Cùng khu tập thể, tôi ở nhà B9 còn Lương ở nhà C3. Bạn hàng xóm, bạn học với nhau từ thuở còn thơ. Tốt nghiệp lớp 10, cùng lên đường nhập ngũ, hai đứa tôi còn có rất nhiều sự cùng chung với nhau. Trong thời gian huấn luyện 6 tháng ở Hòa Bình, chúng tôi ở cùng một đại đội. Kỷ niệm nhiều nhất của đồng đội về bạn Lương trong thời gian đó là biệt danh “vỗ vai” của cậu ta.

Trong đơn vị, vì thành phần xuất thân khác nhau nên có người hiền lành, chăm chỉ, nhưng cũng có cậu ngổ ngáo, thích bắt nạt người khác trong những ngày đầu mới khoác áo lính. Lương rất bất bình với chuyện đó. Rồi cậu ta chủ động gặp những tay hay bắt nạt bạn, vỗ vai nói nhỏ điều gì đó. Thế là sau giờ sinh hoạt tối, Lương lặng lẽ cùng người đó trốn ra thao trường, chỉ cách doanh trại độ dăm trăm mét. Sau hơn nửa tiếng cả hai trở về, rồi từ hôm sau thấy cậu kia "dịu" hẳn đi. Qua mấy vụ như thế, chuyện bắt nạt nhau trong đại đội dần hết hẳn. Từ đó, Lương có tên là Lương "vỗ vai".

Phạm Trung Lương còn có tài lẻ, chơi đàn guitar rất khá vì lúc còn là học sinh từng theo thầy Văn Vượng, thầy Hải Thoại ở khu Cửa Nam để học đàn. Khi vào bộ đội, Lương đã thạo đàn, chơi được rất nhiều bài. Nghe ngón vê đàn của Lương thật mê ly, giòn tan và luyến láy. Cái trò âm nhạc thu hút lòng người ghê lắm. Chàng lính nào có ngón chơi đàn giắt lưng thì khi đóng quân nhà dân giao lưu, khối em mê...

Vào tới chiến trường, hai chúng tôi lại được ở cùng Trung đoàn 9, Sư đoàn 968, hoạt động ở Nam Lào. Cùng là lính bộ binh, Lương ở Tiểu đoàn 1, tôi ở Tiểu đoàn 2. Dù ít khi được gặp mặt nhưng chúng tôi vẫn hỏi thăm và biết tin tức về nhau. Mỗi lần có điều kiện được về hậu cứ hoặc có thời gian nghỉ ngơi, tôi hay được gọi lên tiểu đoàn làm bích báo, còn Lương được vào đội văn nghệ trung đoàn, vì thế, chúng tôi có dịp được gặp nhau. Mấy năm chiến tranh, qua nhiều trận đánh, đến ngày được xuất ngũ trở về nhà, cả tôi và Lương ngoài mấy chuyện rất thường tình là sốt rét hay bị sức ép bom pháo ra thì đều lành lặn, không có mảnh đạn, mảnh pháo nào trong người.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Phạm Trung Lương (bên trái) và tác giả. Ảnh: PHẠM VŨ  

Về đời thường, Phạm Trung Lương chịu vất vả trong cuộc sống, phải cố gắng nhiều nhưng tôi quý bạn mình bởi luôn giữ được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Lúc mới ra quân, do điều kiện gia đình khó khăn nên Lương xin vào làm công nhân Nhà máy Cơ khí 120 (nay là Công ty Cổ phần Cơ khí 120) ở đường Trương Định. Lương học làm thợ cơ khí, đứng búa máy. Sau 15 năm kiên trì làm việc đã lên được tới thợ bậc 7/7, là bậc thợ công nhân cao nhất. Lương còn đi học tại chức ngành cơ khí và có bằng đại học tại chức của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội).

Mẫu hình của Lương khi đó rất đáng để nhiều người khác học tập. Nhưng đang yên ổn, cứ tưởng chăm chỉ làm ăn là được, ai ngờ, thời điểm cuối thập niên 1980, hàng loạt nhà máy cơ khí phải cho công nhân tạm nghỉ việc vì không có việc làm. Năm 1991, Lương phải xin về nghỉ "một cục" theo Nghị định 41, nhận khoản trợ cấp "một lần" với số tiền bằng mấy tháng lương gì đó rồi về nhà...

Sau khi nghỉ ở nhà máy, Lương đi xin việc ở một vài hợp tác xã cơ khí. Tay nghề của Lương cao nên cán bộ những nơi đó rất thích. Nhưng rồi cũng chỉ được vài tháng thì đến lượt các hợp tác xã ấy cũng đóng cửa vì không có việc. Lương phải quay sang hướng khác. Thời gian đó ở nước ta hàng điện tử được người dân tiêu thụ khá nhiều. Với suy nghĩ hàng tiêu dùng sau thời gian sử dụng kiểu gì cũng có lúc hỏng hóc, dịch vụ sửa chữa nhất định không bao giờ thừa.

Vậy là Lương chọn con đường làm dịch vụ sửa chữa đồ điện tử. Lương tự mua sách dạy sửa chữa điện tử về học, tự ra chợ Giời mò mẫm học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, Lương xin vào làm thợ trong xưởng lắp ráp điện tử, chuyên lắp ráp ti vi ở cơ quan tôi mà lúc đó tôi là Xưởng trưởng. Lương rất cần mẫn, chịu khó và kiên trì học hỏi. Xưởng lắp ráp điện tử nhưng cũng kiêm luôn phần sửa chữa.

Qua 4 năm, khi xưởng điện tử giải tán thì cũng là lúc Lương khá vững tay nghề, bắt đầu nhận ti vi và đồ điện tử của khách về tự sửa. Điểm mạnh của Lương là rất chịu khó mày mò, học hỏi bạn bè. Càng ngày càng tự tin và dần nâng cao trình độ, lúc đầu còn chậm, sau tìm "pan" nhanh hơn. Cuối cùng, Lương sửa được mọi "pan" của đồ điện tử, từ cassette, radio, đầu tăng âm, đầu video đến ti vi đen trắng và cả ti vi màu. Tay nghề cao và uy tín, người nọ mách bảo người kia, gần như cả khu tập thể Kim Liên nơi tôi sống, người ta đều biết và nhờ Lương sửa đồ điện tử khi bị hỏng. Mấy chục năm từ cái ngày nghỉ theo chế độ "41" ấy, Lương đã sống được và sống tốt với nghề sửa chữa điện tử của mình.

Làm nghề tự do nên Lương có điều kiện tham gia công tác xã hội sớm. Anh vào Đội tự quản của phường Kim Liên, sau đó làm tiếp Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 12 trong phường, tới nay đã sang nhiệm kỳ thứ tư. Vừa đi sửa đồ điện tử vừa tham gia công tác địa phương, có lẽ Lương là cựu chiến binh được nhiều người dân trong phường biết mặt nhất. Đó cũng là thuận lợi khi làm công tác tự quản. Được anh Lương nhắc nhở nhẹ nhàng, hợp tình hợp lý, ai cũng nghe theo.

leftcenterrightdel

Một góc khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Ảnh: MINH THÀNH

Suy nghĩ của cựu chiến binh Phạm Trung Lương rất đơn giản, nhưng thực tế. Anh tâm sự, mình là dân thường, không có điều kiện làm doanh nghiệp để giúp đồng đội và người dân khó khăn thì mình giúp bằng tấm lòng, bằng những việc nhỏ và đơn giản hằng ngày. Đơn giản từ việc tham gia hướng dẫn giao thông ở địa bàn phường vào giờ tan tầm, cao điểm hay có lúc nhận đưa đón trẻ đi học giúp vài nhà neo người xung quanh. Xin tấm áo cũ còn tốt nhà này không dùng tặng nhà còn thiếu, hay chỉ đơn giản là vận động mấy nhà có điều kiện trong xóm phố những cuốn vở hay đồ dùng học tập để tặng các cháu ở những gia đình khó khăn.

Những việc làm này rất nhỏ nhưng rất thiết thực và khó làm nếu ngại ngần hay thiếu cái tâm. Rồi nhắc nhở các gia đình trong dãy nhà đổ rác đúng chỗ, đúng giờ để giữ vệ sinh chung và có ý thức ở nơi sinh hoạt công cộng. Ngay cả việc dọc đường từ chợ về nhà hay lên xuống cầu thang, anh cũng hay giúp các bà, các chị xách đồ nặng. Nhờ thế mà việc nam thanh niên hay đàn ông giúp đỡ phụ nữ, trẻ em trên đường, dọc cầu thang đã trở thành chuyện thường thấy ở khu nhà anh Lương ở.

Mấy năm qua, Phạm Trung Lương có đôi lần trở lại thăm chiến trường xưa Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có lần đưa vợ đi cùng. Cô gái con bà chủ nhà năm xưa tiểu đội của Lương trú nhờ, ở xã Kim Châu, cạnh con đường 23 từ phi trường Hòa Bình đi Đà Lạt, nay vẫn nhớ tới người lính hiền lành, hay làm giúp dân và chơi đàn guitar rất hay.

Ngày đó vào ngày nghỉ, thanh niên trong làng tới nhà cô rất đông để được nghe anh bộ đội miền Bắc chơi đàn và hát những bài ca cách mạng. Lương đàn hay, lại có giọng hát khỏe, trầm ấm và cũng rất tình cảm khiến nhiều cô gái hồi ấy mê mệt. Giờ đã lên chức bà, nhưng cô gái con chủ nhà năm xưa vẫn quý mến Lương. Cứ vào dịp Tết, cô thường gửi quà Buôn Ma Thuột là những gói cà phê nhà trồng tặng anh. Thế là anh lại gọi tôi và bạn bè tới pha cà phê uống. Rồi lại nghe Lương đàn và hát. Nghe Lương hát, tôi nhớ ra bây giờ anh còn tham gia đội văn nghệ cựu chiến binh của phường...

Chúng tôi tán chuyện lan man. Khi nhắc tới chuyện làm công tác xã hội ở khu phố, Lương chỉ cười và bảo, anh làm những việc đó như một bản năng tự nhiên. Tôi thì nghĩ, những việc làm của Phạm Trung Lương tuy nhỏ nhưng lại nặng tình người nên khi anh nhắc nhở hay góp ý, ai cũng dễ tiếp thu và nghe theo.

Bạn bè và đồng đội của tôi trở về đời thường sống bình dị như thế rất nhiều. Từ cuộc sống hằng ngày của cựu chiến binh Phạm Trung Lương, tôi tự nghĩ, nếu có nhiều người cùng nghĩ và làm việc tốt cho mọi người xung quanh như thế thì tự nhiên xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Nhất là hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ sẽ không bao giờ phai trong lòng người dân.

Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN