Bộ đội Linh mang nhiều... dòng họ

Bác sĩ Hoàng Ngọc Linh sinh năm 1982, là điển hình tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk được tôn vinh trong Chương trình “Hồ Chí Minh-Hành trình khát vọng năm 2023” về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nơi Hoàng Ngọc Linh làm việc hằng ngày là căn phòng nhỏ đủ kê 3 chiếc giường để phục vụ việc khám, chữa bênh cho người dân.

Bà Lương Thị Hom 68 tuổi, dân tộc Thái bị yếu, liệt hai chân do thoái hóa chèn ép dây thần kinh tọa lâu năm, nhà nghèo, neo người, không có điều kiện đi bệnh viện. Bà vui mừng khoe: “Tôi được bộ đội Linh đến tận nhà chữa giúp, sau 15 ngày đã đi lại được. Giờ tôi đến để được châm cứu cho khỏi hẳn”. Cùng nhiều bệnh nhân ngồi chờ đến lượt châm cứu có bà Bùi Thị Đào, 64 tuổi, ở thôn 2, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp bị thần kinh tọa, tay chân bên trái tê bì, chia sẻ thêm: “Tôi được bộ đội Linh tận tình châm cứu liên tục mấy hôm nay đã thấy đỡ, tôi mừng quá!”.

Buổi chiều biên giới thanh bình. Ông mặt trời sau một ngày bung hết năng lượng đã trở về gác đầu trên đỉnh núi sát mái nhà Trạm quân dân y. Các bệnh nhân cũng thưa dần, bác sĩ Linh mới có thời gian trò chuyện cùng chúng tôi. Hoàng Ngọc Linh nhập ngũ và được phân về Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai từ năm 2002. Năm 2003, Linh học Trường Trung cấp Quân y 2 (nay là Trường Cao đẳng Quân y 2), Quân khu 7. Tháng 8-2006, ra trường anh được điều chuyển về Đồn Biên phòng Ia Chía (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai). Những tháng năm này, đồng bào Gia Rai và Ba Na vùng biên giới có đời sống khó khăn và nhiều hủ tục lạc hậu. Bộ đội Linh với túi cứu thương đi khắp buôn xa, làng gần cùng ăn, cùng làm, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào để tuyên truyền bà con ăn chín, uống sôi, tối ngủ phải nằm màn.

Một lần, già làng ở xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị sốt rét, gia đình mời thầy tới cúng yang (thần) cho khỏi bệnh. Hoàng Ngọc Linh lúc này có mặt, thấy già sốt cao, mặt đỏ như mặt trời, trùm mấy cái chăn nằm run từng cơn, nguy cơ co giật rất cao. Anh lén nhét thuốc vào trong quả chuối rồi cho già ăn. Già dứt cơn sốt, anh mới nói thật khiến già cảm phục lắm, rồi chịu uống thuốc, làm theo những nhắc nhở của bộ đội Linh. Từ đó, công tác tuyên truyền phòng bệnh thông qua già làng bà con mới tin tưởng làm theo.

Lại có lần già làng Siu Jim, ở làng Bi, xã Ia O đi rẫy bị đột quỵ, cấm khẩu, liệt toàn thân. Được tin báo, anh Linh lập tức lên đường. Trước tình huống nguy cấp, anh dùng các thao tác của y học để giảm áp lực máu lên não, kết hợp giã nhỏ viên hạ huyết áp, cậy miệng già đổ thuốc. Già Siu Jim được cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch mà không bị di chứng. Bộ đội Linh được già và gia đình xem như con cháu trong nhà.

Một lần, trong làng có người mẹ trẻ sinh tại nhà bị chết do băng huyết. Theo tục lệ đứa bé phải chôn theo mẹ chứ không cho người khác nuôi. Linh đã nhờ già làng thuyết phục dân làng bỏ hủ tục, cứu sống được em bé. Từ đó, Hoàng Ngọc Linh được bà con buôn làng thương yêu gọi là “Siu Linh”. Thời gian công tác ở Đồn Biên phòng Ia Chía và Đồn Biên phòng Ia O, thầy thuốc quân y Hoàng Ngọc Linh còn được bà con đặt cho nhiều họ như Ksor Linh, Kpui Linh, Rơ Mah Linh, Puih Linh... Đồng bào nơi đây, đặc biệt là những người được anh cứu sống đã xin phép anh lấy chính dòng họ của mình để đặt cho thầy thuốc quân y Hoàng Ngọc Linh-người mà cả buôn làng yêu quý, kính trọng!

leftcenterrightdel

Bác sĩ, Thiếu tá QNCN Hoàng Ngọc Linh khám bệnh cho nhân dân. 

“Ngọc càng mài càng sáng”

Năm 2011, Hoàng Ngọc Linh lấy vợ là cô gái Nông Thị Nghệ, nhân viên thiết bị, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, ở xã Ea Wy, huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) cách xa nhà hơn 200 cây số. Vợ anh có bầu đến ngày sinh, nhưng cùng lúc này, tại Đồn biên phòng Ia O đang có dịch sốt rét. Đêm trực chăm sóc cho đồng đội, lòng anh như lửa đốt, phần lo cho vợ ở nhà, phần lo cho anh em cán bộ, chiến sĩ. Khuya vắng nơi biên cương xa xôi, Linh đứng nhìn về hướng quê nhà mà chực trào nước mắt. Anh thấp thỏm ngóng tin qua chiếc điện thoại. Vợ chuyển lên bệnh viện huyện. Em bé mất vì khô ối! Đấy là thời điểm khó khăn nhất mà Hoàng Ngọc Linh và vợ từng phải đối mặt.

Hai năm sau, anh được điều động về Đồn Biên phòng Ia Rvê. Là người thầy thuốc quân y bám địa bàn biên giới nhiều năm, anh đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân không có tiền mua thuốc hay không kịp chuyển về bệnh viện lớn để chữa bệnh phải chịu bị tàn phế hay tử vong oan uổng. Anh mày mò học hỏi và kiên trì thực hành phương pháp Đông-Tây y kết hợp. Anh nghiên cứu thêm về phương pháp châm cứu của Giáo sư Nguyễn Tài Thu, châm kim dài (trường châm). Ngoài việc tập châm trên mô hình, anh còn thực hành tự châm mình để rèn nghề.

Trung tá Cao Mạnh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn biên phòng Ia Rvê cho biết: “Từ năm 2021 đến 2023, đồng chí Hoàng Ngọc Linh đã khám và điều trị miễn phí cho gần 4.000 lượt người dân. Điều đặc biệt, hơn 900 trường hợp người dân bị đau lưng, bệnh lý xương khớp do lao động nặng nhọc đều được Hoàng Ngọc Linh điều trị khỏi bằng phương pháp châm cứu không dùng thuốc”.

Với phương pháp châm cứu bằng kim dài cộng chiếu đèn, kết hợp tiêm thuốc tây vào huyệt đạo, Thiếu tá QNCN Hoàng Ngọc Linh đã điều trị cho 21 người dân trên địa bàn bị liệt nửa người phục hồi đi lại được; 17 người liệt dây thần kinh số 7 hồi phục hơn 90% trong thời gian 15 ngày; 37 trường hợp yếu liệt chân và tay đều hồi phục sau hai tuần. Ngoài ra, anh cũng đã sưu tầm, nghiên cứu và phát triển các bài thuốc dân gian của các dân tộc thiểu số, vận dụng cây thuốc Nam tại chỗ chữa khỏi nhiều bệnh, trong đó có viêm đại tràng mãn tính, ho suyễn, gãy xương kín, bệnh thiên đầu thống... khống chế hiệu quả các bệnh tiểu đường, gút bằng thuốc Nam cho hàng trăm bà con trên khu vực biên giới.

Nói về bộ đội Linh, đồng chí Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Rvê phấn khởi: “Chính tôi đã được bộ đội Linh điều trị cho khỏi bệnh. Bộ đội Linh thật sự là cầu nối tình quân dân thông qua việc chữa bệnh cứu người. Anh chạy hàng chục cây số, đến với người dân, người bệnh ở đây bằng cả tấm lòng, không vì một chút lợi lộc nào nên anh được bà con vô cùng tin yêu”.

Cũng nhờ sự gắn kết mật thiết với dân làng qua công tác khám và chữa bệnh đã khiến bộ đội Linh "vô tình" nắm được nhiều thông tin tình hình đời sống của nhân dân trên địa bàn. Nhiều thông tin liên quan đến an ninh trật tự từ các buôn làng đều được bà con đến thông báo, hoặc chờ bộ đội Linh đến để "rỉ tai". Nhờ thế, Ban chỉ huy Đồn có thông tin sớm, xử lý và đấu tranh kịp thời, hiệu quả.

Tấm gương của những thầy thuốc quân hàm xanh như bác sĩ, Thiếu tá QNCN Hoàng Ngọc Linh đã tô đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nơi vùng biên giới xa xôi, hiểm trở. Họ góp phần làm thắm thiết thêm tình nghĩa quân dân, giúp nhân dân có thêm sức khỏe để sản xuất, cải thiện đời sống. Đồng thời, các thầy thuốc quân hàm xanh cũng giúp bộ đội duy trì sức khỏe tốt để sinh hoạt, rèn luyện, tuần tra bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên. 

Bài và ảnh: TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG