Sáng 24-9, tại ngôi nhà nhỏ của mình trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn bồi hồi nhớ lại: Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tôi được tham dự cầu truyền hình trực tiếp “Ngàn hoa dâng Bác” (do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Thái Nguyên phối hợp tổ chức) tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Bến Nhà Rồng. Chương trình diễn ra vào ngày 8-6 thì trước đó một ngày, các khách mời được đến trước để làm quen, tập dượt. Ở đây, tôi được gặp anh Nguyễn Văn Bảy.

Khi đang tham quan bảo tàng, tôi bắt gặp người cựu chiến binh với chòm râu dài, cứ tủm tỉm cười. Tôi tới bắt chuyện:

- Chào đồng chí. Sao tôi nhìn đồng chí thấy quen quá, không biết đã gặp đồng chí ở đâu?

- Mình là Bảy, ở Đồng Tháp. Anh em yêu quý, thỉnh thoảng có cho lên báo hoặc ti vi-người cựu chiến binh tủm tỉm đáp.

leftcenterrightdel
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và Anh hùng Nguyễn Đức Thìn gặp nhau năm 2018

Tôi vỗ tay, reo lên:

- Tuyệt vời! Đây là người “anh hùng chân đất” đã bắn rơi 7 máy bay! Tôi nghe danh anh đã lâu, nay tao ngộ ngay trên Bến Nhà Rồng, thật quá đỗi hạnh phúc.

Trông anh Bảy trong bộ quân phục, nghiêm trang nhưng thật giản dị. Quan sát một hồi, tôi hỏi:

- Thưa anh Bảy, anh bắn rơi 7 chiếc máy bay Mỹ, Bác Hồ tặng anh 7 huy hiệu. Sao nay anh chỉ đeo có 4 cái?

- Không thể đeo một lúc cả 7 cái được. Vì thế này… Lỡ mà nó rơi mất thì làm thế nào! Do đó phải chia ra. Tôi có hai cái áo, một cái áo gài sẵn 4 Huy hiệu Bác Hồ, một cái gài 3 huy hiệu. Phải gài sẵn trước chứ lúc nào đi mới gài, khéo không cẩn thận nhỡ nó tuột ra-anh Bảy cười sảng khoái, đáp.

- Thế ngày mai anh mặc áo có 4 huy hiệu à?

- Đúng thế. Hôm nào đi nói chuyện với bà con trong xã thì mình đeo 3 cái thôi. 3 cái huy hiệu nghĩa là lúc nào cũng ngời sáng tinh thần thiên-địa-nhân, tức là trời, đất, con người cũng ở trong trái tim tôi đây! Còn hôm nay ở đây, 4 phương trời về đây chung vui, tôi mặc áo gắn 4 huy hiệu.

“Ơ, hóa ra người “anh hùng chân đất” này thật hóm hỉnh!”-tôi thầm nghĩ.

Chúng tôi trò chuyện rôm rả. Tôi nhận thấy ở anh Bảy chứa đầy sự chất phác của một người nông dân chính hiệu. Rồi anh đột nhiên hỏi tôi: “Này. Mình nhìn thì bạn là người khuyết tật. Hỏi thật, đời sống của bạn như thế nào?”.

- Vợ em thì ốm. Em cũng không khỏe lắm. Nhưng mà em phải tự vượt lên chính mình thôi.

Rồi tôi liền đọc mấy câu thơ: Mất cảm giác chỉ trên da thịt/ Cảm hứng cuộc đời sâu mãi trong tim/ Mong sống đẹp tôi là thi sĩ/ Là anh hùng chiến thắng chính tôi.

Tôi đọc xong, anh Bảy vỗ đùi, thốt lên: “Cậu này hay thật! Nhưng này, nếu có khó khăn thì vào nhà tao đi. Ở Đồng Tháp. Có một cái ao cá, có một vườn cây. Cậu mà là thi sĩ, vào đấy cảm hứng sẽ làm được nhiều bài hay”.

Vẫn nụ cười tủm tỉm cùng chòm râu rung rung, anh Bảy nói thân mật: “Đây nói chân thành, không phải nói chơi đâu. Nếu khó khăn, cần nghỉ ngơi thì vào chỗ tao. Chúng mình nhảy xuống ao bơi, nuôi cá, trồng cây. Tao đi xe đạp thì không thạo, nhưng cứ vào đây tao nghĩ ra cách là đi được. Tao lái máy bay được nhưng đi xe đạp thì rất kém!”.

Hai anh em tôi cùng cười.

Anh hùng Nguyễn Đức Thìn vốn là con của nông dân, sống với đồng ruộng. Ông chợt nhận thấy ở người Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân kia không có chút gì xa cách, chan chứa tình thương yêu. Tình cảm này ông bắt gặp từ thời kháng chiến, khi ông cùng đồng đội đi tản cư, đi đến đâu cũng được đồng bào yêu quý. Nay giữa nhịp sống hối hả, ông gặp lại tình cảm này, trong lòng không khỏi xúc động.

Ông Nguyễn Đức Thìn đáp: “Nhất định em sẽ đến thăm nhà anh Bảy”.

 *

*      *

Bẵng đi một thời gian. 5 năm sau (2018), ông Nguyễn Đức Thìn có dịp gặp lại người anh Nguyễn Văn Bảy, nhân kỷ niệm 70 năm phong trào thi đua yêu nước, tại Hà Nội. Ông hồi tưởng: “Lúc đó, khi đang ở nhà khách chuẩn bị vào Lăng viếng Bác, tôi thấy anh Bảy đi với nhiều tướng lĩnh. Trông thấy tôi, anh chạy nhanh đến, đấm một cú vào ngực tôi, phấn khởi hỏi: Dịp này còn làm “nghìn việc tốt” không? Tao vẫn nhớ câu thơ của đồng chí Thìn đấy nhé: Mỗi người là một bông hoa/ Mỗi bông hoa lại hóa ra một người/ Làm nghìn việc tốt xây đời/ Người làm việc tốt là người đáng yêu.

Đó là những câu thơ mà ông Thìn chép tặng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy ở lần gặp đầu tiên. “Ồ! Anh Bảy nhớ lâu thật”-ông đáp. Thế rồi hai người anh hùng cùng chụp một tấm ảnh kỷ niệm…

Đã hơn 6 năm từ lần đầu gặp nhau, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn chưa có cơ hội thực hiện lời hẹn vào quê anh Bảy chơi thì bất chợt nghe tin anh qua đời. Ông thổn thức: “Biết tin, tôi lạnh cả người. Anh Bảy đã ra đi, nhưng những câu chuyện về cuộc đời và nụ cười của anh sẽ còn sống mãi”.

HOÀNG LIÊN VIỆT

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy (còn gọi là Bảy A, sinh năm 1936, tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), là một trong 19 phi công Việt Nam đạt cấp ACES (cấp độ bắn rơi 5 máy bay địch trở lên) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông qua đời tối 22-9, tại Bệnh viện Quân y 175.

Còn AHLĐ Nguyễn Đức Thìn (sinh năm 1940, tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông là tác giả đề xuất phong trào “Nghìn việc tốt” được phát động gần 60 năm trước. Thập niên 1970, phong trào “Nghìn việc tốt” không chỉ được nhân rộng trên tất cả các trường học của Việt Nam mà còn được nhiều quốc gia khác sang học hỏi kinh nghiệm. Năm 1978, ông bị mắc bệnh phong, chuyển vào Trại phong Quỳnh Lập, Nghệ An. Chứng kiến những trẻ em theo bố mẹ vào trại phong, không được học hành, ông nảy ra ý tưởng tổ chức lớp học tình thương ngay trong trại. Trường học Lê Văn Tám ra đời. Sau 4 năm điều trị, thầy giáo Thìn trở về quê, tiếp tục đứng lớp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Ông được tuyên dương AHLĐ năm 1985, danh hiệu NGND năm 1988.