Tầng ozone là một vùng của tầng bình lưu nằm giữa 15 và 30km trên bề mặt trái đất, có nồng độ khí ozone cao so với các phần khác của bầu khí quyển. Bằng cách hấp thụ một số tia cực tím có hại của mặt trời, tầng ozone hoạt động như một chiếc khiên bảo vệ sự sống trên trái đất. Ozone có độ dày trung bình 300 Dobson Units (DU) tức tương đương 3mm, khi nó chỉ còn dưới 220DU thì được gọi là "bị thủng". Vào thập niên 1970 và 1980, các nhà khoa học phát hiện một lỗ thủng lớn trong tầng ozone do tác động bởi chlorofluorocarbons (CFCs)-các hóa chất nhân tạo từng được sử dụng rộng rãi trong bình xịt, dung môi và chất làm lạnh-làm suy thoái tầng này sau khi bay lên tầng bình lưu.

leftcenterrightdel

Bản đồ 3D về lỗ thủng tầng ozone vào ngày 10-9-2024. Ảnh: CAMS/ECMWF 

Năm 1992, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi nhận được độ dày tầng Ozone ở Nam Cực chỉ còn 100DU, đến năm 2006, nó còn 93DU và đến tháng 10-2012 thì tăng lên 124DU. Diện tích của vết thủng trên tầng Ozone khi bị phát hiện đã rất lớn, năm 2010, nó đạt kích thước lớn nhất, tới 30 triệu ki-lô-mét vuông tức rộng gấp 3 lần nước Australia, bằng khoảng Bắc Mỹ (diện tích Mỹ và Canada cộng lại). 

Trước những nguy cơ gây thủng tầng Ozone, năm 1987, Liên hợp quốc thông qua Nghị định thư Montreal thỏa thuận quốc tế cấm CFCs trên toàn cầu, đưa ra một kế hoạch dài hạn để loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone, làm giảm tốc độ mở rộng của lỗ thủng tầng ozone. Sau đó đã có 197 quốc gia, nền kinh tế phê chuẩn nghị định thư này. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong một tuyên bố cho rằng, Nghị định thư Montreal có hiệu lực từ năm 1989, đã đồng ý loại bỏ dần khí chlorofluorocarbon (CFC) và các chất khác làm suy giảm tầng ozone.

Sau hành trình hơn 30 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal được đánh giá là điều ước quốc tế rất thành công, kết nối các quốc gia trên thế giới chung tay loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone để khôi phục tầng ozone trở về nguyên trạng. 

Theo các nhà nghiên cứu, từ núi lửa đến biến đổi khí hậu, có rất nhiều yếu tố đóng vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc hình thành lỗ thủng tầng ozone. Tuy nhiên, không có yếu tố nào ảnh hưởng lớn như các chất làm suy giảm ozone do con người tạo ra. Nghị định thư Montreal và các sửa đổi sau đó đã tạo đủ không gian cho tầng ozone bắt đầu phục hồi. Điều này cho thấy nhân loại có khả năng, thông qua hợp tác quốc tế và quyết định dựa trên khoa học, để thay đổi tác động của chúng ta lên bầu khí quyển của hành tinh.

MAI LAN