Truyền thuyết xa xưa của người Doma kể rằng, ban đầu, họ có đôi chân như người bình thường, nhưng khi trong làng có phụ nữ sinh một bé trai với đôi bàn chân hai ngón quái dị, điều này khiến mọi người vô cùng hoảng sợ. Họ cho rằng, đứa trẻ đã bị thần linh giáng tội. Những người trong bộ tộc quyết định giết chết cậu bé để tránh tai họa. Một năm sau, người phụ nữ đó lại sinh ra một đứa trẻ có bàn chân dị biệt như vậy. Tuy nhiên, lần này thái độ của những người trong bộ tộc lại thay đổi hoàn toàn. Họ cho rằng, đây là quà tặng mà thần linh ban phát cho nên hân hoan mở tiệc ăn mừng, dâng lên thần linh những lễ vật quý‎ giá nhất để tạ ơn.

leftcenterrightdel

Nơi sinh sống của người bộ lạc Vadoma. Ảnh: Sohu 

Thực tế, các nhà khoa học phát hiện rằng, đây là kết quả của một hiện tượng di truyền đột biến, nổi lên từ sự biến đổi của sắc thể số 7. Điều thú vị hơn, những di chứng này đã tồn tại suốt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm qua.

Dù bị nhận định là "dị tật" bởi một số người, thực tế chứng minh rằng những bàn chân kỳ lạ này đã giúp người Vadoma có nhiều ưu thế về khả năng leo trèo, cũng như di chuyển tốt mà không cần phải mang giày, dép.

Hành trình sống và phát triển của người Vadoma tập trung chủ yếu ở hai huyện Urungwe và Sipolilo, nơi thung lũng sông Zambezi. Họ giao tiếp bằng tiếng Chikunda và tiếng Kore Kore, thể hiện sự kết nối sâu sắc với văn hóa và bản sắc bộ tộc Mkorekore. Cuộc sống của họ dựa vào nghề săn bắn, câu cá, thu thập thực phẩm rừng và khai thác mật ong...

Trang phục truyền thống ban đầu của họ gần như ở trần, có miếng vải nhỏ che phần dưới cơ thể. Đàn bà thường địu con trên lưng, còn đàn ông cũng chỉ đeo khố mỏng. Sau này, khi được tiếp cận với văn minh, những người Vadoma bắt đầu mặc quần áo và trang bị một số phụ kiện để hỗ trợ cho cuộc sống thường ngày. Dẫu vậy trong suốt nhiều thập kỷ, người Vadoma bản địa vẫn từ chối hòa nhập với các cộng đồng thiểu số khác tại Zimbabwe, dù đã được chính quyền địa phương tạo nhiều cơ hội.

Cách ly với văn minh nhân loại, không trường học, không dịch vụ y tế, người dân Vadoma dường như vẫn rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Có lẽ đó cũng là lý do bộ lạc “chân đà điểu” còn tồn tại nguyên vẹn đến tận ngày nay.

THANH HÀ