Sài Gòn, một chiều nắng rát cuối mùa khô năm 2015. Chỉ còn chưa đầy một tuần là tới Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi và đồng nghiệp thật may mắn khi được ông và gia đình cho phép tiếp chuyện, phỏng vấn, với một điều kiện không được quá 30 phút. Như người nhà ông nói, ông không được khỏe lắm đâu... Thế nhưng, chuyện từ những ngày tháng ông ở an toàn khu (ATK), rồi tới chuyện ông vào Nam để xây dựng các lưới điệp báo, lặn lội tìm cho ra những nhà tình báo chiến lược để thu thập tin tức cao sâu của Mỹ-ngụy... cứ thế cuốn tôi và ông đến tận cuối giờ chiều. Lúc ông phải uống thuốc theo đơn của bác sĩ, câu chuyện mới tạm chấm dứt trong sự nuối tiếc...
Trả lời câu hỏi của ông về ngành tình báo, tôi cũng mạnh dạn trích mấy câu trong các bức thư của Bác Hồ, của Tổng Bí thư Trường Chinh gửi các hội nghị tình báo năm 1949 và 1951, với mấy ý chính là công việc tình báo khó khăn, nguy hiểm và phức tạp. Nó đòi hỏi người cán bộ tình báo phải có những đức tính trung thành, gan góc, khôn khéo, nhẫn nại. Cán bộ tình báo chẳng những phải thạo về chuyên môn mà phải có ý thức chính trị cao và đạo đức cách mạng vững. Tóm lại là phải được giáo dục, rèn luyện chu đáo. Người làm công tác tình báo, đặc biệt là tình báo chiến lược, ngoài việc rất giỏi còn đòi hỏi có sự hy sinh, gian khổ và phải có nhiều phẩm chất đặc biệt. Như lời Bác dạy: “Tình báo là tai mắt. Tai phải tỏ, mắt phải sáng, thì đầu óc định kế hoạch mới đúng. Đầu óc định đúng, thì chân tay mới hành động kịp thời. Ta tai mắt sáng tỏ, kế hoạch đúng sát, hành động kịp thời, thì ta nhất định thắng địch”. Về công tác tình báo, Bác dạy: Nó là một công tác khoa học. Phải bí mật, tức là tuyệt đối tránh sơ suất. Phải khôn khéo, tức là tuyệt đối tránh cẩu thả. Phải kiên nhẫn, tức là tuyệt đối tránh hấp tấp. Đó là một việc phải chịu khó luôn luôn điều tra nghiên cứu, học tập. Phải luôn luôn dựa vào dân và đi sát địch thì mới có kết quả. Những ý kiến đó bây giờ vẫn đúng, mà sau này vẫn cứ đúng.
Tất nhiên là khi ấy tôi không nói được đầy đủ, trọn vẹn nội dung như trên mà chỉ nói được đại ý mấy điểm chính, nhưng tôi thấy mắt ông ánh lên niềm vui. Rồi ông vỗ vai thân tình và khen: “Như vậy là cậu cũng ít nhiều hiểu về công việc tình báo, những con người làm công tác tình báo. Song, nói để hiểu hết thì cả tôi cũng khó có thể hiểu hết được sự chịu đựng, đức hy sinh của các điệp viên nằm trong lòng địch”. Nói rồi ông lại rơm rớm nước mắt, trầm ngâm khá lâu. Không biết do tuổi tác, do xúc động hay là ông đang nhớ về những người học trò, những người đồng chí đã cùng ông đi suốt một chặng đường dài-chặng đường vô cùng gian khổ với những cuộc đấu trí, cân não với kẻ thù khôn ngoan, xảo quyệt để giành được chiến thắng cuối cùng.
|
|
Ông Mười Hương và tác giả bài viết. Ảnh: Đặng Trung Kiên |
“Nói về tình báo à! Nào, hãy bắt đầu bằng câu chuyện đầu tiên nhé”. Ông Mười Hương chậm rãi kể lại: “Ngày 8-3-1945, tin tức ngầm báo về: Quân Nhật chuẩn bị tấn công quân Pháp. Theo cậu, điều này có ý nghĩa như thế nào?”. “Dạ, cháu không biết”, tôi thật thà trả lời. “Nhật sẽ tấn công và hất cẳng Pháp. Đây là cơ hội lịch sử”-ông nói. “Tôi nói cho cậu nghe này: Tôi biết, thời điểm đó, Hồng quân Liên Xô đã quét sạch phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ Liên Xô, giải phóng nhiều nước, bao vây thủ đô của nước Đức, tiến sát tới sào huyệt của Hitler. Phát xít Đức sẽ sụp đổ. Kéo theo đó, phát xít Nhật cũng sẽ sụp đổ. Ở nước ta, Nhật tấn công Pháp sẽ tạo ra khủng hoảng chính trị sâu sắc. Hệ quả tất yếu là phát xít Nhật cũng sẽ suy yếu và sụp đổ, đây là cơ hội của chúng ta. Nếu nhìn bề ngoài, nó chỉ là thông tin, nhưng nếu theo dõi cả quá trình, biết phân tích thì nó là tin tình báo vô cùng quý giá đấy. Việc phân tích đúng tình hình, nhận định đúng thời cơ để chớp lấy cơ hội hành động, đó chính là tình báo đấy”.
Về ý nghĩa của thông tin Nhật hất cẳng Pháp, ông phân tích: “Không phải bây giờ chúng ta mới quả quyết về vấn đề thời cơ Tổng khởi nghĩa như thế. Nội dung này đã được Đảng ta dự báo từ tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Đảng đã ra nghị quyết và dự báo khá chính xác hệ quả trực tiếp của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai thông qua việc phân tích chính xác mâu thuẫn giữa các thế lực đế quốc, nhận định phát xít Nhật sẽ đảo chính, hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương và vạch ra kế hoạch hành động khi xuất hiện tình hình mới. Ngày 15-2-1944, trong bài “Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!” đăng trên Báo Cờ giải phóng, Tổng Bí thư Trường Chinh xác định, sớm hay muộn, cuộc đấu súng Nhật-Pháp nhất định sẽ xảy ra. Vì thế, khi Nhật tiến hành đảo chính, chúng ta đã chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược sát đúng.
Đêm 9-3-1945, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã lập tức triệu tập hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Khi hội nghị mới bắt đầu, cuộc đảo chính cũng diễn ra. Đồng chí Trường Chinh tiếp tục chủ trì cuộc họp, đồng thời cử người sang Hà Nội nắm thêm tình hình cuộc đảo chính. Sau đó, nội dung cuộc họp quan trọng này được thể hiện đầy đủ trong bản Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và hoàn chỉnh.
“Tư duy tình báo của tôi đã được hình thành như thế đó. Tôi thật may mắn khi được gần gũi các vị lãnh tụ, những nhà lãnh đạo, những cán bộ xuất sắc của Đảng ngay từ khi còn rất trẻ nên tôi học hỏi được nhiều từ những bộ óc tinh nhạy, sắc bén nhưng cũng rất nhân văn”-giọng ông trầm trầm kể lại.
Tên thật của ông là Trần Ngọc Ban, sinh năm 1924, ở Bình Lục, Hà Nam. Cái tên Trần Quốc Hương, Mười Hương là bí danh hoạt động sau này. Tham gia các hoạt động cách mạng từ khi mới 13 tuổi, khi chưa đầy 15 tuổi, cậu Ban đã bị bắt lần đầu tiên do nhận nhiệm vụ treo cờ, nhưng chưa treo được, đem về cất thì bị thực dân Pháp phát hiện, bắt được. Khi ở trong tù, được nghe kể về những nhà lãnh đạo xuất chúng như đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Trường Chinh, về tình bạn, sự thủy chung son sắt và tấm lòng hy sinh hết thảy cho cách mạng của họ, những thông tin ấy cứ dần ngấm vào người, ông càng thêm nung nấu quyết tâm làm cách mạng. Rất nhiều câu chuyện về sự giác ngộ, về lòng trung nghĩa với cách mạng, trung tín với bạn bè, sự gan góc, nhanh nhẹn khi làm nhiệm vụ của ông đã khiến ông được các đồng chí lãnh đạo tin tưởng và giới thiệu vào Ban công tác đặc biệt của Đảng, chuyên công tác tổ chức bảo vệ các lãnh đạo Đảng trong hoạt động bí mật.
Kể về cơ duyên này, trong cuốn “Trần Quốc Hương-Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải có viết rõ: Đó là vào dịp ông đang công tác tại Ban cán sự đảng Phúc Yên thì được Thường vụ Trung ương chọn về làm cán bộ Ban Công tác đội trong an toàn khu (ATK) của Trung ương. “Anh Trường Chinh bảo: Cậu về nhận công tác mới, không ở Phúc Yên nữa. Ban Công tác đội Trung ương thành lập, cần người thông thạo Hà Nội, chuyên lo địa điểm cho Trung ương”. Chàng thanh niên Mười Hương, 18 tuổi, lúc đó sững người vì bất ngờ. Đây là một vinh dự lớn mà anh không nghĩ tới.
Kể từ khi ở bên đồng chí Trường Chinh, cơ duyên để ông tiếp cận với các nguồn tin cao sâu, sự phân tích, đánh giá, cách thức chọn lựa cán bộ, xây dựng, tổ chức công việc... đã từng bước hình thành nên phẩm chất của một nhà tổ chức tình báo tài ba, người đã đào tạo, xây dựng được một mạng lưới tình báo gồm nhiều điệp viên cực kỳ chất lượng với nhiều tin tức cao sâu, có tác động, ảnh hưởng rất lớn tới cục diện chiến tranh. Quãng thời gian công tác ở an toàn khu, được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Lê Liêm; và đặc biệt thời gian này, cũng nhờ vị trí công việc mà ông quen biết và giao lưu với nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu nổi tiếng thời bấy giờ như: Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Thôi Hữu, Thế Lữ... đã giúp ông có thêm nhiều kiến thức xã hội sâu rộng, hiểu rõ công việc của báo chí-một mảng lớn sau này ông được giao làm đầu mối với các nhà tình báo lớn như: Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy... Tất nhiên, như ông nói, chính thực tiễn là người thầy lớn nhất đã dạy cho ông cách tổ chức các lưới tình báo giá trị. Ông nhớ lại, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác tình báo chủ yếu phục vụ cho các chiến dịch quân sự lớn. Năm 1948, với kinh nghiệm làm công tác an ninh tại chiến khu, ông đã áp dụng cho ngành tình báo sau này. Những công việc ban đầu như tổ chức lưới trinh sát trong các trung đoàn, tổ chức điệp báo, gây cơ sở, nắm tình hình địch ở các vùng rộng lớn như vùng đồng bằng Bắc Bộ... đã để lại rất nhiều bài học và kinh nghiệm thực tiễn cho ông khi ông lãnh đạo tổ chức các lưới tình báo lớn ở Sài Gòn và các khu vực lân cận sau này.
Kể chuyện cũ cho chúng tôi nghe, dường như ông có vẻ bắt đầu mệt. Chúng tôi liên tục phải dùng khăn giấy để thấm nước từ miệng ông. Tôi hỏi ông có mệt không để hôm sau chúng tôi trở lại. Ông cười nói: “Mấy khi có duyên gặp nhau, tôi sẽ kể thêm chuyện cho cậu nghe”. Tôi sốt ruột muốn nghe đoạn cao trào, chuyện nhiều người hay nhắc đến là ông xây dựng được một mạng lưới tình báo gồm rất nhiều nhà tình báo huyền thoại, như: Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy... Khi nghe tôi nhắc tới những người học trò, người bạn thân thiết, người đồng chí của ông, khuôn mặt ông như chùng xuống. Ánh mắt ông thật buồn. Sau giây phút xúc động, ông chỉ nói một câu: “Thương chúng nó lắm”... rồi lặng im nhìn vào khoảng không bất tận. Tôi có cảm giác những hình ảnh như những thước phim của 50, 60, 70 năm trước dường như đang hiện về trước mắt một con người đã đi xuyên qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứ hiện lên từng khúc, từng khúc... mà ở mỗi khúc ấy lại có bóng dáng những người bạn, người học trò, đồng chí của ông. Và đúng như nhiều người nhận xét về ông, ông là chứng nhân hiếm có của những tình tiết trọng yếu trong lịch sử ngành tình báo quốc phòng.
(còn nữa)
NGUYỄN HÒA