Trước việc liên tục xảy ra các trận động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum và yêu cầu của Bộ tư lệnh Quân khu 5, các phương án sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn được rà soát, lực lượng luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động. Đầu giờ chiều 29-7, tôi và một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần-kỹ thuật đã có mặt tại Tiểu đoàn 4 để kiểm tra, nắm tình hình.

Trung tá Phùng Ngọc Tuân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 báo cáo các phân đội đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi phương tiện, trang bị. Riêng dự trữ lương thực, thực phẩm, đồ khô đã được anh em gói buộc kỹ lưỡng. Củi cũng đã có sẵn trong thùng xe. Bất cứ lúc nào, có lệnh là đơn vị lên đường ngay.

Phùng Ngọc Tuân mới đảm nhận vị trí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 chưa đầy năm nhưng phương pháp, tác phong công tác tỉ mỉ, cẩn thận thì thuộc tốp đầu. Trước đó, Tuân là Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 tới gần 7 năm nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Hồi năm 2017, trong vụ cháy Nhà máy Ô tô Trường Hải, chính Tuân là người chỉ huy phân đội cơ động đến hiện trường và phối hợp với các lực lượng để chữa cháy, khắc phục sự cố.

Do biến đổi khí hậu, do hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều năm qua xuất hiện ngày càng nhiều nên nhiệm vụ của Lữ đoàn cũng vì thế mà nặng nề hơn, thậm chí rất khó khăn, phức tạp. Cách đây không lâu, khi Lữ đoàn tổ chức làm phim ngắn tham dự Cuộc thi “Video clip về điển hình tiên tiến trong lực lượng vũ trang Quân khu”, tôi nghẹn lòng khi nghe Đại úy Nguyễn Mạnh Thắng, Đại đội trưởng Đại đội 13, Tiểu đoàn 4 nhắc lại chuyện cứu hộ, cứu nạn tại nóc Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Anh tâm tình, bình thường, chỉ mất vài giờ là có thể cơ động đến xã Trà Leng. Nhưng đợt lũ tháng 10-2020 đó, trên đường cơ động phải dọn dẹp sơ bộ sạt lở tại Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My nên tốc độ hành quân giảm đi rất nhiều. Mãi đến gần 5 giờ ngày 29-10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Lữ đoàn mới có mặt tại vị trí tập kết và hành quân bộ vào hiện trường. Cả một vùng đất đá lẫn với rễ cây nằm ngổn ngang, đan cài vào nhau như vừa trải qua trận bom rải thảm. Những nóc nhà dân bị san phẳng không nhìn thấy sự sống. Thắng nói “Nhìn giọt nước mắt của thân nhân những người bị nạn, chúng tôi không khỏi xót xa và luôn dặn với lòng mình, phải quyết tâm, biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy ra”.

Sau 22 ngày đêm dầm mình trong mưa lũ, bất chấp khó khăn, nguy hiểm, bất chấp cái đói, cái mệt và cái lạnh vùng sơn cước mùa mưa lũ, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn cùng với các lực lượng địa phương và đơn vị bạn đã cứu sống 33 người dân, tìm kiếm 9 thi thể bị vùi lấp. Ghi nhận thành tích của đơn vị, UBND tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen.

Cũng kể từ đó, Lữ đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương nhận chăm sóc, đỡ đầu hai chị em Điệp và Đệ bị mất cha mẹ trong trận sạt lở núi kinh hoàng ấy. Năm nay, Đệ đã tốt nghiệp THPT, em Điệp chuẩn bị vào năm thứ ba của Trường Đại học Quảng Nam.

Thời nào cũng vậy, dù xa nhà, xa gia đình biền biệt nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 270 vẫn kiên tâm, vững chí cho dù thực hiện nhiệm vụ nơi sơn thẳm cùng cốc, thiếu vắng bóng người. Cho dù nhiều năm ở trong những dãy nhà tạm thấp lè tè và nóng hầm hập mùa hè, hay phải chịu cái lạnh cắt da vào đêm đông và thậm chí phải ăn mì sống hay lương khô trong mùa lũ thì họ vẫn không ngã lòng, chùn bước. Người lính công binh Lữ đoàn 270 chúng tôi như những chú ong thợ cần mẫn xây tổ để cho ra thứ mật ngọt giúp cuộc sống tươi đẹp hơn. Có lẽ, với chúng tôi, đôi mắt trong veo của Đệ đã nói hộ tất cả niềm hạnh phúc mà khó có thể đong đếm, đo lường.

leftcenterrightdel
Huấn luyện vượt sông bằng khí tài. Ảnh: PHAN  PHƯƠNG 

Rời Ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 trở về Sở chỉ huy Lữ đoàn, ngồi vào bàn làm việc, tôi lướt nhanh qua các công văn, giấy tờ trên mặt bàn mà không thể nào nhập tâm được bởi những suy nghĩ về “mệnh lệnh chiến đấu” của lính công binh thời bình đã đọng thành “mệnh lệnh trái tim”.

Tôi nhớ đến những kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2024 của Lữ đoàn vừa được đánh giá, phân tích tại hội nghị tuần trước. Đó là bước chuẩn bị để chúng tôi làm tốt “mệnh lệnh trái tim” trong các tình huống chiến đấu thời bình phức tạp, khó lường, nhưng cũng không kém phần hiểm nguy.

Ấn tượng đầu tiên của Lữ đoàn trong 6 tháng qua là giữ vững nền nếp, chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, tuần tra canh gác bảo vệ an toàn đơn vị và khu vực đóng quân. Lữ đoàn rà soát, bổ sung kế hoạch tác chiến bảo vệ đơn vị; phòng, chống cháy, nổ sát thực tế. Cơ quan, đơn vị trong Lữ đoàn thường xuyên luyện tập, phối hợp, hiệp đồng xử lý các tình huống thống nhất, tập trung. Lữ đoàn đã tổ chức bảo đảm vượt sông phục vụ các đơn vị Quân khu diễn tập đạt kết quả tốt. Ngoài ra còn tích cực tham gia xử lý tình huống A2 trong diễn tập khu vực phòng thủ; thực binh xử lý sự cố cháy, nổ, tràn dầu.

Bên cạnh đó, công tác huấn luyện cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2024, Lữ đoàn tập trung đầu tư xây dựng, củng cố thao trường huấn luyện chiến thuật, mô hình học cụ phục vụ huấn luyện. Tổ chức huấn luyện cho các đối tượng theo kế hoạch, sát phương châm, nguyên tắc; chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, nhất là huấn luyện chuyên ngành vượt sông, phân đội làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khủng bố.

leftcenterrightdel

Huấn luyện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.  Ảnh: PHAN  PHƯƠNG 

Có lẽ, do quyết liệt trong tổ chức huấn luyện nên các phân đội trong Lữ đoàn không có hiện tượng chạy theo tiến độ, huấn luyện chay, chạy theo thành tích nên chất lượng huấn luyện ngày càng thực chất. Có lẽ, huấn luyện tốt chính là biện pháp gốc rễ để việc thi công các hạng mục của toàn Lữ đoàn luôn đạt, vượt tiến độ, chất lượng kỹ thuật tốt, mỹ quan đẹp, an toàn và bí mật.

Trước khi diễn ra hội nghị quân chính, Đại tá Nguyễn Hoài Sơn, Lữ đoàn trưởng đã bộc bạch với tôi là, dù tổ chức thi công ở vùng rừng núi, biển, đảo và đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ mất an toàn cao; dù bảo đảm phương tiện thi công, vật tư, vật liệu, lương thực, thực phẩm chủ yếu bằng phương pháp gùi, thồ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt... nhưng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 270 vẫn mạnh mẽ và quyết thắng, xứng đáng là “cán mác”, như lời Bác Hồ từng dạy lúc sinh thời. Anh trải lòng, nếu số lượng, chất lượng phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật được trên bảo đảm đồng bộ, hiện đại hơn và luôn có hệ số kỹ thuật ổn định thì chắc chắn chất lượng thực hiện nhiệm vụ còn cao hơn nhiều.

Anh đề nghị với tôi, trong hội nghị quân chính cần gợi mở, định hướng cán bộ cho ý kiến thảo luận vào nội dung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện và bảo đảm kỹ thuật. Anh phân tích, cần duy trì thực hiện nền nếp công tác kỹ thuật, nâng cao chất lượng “Giờ kỹ thuật”, “Ngày kỹ thuật”; gắn công tác bảo đảm kỹ thuật với thực hiện các nội dung, mục tiêu của Cuộc vận động 50 hiệu quả. Đặc biệt, cần nghiên cứu, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các nội dung công tác kỹ thuật, nhằm giúp cho việc kiểm tra, kiểm định được nhanh chóng, không để hư hỏng, thất thoát, cháy nổ.

Bỗng tôi giật mình chợt nhớ tới lịch công tác. Sáng mai, lúc 5 giờ tôi đã phải lên đường đến một phân đội của Lữ đoàn đang thi công để triển khai một số việc gấp. Tôi cũng thi đua với những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cách Sở chỉ huy Lữ đoàn hàng trăm ki-lô-mét.

Từ năm 2019 đến nay, Lữ đoàn 270 đều đạt Đơn vị huấn luyện giỏi. Giai đoạn 2019-2024, Lữ đoàn 270 được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua năm 2019, 2020, 2023. Năm 2021, 2022 được Quân khu 5 tặng Cờ thi đua. Năm 2021, được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tôn vinh tập thể điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Chương trình “Hồ Chí Minh-Hành trình khát vọng”. Năm 2024, được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì đạt nhiều thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII và 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương.

 

Đại tá LƯ VIẾT TUẤN, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5