Vang điệu khèn trên núi

Đường vào bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) hôm nay nhộn nhịp, khách từ các nơi đổ về tham dự ngày hội vùng cao. Mùa xuân là thời khắc giao hòa của đất trời, vì thế, bà con cũng hòa cùng thiên nhiên hát múa. Nào thửa ruộng bậc thang, cung đường lên bản; nào gương mặt tươi tắn, nụ cười thân thiện của đồng bào miền biên giới, mộc mạc, gần gũi, thân thương.

Trước kia, con trai bản thường đi ngựa, lắc lư chiếc khèn bên vai, bây giờ thay bằng con ngựa sắt (xe máy) rất cơ động. Dọc bên đường, sương sớm vẫn đọng trên lá cỏ cây, đám trẻ vui đùa quanh sân, bộ quần áo thổ cẩm thật duyên dáng và đáng yêu. Trưởng bản Vàng A Chỉnh ngồi dưới tán lá cổ thụ, cạnh dòng suối nước chảy rì rào, pha trà. Bao đời nay, con suối trước nhà vẫn thế, chắt chiu nguồn nước mát cho đại ngàn xanh tươi. Nhìn cuộc sống đủ đầy, lòng anh bồi hồi nhớ về tuổi thơ một thời gian khó.

Bản Mông ngày xưa là hang ổ của thuốc phiện. Nhà nhà trồng thuốc phiện, người người hút thuốc phiện. Người già không tự pha chế được thì con cháu giúp, con cháu thử nhiều thành nghiện, mà khi đã nghiện rồi thì trở thành nô lệ cho “nàng tiên nâu”. Không chỉ nghiện khói thuốc, nhiều người trong bản còn nghiện cả rượu, vì thế, cái nghèo, cái đói càng đeo bám, đè nặng mỗi gia đình. Tương lai u ám của bản sẽ mãi chìm đắm trong vòng luẩn quẩn ấy nếu không có những người lính Cụ Hồ mang quân hàm xanh xuất hiện.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ tuần tra bảo vệ an ninh biên giới. Ảnh: GIA BÁCH 

Tọa lạc ở vị trí cao, độ dốc lớn, bản Sin Suối Hồ trước đây hoàn toàn biệt lập nên ít có khách ghé thăm. Khi “người buồn” thì “cảnh có vui đâu”, đến chiếc khèn-nhạc cụ yêu thích của bà con cũng nằm im trên bức tường mốc loang lổ, mặc cho bụi thời gian bám vào. Trong sự đìu hiu ấy, màu xanh Bộ đội Biên phòng đã đến, luôn bám bản, bám dân, đồng hành, chia sẻ khó khăn với bà con.

Đại úy Bùi Bá Nha, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ thân thiết chẳng khác nào người con của bản. Anh đi ngang qua thấy Trưởng bản Vàng A Chỉnh đang trầm tư độc ẩm thì ý tứ vòng ra thăm vườn lan. Trước đây, bà con chỉ trồng chơi, sau khi bộ đội tìm hiểu về địa hình, khí hậu đã gợi ý người dân trồng thử nghiệm, không ngờ giống lan phát triển tốt, được thị trường đón nhận, vì vậy, nhiều hộ thoát nghèo, làm được những căn nhà gỗ khang trang.

Cái thời khó khăn mà tình quân dân nồng thắm, đói thì chia nhau từng củ khoai, nắm mèn mén, rồi cùng lên rừng làm nương, trồng lúa, trỉa bắp, học tiếng đồng bào. Thấu hiểu cái nghèo khó của bà con, những người lính quân hàm xanh tham mưu với chính quyền địa phương nhiều giải pháp, đầu tiên là phải cương quyết dẹp bỏ việc trồng cây thuốc phiện, thay vào đó là trồng cây lương thực, quyết không để bà con phải nhịn đói hoặc cắt bữa.

Tiếng lửa cháy tí tách, cái rét ngọt làm mọi người quây quần bên bếp lửa hồng, những củ khoai vùi trong tro nóng tỏa mùi thơm ngậy thật hấp dẫn. Nhấp chén trà xanh, Trưởng bản Vàng A Chỉnh bộc bạch: “Mình nghe tiếng chim hót vang báo hiệu niềm vui, ngày mai có bộ đội tham gia cùng bản mình xuống đồng, mong sao mưa thuận gió hòa cho cái bắp mẩy hạt, cây lúa trĩu bông, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy nhà”. Ước mơ của trưởng bản cũng là niềm mong đợi của bộ đội, kinh tế phát triển thì lòng người tươi vui, có yên dân thì bản làng mới ấm êm, hạnh phúc.

Mưa bay bay, cánh hoa xuân mỏng manh như nét son giăng mắc trên hàng rào đá rêu phong, tiếng khèn du dương đỉnh núi, lời ca vang vọng lời tự sự của người con trai: “Người ta có đôi có lứa/ Ăn cơm tối xong ngồi trò chuyện vui cười/ Anh không có đôi có lứa/ Ăn tối vừa buông đũa chỉ có tiếng khèn làm bạn thâu đêm”. Giọng nữ ngọt ngào đáp lại: “Người ta có đôi có lứa/ Ăn cơm tối xong ngồi đùa, nhảy múa/ Em không có đôi có lứa/ Ăn cơm tối xong đành làm bạn cùng trăng”.

Điểm tựa xanh biên cương

Đứng chân trên địa bàn 3 xã biên giới, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời khơi nguồn sức mạnh nội sinh, ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của bà con. Bên cạnh việc chăm lo sức khỏe nhân dân, Bộ đội Biên phòng còn duy trì hiệu quả mô hình sinh kế, phát triển kinh tế gia đình lâu dài và bền vững. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả như: Nuôi dê sinh sản; nuôi cá nước lạnh; nuôi bò vỗ béo; trồng lan...

Ngay chuyện làm du lịch cộng đồng cũng là cái duyên. Khi Bộ đội Biên phòng cắm bản thấy sắc đào phai cùng cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây đã tư vấn cho Vàng A Chỉnh thử nghiệm mô hình mới. Căn nhà truyền thống được bài trí lại, có phòng chung cho khách, phòng riêng cho gia đình. Khách lên bản được trải nghiệm không gian ấm áp và cuộc sống bình yên thì vô cùng thích thú, người nọ truyền tai người kia, các hộ khác cũng học tập làm theo. Từ một nơi là điểm trú ẩn của "nàng tiên nâu", Sin Suối Hồ lột xác trở thành bản du lịch cộng đồng nổi tiếng với "5 không": Không thuốc phiện, không uống rượu, không hút thuốc, không tệ nạn và không xả rác.

leftcenterrightdel

Tiếng khèn là món ăn tinh thần của bà con vùng cao. Ảnh: GIA BÁCH 

Thửa ruộng bậc thang như cánh hoa khổng lồ, được xếp lớp lang theo trật tự nhất định. Vàng A Dinh (người có uy tín của xã Sin Suối Hồ) đi từ bản trên xuống, nhìn thấy bộ đội thì vồn vã: “Tết vừa rồi, nhiều gia đình trồng đào phai cho thu nhập cao, mình vừa lên đó học hỏi kinh nghiệm đấy”.

Đại úy Bùi Bá Nha chia sẻ: “Vàng A Dinh là tấm gương làm kinh tế giỏi, gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương, tích cực vận động bà con tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Càng lên cao, con đường như nhỏ lại, mây trắng bảng lảng dưới chân, ngước nhìn toàn những dốc khúc khuỷu, dốc thăm thẳm ẩn hiện như bức tranh thủy mặc. Đi giữa một bên là vách núi, một bên là vực sâu hun hút, Đại úy Bùi Bá Nha ghé tai nói nhỏ với tôi: “Nếu trượt chân, anh cứ ngã về phía vách núi nhé”. Nói vui vậy thôi, với những người chiến sĩ quân hàm xanh thì con đường biên cương chẳng khác nào dải lụa mềm vắt ngang bờ vai vạm vỡ của núi.

Biên cương mùa nào cũng đẹp, nhưng ấn tượng nhất là thời điểm chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, từ sắc xanh sang sắc vàng. Chính vẻ đẹp ấy mà Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ từng được chọn làm cảnh quay cho bộ phim truyền hình “Mùa xuân ở lại” cách đây vài năm. Câu chuyện trong phim chạm được vào cảm xúc của người chiến sĩ biên cương.

Đại úy Nguyễn Hữu Thọ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ luôn tự hào vì bối cảnh được quay tại đơn vị, những tình tiết rất chân thực và sống động, phản ánh được nội tâm nhân vật. Bộ phim như nói hộ câu chuyện của con người và mảnh đất nơi đây. Đó là tình yêu nghề, yêu công việc, lớn hơn nữa là tình yêu lứa đôi, nhưng trên hết vẫn là tình yêu biên cương Tổ quốc.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới sự hậu thuẫn của hậu phương, những người vợ hiền đảm đang, chịu thương chịu khó, tảo tần lo cho gia đình để chồng yên tâm công tác. Mượn lời của người con động viên mẹ, nữ nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch gieo vào lòng người những vần thơ dạt dào cảm xúc: Mẹ đừng buồn cha không về kịp/ Chắc đêm nay cha phải ngủ rừng/ Dốc đèo trơn, mưa núi rưng rưng/ Đêm chạy lũ bữa cơm còn đói. Và khó khăn, vất vả nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu biên cương, tình đồng chí, đồng đội đọng lại trong trái tim người chiến sĩ: Những đêm trắng thức cùng đồng đội/ Gió hoang vu, sương trắng mênh mông/ Giữ đường biên thiêng liêng cột mốc/ Tự hào cha-người chiến sĩ biên phòng.

Trăng hạ tuần lên cao, bản làng bình yên và tĩnh lặng, nhưng phòng quân y vẫn sáng đèn. Vừa rồi, trong bản điện ra báo có ca vượt cạn gặp khó khăn, cần các anh giúp. Chẳng quản đêm hôm, chẳng màng đường xa, người thầy thuốc quân hàm xanh khẩn trương chuẩn bị đầy đủ dụng cụ y tế chuyên dùng đến với đồng bào. Con ngựa sắt lướt nhẹ trên cung đường biên cương, ánh trăng như dát vàng cả cánh rừng, lọt xuống những khoảng sáng như ngàn bông hoa lấp lánh.

Thời gian lắng đọng, bỗng tiếng trẻ sơ sinh cất lên, niềm vui vỡ òa. Người mẹ vỗ về thiên thần nhỏ của mình, ngước mắt nhìn người lính quân y với lòng biết ơn vô hạn. Trở về đơn vị vừa lúc hừng đông ló rạng, gà rừng đồng thanh gáy vang. Ánh bình minh xuyên qua kẽ lá đánh thức mầm non cựa mình bật dậy, cánh hoa rung rinh vẫy chào khoe hương sắc mùa xuân.

Bút ký của PHÙNG MINH