Thật may cho chúng tôi, hôm ấy sức khỏe của ông khá tốt. Càng kể chuyện, hình như ông càng khỏe ra. Người nhà lo lắng, sợ ông không khỏe nên đi đi lại lại và có ý muốn dìu ông vào trong nhưng ông ra hiệu ông còn khỏe và muốn nói chuyện. Ông kể: “Ngay từ những ngày đầu tiên, khi lực lượng tình báo được thành lập, lực lượng ấy đã góp một chiến công lớn cho dân tộc. Đến tận hôm nay, lực lượng ấy vẫn có những đóng góp xứng đáng”.
Ông dẫn ra ví dụ, cả phía đối phương cũng nể sợ tình báo của ta. Chưa có một nước nào khi đánh nhau lại hiểu đối phương như chúng ta. Chính giới Mỹ cũng phải công nhận đối phương đã vào đến tận gan ruột mà ở, biết mình đến như thế, còn làm được gì nữa. Những cuộc hành quân, những kế hoạch chiến lược, những hoạch định quy mô trong nhiều năm hay những tin tức tối mật được các điệp viên của ta nắm chắc và chuyển đi kịp thời.
|
|
Ông Mười Hương (ngồi thứ ba, từ trái sang) là chỉ huy của những huyền thoại tình báo như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy... Ảnh tư liệu |
“Để làm được như thế, không dễ đâu cháu. Ta cũng vỡ lưới, cán bộ của ta cũng hy sinh, bị bắt nhiều lắm. Để có chiến công, chúng ta cũng tổn thất không ít”-ông kể. Ký ức về những ngày đầu Nam tiến trở về trong ông. Để chuyển toàn bộ lực lượng điệp báo bám địch vào Nam, tháng 9-1954, ông đi cùng phái đoàn của Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Nam Bộ để trình bày với Xứ ủy Nam Bộ về chủ trương của Trung ương tổ chức Ban Nghiên cứu Xứ ủy Nam Bộ, thực chất là Ban Tình báo chiến lược đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của xứ ủy, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Nha Liên lạc. Ngày 16-10-1954, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Hùng triệu tập họp xứ ủy để thành lập Ban Nghiên cứu Xứ ủy (Ban Tình báo chiến lược); phân công đồng chí Văn Viên, Xứ ủy viên làm Trưởng ban; đồng chí Mai Chí Thọ, Phó giám đốc Công an miền Đông là Phó trưởng ban; đồng chí Hoàng Minh Đạo là Phó trưởng ban; đồng chí Cao Đăng Chiếm, Giám đốc Nha Công an Sài Gòn phụ trách các lưới phản gián về chính trị và kinh tế; đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), phái viên của tình báo Trung ương phụ trách hệ thống chính trị đi sâu vào nội bộ Mỹ-ngụy.
Có lẽ là rất ít người và cơ quan báo chí biết về chức danh này của ông, điều này giải thích thắc mắc của nhiều người là tại sao ông lại phụ trách nhiều nhà tình báo chiến lược như thế. Và ngay sau khi được phân công, bằng sự nhạy bén của một nhà tình báo, ông đã sớm nhận ra tình thế hiện tại và có những lựa chọn chiến lược cho cuộc trường chinh của ngành tình báo.
Tận dụng thời cơ 300 ngày tập kết và chuyển quân của hai bên, chạy đua với thời gian, cả Nha Liên lạc và Cục Quân báo tập trung mọi nỗ lực để chuyển hướng nắm địch vào chiến trường miền Nam bằng cách cấp tốc tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cán bộ mới để cùng với số cán bộ đã được phái khiển vào Nam xây dựng một thế trận tình báo mới phục vụ cho Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Trong 300 ngày quý giá này, lực lượng đã được phát triển vượt bậc. Kết thúc 300 ngày tập kết, tình báo đã đưa vào miền Nam hàng trăm cán bộ điệp báo gồm: Tổ trưởng điệp báo, cơ cán đi sâu để cùng với số cán bộ bám trụ tại chỗ đã được điều chỉnh tạo thành thế trận tình báo mới.
Có thể khẳng định, nhờ tổ chức hoạt động tốt, tình báo đã nắm chắc tình hình phục vụ Đảng, Chính phủ, quân đội về mọi hoạt động của địch; ý đồ của Mỹ, các kế hoạch và chiến lược lớn trong xây dựng quân đội của Mỹ-ngụy; tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của miền Nam; sự phân hóa và mâu thuẫn giữa các nhóm, lực lượng. Có được khá đầy đủ thông tin là do các lực lượng tình báo sau khi hình thành thế trận mới đã chủ động bám nắm địch bằng nhiều phương thức. Trong đó, lực lượng điệp báo chiến lược của Ban Tình báo chiến lược Xứ ủy Nam Bộ phần lớn đã hợp pháp hóa và hoạt động có hiệu quả cao do lực lượng điệp báo chiến lược đã được xây dựng vô cùng khéo léo nên có nhiều cơ sở leo cao, hoạt động hiệu quả với nhiều tin tức cao sâu, giúp giảm tổn thất cho cách mạng, ta chủ động trong chiến lược ứng phó với kẻ thù.
Sau khi chúng ta ổn định lực lượng, địch đã manh nha phát hiện và ra các đòn khủng bố. Đến cuối năm 1955, địch đánh phá mạnh ở khu vực miền tây nên có nhiều cán bộ điệp báo và giao liên, giao thông hy sinh. Cùng thời gian này, đồng chí Văn Viên hy sinh, tổ chức cử đồng chí Mai Chí Thọ thay thế. Cuối năm 1956 trở đi, lưới điệp báo do Trần Quốc Hương xây dựng, tổ chức hoạt động rất hiệu quả. Song, bản thân Trần Quốc Hương bị lộ, phải lánh sang Campuchia một thời gian, nhưng ông vẫn tổ chức cho các điệp viên của mình hoạt động và có nhiều tin tức giá trị, tiêu biểu như Vũ Hữu Ruật, Phạm Xuân Ẩn, Lê Hữu Thúy, Đỗ Quang Huê... Chính các điệp báo chiến lược trong lưới đã giúp cho công tác nắm địch của Nha Liên lạc và Ban Tình báo chiến lược Xứ ủy Nam Bộ nắm chắc nhiều tin tức có giá trị nguyên bản như: Tài liệu về tổ chức biên chế, bố trí ngụy quân; hoạt động chống Diệm của các phe nhóm và mâu thuẫn giữa bọn tay sai thân Pháp, thân Mỹ; cơ cấu tổ chức chính quyền Diệm; hoạt động của phái đoàn cố vấn Mỹ; chủ trương xây dựng lực lượng bảo an tỉnh, huyện và dân vệ xã; tài liệu về khóa huấn luyện đầu tiên của Mỹ đối với sĩ quan ngụy từ cấp trung đoàn trở lên; các tin tức phản gián, giúp bảo vệ cán bộ của ta khỏi bị bắt; phát hiện nội gián trong hàng ngũ của ta; đặc biệt, Phạm Ngọc Thảo khi làm tỉnh trưởng còn giúp giảm tổn thất cho phong trào cách mạng và giảm tổn thất cho cán bộ của ta...
Đã có tiền đề tốt, sau này, các điệp viên của chúng ta dưới vỏ bọc hoàn hảo đã thu thập được những thông tin có giá trị cao như: Chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy; các kế hoạch quân sự hằng năm như: AB141, AB142, AB143, AB144…; các kế hoạch mùa khô 1965-1966 và 1966-1967; kế hoạch về cuộc hành quân Lam Sơn-719 của địch đánh ra Đường 9-Nam Lào với mục tiêu xóa bỏ đường mòn Hồ Chí Minh, cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường bộ; nắm chắc âm mưu, ý đồ của Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc; hoạt động của máy bay chiến lược B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972, phục vụ hiệu quả cho Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…
Để có được những thông tin cao sâu ấy phải mất rất nhiều công phu để xây dựng được một vị thế, một vỏ bọc hoàn hảo cho một điệp viên.
Khi ấy ở tuổi 92, tuy nói chuyện đã không được tròn vành rõ chữ nữa nhưng tôi thấy ông vẫn còn rất minh mẫn. Và khi chúng tôi muốn ông kể một chút về cuộc đời của mình kể từ khi ông bắt đầu vào Nam hoạt động và gặp gỡ các nhân vật tình báo huyền thoại như thế nào, ông chỉ cười hiền và nói: “Chuyện qua rồi!”. Rồi như thể ông áy náy với điều mình vừa nói, ông lại nhẹ nhẹ khều tay tôi, nói: “Tớ chỉ kể chuyện thế này để các cậu hiểu, muốn tuyển được một điệp viên, ngoài việc phát hiện ra tài năng, đức độ, năng khiếu hoạt động thì cần phải sống chân thành với gia đình họ, để họ thấy rằng mình chính là một phần ruột thịt của họ”.
Ông Mười Hương dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước. Như năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn. Lòng yêu nước thể hiện nhiều hay ít thôi. Nếu ta biết cách sẽ thu phục được”. Quan điểm, lời chỉ dạy ấy của Bác Hồ đã theo sát ông trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Cái tài của ông Mười Hương không chỉ là thu phục nhân tâm, giáo dục, động viên các điệp viên phát huy hết tài năng, trí tuệ, mà cái tâm, cái tài của ông là biết cách giúp các điệp viên để họ luôn yên tâm khi nằm sâu trong “hang hùm, miệng sói”, hòa mình trong “bóng tối”, thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, của quân đội giao phó. Trong sâu thẳm những nghĩ suy của mình, ông Mười Hương khi giao nhiệm vụ cho Phạm Xuân Ẩn, ông biết tình thế cực kỳ khó khăn của Phạm Xuân Ẩn. Ông hiểu rõ những tâm tư của Phạm Xuân Ẩn cũng như ông hiểu rõ tâm tư của người mẹ đã chấp nhận để những đứa con của mình tham gia những nhiệm vụ đặc biệt. Nhắc tới tình thương, sự hy sinh bao la của những người mẹ, trong đó có người mẹ của nhà tình báo được mệnh danh là “Điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn, ông chia sẻ: “Công bà già lớn lắm. Ẩn hoàn thành nhiệm vụ cũng do công bà mẹ đóng góp nhiều. Bà không nói năng, lẳng lặng nuôi con, chăm lo cho con với tình thương của người mẹ và lòng yêu nước”.
Chính Mười Hương là người thuyết phục mẹ Phạm Xuân Ẩn để bà tán thành cho con trai đi Mỹ học. Ban đầu gia đình cũng lo lắng, nhưng rồi bằng sự chân thành của mình, ông đã thuyết phục được gia đình Phạm Xuân Ẩn. Cũng ngay buổi hôm đó, Mười Hương đã phân tích cho Phạm Xuân Ẩn và mẹ ông hiểu rõ tại sao lại nên sang Mỹ học nghề làm báo. Ông chỉ rõ cho Phạm Xuân Ẩn thấy cần phải làm báo, sống bằng nghề báo, nổi danh bằng nghề báo thực thụ chứ không phải lấy nghề báo làm bình phong hoạt động. Chỉ khi nào thành một nhà báo thực sự nổi tiếng, thực sự giỏi giang, có nhiều bạn đọc quan tâm, lúc đó mới có uy tín mà hành nghề tình báo. Trước mắt, muốn viết theo tư duy người Mỹ, tạo ra các bài báo cho công chúng Mỹ thì phải biết sống như người Mỹ, có chất văn hóa Mỹ, chỉ có như thế mới hoàn thành nhiệm vụ. Khi làm báo thực sự giỏi thì Phạm Xuân Ẩn sẽ thoải mái giao dịch, tiếp xúc với nhiều giới, nhiều tầng lớp xã hội, từ đó tin tức không chỉ giới hạn trong giới quân sự mà rộng ra cả tầm chiến lược.
Ông cho biết, sau khi Phạm Xuân Ẩn đi du học báo chí ở Mỹ về tháng 10-1959 và chơi thân thiết với cơ quan mật vụ của Trần Kim Tuyến, tạo ra vỏ bọc chắc chắn, được tự do tác nghiệp khắp nơi, giao du rộng rãi với giới báo chí cũng như nhiều sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ, lãnh đạo nhiều cơ quan của ngụy, tin tức của Phạm Xuân Ẩn có tầm quan trọng đặc biệt. Chính vì thế, sau khi ông Mười Hương bị địch bắt năm 1958, ông đã nhắn các đồng chí phải đưa Phạm Xuân Ẩn ra căn cứ tiếp nhận chỉ thị từ lãnh đạo cấp cao để sau này hoạt động một cách độc lập. Năm 1961, cơ sở đã bố trí kế hoạch đưa Phạm Xuân Ẩn ra căn cứ làm việc với đồng chí Cao Đăng Chiếm và đồng chí Võ Văn Kiệt để nhận các chỉ thị đặc biệt từ Trung ương.
Câu chuyện mà ông chia sẻ đã cho thấy tầm tư duy vượt trước của ông. Lời khuyên nhưng cũng là mệnh lệnh của một người thầy, cấp trên đã giúp cậu học trò Phạm Xuân Ẩn thành công trên cả hai lĩnh vực làm báo và tình báo. Chính tư duy của ông sau này đã tác động lên toàn bộ quá trình hoạt động của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Còn chia sẻ về anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo, ông kể rằng đã phải suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều khi Phạm Ngọc Thảo tới nhận nhiệm vụ ở Vĩnh Long và ngỏ ý muốn xây dựng thêm mạng lưới tình báo, giúp giảm thiểu thiệt hại cho cách mạng, lấy Vĩnh Long làm bàn đạp để gia tăng hoạt động. Ông đã khuyên Phạm Ngọc Thảo đừng ham việc mở rộng, có khả năng cao sẽ bị lộ. Phạm Ngọc Thảo do dự chưa nghe. Lúc ấy, ông đã phải ra lệnh dứt khoát không tổ chức thêm mạng lưới cơ sở, nguy cơ bị lộ và bị bắt rất cao. Mà một người bị bắt sẽ “rút dây động rừng”, hỏng hết kế hoạch lớn mà Trung ương phải rất công phu mới xây dựng được. Nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo sau đó đã nghe theo lời ông, chuyển sang hướng hoạt động mới, trở thành một chuyên gia đảo chính...
(còn nữa)
NGUYỄN HÒA