Thơ sẽ có sức sống lâu bền khi mang nặng những cảm xúc và ký ức lịch sử của dân tộc với những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, không lẫn hòa. Giá trị đích thực của một nhà thơ có lẽ không quá phụ thuộc vào độ dày hay mỏng, nhiều hay ít của số tác phẩm, mà chỉ cần tới hàm lượng thi ca, sự hội tụ, kết tinh và lan tỏa trong mỗi đứa con tinh thần họ sinh ra.

Trường hợp nhà thơ mang áo lính Chính Hữu là minh chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất cho điều tôi vừa nói. Nhà thơ Chính Hữu quan niệm: “Tôi thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều những tưởng tượng lan xa. Thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở sự ngân vang... Câu chữ càng ngân thì sức ngân vang càng dài...”. Chính Hữu không viết nhiều nhưng đã để lại những tác phẩm tạo dấu ấn đậm nét về thơ ca kháng chiến, như: “Đồng chí”, “Ngày về”, “Ngọn đèn đứng gác”... Trong đó, theo cảm nhận của tôi thì bài thơ “Đồng chí” là tác phẩm xuất sắc của ông viết về người lính Cụ Hồ. Dẫu bài thơ ra đời từ tháng 2-1948 nhưng đến bây giờ đọc lại, ngẫm kỹ, tôi vẫn thấy vô cùng xúc động bởi tình đồng chí ấy dường như vẫn vẹn nguyên, lắng đọng và tỏa sáng trong đội ngũ những người lính hôm nay.

      Đồng chí

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!

 

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi

 

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

 

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Trước hết phải nói ngay rằng, chất liệu hiện thực tạo nên hình tượng thơ trong tác phẩm “Đồng chí” chính là đời sống kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân và chiến sĩ ta, mà nhà thơ là người trong cuộc. Ông không ngồi ở đâu đó để nghĩ ra, tưởng tượng ra những hình ảnh ấy. Chính Hữu tên khai sinh là Trần Đình Đắc, sinh ngày 15-12-1926, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đầu năm 1945, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, làm Bí thư Thanh niên cứu quốc TP Vinh. Sau đó, ông gia nhập Trung đoàn Thủ Đô, làm Báo Chiến thắng của Liên khu I. Trong Chiến dịch Việt Bắc, Chính Hữu từng là Chính trị viên Đại đội và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ từng giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Đại đoàn 308. Nói thêm một chút, Chính Hữu là Phó trưởng ban Văn nghệ Quân đội từ năm 1949 đến 1952...

Một nhà thơ áo lính tài hoa như thế viết nên tác phẩm xuất sắc về bộ đội cũng không có gì lạ. Ông đã hòa nhập vào cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của dân tộc một cách tự nguyện, tự giác nên cảm xúc của nhà thơ về đồng chí cũng hết sức chân thực và sâu sắc. Sự chín muồi trong cảm xúc được cộng hưởng vào sự thăng hoa trí tuệ của Chính Hữu đã để lại cho bạn đọc nhiều thế hệ một tác phẩm hay về Bộ đội Cụ Hồ.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng chủ yếu của Quân đội ta là những người nông dân mặc áo lính. Nhờ sự giác ngộ của Đảng, những người thợ cày lam lũ ít chữ ấy tình nguyện lên đường đánh giặc cứu nước với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” như lời kêu gọi của Bác Hồ. Tổ quốc là nguồn cội của tất cả người lính cách mạng, dù có thể họ không cùng sinh ra từ một làng quê nghèo khó, lầm than. Cái gốc gác, nguồn cội vừa sâu xa vừa gần gũi ấy là sự kết nối đầu tiên nhưng rất căn cốt và bền vững, làm nên tình đồng chí gắn bó keo sơn lúc bình thường cũng như trong chiến đấu. “Quê hương anh nước mặn, đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá...”. Chất nông dân hiện rõ ngay từ những câu thơ đầu mộc mạc và thân thiện như một cách giới thiệu, làm quen. Quê anh, làng tôi, nơi đồng chua, nước mặn, chốn sỏi đá cỗi cằn đều khắc bạc như nhau. Thế mà khi được đứng trong đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, họ trở thành bạn tri kỷ, thành chiến hữu thân thiết của nhau. “Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ...”. Đảng và Quân đội đã cho họ một tầm vóc văn hóa mới-văn hóa yêu nước, giữ nước thời đại Hồ Chí Minh, lấy đoàn kết làm nhân tố sức mạnh cơ bản. Có đoàn kết thực sự mới nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Vừa lắng sâu, vừa ngân vang hai tiếng: Đồng chí! Không phải ngẫu nhiên mà tác giả để chữ “Đồng chí” ở một dòng thơ riêng kèm dấu chấm than nhằm nhấn mạnh, khẳng định điều mình muốn gửi gắm. “Đồng chí” như một tiếng gọi nhau thật giản dị, thật thân thương và ai cũng hiểu, cũng cảm được chiều sâu của nó. Nói như cách của Chính Hữu thì đây, đồng chí là sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, đồng cam cộng khổ vô cùng tận: “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính/ Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi”...

Tôi vốn là một học sinh cấp 3 rời ghế nhà trường lên đường nhập ngũ vào thời điểm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đất nước thời đó còn nghèo khó lắm. Làng quê miền Bắc Việt Nam vẫn chỉ nhấp nhô những mái nhà lợp tranh, lợp rạ, bị đứt bữa vào mùa giáp hạt là chuyện bình thường. Hồi cấp 3, học bài thơ “Đồng chí”, chẳng quá khó để tôi hình dung ra cơ cảnh của những người lính Vệ quốc quân thời mình chưa sinh ra, bởi sự nghèo khó ấy vẫn hiển hiện nơi làng quê của nhiều chiến sĩ Giải phóng quân thời tôi đang sống. Có lẽ bởi thế mà tôi đọc bài thơ trong sự chia sẻ rất thành thực, từ nỗi ngậm ngùi của người lính nghèo đến niềm thương nhớ quê hương trong tâm hồn chúng tôi. Và khi đã nếm trải cơn sốt rét nơi núi rừng Trường Sơn, tôi lại càng thấm thía hơn tình đồng chí dành cho nhau trong quân ngũ.

Hoàn toàn không phải ôn nghèo kể khổ, mà chính là sự đồng cam cộng khổ của những người đồng chí với nhau. Bài thơ sở dĩ vượt qua được thời gian để neo vào tâm hồn người đọc cũng chính bởi tình cảm đồng đội rất nhân văn đó. Lòng yêu nước, yêu lý tưởng cao đẹp đã gắn kết những con người xa lạ với nhau. Cái đẹp của cuộc đời, của Quân đội toát lên từ đó. Đây không chỉ là câu chuyện của ngày xưa, của những ký ức rất dễ bị lãng quên, là trang cổ tích còn sót lại giữa thời hiện đại, thời chuyển đổi số, mà người lính hôm nay tuy hình ảnh có khác xưa nhưng tình đồng chí thì vẫn mãi thắm tươi như thế. “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Có thể, bộ quân phục của người chiến sĩ giờ đây đã đẹp hơn, nhưng biết bao gian khó và có thể cả thiệt thòi, hy sinh vẫn luôn hiện hữu, chờ họ vượt qua. Dù là thời chiến hay thời bình, lúc trời yên biển lặng hay khi bão dông, thử thách thì hình ảnh người lính “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” vẫn chưa bao giờ khuất vắng. Một hình ảnh mang vẻ đẹp vĩnh hằng về tình đồng chí, tình yêu giữa con người với con người mà Chính Hữu đã khắc họa bằng câu thơ vô cùng giản dị và gợi cảm, để từ đó truyền đi thông điệp rằng yêu thương là mãi mãi và càng trong gian khó lại càng tỏa sáng.

Cũng như những thi ảnh này đã là ký ức, ký ức của dân tộc về những năm tháng hào hùng và bi thương; ký ức của lớp lớp chiến sĩ kế tiếp nhau lên đường hành quân ra trận đánh giặc cứu nước và giữ nước, trong đó có không ít người đã ngã xuống. Nét đẹp của Bộ đội Cụ Hồ không còn bị khuôn cứng trong một không gian, thời gian nào nữa mà đã trở thành một biểu tượng lộng lẫy và mênh mông. Mãi mãi như vậy khúc quân hành người lính, bài ca Bộ đội Cụ Hồ: “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”.

 Vâng, không chỉ hôm qua, không chỉ hôm nay mà mãi mãi muôn đời vẫn tỏa sáng hình ảnh “Đầu súng trăng treo”... Thơ Chính Hữu chắc chắn sẽ còn ngân vang rất lâu như thế.

Đại tá, nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ