Vào hội nghị, nghe Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An trình bày phương án đánh đồi A1, trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yên tâm vì Nguyễn Hữu An có kinh nghiệm chỉ huy đánh công kiên, trước đó đã hai lần tham gia tiến công tiêu diệt cứ điểm Đông Khê. Tuy nhiên, tiến công dứt điểm đồi A1 không hề dễ dàng. Khi tổng kết đợt 2 của chiến dịch, nguyên nhân Trung đoàn 174 không hoàn thành nhiệm vụ được chỉ ra là do đơn vị nổ súng chậm nửa giờ, nên khi xung phong, pháo địch đã hoàn hồn, tập trung bắn vào cửa đột phá tiêu hao nhiều lực lượng ta. Địch cố thủ trong chiếc “hầm ngầm” trên đồi A1, gây cho ta vô vàn khó khăn... Tất nhiên, sau đó, ta đã tổ chức lại lực lượng, theo sự hiến kế của chính Nguyễn Hữu An, huấn luyện một đội đánh hầm ngầm, sử dụng bộc phá mạnh đánh vào hầm ngầm trên đồi A1 để giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, tại hội nghị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An bị phê bình rất gay gắt.
Nhiều năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu An lúc này đã trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, đóng quân ở Đồng Hới (Quảng Bình). Sư đoàn 325 vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Bên lề buổi làm việc, Sư đoàn trưởng Nguyễn Hữu An mới nói:
- Ngày đó anh phê bình oan tôi, vì chịu trách nhiệm ra lệnh nổ súng là đại đoàn. Khi thấy pháo bắn, tôi gọi điện thoại hỏi đại đoàn thì điện thoại bị đứt, liên lạc bằng vô tuyến điện cũng không được, tôi phải chạy tới sở chỉ huy tiền phương hỏi tham mưu trưởng, tham mưu trưởng cũng không biết vì ở đó cũng mất liên lạc với sở chỉ huy cơ bản. Mặc dù không có lệnh đại đoàn, tôi vẫn chủ động lệnh cho anh em bắt đầu tiến công địch.
- Sao ngày đó cậu không nói ngay?-Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngạc nhiên hỏi lại.
- Giữa lúc đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ, tôi nói ngại mọi người lại nghĩ mình đã đánh không được còn “lý do lý trấu”!
Chuyện đó làm Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất suy nghĩ. Năm 1984, kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gặp lại Nguyễn Hữu An ở Bảo tàng Quân đội (Bảo tàng Lịch sử Quân sự hiện nay), Đại tướng chủ động bắt tay Nguyễn Hữu An, lúc này đã trở thành một vị tướng lừng lẫy chiến công và nói:
- Mình công nhận hồi ở Điện Biên Phủ cậu bị phê bình oan!
- Tôi cảm ơn anh đã thông cảm. Việc đó đối với tôi đã qua rồi, nhưng được anh nghĩ tới và cư xử công bằng như vậy, tôi hết sức trân trọng.
(*) Theo Hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
TRẦN ĐÌNH (*)