Giai đoạn hiện nay, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn Đặc công 113 còn triển khai phương án ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống. Để có được những chiến đấu viên đặc biệt tinh nhuệ, đơn vị đã triển khai phương pháp huấn luyện đặc biệt, kết hợp truyền thụ những bài học từ lịch sử và kinh nghiệm trong chiến đấu. 

Tác chiến đặc biệt

Đúng 8 giờ, tôi có mặt tại phòng khách Sở chỉ huy Lữ đoàn Đặc công 113 như đã hẹn. Thượng tá Nguyễn Quang Hòa, Lữ đoàn trưởng niềm nở tiếp chúng tôi. Anh có phom người khá chuẩn so với tuổi gần 50. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu bên cốc trà nóng. Ngoài trời, mưa bụi bay lất phất và thỉnh thoảng vọng về tiếng hô “đánh”, “diệt” của các lực lượng đang huấn luyện ngoài sân vận động. Anh Hòa cho biết, nhiều năm nay, do yêu cầu nhiệm vụ thay đổi nên ngoài huấn luyện kỹ, chiến thuật đặc công thì Lữ đoàn tập trung khá nhiều thời gian huấn luyện chống khủng bố, giải thoát con tin và thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt.

leftcenterrightdel

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công, ngày 21-4-2023. Ảnh: CHÍ HÒA 

Theo anh Hòa, những nhiệm vụ ấy có tính chất và yêu cầu khác so với tác chiến truyền thống. Thực tế, để có một chiến đấu viên đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ phải tổ chức huấn luyện rất nhiều thời gian, công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, từng hành động. Từ việc rèn thể lực, di chuyển, vận động cho đến sử dụng thuần thục các loại vũ khí, võ thuật... ở các loại địa hình, thời tiết, nhất là trong điều kiện đêm tối. Đặc biệt, công tác hiệp đồng phải công phu, kỹ lưỡng, chính xác đến từng giây. Thế nên, cường độ huấn luyện với chiến đấu viên của đơn vị là rất cao.

Thượng tá Nguyễn Quang Hòa đã gắn bó với Lữ đoàn Đặc công 113 hơn 20 năm trong tổng thời gian gần 30 năm tại ngũ. Anh từng trải qua rất nhiều vị trí công tác, từ chiến sĩ rồi mũi trưởng... cho đến vị trí đang đảm nhận. Anh chia sẻ, trong tác chiến khu vực phòng thủ, đặc công có nhiệm vụ đặc thù so với bộ binh và các lực lượng khác... Các anh không chỉ có nhiệm vụ bí mật đánh phá mục tiêu quan trọng, hiểm yếu phía sau lưng địch mà còn đánh trận then chốt, mở màn trong các chiến dịch lớn. Thế nên, bài học đầu tiên với Bộ đội Đặc công không phải là võ thuật, chiến thuật mà là trách nhiệm chính trị, sẵn sàng đối mặt với thách thức, hiểm nguy, thậm chí cả sự hy sinh trong điều kiện độc lập tác chiến, nhưng vẫn luôn bình tĩnh, tỉnh táo để có phương án hành động mau lẹ, tối ưu.

Phải đặc biệt tinh nhuệ cả về bản lĩnh chính trị

Gần 10 giờ, tôi cùng Thiếu tá Bùi Tiến Dũng, Liên đội trưởng Liên đội 27 có mặt tại thao trường, xem mũi đặc công của Đội 1 luyện tập đội ngũ chiến thuật đề mục "Mũi đặc công tập kích bí mật địch phòng ngự". Tôi hỏi, sao nhiều cờ trắng thế. Anh Dũng bảo, đó là trận địa của địch. Mỗi chiếc cờ có các ký hiệu màu xanh với những hình vẽ khác nhau. Có cờ tượng trưng cho tên lửa chống tăng, cối và nhiều ổ hỏa lực khác. Có cờ ở giữa tượng trưng cho trung tâm chỉ huy, hầm ngủ... Nhiệm vụ của mũi đặc công là phải bí mật tiếp cận và tiêu diệt các mục tiêu theo nhiệm vụ trong khoảng thời gian ngắn nhất.

- Mũi trưởng bố trí lực lượng thế nào, ưu tiên đánh hướng nào trước? Tôi chẳng thấy họ đâu cả? 

Anh Dũng nhìn tôi cười và nói, đây là bí mật, không thể nói được. Rồi anh nói tiếp: "Anh cứ chờ đi, nhanh thôi".

Tôi kiễng chân, nghển cổ căng mắt quan sát xung quanh để tìm bóng dáng bộ dã chiến nhưng chỉ thấy mưa bụi lất phất trong gió và những lùm cây đặc trưng vùng đồi trung du. Bỗng tôi nghe âm thanh tạo giả mô phỏng tiếng thủ pháo, tiếng lựu đạn và cả tiếng tiểu liên rộ từng tràng. Rồi vài bóng người lao nhanh, thoắt ẩn thoắt hiện trên trận địa. Tiếng nổ vang lên theo bước chạy của họ rồi tan vào gió. Chưa đầy 10 phút sau, âm thanh tạo giả mất hẳn. Thao trường im lặng, vắng vẻ như lúc ban đầu. Anh Dũng bảo tôi, chỉ khi chứng kiến diễn tập tổng hợp thì mới thấy tính chất quyết liệt, thiện chiến, tinh nhuệ của Bộ đội Đặc công. Lúc ấy, sẽ có nhiều bất ngờ vì đó là một trận đánh gay cấn giữa quân xanh và quân đỏ. Rất nhiều tình huống diễn ra.

Lúc này, Đại úy Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội 1 xuất hiện. Thiếu tá Bùi Tiến Dũng mời chúng tôi về liên đội bởi đơn vị đã chuyển sang nội dung huấn luyện khác. Liên đội trưởng Dũng kéo chúng tôi vào nhà chòi gần nhà chỉ huy liên đội. Ngồi chưa ấm chỗ, anh Dũng đã lấy tờ giấy trong cuốn sổ ra và vẽ lên đó mặt bằng một chiếc cầu. Anh hỏi Đội trưởng Đức: Ngay sau khi chiếm được cầu, trên yêu cầu đại đội tổ chức chốt giữ, bảo vệ. Đội trưởng triển khai thế nào?

Sau một lát suy tính, anh Đức trình bày kế hoạch sơ lược khá mạch lạc và hấp dẫn. Tôi cũng chụm đầu với hai anh trên mảnh giấy, chăm chú nhìn những hình vẽ tượng trưng cách bố trí lực lượng. Cùng với đó, hai anh thảo luận cách xử trí một số tình huống.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Huấn luyện khắc phục vật cản trong đêm. Ảnh: VIỆT TRUNG

Bỗng chúng tôi nghe có tiếng người từ sau lưng. Quay lại, tôi thấy Thượng tá Nguyễn Quang Hòa đứng đó từ bao giờ. Nhìn tờ giấy trên bàn với những hình vẽ mô phỏng, anh cười rồi góp vào câu chuyện dở dang của chúng tôi. Anh nói: "Ai cũng nghĩ đặc công chỉ đánh lướt, tiêu diệt mục tiêu trọng yếu, chiếm được mục tiêu thì bàn giao cho đơn vị bạn và rút. Nhưng kỳ thực, trong chiến tranh, đã có những trường hợp đặc công của Lữ đoàn phải chốt giữ, bảo vệ mục tiêu nhiều ngày, vô cùng ác liệt. Thế nên hiện nay trong huấn luyện, chúng tôi luôn tập luyện nhiều phương án chiến đấu chốt giữ, bảo vệ mục tiêu, làm cơ sở cho bộ đội chuẩn bị tâm lý, kỹ thuật, chiến thuật để thực hiện tốt nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra".

Hướng mặt về phía những hạt mưa đan chéo trong không gian, anh Hòa cho biết: "Qua nghe nhiều cựu chiến binh về thăm đơn vị kể lại, chúng tôi thu được những bài học kinh nghiệm rất quý báu trong tổ chức chiến đấu. Ví như câu chuyện về Tiểu đoàn 23 của Trung đoàn Đặc công 113 phối hợp với 2 đại đội pháo phản lực ĐKB của Tiểu đoàn 174 vừa đánh chiếm, vừa chốt giữ, bảo vệ cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975".

Chuyện là, theo kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 23 của Trung đoàn Đặc công 113 sẽ phối hợp với Tiểu đoàn Pháo binh 174 đánh chiếm, chốt giữ, bảo vệ cầu Hóa An và cầu Ghềnh, bảo đảm cho lực lượng của Quân đoàn 4 cơ động vào nội đô Sài Gòn. Sáng sớm 27-4-1975, Tiểu đoàn 23 nổ súng, tấn công lực lượng bảo vệ cầu, sau 30 phút đã tiêu diệt và kiểm soát được mục tiêu và nhanh chóng xây dựng các chốt, sẵn sàng bảo vệ cầu. Gần 9 giờ, địch pháo kích dữ dội, sau đó cho bộ binh tấn công chiếm lại cầu, nhưng bị bẻ gãy. Sáng 28-4, sau khi pháo kích, địch cho trực thăng tới bắn phá, sau cùng là các đợt tấn công bằng bộ binh, xe tăng có máy bay trinh sát L-19 chỉ đường. Đến chiều cùng ngày, địch chiếm lại cầu. Tối 28-4, Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 phản công chiếm lại cầu. Hai bên giằng co quyết liệt từng mét mặt cầu. Mãi đến nửa đêm 29-4, Tiểu đoàn 23 mới chiếm được toàn bộ cầu và bảo vệ thành công để 11 giờ ngày 30-4, lực lượng của Quân đoàn 4 và xe tăng cơ động vào nội đô Sài Gòn. Trong trận đánh chiếm và giữ cầu Ghềnh, riêng Tiểu đoàn 23 đã có hơn 40 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Cuối câu chuyện, Thượng tá Nguyễn Quang Hòa tâm tình, có lẽ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh chiếm, chốt giữ, bảo vệ cầu Ghềnh là một trong những trận chiến khốc liệt và ta bị tổn thất nhiều. Lặng đi giây lát, anh nói tiếp với giọng trầm xuống: "Mỗi năm đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 113 luôn tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân đồng đội đã hy sinh, qua đó hun đúc tinh thần sẵn sàng hy sinh và quyết thắng cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay".

Qua câu chuyện lịch sử và công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hôm nay, tôi nhận ra, Lữ đoàn Đặc công 113 không chỉ là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong chiến đấu. Với tôi, họ còn đặc biệt tinh nhuệ cả về bản lĩnh chính trị và ý chí quyết chiến, quyết thắng. Sự tinh xảo của họ thật đúng với ý nghĩa của câu thành ngữ “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.

MẠNH THẮNG