“Hướng dẫn viên du lịch” của chúng tôi là Thượng tá Nông Ngọc Tường, người dân tộc Tày, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tràng Định. Anh Tường có hơn 35 năm công tác trong quân đội thì có tới 25 năm gắn bó với chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên này.

Lúc đầu mới gặp, anh Tường có vẻ ít nói. Nhưng khi biết mục đích chuyến công tác của chúng tôi, anh vui vẻ, phấn chấn và trò chuyện chân tình, cởi mở. Vừa tự tay pha trà, anh vừa thông tin cho chúng tôi những nét đặc trưng trong phát triển kinh tế, văn hóa của đồng bào địa phương. Anh chia sẻ rằng, Tràng Định có nhiều sông suối, núi đồi trùng điệp và cảnh quan thơ mộng, hữu tình. Thị trấn Thất Khê khá sầm uất vì là đầu mối của các tuyến giao thông sang Trung Quốc, lên Cao Bằng hoặc xuôi về huyện Bình Gia rồi xuống Thái Nguyên, cũng như đi TP Lạng Sơn.

leftcenterrightdel

Thượng tá Nông Ngọc Tường kiểm tra kế hoạch công tác của Tiểu đội dân quân thường trực xã Quốc Khánh. Ảnh: HUY HOÀNG

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn lên một xã biên giới để lấy tư liệu, anh Tường đồng ý ngay. Anh bảo sẽ đưa chúng tôi đến Quốc Khánh, một trong 4 xã biên giới của huyện Tràng Định. Anh cười, lên trên đó mới thấy được bản lĩnh, tinh thần và tính kỷ luật, khả năng SSCĐ, thực hiện nhiệm vụ của chiến sĩ “sao vuông”. Thế là chuyến công tác của chúng tôi nhanh chóng được thiết lập với sự "bổ sung" thêm Trung tá Lương Văn Tuấn, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện. Điều đặc biệt, chuyến công tác của chúng tôi về xã Quốc Khánh được giữ bí mật tuyệt đối. Bởi theo anh Tường, do đặc thù nhiệm vụ quân sự, quốc phòng vùng biên giới luôn ẩn chứa nhiều tình huống bất ngờ, khó lường nên các lực lượng phải luôn ở tư thế sẵn sàng. 

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ Tiểu đội dân quân thường trực xã Quốc Khánh tuần tra đường biên mốc giới. Ảnh: HUY HOÀNG  

Mưa bụi bay lất phất, cái gạt mưa trên kính chắn gió của chiếc xe làm việc chậm chạp, cần mẫn. Anh Tường phác họa đôi nét về lịch sử Tràng Định với giọng tự hào xen lẫn chút kiêu hãnh. Anh bảo, trong kháng chiến, những trận đánh ở đèo Bông Lau, Lũng Phầy, Thất Khê rất nổi tiếng, khiến quân Pháp kinh hồn, bạt vía và gọi đường số 4 là “con đường chết”. Thời kỳ chiến tranh biên giới, khi đang học cuối cấp 2, mỗi lần đến thăm bố công tác ở UBND huyện là anh thấy dân quân phối hợp đưa những khối bằng bê tông to, nặng lên xe ô tô. Sau này anh mới biết đó là các thanh công sự lắp ghép để xây hầm trú ẩn cho bộ đội trên điểm cao 820. Dưới con mắt của nhà quân sự, anh trải lòng, điểm cao 820 có giá trị rất lớn về mặt chiến thuật. Nếu chiếm được điểm cao này, đối phương có thể xây dựng trận địa pháo, khống chế toàn bộ TP Lạng Sơn. Hiện nay, điểm cao 820 do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) quản lý.

leftcenterrightdel

Xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) nhìn từ trên cao. Ảnh: QUỐC THĂNG 

Chuyện xưa vãn hồi, anh Tường chuyển sang công tác quân sự, quốc phòng của Tràng Định. Anh khoe, không lâu nữa, dự án đường tuần tra biên giới từ Cao Bằng sang huyện Tràng Định đến huyện Văn Lãng dài gần 52km sẽ hoàn thành. Rồi anh kể, trong suốt gần 10 năm làm chỉ huy trưởng, anh đã gắn bó với dự án này. Trong sâu thẳm, đồng bào nơi này đều rất hy vọng con đường sớm hoàn thành, để tạo ra “cú huých” phát triển kinh tế, văn hóa và giao lưu với các huyện lân cận của tỉnh Cao Bằng. Thế nên, công tác giải phóng mặt bằng rất thuận, nhiều gia đình hiến đất để triển khai dự án. Trong lần đi kiểm tra gần đây, thấy đơn vị chưa thi công gần 20km còn lại, bà con lôi anh ra chất vấn. Người thì kéo anh ra một góc thì thào to nhỏ. Người bộc trực thì hỏi oang oang trước chỗ đông người và còn trách bộ đội thất hứa. Anh Tường phải giải thích mãi bà con mới thông tư tưởng. Thì ra, đoạn còn lại của tuyến đường tuần tra biên giới đi qua một số nơi là rừng phòng hộ. Muốn thi công sớm phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản. Thế là tiến độ bị gián đoạn vì phải... chờ.

Anh Tường nói thêm, con đường hoàn thành sẽ biến giấc mơ gần 80 năm qua của các thế hệ cách mạng tiền bối trở thành sự thật. Bởi trước năm 1945, phong trào cách mạng ở Cao Bằng rất phát triển, trên đã tăng cường cán bộ cho Lạng Sơn thông qua chủ trương “Đông tiến”. Thế là, từ huyện Hòa An của tỉnh Cao Bằng, phải mất tới gần 5 ngày đêm, những cán bộ do đồng chí Hoàng Long Xuyên phụ trách mới sang tới huyện Văn Lãng của tỉnh Lạng Sơn để xây dựng cơ sở và thổi bùng ngọn lửa cách mạng...

Xe dừng trước trụ sở UBND xã Quốc Khánh, vẫn với tác phong con nhà lính, anh Tường mở cửa, ra khỏi xe rồi thoăn thoắt đến khu nhà của tiểu đội dân quân thường trực. Tôi bám theo anh vào nơi sinh hoạt tập trung của tiểu đội. Theo quy định, những chiến sĩ trong đội dân quân thường trực ăn ở tại trụ sở và thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ trong ngày với thời gian hai năm, giống như các chiến sĩ tại ngũ ở các đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ thường trực SSCĐ. Thấy anh Tường đến, các “sao vuông” tập trung về phòng sinh hoạt. Tôi di chuyển sang phòng ngủ của họ cạnh đó. Đập vào mắt tôi là 5 cặp giường tầng với những bộ chăn màn vuông vắn, chẳng khác gì so với nơi ở của đơn vị chính quy. Anh Tường hỏi Tiểu đội trưởng Lý Văn Chiến về việc thiếu một chiến sĩ dân quân. Tiểu đội trưởng Chiến báo cáo rằng, chiến sĩ Nông Văn Long tham gia cùng Bộ đội Biên phòng đi tuần tra biên từ tờ mờ sáng.

Đang mải chuyện cùng các chiến sĩ, chúng tôi chợt thấy một phụ nữ duyên dáng cầm sổ đi vào phòng với nụ cười trên môi. Chị là Lâm Thị Vân, Phó chủ tịch UBND xã Quốc Khánh, một cán bộ trưởng thành từ dân quân. Chị Vân kể, tiểu đội dân quân thường trực ra đời đã vài năm nay và là một trong những mũi nhọn xung kích của cấp ủy, chính quyền xã. Họ tham gia chữa cháy rừng trong mùa khô, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động khác khi cần. Từ ngày có tiểu đội này, hoạt động của chính quyền như mọc thêm cánh. Việc cứ chạy băng băng. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, hằng tuần, tiểu đội dân quân thường trực và Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra biên giới, phát quang khu vực cột mốc chủ quyền. Việc đi tuần tra không có ngày giờ, thời gian cụ thể, cứ có yêu cầu là lên đường.

Trên đường trở lại Ban CHQS huyện Tràng Định, mưa dày hạt và trời bắt đầu tối. Ven đường, nhà của bà con dân tộc, trong đó có nhiều nhà tầng, nhà gác đã sáng đèn. Anh bạn đi cùng tôi thốt lên: "Biên giới thật bình yên!". Còn tôi thì lắc lư người theo xe và hình dung ra những buổi huấn luyện dân quân, hình dung ra bóng các "sao vuông" và chiến sĩ biên phòng vượt vực cao, suối sâu để tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới bất kể ngày đêm, mưa nắng để cho biên giới được bình yên...

MẠNH THẮNG