n tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với Đại úy Chu Văn Phương, Trưởng ban Xe-Máy, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang là một người đàn ông rắn rỏi, từ tốn, cẩn trọng. Theo giới thiệu của Đại tá Nguyễn Trọng Chung, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, trong công việc, Chu Văn Phương luôn có tinh thần trách nhiệm cao, được đào tạo bài bản, có kiến thức vững vàng. Đại úy Chu Văn Phương là một trong những điển hình của đơn vị về thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Đại úy Chu Văn Phương sinh năm 1989, là người xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Niềm say mê công nghệ, máy móc, kỹ thuật được anh bộc lộ ngay từ thời học viên. Năm 2012, Chu Văn Phương và một người bạn cùng lớp nghiên cứu, đưa ra mô hình thực tế để chứng minh lý thuyết ứng dụng động lực học trong hoạt động của máy khoan. Công trình này đã được Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự tặng Bằng khen, được tham gia Triển lãm Robocon Techshow toàn quốc năm 2012. Nghiên cứu cũng giúp đôi bạn giành giải ba Cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tốt nghiệp với quân hàm trung úy, Chu Văn Phương về nhận công tác tại Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang. Chỉ một năm sau, năm 2014, anh đoạt giải nhất nội dung thi cán bộ ngành xe-máy giỏi trong Hội thi Kỹ thuật quân khu.

leftcenterrightdel
Đại uý Chu Văn Phương

Đại úy Chu Văn Phương tâm sự, ban đầu, việc thay đổi từ một học viên thành cán bộ kỹ thuật cũng có nhiều khó khăn. “Công tác trong ngành kỹ thuật, tôi mới thấy hết được sự khó khăn, vất vả của những người lính thợ trong từng nhiệm vụ mà họ phải hoàn thành, những điều mà trước đây ở trường chúng tôi chưa biết. Những người lính thợ phải lặp đi lặp lại nhiều lần một vài thao tác đơn giản, nhàm chán, nhiều công việc nặng nhọc phải dùng sức người...”, anh Phương chia sẻ.

Những khó khăn đó đã khiến Chu Văn Phương nhiều đêm trăn trở, phải làm sao để nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật mà không tốn nhân công và thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các cơ quan, đơn vị? Anh đã tích cực nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật và có nhiều sáng kiến được áp dụng vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu như: Thiết bị tăng hành trình kích nâng hạ; bơm cấp nhiên liệu bằng điện cơ động; bình nén khí cơ động từ bình cứu hỏa; dụng cụ tháo ốc lốp xe thiết giáp BTR-152; thiết bị hỗ trợ nâng bánh xe dự phòng xe thiết giáp BTR-152…

Trong một lần đi kiểm tra cùng cán bộ Phòng Kỹ thuật, việc thực hiện nhiệm vụ thử tỷ lệ nổ đạn dược, anh quan sát thấy công việc tách thuốc phóng ra khỏi liều chính đạn cối được anh em thực hiện bằng tay, dùng dao để trực tiếp cắt vỏ liều, sau đó tách thuốc nổ ra khỏi liều. Thấy vậy, Chu Văn Phương báo cáo với cán bộ Phòng Kỹ thuật và lên ý tưởng chế tạo một thiết bị cắt liều chính đạn cối, bảo đảm nhanh chóng, an toàn. Các công việc lên bản vẽ thiết kế sản phẩm được thực hiện nhanh chóng. Khó khăn bắt đầu đến khi tiến hành giai đoạn gia công sản phẩm. Anh chia sẻ: Những người thợ cơ khí thường nhận những công trình lớn, làm theo kế hoạch sản xuất của họ. Còn những công việc gia công chi tiết đơn lẻ và những sản phẩm kiểu “sáng kiến” thường họ sẽ từ chối vì mất nhiều thời gian, tiền công lại không nhiều.

Sau khi bị rất nhiều xưởng cơ khí từ chối, anh may mắn tìm được một xưởng cơ khí nhỏ nhận lời gia công sản phẩm. Vừa làm, vừa điều chỉnh, thử nghiệm, cuối cùng “Thiết bị cắt liều chính đạn cối” cũng được hoàn thành. Sản phẩm đưa vào sử dụng đã đạt được một số hiệu quả nhất định.

Theo đó, trước đây, việc cắt liều chính đạn cối bằng dao, một người cắt hơn một giờ được khoảng 20 liều cối. Việc cắt không cẩn thận có thể dẫn tới đứt tay, chảy máu. Với sáng kiến này, một người thợ có thể cắt xong số liều cối cần thử tỷ lệ nổ cháy tương đương chỉ trong 20 phút. Sản phẩm sau đó được công nhận sáng kiến cấp cơ sở, cấp quân khu và tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân đoạt giải khuyến khích.

Một thiết bị nữa mà anh khá tâm đắc, đó là sáng kiến “Bơm nhiên liệu bằng điện cơ động”. Anh cho biết: “Trong công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật thì xăng, dầu, mỡ là các nhiên liệu cần thiết, nhưng số lượng không nhiều và chủ yếu được cấp từ các thùng phuy 200 lít. Việc chuyển dầu từ thùng phuy sang can được thực hiện bằng bơm tay và việc đo đạc được thực hiện bằng thước thăm dầu. Hơn nữa, việc sử dụng bơm tay cũng khá vất vả, nhất là đối với một số thủ kho là phụ nữ. Có những ngày do cấp phát cho nhiều đơn vị, họ phải bơm vài trăm lít”.

Đồng thời, công tác cấp phát xăng, dầu cho các xuồng máy cũng không thuận tiện. Xuồng thì ở dưới sông, xe ô tô chở từng thùng phuy chỉ tập kết được ở trên bờ đê. Công tác chuyển xăng, dầu từ thùng phuy sang thùng nhiên liệu của xuồng cũng bằng bơm tay, quá trình đo đạc bằng thước, độ chính xác phụ thuộc vào người đo.

Nhiều lần như thế, Chu Văn Phương ấp ủ một sáng kiến để cho việc bơm dầu được nhanh chóng, thuận tiện, chính xác hơn. Anh đã tập trung nghiên cứu và bắt tay vào thực hiện sáng kiến “Bơm nhiên liệu bằng điện cơ động”. Sáng kiến này không chỉ đơn thuần là cơ khí mà còn có phần điện tử.

Lần này, thử thách mới mà anh gặp phải là ở thành phố Bắc Giang không có nhiều nơi bán linh kiện điện tử, đi tìm mua nhiều cửa hàng mà không có, nhất là các linh kiện phục vụ việc độ, chế. Trong lúc khó khăn, anh tình cờ tìm thấy trên các trang thương mại điện tử bán rất nhiều module, linh kiện điện tử mà anh cần.

Đã giải quyết được phần khó khăn nhất, Chu Văn Phương tiến hành hiệu chỉnh các thông số sao cho quá trình đo đạc có độ chính xác cao nhất. Mất gần một tuần đong đi đếm lại, chỉnh sửa các thông số, sáng kiến hoàn thành. Nhờ đó, quá trình cấp phát xăng, dầu từ thùng phuy nhanh chóng, chỉ mất vài phút. Người thủ kho không phải sử dụng bơm tay và thước đo, chỉ cần nhập số lượng nhiên liệu cần cấp thông qua nút bấm, theo dõi lưu lượng bơm và lưu thông số nhiên liệu đã cấp trong ngày với độ chính xác cao qua màn hình LCD. Hơn nữa, thiết bị chạy điện ắc-quy nhỏ gọn, có thể cơ động ra nhiều vị trí ở các địa hình khác nhau.

Sáng kiến đã được công nhận sáng kiến cải tiến cấp cơ sở, tham gia Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình, trang thiết bị phục vụ huấn luyện hậu cần và bảo đảm hậu cần cấp Bộ CHQS tỉnh đoạt giải A, dự thi cấp quân khu đoạt giải C.

Những thành công đó đã phần nào khích lệ anh tiếp tục cố gắng cho ra nhiều sáng kiến khác. Công nghệ thay đổi từng ngày nên ngoài giờ huấn luyện, anh tranh thủ cập nhật thêm thông tin, kiến thức trên các diễn đàn công nghệ. Ngoài ra, anh cũng rất thích bơi lội và là tay bơi kỳ cựu của Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang. Song điều mà Chu Văn Phương thấy thích thú nhất là sáng kiến của mình đã giúp những người lính thợ đỡ vất vả hơn.

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT