. Có cảm giác trái tim tác giả tan ra, giằng xé, đau đớn tột cùng trong lặng thầm vô vọng của một tương lai không mấy lạc quan. Trong thế giới của “Đi về phía mặt trời”, nhiều câu thơ trong đoạn thơ cho cảm giác xót xa, thương cảm với cuộc tình dang dở. Và đỉnh điểm của mối tình tan vỡ này là rạch một đường dao vào vết thương lòng, là nỗi đau ứa máu trong trái tim tan nát không thể cứu vãn: “Anh sẽ gói em vào vết thương lòng/ Nỗi đau bản tình ca dang dở/ Tiếng chim hót buốt trời máu ứa/ Khi mận gai đâm nát trái tim mình”...
|
|
Bìa tập thơ "Đi về phía mặt trời" của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. |
Phần hai của tập thơ là sự cháy lên của tình yêu quê hương, đất nước. Đó là những lời ca hồn nhiên, chân thật được cất lên một cách mạnh mẽ, hào hùng: “Hồn Việt linh thiêng hạc trắng Văn Lang/ Khát vọng phồn vinh soi đường vận nước/ Hồn Việt khoan dung nghĩa tình sau trước/ Văn hóa dẫn đường cho quốc dân đi”. Sau những ca khúc sôi trào mang ý nghĩa khái quát là một sự êm đềm, giản dị: “Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ/ Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều/ Đảo Sơn Ca vẫn bốn mùa lảnh lót/ Chim và người xây cột mốc tiền tiêu”. Câu thơ như kéo thời gian dừng lại, mọi dông tố cuộc đời lùi xa. Những danh vọng chức quyền, những đớn đau, dằn vặt của mối tình xưa cũ, tiếng bom rơi đạn réo, những cơn gió Lào xé rách thịt da, những lũ lụt đói nghèo đồng không nhà trống được thay thế bằng tiếng chim vi vu trên đầu nòng súng: “Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều”.
Chủ nghĩa yêu nước trong “Đi về phía mặt trời” còn sáng lên ở những bài thơ viết về biên cương, hải đảo. Nơi những cột mốc còn đang rớm lệ, bão tố vẫn trào xô, nỗi đau sóng biển Gạc Ma làm cho trái tim nhà thơ quặn thắt: “Biết bao lời nhắn gửi Gạc Ma ơi/ Trong phút lặng im nghiêng mình trước biển/ Xương máu các anh sóng xanh hòa quyện/ Đáy nước Trường Sa nghẹn xoáy bao lần”. Giữa phong ba bão táp, người lính vừa canh giữ biển trời vừa làm giàu cho Tổ quốc, hiên ngang, ngạo nghễ trước sóng gió trùng khơi: “Trong dông tố mịt mù bão tố cuồng phong/ Khi cột sóng tung trời nhà giàn sập xuống/ Người lính biển hóa thành mốc chủ quyền lồng lộng/ Giữa đỉnh sóng bạc đầu Tổ quốc tiền tiêu”. Những câu thơ rắn chắc, hào hùng, tràn đầy niềm lạc quan cách mạng: “Những người mẹ tay moi hầm địa đạo/ Thân cán xe tăng, càn quét hành quân/ Nước mắt buốt tim khi con trai ngã xuống/ Tiếp tế nuôi quân vượt khói lửa bao lần”...
Thơ Lê Cảnh Nhạc là sự tiếp nối của truyền thống, của dòng thơ chống Pháp và chống Mỹ, là sự kết hợp giữa sử thi và trữ tình, là cách tiếp cận của nhà thơ với mọi góc cạnh của đời sống, là quan điểm cộng đồng, vì thế, nhà thơ dựng lên được những hình tượng đẹp, những chi tiết và hình ảnh hiện thực: “Chiều gom nắng buông ánh ngày cuối biển/ Ngàn vạn cánh cò xao động trắng hoàng hôn”...
Mở đầu tập thơ là cát ngàn đời mở lòng ôm biển cả, đến kết thúc là những đài sen vượt lên đầm sâu tỏa hương trời cao, là một quá trình dài dặc với biết bao thao thức, mồ hôi, nước mắt và cả sự hy sinh vô bờ bến của những người lính, người mẹ, người chị trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sự hy sinh to lớn ấy được bù đắp lại bằng những “Đài sen bung thắm cả khung trời” và dĩ nhiên, những đài sen ấy phải mở ra, “Đi về phía mặt trời”.
Nhà thơ TRẦN ANH THÁI