QĐND - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tình báo Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Dương Xuân Vinh, Chính ủy Tổng cục II đã dành cho Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần cuộc trò chuyện về truyền thống của ngành Tình báo Quốc phòng (TBQP).
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, được biết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Trần Hiệu, Cục trưởng Cục 2: “Biết người chưa đủ, phải biết mình nữa”. Đề nghị đồng chí khái quát quá trình “biết mình” của ngành TBQP?
Trung tướng Dương Xuân Vinh: Chỉ thị đó của Bác Hồ với ngành TBQP thật toàn vẹn và sâu sắc. Lời chỉ bảo đó dựa trên kinh nghiệm hoạt động, lãnh đạo cách mạng phong phú của Người, vừa là sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tình báo nhân loại. Tại Hội nghị tình báo toàn quốc năm 1948, Người viết thư căn dặn: “Muốn biết địch, thì phải có tình báo giỏi. Muốn khỏi địch biết ta, cũng phải có tình báo giỏi”.
Tôi nghĩ “biết mình” ở đây là phải luôn hiểu rõ vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình. Đồng thời, biết rõ tổ chức tình báo của ta mạnh, yếu ở điểm nào? Hạn chế của lực lượng tình báo đến đâu để xây dựng tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ. “Biết mình” là phải biết dựa vào dân, sự hỗ trợ giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể ở các địa phương trong cả nước, nhờ đó tình báo được sự đùm bọc, giúp sức, che chở, xây dựng được phong trào cách mạng, tạo thế đứng chân vững chắc, xây dựng lực lượng, mở rộng hoạt động.
|
Trung tướng Dương Xuân Vinh. |
Với ngành TBQP chúng tôi, từ ngày thành lập 25-10-1945 đã nhanh chóng phát triển về tổ chức, lực lượng, từ Phòng tình báo, lên Cục Tình báo năm 1947, lên Tổng cục Tình báo năm 1992.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, TBQP đã phát triển về tổ chức, lực lượng, có mặt khắp các chiến trường, phục vụ tốt cho cấp trên xác định rõ kẻ thù của cách mạng, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến, chỉ đạo các chiến dịch và kế hoạch tác chiến thắng lợi. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, TBQP đã triển khai lực lượng: Điệp báo chiến lược, Trinh sát bộ đội và Trinh sát kỹ thuật, xây dựng thế trận liên hoàn vững chắc, hoạt động có hiệu quả.
Đến nay, TBQP đã xây dựng được các đơn vị hoạt động nắm địch; có các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ tham mưu, bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị trung tâm; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ cho ngành.
PV: Thưa đồng chí, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến TBQP, trong thư gửi Hội nghị Tình báo tháng 3-1948, Người khẳng định: “Tình báo là tai mắt của Đảng, của Quân đội”. 70 năm qua, TBQP đã thể hiện vai trò “tai mắt” như thế nào?
Trung tướng Dương Xuân Vinh: Đó là lời huấn thị quan trọng của Bác Hồ đối với TBQP Việt Nam, xác định vị trí, tầm quan trọng của tình báo đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; đồng thời xác định rõ bản chất cách mạng của TBQP Việt Nam.
Thấm sâu lời dạy của Bác, TBQP luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình qua các thời kỳ, lập được nhiều chiến công trong nắm địch và đánh địch.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vai trò “tai mắt của Đảng, của Quân đội” được TBQP thể hiện rất rõ trong tổ chức, xây dựng lực lượng nắm địch trong các chiến dịch: Thu Đông năm 1947, Biên Giới năm 1950, Tây Bắc năm 1953 và nhất là chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bảo tàng Tổng cục II tháng 4-2012. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Từ sau Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, TBQP chủ động đưa vào địa bàn miền Nam hàng trăm cán bộ điệp báo gồm: Tổ trưởng điệp báo, cơ cán đi sâu… để cùng với cán bộ đã được điều chỉnh địa bàn, tạo thành một thế trận tình báo mới ở miền Nam. Từ đó đã thu thập được nhiều tin tức có giá trị cao như chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy; kế hoạch “tố Cộng, diệt Cộng”, lập ấp chiến lược, kế hoạch AB hằng năm; các kế hoạch hành quân, phản kích và kế hoạch rút quân Mỹ, chư hầu ra khỏi miền Nam... Nắm chắc âm mưu, ý đồ của Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc; nắm sớm hoạt động của máy bay chiến lược B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 phục vụ hiệu quả Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Phục vụ tốt cho cấp trên nhận định chính xác tình hình, đánh giá đúng thế và lực của ta, đánh giá đúng khả năng hoạt động của địch. Đặc biệt, TBQP đã giúp cấp trên khẳng định Mỹ không đưa quân trở lại nếu ta đánh lớn để giải phóng miền Nam, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. TBQP cũng phục vụ tốt cho Đảng, Nhà nước vô hiệu hóa âm mưu nghi binh chiến lược, bao vây cô lập Việt Nam của các thế lực thù địch...
Trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, TBQP đã tập trung lực lượng để nắm tình hình, nắm địch, không để bất ngờ xảy ra. Thu thập nhiều tin tức, tài liệu, mẫu vật có giá trị trong lĩnh vực kinh tế, khoa học-công nghệ (KHCN), phục vụ nghiên cứu ứng dụng thành tựu KHCN, phát triển thị trường; phục vụ có hiệu quả cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại, phát triển kinh tế đất nước, phát triển tiềm lực quốc phòng, xây dựng quân đội và hoạt động đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN.
PV: Quá trình lớn mạnh, trưởng thành của TBQP là quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ, chiến sĩ TBQP đã rèn luyện 4 đức tính theo lời dạy của Bác Hồ như thế nào?
Trung tướng Dương Xuân Vinh: Tháng 8-1949, trong thư gửi Hội nghị Tình báo, Bác Hồ đã căn dặn: “Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật. Cẩn thận. Khôn khéo. Kiên nhẫn”. Tháng 6-1951, cũng trong thư gửi Hội nghị Tình báo, Bác khẳng định: “Về công tác tình báo, Bác bảo các chú: Nó là một khoa học. Phải bí mật, tức là tuyệt đối tránh sơ suất. Phải khôn khéo, tức là tuyệt đối tránh luộm thuộm. Phải cẩn thận, tức là tuyệt đối tránh cẩu thả. Phải kiên nhẫn, tức là tuyệt đối tránh hấp tấp”.
Bốn đức tính trên là những nguyên tắc cơ bản của công tác tình báo và cũng là đức tính cần phải có của mỗi cán bộ tình báo. Nó chi phối toàn bộ quá trình tổ chức và hoạt động của TBQP. Những nguyên tắc đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau mà trước hết là nguyên tắc bí mật. Hoạt động tình báo là hoạt động bí mật, quan hệ trong hoạt động tình báo là “cự ly, đơn tuyến”. Không giữ được bí mật thì không còn hoạt động tình báo. Có kiên nhẫn, cẩn thận, khôn khéo mới bảo đảm được bí mật để hoạt động lâu dài và ngược lại.
Quá trình lớn mạnh, trưởng thành của TBQP chính là quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chiến công 70 năm qua của TBQP cũng là quá trình các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tình báo học tập, rèn luyện 4 đức tính theo lời dạy của Người, vận dụng tư tưởng của Bác vào mọi lĩnh vực hoạt động của TBQP.
Nhờ có giữ bí mật mà nhiều chiến sĩ tình báo đã thâm nhập được vào các cơ quan đầu não của địch, hoạt động dài không hề bị lộ như: Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ làm cố vấn tôn giáo cho 3 đời tổng thống ngụy; Thiếu tướng Đặng Trần Đức suốt 20 năm hoạt động trong Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy luôn giữ được bí mật, an toàn; đồng chí Huỳnh Văn Trọng làm cố vấn chính trị đối ngoại của tổng thống ngụy; đồng chí Nguyễn Xuân Hòe làm công cán ủy viên Phủ Tổng thống; đồng chí Vũ Hữu Ruật là Phó tổng thư ký đảng của Nguyễn Văn Thiệu; đồng chí Lê Hữu Thúy là công cán ủy viên Bộ Chiêu hồi; đồng chí Hoàng Hồ là dân biểu trong Nghị viện của chính quyền Sài Gòn.
Nhờ có khôn khéo, cẩn thận, kiên nhẫn nên đã tác động, chuyển hóa được quần chúng, kể cả những người đứng trong hàng ngũ địch phục vụ cho cách mạng, như: Đồng chí Nguyễn Văn Phấn đã xây dựng được đồng chí Nguyễn Văn Minh hoạt động nhiều năm liền trong văn phòng Bộ Tổng tham mưu ngụy; ông cũng xây dựng được đặc tình đại tá Lê Quang Hiền, Phó tổng Thanh tra quân đội ngụy, lấy được toàn bộ kế hoạch hoạt động quân sự hằng năm của liên quân Mỹ, ngụy. Đồng chí Đinh Thị Vân nhờ các mối quan hệ đã vận động được Đỗ Trọng Quyên là Chánh văn phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội ngụy cung cấp nhiều tin tức, tài liệu quan trọng. Nhờ có bí mật, cẩn thận, mưu trí, sáng tạo nên suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, chỉ bằng những chiếc thuyền thô sơ, Đội thuyền 128 giao thông tình báo trên biển luôn bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, chở vũ khí, tài liệu, đưa đón cán bộ hoạt động từ Bắc vào Nam và ngược lại. Trung đoàn 75 trinh sát kỹ thuật trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 thu được các bức điện của địch qua sóng đã kiên nhẫn, khắc phục khó khăn, nghiên cứu kỹ lưỡng và nắm sớm hoạt động của các tốp máy bay B52, F111 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng từ lúc chúng xuất phát, kịp thời phục vụ cho cấp trên chỉ huy tác chiến và giành thắng lợi.
Điều đó đã góp phần rất quan trọng để TBQP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cũng như nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
PV: Dấn thân vào nghề tình báo là chấp nhận hy sinh thầm lặng, Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục II đã quan tâm, chăm lo xây dựng hậu phương chiến sĩ TBQP như thế nào để bộ đội yên tâm làm nhiệm vụ?
Trung tướng Dương Xuân Vinh: Quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Quân đội về công tác chính sách, Đảng ủy Tổng cục II đã lãnh đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện công tác chính sách đi sâu, gắn chặt với công tác nghiệp vụ, các nhiệm vụ, các lĩnh vực hoạt động chuyên ngành của tổng cục. Chủ động đề xuất với cấp trên điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách phù hợp với các đối tượng và đặc thù từng phương thức cũng như thân nhân cán bộ.
Đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng tại ngũ, tổng cục đã kết hợp các nguồn lực, đề xuất với cấp trên có chế độ phụ cấp, trợ cấp đặc thù cho các đồng chí hoạt động nghiệp vụ, nhất là các đồng chí làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn gian khổ, các đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người có công với cách mạng. Tổng cục cũng quan tâm, tạo điều kiện đối với các đồng chí thương binh, con liệt sĩ đang công tác trong tổng cục. Xây dựng nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, kết hợp với các chương trình tặng nhà đồng đội, nhà tình nghĩa…
Những việc làm đó của chúng tôi đã động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác; xây dựng mối đoàn kết giữa các thế hệ TBQP ngày càng gắn bó sâu sắc, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận TBQP vững mạnh, tạo thế và lực cho TBQP Việt Nam trên các địa bàn hoạt động.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
HỒNG HẢI - THU HÙNG (thực hiện)