“Việc khó, có thanh niên... Thắng”

Ông Thắng sinh năm 1948, con trai thứ 4 của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Ấn-Nguyễn Thị Xung (Bà mẹ Việt Nam anh hùng), ở xã Thống Kênh (Gia Lộc, Hải Dương). Người anh cả của ông là bệnh binh. Hai anh tiếp sau là liệt sĩ. Sau hơn 3 năm lái xe ở Quân khu 3, cuối năm 1971 ông được điều vào làm Đội trưởng Đội xe BT9 ở miền Tây Quảng Bình... 

Đội xe BT9 có 30 tay lái, trực thuộc chỉ huy binh trạm, nhận lệnh xong là tác chiến độc lập. Bởi vậy, ông Thắng chăm lo từ tinh thần, tay nghề của lái xe cho đến kỹ thuật xe máy, vật tư. Ông tường tận từng kho xăng, cái ngầm, con dốc trên các tuyến đường mà đội xe hoạt động. Không hiếm khi vừa bưng bát cơm lên đã bỏ xuống, đến ngay chiếc xe vừa bị bom địch đánh hỏng, tháo hết phụ tùng còn dùng được mang về dự trữ để thay thế.

Lính trẻ lần đầu lái xe tắt đèn giữa ban đêm, qua trọng điểm bị bom địch phá trụi thùi lụi thì lo toát mồ hôi. Ông ngồi cạnh bảo ban: “Thế nào là đi theo ánh lửa từ trái tim mình! Hãy vận dụng các quy luật ánh sáng. “Mưa tránh trắng, nắng tránh thâm”. Lính ta khoái trá khi thấy các vết bánh xe lộ ra giữa đêm đen như đôi rắn bò. Bám nó mà đi. “Vào đường rừng thì… nhìn lên trời mà đi! Tức là đi dưới khoảng trống giữa hai hàng ngọn cây. Đổ kéo, méo gò. Chỉ sợ trúng bom địch chết mất thì thôi. Chứ còn người là còn của”. Lính nghe ông, bạo dạn hẳn lên.

leftcenterrightdel
Ông Thắng cùng vợ và con cháu (năm 2019)

Đêm Giao thừa Tết Giáp Dần 1974, Đội xe BT9 (lúc này đã đổi tên thành Đội xe Trung đoàn 9) hộ tống đoàn của đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội vào chúc Tết Bộ đội Trường Sơn. Khi đi qua đoạn đường mới sửa ở ngã tư Thạch Bàn (Lệ Thủy, Quảng Bình), chiếc xe phun nước chống cháy, chống bụi phục vụ đoàn bất ngờ bị nứt bình bơm. Hàn điện ngay trong xe sẽ không an toàn. Mà tháo ra để sửa chữa thì không kịp thời gian. Ông Thắng liền dùng dây cao su căng bịt chỗ nứt của chiếc bình. Máy bơm lại hoạt động bình thường... Lúc xuân sang, lời phát biểu của đồng chí Trường Chinh với Bộ tư lệnh Trường Sơn có đoạn: “... Muốn đánh thắng quân xâm lược, về hạ tầng cơ sở của cuộc kháng chiến, chúng ta phải có những con đường chiến lược như đường Trường Sơn và biết sử dụng những con đường ấy một cách tốt nhất để lập nên những chiến công vĩ đại... Chúc các đồng chí phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của mình, lập được nhiều thành tích trong giai đoạn mới”, làm ông Thắng rất xúc động. Ông viết thư ngay cho vợ: “Em yêu ơi! Mùa xuân Trường Sơn này vui lắm!...”.

Đến năm 1979, khi ông đang là trợ lý xe máy của Trung đoàn 27, Sư đoàn 334 làm đường ở Lai Châu, đại đội máy ủi của trung đoàn gồm toàn lính vốn là lái xe ở chiến trường, lâu ngày chưa được nghỉ phép. Một số tỏ thái độ bất mãn, ảnh hưởng đến nhiệm vụ. Cấp trên “chọn mặt gửi vàng”, giao ông Thắng kiêm chức đại đội trưởng đơn vị này. Sau một tháng, đại đội máy ủi ấy yên ổn, làm tròn mọi nhiệm vụ; cấp trên đã “cất nhắc” ông làm trợ lý xe máy của Sư đoàn 334. Câu nói vui: “Việc gì khó có thanh niên… Thắng” xuất hiện bấy lâu, nay ngẫu nhiên được các chiến sĩ “tua” lại thành “Việc gì khó có… Thắng thanh niên”...   

Chỗ dựa của đồng đội

Ông Thắng nhớ tên tuổi, hoàn cảnh từng người trong đội. Với những chiến sĩ gặp khó khăn, ông hết lòng giúp đỡ. Một lần bom B52 địch rơi tọa độ, anh em có ý nhường hầm cho ông. Ông “tống” họ vào hầm, quát inh cả lên: “Tao có vợ, có con rồi! Chết cũng không hề gì. Chúng mày đều chưa biết mùi đời. Vào hầm ngay!”.

Biết Lê Danh Tốn quê Bắc Ninh (trẻ nhất đội), bị bệnh mắt hột, từ chối ở lại Trường lái xe 255 trên đất Sơn Tây, nhất quyết vào chiến trường, ông vừa kèm cặp, vừa động viên: “Đã vào đây, tất sẽ nên trò nên trống!”. Đội có người hy sinh giữa lúc ông đang bận họp. Ông sực nhớ đã nghe thơ của Tốn: “Đoàn về xuôi, xe đi gió bay/ Trên chốt tiền tiêu em vẫy tay/ Ước gì đường ngược lên trên ấy/ Để mãi cùng em giữ đất này!”, liền giao cho Tốn soạn điếu văn. Đọc đến câu: “Đồng đội hy sinh giữa lúc đường chúng ta đi còn nhiều chông gai ác liệt! Song, các anh đã góp lửa thắp sáng niềm tin trong chúng ta. Vượt qua chặng đường gian nan ấy, chúng ta sẽ có những mùa hoa thơm  quả ngọt!”, ông Thắng rất cảm động. Kết thúc chiến tranh, ông giới thiệu Tốn đi học Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa Kinh tế Chính trị… Tại đây, cựu chiến binh Lê Danh Tốn đã phát triển thành cán bộ của nhà trường.

Còn anh Nông quê Ninh Bình thì không thể nào quên kỷ niệm từng râm ran cả binh trạm. Một buổi trưa tháng 10-1972. Nắng như thiêu. Trên đường công tác, Nông được bổ sung nhiệm vụ đón đồng chí cán bộ còn trẻ, ở cơ quan BT9 đi họp về. Khi đến giữa ngầm, toàn bộ cây rừng lót ngầm đột nhiên xập xệ. Nông xuống xe hì hục khắc phục. Còn đồng chí cán bộ thì lên bờ, tìm bóng cây ngồi hút thuốc lá, thỉnh thoảng lại đứng chống nạnh nhìn xuống ngầm... Sau gần tiếng đồng hồ, ngầm thông, Nông một mình một xe chạy thẳng về nhà, kể hết sự tình với ông Thắng. Lập tức, ông Thắng cử người đi đón đồng chí cán bộ. Xong rồi, ông nghiêm mặt nói với Nông: “Xét về tình thì cậu có ý đúng. Nhưng lần sau mà bỏ người như thế, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung thì đừng về đây nhìn tôi nữa đấy!”. Sự vụ ấy được nêu trong buổi giao ban binh trạm bộ. Ông Thắng giãi bày: “Tôi đã phê bình đồng chí lái xe bỏ cán bộ trên đường. Còn về sự cố ngầm sập, lái xe xoay trần khắc phục, lẽ ra cán bộ đi cùng phải “đồng cam cộng khổ” hoặc động viên cậu ấy. Đằng này, anh lại tìm chỗ mát mẻ để hút thuốc, còn tỏ ra bực dọc nữa. Như thế, hỏi rằng đã “đoàn kết giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận chưa?”. Mọi người nghe ông nói, nể phục.

… Hòa bình, ông Thắng phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong mọi nhiệm vụ. Năm 1981, do gia cảnh cực kỳ khó khăn nên ông đề nghị cấp trên cho phép ra quân về trông nom mẹ già và người bác dâu độc thân đã vào bậc “cổ lai hy” (về sau hai cụ đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng). Với đồng đội Trường Sơn, gia đình ông vẫn là nơi tái hiện những kỷ niệm và truyền cảm hứng trên “trận tuyến mới”. Lần ấy, thấy ông trực tiếp rửa xương, xếp hài cốt, làm lễ sang cát cho anh Cao Văn Hưng tại xã Thanh Phong (Thanh Liêm, Hà Nam), bà con sở tại cứ hỏi chủ nhà rằng, thuê thợ ấy ở đâu? Khi biết “thợ” ấy là đội trưởng của anh Hưng hồi ở Trường Sơn, bà con nói: “Chỉ có Bộ đội Cụ Hồ mới thương yêu nhau đến thế!”.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG