Sau ngày đất nước thống nhất, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc được phép ra hoạt động công khai và đã kể cho bạn bè, người thân nhiều kỷ niệm thú vị trong thời kỳ hoạt động bí mật của mình…

Bác sĩ Nguyễn Đình Kim, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, là em ruột của GS Nguyễn Đình Ngọc, đã kể lại cho chúng tôi nghe mấy kỷ niệm mùa xuân của anh trai mình.

Mùa xuân lên đường

GS Nguyễn Đình Ngọc (1932-2006) hơn em trai 1 tuổi. Quê ở Hà Đông (cũ), nhưng hai anh em đều sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và cùng học Trường Chu Văn An. Hồi đó, anh Ngọc nổi tiếng là “thần đồng Toán học”. Niên học 1949-1950, anh đỗ đầu trung học đệ tứ, năm sau đỗ đầu tú tài toàn phần. Rồi anh học tiếp Cao đẳng Khoa học Hà Nội. Nhưng đã có một biến cố xảy ra buộc anh phải bỏ học. Cha anh, cụ Nguyễn Đình Diệp, vốn tốt nghiệp Trường Y sĩ Đông Dương năm 1939 và hành nghề ở nhiều nơi. Năm 1946, cụ nhập ngũ, làm Quân y xá trưởng Trung đoàn Vĩnh Phúc, bị giặc Pháp giết trong một trận càn cuối năm 1947. Nguyễn Đình Ngọc sống với gia đình trong nội thành, rất có thể bị bắt đi quân dịch nên ngay sau Tết Quý Tỵ (1953), anh trốn ra vùng tự do Khu 4 với ý định thoát ly, trả thù nhà nợ nước. Một may mắn ngẫu nhiên là trong chuyến máy bay Hà Nội-Phát Diệm, người ngồi cạnh anh tên Thành, công nhân Nhà máy điện Vinh, lại là điệp viên của công an Liên khu 4 (sau này, có giai đoạn ông Thành là Trưởng ty Công an tỉnh Nghệ An). Ngày đó cầu Hàm Rồng đã bị đánh sập, từ Phát Diệm vào Nghệ An phải đi bộ hàng trăm cây số. Mấy ngày đi đường với nhau, Thành đã biết hoàn cảnh, nguyện vọng của Ngọc. Anh đưa bạn đến gặp Giám đốc Công an Liên khu 4 Nguyễn Hữu Khiếu. Vậy là, từ thời khắc mùa xuân năm “con rắn” ấy, anh chính thức gia nhập đội ngũ an ninh. Anh có một năm được huấn luyện nghề tình báo. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, đất nước tạm chia 2 miền chờ ngày tổng tuyển cử. Dự báo Mỹ-Diệm sẽ phá hoại hiệp thương, cuộc chiến đấu còn lâu dài, Giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu cử điệp viên Nguyễn Đình Ngọc vào Nam trong dòng người di cư năm 1954 và yêu cầu anh học thật xuất sắc để có suất học bổng du học Pháp…

leftcenterrightdel
Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc (người mặc trang phục Công an nhân dân) và bác sĩ Nguyễn Đình Kim (thứ hai, từ phải sang) trong lần gặp lại các bạn học cũ Trường Chu Văn An, Hà Nội (tháng 5-1995). Ảnh do gia đình cung cấp.
Mùa xuân của chiến công đầu

Sau 10 năm đèn sách ở Pa-ri (1956-1966), Nguyễn Đình Ngọc đã giành được 3 bằng kỹ sư, 2 bằng tiến sĩ, trong đó có bằng Tiến sĩ quốc gia (tương đương Tiến sĩ khoa học) về toán. Say mê khoa học, nhưng Nguyễn Đình Ngọc không phút giây nào quên nhiệm vụ. Đường dây đơn tuyến chỉ có người chỉ huy với điệp viên. Chỉ huy trực tiếp Nguyễn Đình Ngọc là nhà tình báo lão luyện Nguyễn Phước Tân, tức Hai Tân. Sau này, ông Tân là Trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Chiến công đầu của nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc thực hiện vào dịp Tết Canh Tuất (1970). Qua báo chí và thăm dò một số chính khách Sài Gòn, GS Ngọc biết tình hình bất ổn trong nội bộ Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, vả lại lúc đó Quốc trưởng Xi-ha-núc đang cùng vợ đi Pháp chữa bệnh. Ông sang Phnôm Pênh, chủ động tiếp xúc với kiến trúc sư Van Mô-li-van, một thành viên nội các, biết Thủ tướng Lonnon đang rục rịch đảo chính. Khi lên nắm quyền, hắn sẽ phong tỏa cảng Xi-ha-núc-vin, triệt đường tiếp tế của miền Bắc cho cách mạng miền Nam và tìm cách xóa sổ cơ quan đầu não của “Việt cộng” đang ở vùng “lõm” phía bắc Sài Gòn. Quả nhiên, chỉ sau một tuần ông về nước, Lonnon đã làm cuộc đảo chính.

Cũng thời điểm sau Tết Canh Tuất, đột nhiên Đại tá Phan Huy Lương, một bạn học ở Trường Chu Văn An ngày trước, lúc ấy đang giữ chức Tham mưu trưởng Biệt khu Thủ đô ở Sài Gòn, đến nhờ ông dự báo thời tiết khí hậu vùng bắc Sài Gòn trong vòng nửa tháng tới, vì GS Ngọc vốn có bằng kỹ sư khí tượng. Vùng “lõm” ở phía bắc Sài Gòn, ông ngầm hiểu đấy là cái đích của một cuộc hành quân tìm diệt lớn sắp tới. Địch quan tâm nhiều đến thời tiết, vì có lực lượng cơ giới rầm rộ yểm trợ bộ binh. Quân Lonnon rất có thể sẽ phối hợp, từ hai phía đánh vào cơ quan đầu não của ta. Lập tức tin được báo về trung tâm chỉ huy. Sau này chính ông Hai Tân nói lại, tin tình báo đã giúp cơ quan Mặt trận Dân tộc giải phóng biết trước 72 giờ, kịp thời sơ tán an toàn, chỉ hy sinh 1 vệ binh ở lại chặn địch. Với chiến công này, điệp viên Nguyễn Đình Ngọc ngày đó đã được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Mùa xuân đại thắng

Đầu tháng 4-1975, quân ta chuẩn bị tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy. Một câu hỏi của Tổng hành dinh: Quân Mỹ có quay trở lại cứu quân ngụy trong giờ phút chế độ Sài Gòn sụp đổ? Nhiều mạng lưới tình báo của ta đã trả lời nhanh và chính xác câu hỏi này. Trong đó, GS Ngọc khôn khéo tận dụng mối quan hệ với viên phó đề đốc hải quân là Nghiêm Văn Phú, vốn là anh em “cọc chèo” với ông. Và thông qua một cuộc điện đàm, viên phó đề đốc thực hiện theo yêu cầu của ông, kêu cứu tới Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ đang đỗ ngoài khơi và biết chắc chắn Tổng thống Giê-rôn Pho đã quyết định bỏ rơi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Tin này đến bộ chỉ huy chiến dịch chỉ 24 giờ trước khi ta tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn.

PHẠM QUANG ĐẨU