Quên mình trong lũ dữ
Sau vài giờ đồng hồ hết xuống khu nhà ở, lên phòng làm việc, gọi điện thì không bắt máy, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Diện tại khu kỹ thuật trong buổi chiều muộn. Anh đón chúng tôi với nụ cười hiền. Khuôn mặt rám nắng của anh chợt đỏ bừng khi chìa bàn tay thô ráp bắt tay chúng tôi. Nhìn bộ quân phục loang lổ, có mùi dầu mỡ, tôi hiểu sự ngượng ngùng ấy của anh. Khi đã rõ câu chuyện, anh mở lời: "Nhiệm vụ của mình đều là những việc rất bình thường các nhà báo ạ!".
"Việc bình thường" mà anh Diện kể ấy là bao đêm miệt mài bên những pít-tông, con ốc, bản vẽ... những lần bị vợ dỗi vì say mê với công việc quá mà quên bữa tối dù từ đơn vị về nhà chỉ mất 10 phút chạy xe máy. Rồi không ít lần suýt chết khi cùng đồng đội tham gia cứu hộ, cứu nạn người dân trên địa bàn. Cho đến giờ, nhắc lại kỷ niệm về những lần đi cứu nạn ấy, anh Diện vẫn không thể quên cảm giác nước lũ chảy xiết và lạnh như thế nào...
|
|
Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Diện. |
“Đó là trận lũ tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, năm 2018. Lũ lên quá nhanh, khi anh em đơn vị tập kết đến nơi thì chỉ thấy mênh mông nước. Sau khi nhanh chóng hạ ca nô, tôi nhảy lên ghế lái rồi nổ máy”-anh Diện kể. Lần thứ nhất, ca nô không có tín hiệu khởi động. Lần thứ hai, thứ ba cũng vậy. 5 phút rồi 10 phút trôi qua, máy chiếc ca nô vẫn im lìm. Rồi dây mũi bị tuột, ca nô bị đẩy đi rất nhanh và trong khoảnh khắc ấy đã bị lật úp bởi dòng nước xiết. Dòng nước xiết có nguy cơ cuốn anh xuống cống... Trong tình thế nguy cấp ấy, anh nhanh chóng lặn xuống rồi men theo dòng chảy, cố gắng bơi vào bờ. Tiếp cận được với đồng đội, anh lại trực tiếp điều khiển ca nô khác cùng anh em đơn vị đi cứu người dân còn mắc kẹt trong lũ. Anh Diện kể rằng, nếu như trên sông, hồ không có vật cản thì việc điều khiển ca nô không mấy khó khăn, nhưng khi vào khu dân cư mà nước đã ngập hàng mét, tình hình phức tạp hơn nhiều. Nước chảy xiết, không quen địa hình, không biết độ sâu mà phải dựa vào kinh nghiệm và khả năng xử lý tình huống của mỗi người. Các anh phải lợi dụng sức nước, mặc áo phao, buộc dây thừng vào người, tìm các vị trí có người dân đang ẩn tránh trên mái nhà, trường học... dìu họ lên ca nô rồi nhanh chóng thoát khỏi nơi nguy hiểm. Đến khi nước cạn, quay lại dọn dẹp, khắc phục hậu quả lũ lụt, nhìn thấy hiện trường mà “sởn da gà” vì thấy các bức tường bao cắm đầy mảnh sành, cổng nhà dân thì trơ ra các mũi sắt nhọn hoắt.
Tôi thắc mắc với anh: “Cứu hộ, cứu nạn là một nhiệm vụ tương đối nguy hiểm, cần đến những người được đào tạo chính quy. Vậy còn anh?”. “Từ khoảng thời gian năm 2000, năm nào chúng tôi cũng được Quân khu 2 triệu tập tham gia lớp tập huấn về nhiệm vụ đặc biệt này tại Lữ đoàn Công binh 543, sau đó được cấp chứng chỉ đào tạo. Được tập huấn kỹ từ cách sử dụng phương tiện cứu hộ đến xử lý các tình huống. Vì vậy, những nhiệm vụ đột xuất như thế không thể làm khó được chúng tôi!”, anh Diện khẳng định.
Tấm gương điển hình trong lao động, sáng tạo
Sinh năm 1976 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, 19 tuổi, Nguyễn Văn Diện lên đường nhập ngũ. Yêu môi trường quân ngũ và muốn gắn bó lâu dài với màu xanh áo lính, anh đăng ký thi vào Trường Kỹ thuật Tăng thiết giáp (nay Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp, Binh chủng Tăng thiết giáp). Ra trường, anh về công tác tại Đại đội 13, Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 2, Binh chủng Tăng thiết giáp. Từ năm 2003, anh được điều về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ. Với chuyên môn là thợ sửa chữa xe thiết giáp nhưng không dừng lại ở đó, anh mày mò tự học sửa ô tô và các phương tiện phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Diện quan niệm, sáng kiến phải thiết thực và quan trọng là phải giúp tiết kiệm thời gian, công sức của bộ đội... 20 năm công tác ở Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ là bấy nhiêu thời gian anh trăn trở tìm tòi, suy nghĩ, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đến nay, anh đã có trong tay hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong đó có những sáng kiến đã được áp dụng tại nhiều đơn vị ở Quân khu 2, như: “Chuyển đổi cơ cấu đóng cắt ly hợp bằng cơ khí trên xe thiết giáp BTR-152 thành cơ cấu đóng cắt trợ lực dầu kết hợp khí nén”.
|
|
Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Diện (bên trái) say mê với công việc chuyên môn. |
Anh Diện cho biết, hiện các xe thiết giáp BTR-152 được trang bị đều sử dụng hệ thống điều khiển ly hợp bằng cơ khí, yêu cầu lực đạp lớn, khó thao tác, tạo nên áp lực tâm lý và mất nhiều sức cho lái xe. Nhận thấy những khó khăn ấy, anh Diện đã nghĩ ra sáng kiến cải tiến hệ thống điều khiển ly hợp cơ khí thành cơ cấu đóng cắt trợ lực dầu kết hợp khí nén. Sau khi được cải tiến, hệ thống điều khiển ly hợp của xe hoạt động hiệu quả hơn trong quá trình sử dụng mà không làm thay đổi tính năng kỹ, chiến thuật của xe. Đồng thời còn giúp kéo dài thời gian khai thác, sử dụng. Năm 2017, sáng kiến này của anh được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen.
Là thợ sửa chữa, anh thường xuyên được giao nhiệm vụ tham gia bảo đảm kỹ thuật cho các phương tiện của đơn vị. Ngoài các phương tiện thông thường còn có các phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Ví như sáng kiến: "Dụng cụ tời ca nô bằng ắc quy" cũng được nảy sinh từ những lần tham gia phòng, chống lụt bão, cứu giúp nhân dân trên địa bàn. Anh Diện kể: "Ngày trước, để thu hồi ca nô về vị trí, cần đến hai chiến sĩ to khỏe kéo mất rất nhiều sức. Tôi đã nghĩ ra cách để không phải dùng đến sức người mà thay vào đó dùng tời điện. Sau khi cải tiến, chỉ mất 5 phút là người điều khiển đã đưa phương tiện về đúng vị trí yêu cầu".
Thiếu tá Lương Tuấn Long, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật (Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Quá trình thực hiện sáng kiến, đồng chí Diện rất cẩn thận, tỉ mỉ, nhiều đêm quên cả ngủ nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Gặp khó khăn, vướng mắc gì anh đều báo cáo chỉ huy, trao đổi với đồng nghiệp để cùng tháo gỡ. Anh là tấm gương điển hình trong lao động, sáng tạo của đơn vị nhiều năm liền”.
Trong gần 30 năm công tác, Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Diện đã trực tiếp tham gia sửa chữa hàng trăm lượt phương tiện các loại. Nhiều trường hợp thiếu dụng cụ, trang bị chuyên dùng để sửa chữa, anh Diện đã tự tìm mọi cách để khắc phục. Nhiều năm liền, anh được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2020, anh được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Năm 2022, anh được UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen vì “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền 2017-2021. Bên cạnh công việc chuyên môn, Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Diện luôn tận tình giúp đỡ, hướng dẫn đồng đội để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì vậy, anh Diện luôn được cấp trên và đồng đội tin tưởng, quý mến.
Trước khi chia tay chúng tôi, Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Diện say sưa chia sẻ về những sáng kiến anh đang triển khai, như sáng kiến thiết kế tấm thiết giáp để bảo vệ pháo thủ trên xe BTR-152 hay sáng kiến xử lý rác thải bằng men vi sinh để người dân có ý thức phân loại, tận dụng rác. Có thể nhận thấy, mỗi sáng kiến ấy của anh đều xuất phát từ công việc, cuộc sống hằng ngày mà như anh chia sẻ, là "mỗi khi nhìn thấy những vấn đề bất cập là mình lại cảm thấy "khó chịu" và mày mò suy nghĩ, trăn trở tìm giải pháp thực hiện cho bằng được...".
Bài và ảnh: THU THỦY - MAI PHƯƠNG