Với 25 tác giả đến từ mọi miền đất nước, sau 15 ngày đã cho ra đời hơn 80 tác phẩm viết về đất và người miền Tây Nam Bộ nói chung, bộ đội Quân khu 9 nói riêng.
Thiếu tá, nhà thơ Đoàn Văn Mật, Trưởng ban Thơ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, phụ trách trại sáng tác, chia sẻ: “Đề tài LLVT và CTCM là nguồn cảm hứng chính cho những tác phẩm mới của nhiều tác giả. Đó là hình ảnh chiến sĩ cách mạng trung kiên trên vùng đất Nam Bộ; những người con của quê hương luôn thủy chung, anh dũng; những bà má kiên gan, bất khuất; những tên người, tên đất đi vào tác phẩm văn chương oai hùng, bi tráng... thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc. Dẫu biết, vẫn còn đó những đau thương do chiến tranh để lại, những người con hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, những người lính hôm nay không quản khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ mới... đã đi vào văn chương, làm nên vẻ đẹp trên vùng đất "chín rồng" này”.
Rõ ràng, hơn 70 bài thơ và một trường ca của các tác giả tham gia trại sáng tác đã thể hiện tinh thần nhập cuộc tràn đầy nhiệt huyết sáng tạo. Đọc chùm 3 bài thơ của thầy giáo Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), ta sẽ gặp nỗi day dứt, ám ảnh về đất và người Nam Bộ trong chiến tranh. Đó là sự lặng lẽ của nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều (Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau) tìm lại hình ảnh người cha là chiến sĩ pháo binh trong trận đánh lộ Vòng Cung Xuân Mậu Thân năm 1968. Đó là Đoàn Phước Lộc (Sư đoàn 330) ở phía “nỗi đau đang khép lại dần”; Trần Đình Công (Lữ đoàn Công binh 25) đau đáu, cảm thấu những đồng đội hy sinh giữa thời bình... Đặc biệt, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới đau thương mà bi tráng, kỳ vĩ mà gian lao của Sư đoàn 330 trong trường ca “Khói bụi nghiêng trời” của nữ thi sĩ Lê Thanh My, nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang.
|
|
Trại viên tìm hiểu về nhiệm vụ ở đơn vị vận tải thủy của Quân khu 9. Ảnh: CÔNG KHANH |
Theo Thiếu tá, nhà thơ Đoàn Văn Mật, không chỉ những tác giả Nam Bộ, nhiều tác giả ở các vùng, miền khác cũng có tác phẩm xúc động về Quân khu 9. Đó là Trang Thanh (Hà Nội) trong tiếng lòng của người mẹ đi tìm con, vợ đi tìm chồng; Võ Văn Luyến mang Quảng Trị đến cùng Nam Bộ; Vũ Ngọc Thư (Hải Dương) lưu ký ức cùng đồng đội trong những trận đánh năm nào; Nguyên Như (Đắc Nông) ẩn ngữ vào những vọng tưởng xa xôi của người nằm xuống; Lê Thúy Bắc (Hà Nội) nặng lòng với đất, với người Quân khu 9; Nguyễn Kiến Thọ (Thái Nguyên) đậu lại nơi này khi đồng đội lịm đi trong ánh chớp đầu mùa... Đó là Phùng Thị Hương Ly (Bắc Kạn), Hà Hương Sơn (Quảng Ngãi), Vương Thanh Phong (Bộ CHQS tỉnh Cà Mau), Võ Thành Nhân (Sư đoàn 330), Nguyễn Công Khanh (Báo Quân khu 9)... đau đáu với “những cuộc hành quân qua châu thổ” để nhớ một thời “cùng chung trận tuyến”.
Thơ viết về LLVT và CTCM trên địa bàn Quân khu 9 có cái nhìn xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, còn mảng thơ trữ tình bắt nguồn từ cảm xúc trực diện với những nét tươi mới về đất và người Nam Bộ. Nếu Lê Thúy Bắc có những bài thơ hiện đại, đi vào nội tính của vùng đất, con người thì Trang Thanh có nét du dương của câu chữ như vừa được phổ một bản nhạc tâm hồn. Nếu thơ Nguyễn Thanh Hải như một khúc nhớ đổ dài trong câu vọng cổ thì Nguyễn Kiến Thọ có những câu gợi thanh, gợi điệu ngỡ như giọt cà phê rơi vào đáy cốc buổi chiều bên bến sông. Nếu thơ Huỳnh Thúy Kiều ngọt như vị phù sa đằm thắm trong khao khát thì Võ Văn Luyến như mưa nắng hồn nhiên nuôi lớn thật thà... Nhà thơ Lê Thúy Bắc chia sẻ: “Nam Bộ với những nét thơ mộng vốn có; với những con người nồng hậu, ấm tình giàu nghĩa; với những lời ca gợi thương gợi nhớ thành chất xúc tác quan trọng, nguồn cảm hứng dạt dào giúp chúng tôi tạo nên những tác phẩm giàu chất thơ”.
Ở thể loại văn xuôi, dù chỉ 6 tác giả nhưng bằng sự lao động nghiêm túc đã cho ra đời những tác phẩm chất lượng; trong đó đề tài “LLVT và CTCM” chiếm vị trí quan trọng. Sự sắc sảo và vững chãi của tay nghề giúp Tống Phước Bảo (TP Hồ Chí Minh) hoàn thành truyện ngắn “Mắt phù sa” viết về những vết thương trong quá khứ ở miền sông nước Cửu Long. Cũng viết về chiến tranh và hậu chiến trên địa bàn Quân khu 9, Trần Thị Tú Ngọc (Hà Tĩnh) có truyện ngắn “Gió mỗi mùa vẫn thức”. Truyện ngắn “Huyền thoại quân tử cầm” của Hồ Thị Linh Xuân (Sóc Trăng) là câu chuyện giả tưởng về nguồn gốc của đờn kìm trong bom đạn-một nhạc cụ đóng vai trò lĩnh xướng trong đờn ca tài tử Nam Bộ. Truyện ngắn “Trả lại mặt trời” của Phát Dương (TP Cần Thơ) với sự ẩn dụ về một thanh kẹo sô cô la và những nỗi đau chiến tranh, sự ngây thơ của con trẻ khao khát hòa bình, hạnh phúc. Truyện ngắn “Đau răng” của Ngô Nhân Đức (TP Hồ Chí Minh) với câu chuyện giàu tính biểu tượng trong xã hội hiện đại về một người đàn ông bị cơn đau răng hành hạ. Truyện ngắn “Ngôi nhà sau phim trường” của Bùi Thanh Thùy (Hòa Bình) viết về những phận người phiêu bạt thiếu thốn vật chất và tình thân...
Những khách mời đến trại sáng tác cũng đóng góp tác phẩm, như: Võ Diệu Thanh (An Giang) với truyện ngắn “Bến thương”, Mạc Yên (Cần Thơ) với truyện ngắn “Giả túp”, Trương Quốc Toàn (Tây Ninh) với truyện ngắn “Tắm trăng”... Riêng Tống Phước Bảo, ngoài truyện ngắn còn có bút ký khá hay về người lính Quân khu 9. Theo nhà văn Uông Triều (Tạp chí Văn nghệ Quân đội): “Tuy thời gian của trại sáng tác không nhiều và đối với thể loại vốn đòi hỏi sự lao động khá nặng nhọc nhưng các trại viên không chỉ hoàn thành những tác phẩm mới mà còn tích lũy những kinh nghiệm, hiểu thêm về vùng đất, cuộc sống và người lính miền Tây Nam Bộ. Đây là những tư liệu quý báu tiếp tục phục vụ các trang viết sắp tới”.
Đánh giá về sự thành công của trại sáng tác, Thiếu tá, nhà thơ Đoàn Văn Mật khẳng định: “Chiến tranh lùi xa, vết thương do kẻ thù gây ra sẽ dần lành lại, đất nước yên bình đang trên đà phát triển. Nhưng chiến tranh phải được biết đến, nhắc lại một cách sinh động, sâu sắc. Điều này không phải để khơi dậy hận thù, phân định giới tuyến mà để cùng nhau nhìn về quá khứ, hiểu quá khứ một cách sòng phẳng, từ đó trân trọng hiện tại và trách nhiệm với tương lai. Tôi tin số tác phẩm không dừng lại ở 80 mà chắc chắn còn nhiều hơn trong thời gian tới bởi các nhà văn, nhà thơ còn ấp ủ nhiều câu chuyện xúc động, thú vị từ trại sáng tác này”.
Đại tá, nhà văn NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Sau 15 ngày tham gia trại sáng tác, các nhà văn, nhà thơ trở về công việc của mình nhưng kỷ niệm về đất và người miền Tây Nam Bộ sẽ còn mãi. Hơn thế, hình ảnh người chiến sĩ Quân khu 9 nồng hậu, nhiệt thành với nhiệm vụ bảo vệ quê hương, phát triển đất nước là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ tiếp tục sáng tác. Tôi cũng tin sau trại sáng tác này sẽ còn nhiều trại viết nữa diễn ra, bởi sự quan tâm của Bộ tư lệnh Quân khu 9, sự yêu mến của văn nghệ sĩ và nhân dân miền Tây Nam Bộ là những dẫn gọi các nhà văn, nhà thơ trở lại.
|
HỒ KIÊN GIANG