Vương gia đại viện, hay còn gọi là dinh thự nhà họ Vương, nằm ở huyện Linh Thạch, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là quần thể kiến trúc được bảo tồn hoàn hảo nhất và lớn nhất tỉnh Sơn Tây, được xếp hạng di tích lịch sử trọng điểm quốc gia năm 2006.

Tổng thể bố cục Vương phủ bao gồm 5 làn đường và 6 tòa nhà, với 123 viện nhỏ, 1.118 gian nhà, đều tựa lưng vào núi, cửa chính quay về hướng Nam. Các khoảng sân được thiết kế rất khoa học, không chỉ thuận tiện di chuyển mà còn tạo cảm giác thoáng đãng cho toàn thể công trình.

leftcenterrightdel

Các tòa nhà được bố trí bên trong Vương phủ. Ảnh: Baidu 

Cấu trúc tòa nhà bao gồm nhiều công trình phụ, như: Phòng dệt, nhà bếp, phòng ăn chung.. tất cả được kết nối với nhau bằng các khoảng sân chung. Ở khu trung tâm của Vương phủ, các dãy nhà và đường đi được thiết kế đối xứng nhau. Khi nhìn từ trên xuống, người ta sẽ thấy một chữ “Vương”.

Điều độc đáo ở Vương phủ là bên trong có nhiều tác phẩm điêu khắc trên gỗ, đá và gạch, với chủ đề phong phú từ truyện dân gian, chim chóc và động vật quý hiếm cho tới kỹ thuật chạm nổi, chạm nông. Với quy mô tráng lệ cùng phong cách kiến trúc độc đáo, Vương phủ được coi là “viên ngọc quý” kế thừa nét tinh túy của nghệ thuật xây dựng cổ xưa.

Từ thời nhà Minh (1368-1644), nhà họ Vương bắt đầu kinh doanh buôn bán và đến đầu thời nhà Thanh, quy mô kinh doanh bao trùm nhiều lĩnh vực, từ những mặt hàng truyền thống như lương thực, ngựa, chuyển sang các mặt hàng lợi nhuận cao hơn như muối, trà...

Nhà họ Vương trở thành một trong tứ đại gia tộc ở huyện Linh Thạch và biệt phủ không ngừng mở rộng từ năm 1654 tới 1820 dưới các triều đại Khang Hi, Ung Chính, Càn Long và Gia Khánh.

Năm 1853, phong trào Thái Bình Thiên Quốc tấn công thành Dương Châu ở Giang Tô và giết chết Vương Hồng Tiệm, gia chủ đời thứ 21 nhà họ Vương.

Mất đi gia chủ và vô số tài sản, nhà họ Vương dần suy yếu nhưng vẫn là dòng họ giàu nhất huyện Linh Thạch, cho tới khi chiến tranh loạn lạc khiến cả gia tộc ly tán, con cháu phải bán bớt một phần nhà cửa. Ông Vương Nhu Kiệt, 80 tuổi, là con cháu đời thứ 22 của nhà họ Vương, bắt tay vào công việc biên soạn gia phả nhà họ Vương từ năm 1999 tới nay.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện nay, quần thể kiến trúc độc đáo được bảo tồn hoàn hảo cùng ý nghĩa văn hóa truyền thống của một dòng tộc thịnh vượng, khiến Vương gia đại viện trở thành điểm tham quan độc đáo ở tỉnh Sơn Tây.

THẠCH SƠN