Vào trong xưởng sản xuất rộng gần 1.000m2, dưới ánh điện sáng trắng, tôi ngửi thấy mùi hóa chất keo dán thoang thoảng trong không khí. Tôi nghe rõ tiếng quạt trần, quạt hút mùi và tiếng máy in lạch cạch đều đều không ngừng nghỉ.

Một công nhân chia sẻ với tôi qua chiếc khẩu trang, công việc in ấn sách, văn phòng phẩm được tiến hành trên dây chuyền với các máy in offset 4 màu hiện đại, nhưng vẫn phải qua các công đoạn thủ công, như xếp trang, đóng gáy... Thời điểm hiện tại, Xí nghiệp đang tung hết sức để in các ấn phẩm phục vụ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 và nhiều sản phẩm khác để kịp tiến độ.

Thiếu tá Nguyễn Đoàn Hùng, Giám đốc Xí nghiệp In đón tôi với nụ cười rất tươi. Anh chia sẻ, đội ngũ lãnh đạo, quản lý của Xí nghiệp hiện nay chủ yếu thuộc thế hệ 8X, 9X. Dấu ấn lớn nhất để lại trong năm 2024 là Xí nghiệp đã cán mốc tổng doanh thu hơn 200 tỷ đồng và mở quầy giới thiệu, trưng bày, bán văn phòng phẩm. Chỉ riêng doanh thu từ quầy này đã mang về cho Xí nghiệp lợi nhuận trung bình 30-40 triệu đồng/tháng mà không phải dùng thêm nhân công chuyên trách.

Tôi từng trò chuyện với Thượng tá Đoàn Đắc Dũng, nguyên Giám đốc Xí nghiệp và hiện đang công tác tại Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật CNQP (GAET). Anh Dũng thổ lộ, lịch sử Xí nghiệp để lại những vấn đề hết sức nan giải, như bộ máy cồng kềnh, đơn hàng ít; đời sống cán bộ, nhân viên có lúc không bảo đảm, công nhân lành nghề lần lượt tìm bến đỗ mới...

leftcenterrightdel

 Công nhân Xí nghiệp In, Nhà máy Z176 thực hiện công đoạn xếp trang. Ảnh: ĐỨC HÙNG

Năm 2018, khi Bộ Quốc phòng có chủ trương tái cơ cấu ngành in Quân đội, Xí nghiệp In khi đó được điều chuyển về Nhà máy Z176 và hoạt động theo mô hình tự chủ, tự hoạch toán. Ban giám đốc mới do Đoàn Đắc Dũng đứng đầu đã tái cơ cấu và tinh giản bộ máy. Từ đây, chi phí quản lý giảm 10%. Liền đó, Xí nghiệp xây dựng các quy chế, quy định hướng tới hoạt động công khai, minh bạch và không ngừng bồi dưỡng trình độ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trẻ.

Khi tổ chức ổn định, sản xuất vào guồng, sức trẻ, sự sáng tạo lan tỏa, sản phẩm làm ra được kiểm soát chặt chẽ, đúng tiến độ thì uy tín của Xí nghiệp dần tăng. Ngoài những đơn hàng nhiệm vụ chính trị, nhiều khách hàng mới đã tìm đến. Đội ngũ cán bộ trẻ của Xí nghiệp vừa làm công tác quản lý, kỹ thuật kết hợp tìm đối tác, hút khách hàng mới.

Đại úy QNCN Trần Văn Trụ, Trưởng ban Nghiệp vụ nhớ lại, sau khi tái cơ cấu, cán bộ, nhân viên làm việc không ngừng nghỉ trên tinh thần “một người làm nhiều việc, mỗi việc là một mũi nhọn”. Ví dụ, trong kỹ thuật, hàng loạt sáng kiến ra đời góp phần rất quan trọng tiết kiệm nguyên liệu, nhân công và tăng năng suất lao động.

Trò chuyện với Nguyễn Việt Nam, nhân viên thiết kế đồ họa, tôi thấy được sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên nơi đây. Theo đó, Nam tham gia các hội nhóm thiết kế mỹ thuật quảng cáo trong nước và nước ngoài để học hỏi thêm kinh nghiệm, có kiến thức tư vấn cho khách hàng những thiết kế mới vừa đạt mỹ thuật, vừa dễ nhận diện thương hiệu. Nam nói, khi đã tận tâm với khách hàng, phục vụ khách hàng chu đáo, nhiệt tình thì không sợ thiếu đơn hàng. Ở Xí nghiệp này, những người làm nhiều công việc và mang trong mình nhiều mũi nhọn như Nam không hiếm.

Sau khi tiếp quản cơ ngơi từ người tiền nhiệm, Giám đốc Nguyễn Đoàn Hùng cũng đã có những đột phá trong quản lý, điều hành, phát triển thị trường và mang về thành công. Ngoài gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm như đã kể thì trước đó (tháng 5-2022), Xí nghiệp được đầu tư dây chuyền in ống đồng, phục vụ in các sản phẩm công nghiệp như in màng BOPP, in màng PVC. Khi mới đưa dây chuyền vào hoạt động, một số vấn đề về kỹ thuật xuất hiện. Sản xuất chậm tiến độ khiến không ít người nghi ngờ về thành công. Tuy nhiên, những sự cố ấy được cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Xí nghiệp nhanh chóng khắc phục. Dây chuyền hoạt động ổn định, khách hàng mới tìm đến.

Những đổi mới ấy giúp Xí nghiệp giảm quỹ lương, chi phí quản lý xuống dưới 10%. Năm 2023, nếu như doanh thu chỉ hơn 105 tỷ đồng thì năm nay họ đã cán mốc 205 tỷ đồng. Hiện, lương trung bình của người lao động trong Xí nghiệp đạt hơn 13 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên, công nhân, người lao động của Xí nghiệp được hưởng quỹ phúc lợi mà nhiều năm trước chỉ có trong mơ.

Giám đốc Nguyễn Đoàn Hùng kể rằng, khi năng lực lãnh đạo, quản lý và phương tiện, công nghệ, trình độ tay nghề đã hội tụ đầy đủ thì Xí nghiệp In tự tin bước vào sân chơi lớn, không chỉ cung cấp các sản phẩm in, từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng (công nghiệp phụ trợ-vendor) cho công ty mẹ là Nhà máy Z176 mà còn làm vendor cho một số doanh nghiệp khác. Điển hình là Công ty TNHH Ngọc Sơn BR, Công ty Cổ phần Thăng long Talimex... Đây đều là những đối tác lớn của Tập đoàn IKEA (Thụy Điển) tại Việt Nam.

Cầm trên tay một cuốn sách, một cuốn tạp chí hay một ấn phẩm văn hóa, người đọc thường không chú ý đến thông tin về xưởng in, nhà in... mà chỉ chú ý đến tác giả, nhà xuất bản và nội dung. Những công nhân in làm ra cuốn sách, ấn phẩm văn hóa đó thì không có tên. Vất vả với công việc ý nghĩa ấy, nhưng để tìm một tác phẩm thơ, một bài hát hoặc một tác phẩm nghệ thuật bằng văn xuôi về họ quả là rất hiếm. Tôi mong một văn nghệ sĩ nào đó cảm kích sáng tác về công việc của “những người thợ in áo lính”, giống như từng ca ngợi người thợ lò, thợ quét vôi hoặc chị lao công... mà chúng ta vẫn từng thấy.

Suy nghĩ ấy giúp tôi đi vào giấc ngủ đêm ngon lành!

ĐỨC TÂM