QĐND - Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị vốn là người yêu văn hóa, văn nghệ và giỏi ngoại ngữ… “Cán bộ nào, phong trào ấy”, từ khi đồng chí về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị thì phong trào học ngoại ngữ, văn hóa-văn nghệ của nhà trường cũng “tưng bừng” hơn! Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập nhà trường, đồng chí đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình về công tác đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội-những “kỹ sư tâm hồn” cho toàn quân.
Phóng viên (PV): Vừa rồi đọc một diễn đàn văn hóa-văn nghệ trên mạng của học viên Trường Sĩ quan Chính trị, chúng tôi thấy có bài thơ “40 mùa chim xây tổ” của đồng chí, trong đó có câu rất hay: “Sắc màu nhân văn lan tỏa nơi nơi/ Bên cây súng luôn có đàn, có sách”?
Trung tướng Phạm Quốc Trung: Câu thơ đó là sự khái quát đôi nét văn hóa truyền thống của nhà trường, một trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quân sự, nơi đào tạo lớp lớp thế hệ cán bộ chính trị cho toàn quân. Các anh đi tham quan các đơn vị, các phòng, khoa trong trường sẽ thấy ở đâu cũng có câu khẩu hiệu “Sách bên hoa, đàn bên súng, nghiệp trăm năm theo bước Bác Hồ”. Đây là lời của cố Trung tướng, PGS Văn Cương, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, một “vị tướng sư phạm” mẫu mực và rất có uy tín trong toàn quân. Trường Sĩ quan Chính trị trước hết là một nhà trường quân sự, nơi đào tạo những người “đại biểu của Đảng trong quân đội”.
PV: 40 năm qua, nhà trường tọa lạc trong Thành cổ Bắc Ninh, các thế hệ học viên từ mọi miền đất nước và cả các học viên quốc tế đến đây “thọ giáo” đều được đắm mình trong không gian văn hóa quan họ. Theo đồng chí, những yếu tố đó tác động thế nào đến quá trình thực hiện mục tiêu yêu cầu đào tạo cũng như nhân cách của người học viên?
Trung tướng Phạm Quốc Trung: Trước hết, nói về mục tiêu đào tạo cán bộ chính trị, như Bác Hồ đã dạy: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như người chị, công bình như người anh, hiểu biết như người bạn”. Ở đơn vị cấp phân đội, người chỉ huy và chính trị viên đều trực tiếp quản lý, giáo dục bộ đội nhưng phương pháp công tác của chính trị viên khác với anh chỉ huy. Với một người chỉ huy thì phải cứng rắn, nghiêm khắc, “quân lệnh như sơn”. Anh chính trị viên cũng phải duy trì nguyên tắc, điều lệnh nhưng mọi lời nói đều cần phải mềm mại, dịu dàng, như chúng tôi yêu cầu là phải lấy giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, động viên là chính. Người ta thường nói, hai người này phải có phương pháp bù trừ, bổ sung cho nhau. Đồng chí Đại tướng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng luôn nhắc chúng tôi là khi tuyển sinh phải chọn những anh có tố chất làm cán bộ chính trị ngay từ đầu, kể cả ngoại hình, khẩu khí, thái độ.
 |
Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung. |
Có thể nói, yêu cầu về phẩm chất, năng lực của một chính trị viên rất cao. Chúng tôi may mắn đứng chân ở địa bàn quê hương quan họ Bắc Ninh, lại đóng quân trong Thành cổ-một di sản văn hóa quân sự và một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc. Những điều này đã góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho công tác đào tạo của nhà trường. Ngay từ bước chân đầu tiên vào trường cho đến ngày tốt nghiệp, chúng tôi luôn chú trọng giáo dục cho học viên sự trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và hiểu biết về Luật Di sản. Chúng tôi rất phấn khởi khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đánh giá rất cao nhà trường về bảo vệ di sản khi đi thăm, kiểm tra những di tích Thành cổ từ cái cổng thành, bệ cột cờ, vọng gác... được bảo tồn nguyên vẹn. Còn về không gian văn hóa quan họ, Bắc Ninh là miền đất có vẻ đẹp được kết tinh từ những nét đẹp ngàn đời của quê hương Kinh Bắc. Quan họ không chỉ là nghệ thuật hát mà nó còn là văn hóa, là ứng xử khéo léo, tế nhị, kín đáo; là nhân văn thắm đượm nghĩa tình. Điều đó tác động rất tinh tế vào quá trình hoàn thiện nhân cách cán bộ chính trị. Đây là quan hệ tiếp biến văn hóa hai chiều. Người dân Bắc Ninh, qua các hoạt động dân vận của nhà trường, cũng quý mến Bộ đội Cụ Hồ và có niềm tin sâu sắc hơn vào văn hóa giữ nước của Việt Nam. Còn với các học viên, văn hóa quan họ thấm sâu vào họ. Khi các học viên ra trường, văn hóa quan họ đã theo họ vào với miền Tây Nam Bộ, hòa trộn với cồng chiêng Tây Nguyên, lên tận Điện Biên, Lai Châu và sang cả Cam-pu-chia, Lào…
PV: Nhắc đến Trường Sĩ quan Chính trị là người ta nghĩ ngay đến một địa chỉ đào tạo “bí thư chi bộ” có uy tín. Chúng tôi được biết, ngoài việc giáo dục học viên có kiến thức nền tảng về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh nghiệm và phương pháp tiến hành CTĐ, CTCT thì mọi hoạt động của nhà trường đều hướng đến xây dựng một môi trường sư phạm giàu tính mô phạm?
Trung tướng Phạm Quốc Trung: Đúng vậy, chúng tôi quan niệm việc đào tạo con người không chỉ là truyền thụ kiến thức mà là xây dựng, bồi đắp, giúp học viên hình thành hệ thống phẩm chất, năng lực của một cử nhân, một sĩ quan và một đảng viên. Mà đảng viên phải là “đảng viên số 1” của chi bộ nữa. Nhiệm vụ đào tạo không chỉ thể hiện trên bục giảng mà là toàn bộ các hoạt động của nhà trường.
Các anh đi thăm trường thì thấy, những luống hoa ở đây được chính các chị em trong trường, dù làm ở nhiều vị trí khác nhau vun trồng. Tôi có nói với chị em, các chị cũng phải tham gia vào đào tạo cán bộ chính trị. Hơn 150 cán bộ, hội viên phụ nữ, mỗi người trồng 3 khóm hoa thôi thì cả trường sẽ biết bao nhiêu là hoa. Và môi trường với hoa đẹp như thế thì trước hết là học viên thêm yêu mến mái trường, giúp giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ lên lớp; tấm lòng, tình cảm, tâm hồn được thanh thoát và học viên cũng biết thêm một cách để tạo ra được môi trường văn hóa-thẩm mỹ cho đơn vị sau này. Hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lý cũng như vậy, mọi vấn đề đều phải thể hiện tính mô phạm, đó là bài học trực quan hằng ngày dành cho các học viên.
 |
Giao lưu dân ca quan họ giữa học viên Trường Sĩ quan Chính trị với các "liền chị" Kinh Bắc. Ảnh: NGUYỄN HỒNG |
Hay như việc bồi dưỡng thêm kiến thức công nghệ thông tin. Trước đây, khi học viên tốt nghiệp, tỷ lệ biết sử dụng công nghệ thông tin vào trình chiếu, giảng bài chính trị hay các hoạt động khác khá thấp, trong chương trình đào tạo thì chưa có nội dung này, mới chỉ có kiến thức tin học cơ bản. Trong khi điều chỉnh chương trình cho các khóa sau, chúng tôi giao cho Khoa Văn hóa bồi dưỡng thêm cho các lớp đã học xong môn Tin học, để anh em ra đơn vị thêm tự tin. Hay như việc tăng gia, nhà trường đóng trên đất thành phố, đất đai đâu có mà tổ chức tăng gia. Nhưng chúng tôi vẫn tận dụng tối đa diện tích đất có thể để bộ đội trồng rau xanh. Quân đội ta là đội quân sản xuất, người học phải biết tăng gia thì sau khi ra trường mới tổ chức cho đơn vị tăng gia được. Còn tiếng Anh, văn hóa-văn nghệ, chúng tôi lập ra các câu lạc bộ, người học say mê đăng ký, tự nguyện tham gia, vừa có thêm tri thức, vừa có kinh nghiệm thực tiễn để ra trường có thể hòa nhập được ngay với các loại hình đơn vị. Sắp tới, chúng tôi sẽ còn thành lập câu lạc bộ võ thuật nữa. Bởi người cán bộ chính trị càng toàn diện thì hiệu lực CTĐ, CTCT càng mạnh mẽ.
PV: Hiện nay, công tác xây dựng quân đội nói chung, xây dựng các đơn vị phân đội về chính trị nói riêng đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao. Trong suy nghĩ của mình, đồng chí quan niệm thế nào là một chính trị viên giỏi trong giai đoạn hiện nay?
Trung tướng Phạm Quốc Trung: Tôi nghĩ, người chính trị viên ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, cần phải có vốn tri thức đủ lớn, có đủ kinh nghiệm và phương pháp để giải quyết các vấn đề ở đơn vị cấp phân đội một cách hợp lý. Môi trường quân sự lúc nào cũng đòi hỏi cường độ lao động cao, căng thẳng về tinh thần, vậy thì chính trị viên phải là người số 1 mà chiến sĩ có thể gần gũi, chia sẻ; những điều không biết nói với ai thì có thể nói được với chính trị viên. Tôi rất tâm đắc lời dạy của Bác Hồ về các vai “người chị, người anh, người bạn” của chính trị viên. Thời nào cũng vậy, đó là những yêu cầu rất đơn giản, mộc mạc nhưng vô cùng ý nghĩa. Còn hiện tại, nếu phải đi tìm những yêu cầu mới về phẩm chất của người chính trị viên thì tôi thấy họ không được lạc hậu. Họ phải là những người được đào tạo có tác phong hiện đại. Chẳng hạn chính trị viên cũng phải biết facebook, blog, google... Biết để định hướng bộ đội cái nào nên học, cái nào nên tránh.
Còn lại, tôi cũng thấy nhiều người đang đòi hỏi ở chính trị viên nhiều quá. Nhất là với cán bộ chính trị mới ra trường, đòi hỏi anh em phải làm tốt, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ ngay thì rất khó. Nhà trường đào tạo thì phải sát thực tế, sát chiến trường, nhưng phẩm chất, năng lực của cán bộ còn được trưởng thành trong thực tiễn nữa chứ. Có anh mới ra còn bỡ ngỡ, nhưng nếu có nền tảng tốt thì chỉ một thời gian ngắn họ sẽ hội nhập nhanh với thực tế đơn vị. Cũng giống như việc dạy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Người học hình thành thế giới quan, phương pháp luận tổng hợp thôi chứ. Sau đó, ra trường, hòa mình vào đời sống, họ sẽ trực tiếp ứng xử, giải quyết vô vàn tình huống gặp phải trong đơn vị, và họ sẽ trưởng thành qua cách giải quyết của mình.
Khi tôi còn làm trung đoàn trưởng, tiếp nhận nhiều học viên mới tốt nghiệp về làm phó đại đội trưởng về chính trị, tôi thấy các đồng chí học ở Trường Sĩ quan Chính trị ra có cái chung là tư cách, đạo đức rất tốt. Nhưng nhiều em còn thiếu tự tin, vốn kiến thức quân sự lại không nhiều, nên có người tự nhiên thấy lẻ loi, khó hòa nhập với đơn vị. Cán bộ chính trị mà không hòa nhập với đơn vị thì sao có thể trở thành chỗ dựa của người chỉ huy, của cấp dưới cũng như của bộ đội được. Cho nên, hiện nay chúng tôi luôn luôn để ý làm sao cập nhật, bồi dưỡng đủ các yếu tố cần thiết để anh em học viên có đủ tự tin, khi ra trường dù có về miền đất nào, đơn vị binh chủng, quân chủng gì cũng có thể hòa nhập được.
Chúng tôi cũng thay đổi cách tổ chức thực tập cho học viên. Bây giờ học viên năm thứ tư đã đi thực tập trung đội trưởng. Sau đó năm thứ năm mới thực tập chính trị viên. Anh em đi thực tập trung đội trưởng, nhanh chóng hiểu được thực tiễn phân đội, khi về trường học năm thứ năm thì họ đã có vốn thực tiễn để trao đổi với thầy; chứ không phải ngồi học và tưởng tượng theo lời của thầy. Hơn nữa, trải qua trung đội trưởng rồi thì khi làm chính trị viên đại đội sẽ hiểu cấp dưới của mình hơn, làm việc thuận lợi hơn. Làm trung đội trưởng cũng giúp người học củng cố kiến thức quân sự, đó là cái vốn không nhỏ để anh em tự tin trên vai trò chủ trì về chính trị ở cấp đại đội.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
HỒNG HẢI - VĂN HẠNH (thực hiện)