80 năm trận mạc đã bao nhiêu nước chảy qua cầu, cầu sông Lô, sông Thao, sông Bến Hải, sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long... sông trên đất đai và sông trong ký ức dân tộc một thời kỳ lịch sử. Đã lắm thời gian nhưng hình ảnh chiến sĩ Quân đội nhân dân từ thuở ấy không hề là vang bóng mà vẫn cứ đương thời. Tôi ngờ rằng đây chính là tác động của văn chương nghệ thuật.
Anh Bộ đội Cụ Hồ không chỉ in bóng mình vào lịch sử mà còn in vào văn chương nghệ thuật. Mà đặc điểm của văn chương nghệ thuật là hiện tại hóa mọi ký ức, biến ký ức thành sự sống của đương thời, với đầy đủ hương và vị như mọi sự kiện của đương thời. Bài viết này chỉ xin nói hẹp lại trong một thể loại văn chương, ấy là thơ. Chỉ với thơ thôi, chúng ta sống trở lại, sống toàn thân với mọi giác quan, tâm trạng và nhận thức, những chặng đời anh bộ đội thân yêu của chúng ta.
Trong lịch sử dân tộc, trước đây từng có thời kỳ được như thế nhưng chỉ là dấu vết hiện thực ẩn hiện trong hịch, như “Hịch tướng sĩ” thời Trần, hay trong cáo, như “Đại cáo bình Ngô” thời Lê. Thấy tướng sĩ mà không thấy quân dân, thấy thiên tử mà không thấy muôn dân bách tính. Hiện diện được đầy đủ, phong phú, toàn diện như ở thời chúng ta thì lại thuộc về đặc thù của chiến tranh nhân dân, của kháng chiến toàn diện, của phương pháp đấu tranh do Đảng, do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng tạo.
Chúng ta đã có cả một nền văn chương Quân đội, một thứ ký ức không cũ, một thứ lịch sử của trái tim đang đập trong ngực người đương thời. Tôi xin được chọn ra đây, như một vài ví dụ, một gợi ý về cách lưu dấu lịch sử của thơ ca. Tác giả đều là người làm cách mạng, hay là những chiến sĩ Quân đội trực tiếp cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Tác phẩm như nhật ký, hồi ký về những gì họ đã trải.
Xin được mở đầu trang thơ này bằng một bài thơ tìm ý lập tứ ngay giữa trận tiền, trên một sườn núi Mặt trận Đông Khê năm 1950. Nhà thơ-lãnh tụ Hồ Chí Minh có cách tìm thơ từ những chi tiết thực của đời thường. Và tôi cũng đã tìm được bức ảnh báo chí ghi lại cảnh Bác Hồ đang quan sát mặt trận như trong thơ thể hiện. Thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh có thể cách cổ điển mẫu mực, nhưng phẩm cách lại thuộc về hiện đại, cách mạng: Bài thơ “Đăng sơn” ("Lên núi"), Bác viết năm 1950.
Đăng sơn
Huề trượng đăng sơn quan trận địa,
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân.
Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu,
Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
Dịch thơ
Lên núi
(bản dịch của Xuân Diệu)
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trong Chiến dịch Biên giới, năm 1950. Ảnh tư liệu |
-------------------------------------------------------
Nguyễn Đình Thi trong kháng chiến chống thực dân Pháp tham gia nhiều chiến dịch. Nguyễn Đình Thi đa tài, trội nhất là thơ và kịch. Ngoài ra, ông còn viết tiểu thuyết, phê bình, lý luận. Sáng tác nhạc không nhiều nhưng ca khúc “Người Hà Nội” có phong vị riêng ở cả giai điệu lẫn lời ca. Nguyễn Đình Thi say mê tìm chất thơ sâu sắc ẩn giấu trong thiên nhiên và đời người. Nhiều khi, để tôn chất thơ vốn có của đời, ông dùng những câu thơ có dáng dấp để thể hiện, tạo nên một thứ nhạc điệu của bên trong tâm hồn cho bài thơ. Bài “Mưa xuân” này là một ví dụ.
Mưa xuân
Hoa hay gió
Mạ non dưới ruộng
Hay mùa xuân làm ta say
Bát ngát mưa bay
Ướt cả áo chàng Vệ quốc
Chú nhỏ giao thông phi ngựa
Đôi bờ hoa cỏ nhìn theo
Cầu tre bắc gióng cao
Nghiêng nghiêng soi bóng suối
Bướm trắng đuổi chân người
Tam Đảo bá vai nhau nửa trời
Khúc đường đá biếc chạy phăng phăng
Chân bước như bay
Súng đập bên vai
Chị nghĩ gì mà đôi môi chúm chím
Hỡi chị đang cười
Giữa luống rau xanh
Ngắt đóa hoa mua tím
Chị nói với mùa xuân
Áo chị đầy đất lấm.
10-2-1949, chân đèo Khế
---------------------------------------------------------------
Bài thơ làm nên tên tuổi Quang Dũng và cũng là một nhan sắc độc đáo của thơ thời kháng chiến chống thực dân Pháp là “Tây Tiến”, viết năm 1948. Còn bài thơ “Quán nước” giới thiệu hôm nay là một vẻ đẹp thường trực trong hồn thơ anh bộ đội Quang Dũng trên những ngả đường Việt Bắc thời kháng chiến. Tình quân dân, nghĩa đồng bào tạo nên mạch thơ cảm động, đồng điệu, chân thực như tấm lòng để ngỏ của người viết.
Quán nước
Tôi lính qua đường trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ em quán lệch tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt, đường xa thưa khách vắng.
Em đắp chăn dày, tóc em trĩu nặng
Tôi, mồ hôi ra ngực áo chan chan
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng lên má đỏ.
Em có một mình, nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp có hoa thêu
Hàng của em: Chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá.
Và chợt nhớ chúng ta xa nhà cửa
Em tản cư tôi làm lính tiền phương
Quê Hà Nội cùng xa từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau qua dọc đường.
Tiền nước trả em rồi - nắng gắt
Đường xa xôi mơ mơ núi và mây
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay!
Việt Bắc, 1948
-------------------------------------
Nguyễn Mỹ say mê tìm và đã thấy rõ dần một hướng mới cho thơ mình mà bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” viết năm 1964 là một báo hiệu. Bút pháp bài thơ nhiều biến hóa và rất tinh tế trong cách cấu tứ tượng trưng để nói tình cảm thực, rất thực. Thơ tiễn người ra trận không giấu xót thương nhưng đầy cao cả, có sức thuyết phục.
Cuộc chia ly màu đỏ
Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang bừng trên nét mặt
- Một rạng đông với màu hồng ngọc -
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá cây si
Và người chồng ấy đã ra đi...
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau...”
Tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét...
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly...
9-1964
-----------------------
Nhà thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG giới thiệu