Giữa năm 1969, lực lượng điệp báo tại miền Nam có nhiều tổn thất: 4 cụm điệp báo bị phá hoàn toàn, 1 cụm bị phá một phần; một số tổ trưởng và cơ cán đi sâu bị bắt. Lúc này cũng chính là thời gian lưới Vũ Ngọc Nhạ cùng 4 cán bộ là Vũ Hữu Ruật, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe, Nguyễn Xuân Đồng bị bắt. Cấp trên đã rút nhiều cán bộ điệp báo ra, chỉ để lại những người có vỏ bọc thực sự an toàn...

Ông Mười Hương cho biết, mỗi người có một sở trường khác nhau nên hướng họ theo một vỏ bọc, một bình phong hợp lý nhất để có thể tồn tại lâu nhất, phát huy hiệu quả cao nhất... khi sống, chiến đấu trong lòng địch. Ví dụ, thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Lê Hữu Thúy vốn là cán bộ công an, nhưng sau cải cách ruộng đất, do gia đình thuộc tầng lớp trên nên bị ra khỏi ngành. Tuy nhiên, nhà tình báo Trần Hiệu đã sớm phát hiện ra tài năng, tố chất xuất sắc của Lê Hữu Thúy. Chính ông bảo lãnh và móc nối với tổ chức để đưa Lê Hữu Thúy vào Nam hoạt động. Và Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ được đưa vào Nam cùng một đợt.

Phân tích hoàn cảnh lúc bấy giờ của điệp viên Lê Hữu Thúy, ông Mười Hương kể: Đặc điểm nổi bật nhất của Lê Hữu Thúy chính là sự quảng giao; là cử nhân văn chương, có kiến thức sâu sắc về văn chương, xã hội, có nhiều mối quan hệ với các quan chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn. Vì vậy, ông hướng Lê Hữu Thúy đi theo con đường của lực lượng Hòa Hảo mà tiến sâu vào lòng đối phương. Lê Hữu Thúy khiến Ngô Đình Diệm tin tưởng đưa vào vị trí một phái viên chính phủ bên cạnh Hòa Hảo, làm việc trực tiếp với các quan chức cấp cao trong các bộ thời kỳ Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Những rối ren chính trị; đấu tranh nội bộ phe phái; các kế hoạch hành động của những nhóm thân Pháp, thân Mỹ, các nhóm đối kháng nhau... được Lê Hữu Thúy nắm bắt, phân tích rạch ròi. Nằm sâu trong hệ thống chính trị lúc đó khá phức tạp, nhà tình báo Lê Hữu Thúy với tên hoạt động Lê Nguyên Vũ đã tạo được vỏ bọc chắc chắn, hoạt động mưu trí, sáng tạo, thực hiện chính xác mọi mệnh lệnh, ngày càng giành được sự tin tưởng của cả Diệm và Nhu... thậm chí sau này còn trở thành “cánh tay phải” của tổng trưởng nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm; “cánh tay phải” cho giám đốc sở nghiên cứu chính trị-mật vụ Trần Kim Tuyến; “cánh tay phải” cho giám đốc nha an ninh quân đội Đỗ Mậu...

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Quốc Hương nhận Huân chương Sao Vàng năm 2006. Ảnh: VIÊT DŨNG

Theo ông Mười Hương: Muốn có những điệp viên ở tầm chiến lược, để lấy được tin tức giá trị, chính xác, an toàn là nhiệm vụ vô cùng gian nan, nguy hiểm. Đã có biết bao tình huống mà cái chết cận kề; đã có biết bao đồng chí đã phải hy sinh để bảo vệ an toàn cho một điệp viên; đã có biết bao giao liên, liên lạc âm thầm cống hiến... và còn nhiều hơn những gì có thể kể ra để có một bản tin chất lượng đến được tới bàn làm việc của Trung ương... Có thể thấy rõ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, công tác hoạt động nắm địch của tình báo được triển khai hết sức khẩn trương, có bài bản, được tổ chức chặt chẽ.

Đã có rất nhiều bản tin chiến lược giúp chúng ta hiểu rõ âm mưu, ý đồ hành động của địch đối với cách mạng, từ đó đưa ra những đánh giá chính xác về địch. Kết quả cuối cùng là từ những tin tức tình báo cao sâu ấy, chúng ta đã có hành động hợp lý, tránh được tổn thất và chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng. Là người tuyển chọn, giác ngộ, giáo dục và theo sát bước đi của các điệp viên huyền thoại, nhưng khi nhắc tới công trạng ấy, những kỳ tích ấy, ông Mười Hương chỉ cười hiền và nói: “Đó là trách nhiệm Đảng, Trung ương phân công. Chỉ huy tối cao là Trung ương Đảng. Sức mạnh có được là nhờ cả một hệ thống các lực lượng cách mạng. Tôi cũng chỉ là người được giao lại các đầu mối. Các anh ấy (các điệp viên chiến lược-PV) giỏi ngụy trang, khéo léo leo cao, luồn sâu, trong quá trình công tác lập được nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng”.

Cũng như biết bao huyền thoại tình báo khác mà tôi có dịp trò chuyện vào tháng 4-2015, như chú Tư Cang, cô Tám Thảo... tôi thấy rất rõ ở ông Mười Hương sự khiêm nhường, điềm tĩnh. Như có lần ông bộc bạch: Có 3 việc lúc nào cũng phải trau dồi: Một là phải biết thế nào là vừa, thế nào là đủ. Hai là trong công việc luôn luôn phải vượt lên chính mình. Ba là nên làm việc bằng chính cái đầu của mình. Suốt cả buổi nói chuyện, dù đã không ít lần tôi bày tỏ được nghe ông kể chuyện cá nhân mình, những nghĩ suy của ông trong những lúc cam go, những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” với những điệp viên, song ông không muốn nói về mình, cho dù nhìn lại cuộc đời ông Trần Quốc Hương, ta như thấy hiện lên cả một chiều dài của lịch sử kháng chiến. Ông chia sẻ rằng, nghề nào cũng cần nhất là sự tỉnh táo. Với nghề tình báo thì càng đặc biệt cần tỉnh táo. Cái đầu phải lạnh, trái tim phải nóng và bàn tay phải sạch. Giữ được như thế, làm gì cũng được.

Ông Mười Hương không thích nói về mình nhưng ông luôn đấu tranh bảo vệ bạn bè, đồng chí của mình. Vì thế, bạn chiến đấu của ông vẫn thích gọi ông với cái tên “Hương sự thật”. Ông bảo với chúng tôi rằng, sở dĩ ông không muốn nói về mình vì ông biết sự khó khăn của mình không là gì so với những học trò, những đồng đội của ông trực tiếp chiến đấu trong lòng địch. Vì thế, trong câu chuyện, ông dường như muốn dồn hết tình cảm, tình thương yêu dành cho các điệp viên mà ông coi như anh em, người thân của mình: Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ... Và điều ông nhớ nhiều nhất về họ là những vất vả, hy sinh, những gian truân, là những phút giây hiểm nguy mà họ phải vượt qua. Ông nói: Với người tình báo, điều khó khăn nhất là vượt qua chính mình. Sống giữa nơi phồn hoa, cám dỗ nhiều, là con người bình thường, ai cũng có nhu cầu được hưởng thụ. Vậy mà các điệp viên tầm cỡ ấy đã vượt qua và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Với nghề tình báo, muốn chiến thắng thì không được phép sai lầm dù nhỏ nhất, vì mọi sai lầm đều phải trả giá bằng mạng sống, bằng cả một lưới tình báo, hay nguy hiểm hơn là tính mạng của rất nhiều người khác. Để có những vỏ bọc chắc chắn, giữ an toàn tuyệt đối cho các điệp viên, bản thân ông Mười Hương đã phải hy sinh rất nhiều. Ông đã bị Mỹ-ngụy bắt giam nhiều lần, qua những khu biệt giam ghê rợn nhất, tàn bạo nhất. Kẻ thù vừa dùng cực hình, vừa dùng mồi ngon hòng đe dọa, mua chuộc nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản kiên trung, giữ vững phẩm chất người cán bộ tình báo. Thiếu tướng, nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ từng nói: “Sở dĩ lưới tình báo của chúng tôi có được chiến tích như vậy, ngoài cố gắng của các đồng chí trong mạng lưới tình báo còn có công rất lớn của ông Mười Hương. Thời kỳ đầu, ông Mười Hương trực tiếp chỉ đạo chúng tôi. Ông từng chịu cảnh tra tấn tù đày vì chúng tôi”.

Nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ kể: “Ông Mười Hương luôn nói với chúng tôi rằng phải biết gác lại tình riêng, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, bí mật, khôn khéo, cẩn thận, kiên nhẫn, “đi sát địch” thì mới có thể xây dựng được những tổ chức bí mật, chui sâu, leo cao, bám chắc, thâm nhập vào các cơ quan đầu não địch, hoạt động lâu dài mà không hề bị lộ. Chính Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ-“ông cố vấn” cho 3 đời tổng thống ngụy quyền Sài Gòn-đã thực hiện đúng phương châm ấy mà khai thác được nhiều tài liệu cơ mật trong phủ tổng thống ngụy. Ông cũng là người xây dựng cụm tình báo chiến lược nổi tiếng A22, từng làm rúng động chính trường Sài Gòn trong suốt những năm cuối của thập niên 1960. Mạng lưới tình báo 42 điệp báo viên hoạt động dưới nhiều chức danh, cấp bậc từ cao tới thấp trong ngụy quyền Sài Gòn đã cung cấp nhiều thông tin, tài liệu quan trọng, góp phần vào chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ khẳng định: Khí tiết, sự thông minh, sắc sảo của bậc thầy tình báo Mười Hương đã khiến những “ông trùm” phía bên kia như Ngô Đình Nhu cũng “bó tay bất lực”. Trong một lần giáp mặt Ngô Đình Nhu lúc bị bắt, ông Mười Hương đã khảng khái nói: “Dù ông có cho người giết tôi cũng không lấy gì được ở tôi đâu”.

Có thể nói, những chiến sĩ tình báo quốc phòng Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó, viết nên những trang sử hào hùng của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam.

Những câu chuyện, những ký ức dường như không bao giờ dừng lại trong ông Mười Hương... nay đã khép lại. Câu chuyện về những chiến công, về những phút hiểm nguy của những nhà tình báo suốt đời tận tụy vì đất nước rồi sẽ được tiếp nối...

Đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh năm 1924, tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; là con trai út trong một gia đình tư sản. Năm 1943, Trần Quốc Hương được kết nạp Đảng. Trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Trần Quốc Hương làm thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh và là một trong những người chuẩn bị cho buổi ra mắt quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Năm 1954, khi vào Nam công tác, Trần Quốc Hương được gọi dưới bí danh Mười Hương. Đồng chí Trần Quốc Hương đã từ trần hồi 10 giờ 10 phút ngày 11-6-2020, tại Bệnh viện Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh.

NGUYỄN HÒA