QĐND - Ở vùng núi Đọi sông Châu, cách nay hơn nửa thế kỷ có một cậu bé chưa đến mười hai tuổi đã được bố mẹ mang cơi trầu dẫn đi hỏi vợ. Ấy thế mà đến 27 tuổi, qua năm lần ăn hỏi, hôn nhân của cậu mới thành.

Lần ăn hỏi đầu tiên là với một cô bé có tên Ưởng, sinh cùng ngày, cùng bà đỡ, cùng làng - nơi có truyền thống tảo hôn - nên hôn nhân tưởng như là đã định. Nhưng đất nước biến chuyển, cuộc cải cách ruộng đất diễn ra khiến cuộc hôn nhân ấy bất thành. Hai bên gia đình đều lơ lửng khi cùng bị quy vào thành phần "có vấn đề". Cho đến khi, việc sửa sai cải cách được tiến hành, gia đình nhà cậu bé được khẳng định lại là bần nông. Gia đình của cô bé thoát tiếng địa chủ thì cuộc hôn nhân của đôi trẻ mới được nối lại. Nhà trai mang cơi trầu đến hỏi lần hai nhưng nhà gái chối từ.

Thiếu tướng Vũ Anh Thố tại nhà riêng, Xuân 2013.

 

Bố mẹ cậu bé rất ngạc nhiên. Vì cậu có tiếng là khôi ngô, học giỏi, chịu khó, thuộc con nhà tử tế của làng. Không ai trong cuộc ăn hỏi hiểu tại sao ngoài ông chú họ. Bởi trước đó, trong một lần đi xuống ủy ban, cậu bé đã nói với chú mình: Chú hỏi cái Ưởng cho thằng Bật nhà mình đi. Bật, con chú, lớn rồi đấy. Cháu thì bé, cháu còn phải đi học tiếp, không lấy nó được đâu! Ông chú trả lời: Mày bảo bố mẹ mày chứ bảo chú à. Cậu bé vẫn khăng khăng: Cháu không lấy cái Ưởng đâu, cháu sẽ nói với bố mẹ cháu! Tin đến tai gia đình nhà gái và đã được đồng ý ngầm. Còn cậu bé mải mê học, quên nói với bố mẹ chuyện lớn. Sau đó, Ưởng và Bật đã nên duyên. Ngày họ cưới, cậu bé lúc này mới học cấp hai, đã đến chúc mừng với hai cuốn sổ ghi mấy chữ: Mừng tặng hai em!

Sau cuộc ăn hỏi lần hai không thành, gia đình lại tìm cho cậu bé một ý trung nhân khác. Người được chọn tên Trực, là một trong hai cô gái học cao nhất làng thời đó, đẹp và rất nết na. Hai người cũng đã có cảm tình của tuổi mới lớn. Cậu bé “lỡ một lần duyên” lúc này đã lên cấp 3, còn cô gái cũng vừa vào cấp 2, bắt đầu thích nhìn nhau từ xa. Một chiều 30 Tết rét buốt, thấy nàng cắt cỏ, chăn trâu, cậu đã thấy thật xót xa, muốn xin bố mẹ cho ra làm cùng. Những tưởng duyên phận sẽ thành. Ai dè có chuyện: Một lần đãi gạo nấu cơm, cô Trực úp rá đãi gạo lên cái liễn. Có chú gà ở đâu chạy đến bới gạo làm vỡ liễn luôn. Bà nội cô thấy mới mắng rằng: Bố mày chết rồi. Mẹ mày thì đi lấy chồng. Bây giờ ở với bà mà mày làm ăn thế, nay mai về nhà chồng cũng thế thì người ta đào mả bố mày lên, con ạ! Cô Trực đã trả lời: Đã thế thì cháu sẽ không lấy chồng nữa!

Việc trả trầu diễn ra thật! Nhưng trầu có thể trả còn duyên làm sao cắt khi người cuối làng vẫn nhớ, vẫn thương, vẫn mong được gặp người đầu làng. Rủi rằng, đường tình không thôi trắc trở. Chính bác ruột của Trực lại là người không đồng ý, còn đánh Trực và ép lấy một chàng trai khác khiến cô phải trốn về quê mẹ ở làng bên. Khi ấy, Trực mới vừa học xong lớp 7. Cô viết cho cậu một bức thư, trong đó có câu: Em mãi mãi vẫn là vợ của anh! Người được hẹn ước đã từng nghĩ hay là ta cứ quyết định liều, đi đón nàng về và xin bố mẹ cho ở nhà mình, rồi tổ chức cưới luôn? Nghĩ rồi lại tự nhủ, thôi mình cứ phấn đấu đã...

Vào ngày 25-9-1962, cậu bé suýt tảo hôn ngày nào đã lên đường nhập ngũ với ký ức. Sát ngày lên đường, anh gặp Trực và nói: Tình hình giờ rất là phức tạp, anh cũng vẫn rất quý và yêu em, muốn lấy em làm vợ, nhưng giờ anh còn phải đi... bộ đội đã nhé! Và mình cùng phấn đấu, ai thành Đảng viên thì báo cho nhau biết.

Số trời, hai người có duyên nhưng không phận, dù cố gắng cũng không về được với nhau. Ngay cả khi vào Tết năm 1967, cô Trực đã gửi một bức thư cho anh, viết rằng: Chúng ta biết nhau từ thủa quàng khăn đỏ. Đến nay chúng ta đã là Đảng viên, đủ tuổi quyết định cuộc sống của mình. Tết này em được nghỉ, em quyết định xuống nhà ăn cơm với bố mẹ. Dù anh không về thì em vẫn đến…

Đơn vị thông cảm cho anh được tranh thủ về quê, đúng vào ngày mồng hai Tết. Ăn với nhau được một bữa cơm. Cùng nhau đi qua một cánh đồng, đến chân đê bên dòng Châu Giang thơ mộng, hai người đã tâm sự cạn lòng với nhau. Đến khoảng 8 giờ tối, xe của đơn vị chạy qua đón. Từ đó, mỗi người một phương...

Lúc này phía gia đình cô Trực vẫn tiếp tục phản đối. Còn bên nhà chàng trai, khi được anh viết thư xin ý kiến, có người nói đồng ý, có người không. Cuối cùng, anh đành viết một bài thơ có 36 câu để chia tay mối tình chớm nở. Cuộc chiến tranh ngày mỗi khốc liệt, chàng trai biên thư về cho mẹ: Mẹ à, con còn đang ngoài mặt trận, ở quê nhà mẹ có ưng cô nào mà họ đồng ý lấy con thì cứ hỏi cho con, con đồng ý. Chuyện “tùy” của anh lan khắp làng. Một cán bộ của tỉnh đã đến nói chuyện với bố mẹ anh rằng ông có cô con gái vừa tuổi với con trai nhà ông bà và đồng ý gả. Tiệc hỏi được tổ chức mời mọi người.

Sáu tháng sau anh mới được về thăm nhà. Một lúc anh được đọc hơn hai mươi lá thư của cô con gái người cán bộ đó. Hơn hai mươi lá thư mang đủ cảm xúc, yêu thương, khởi đầu, ngóng đợi và... kết thúc của người anh chưa một lần gặp mặt. Vậy là một nửa cuộc tình đã bắt đầu và tự chấm dứt khi anh còn ở chiến trường. Có người đùa, lần ăn hỏi thứ tư này là lần anh “được hỏi”.

Rằm tháng 8-1968, anh được nghỉ phép về thăm nhà, thấy cô em gái chưa thi tốt nghiệp được cấp hai anh liền đến trường tìm hiểu. Từ trò chuyện sang tranh luận, anh bị ấn tượng với một cô giáo có dáng người nhỏ gọn lúc nào không hay. Tên cô lại rất khó quên: Tim. Đứng trước một người con gái biết khóc vì học trò anh cảm thấy có sự đồng cảm, cho rằng đây thật sự là một người con gái tốt. Nhưng bản tính cẩn trọng, lại vẫn phải từ chiến trường nọ sang vùng đất kia, anh chưa dám quyết điều gì. Anh phải nhờ người anh họ làm bí thư đảng ủy xã điều tra giúp xem lý lịch kẻo khi yêu mà tổ chức không cho phép lại càng khó. Thư anh họ trả lời: Lý lịch vào Đảng được nhưng nhà nghèo lắm… Từ dòng thư ấy với suy nghĩ về một người mồ côi mẹ từ nhỏ mà lại phấn đấu được là giáo viên chắc là có nhiều cố gắng nên anh càng thấy yêu quý và quyết tâm xây dựng cùng cô.

Một lần về quê, bố anh nói: Mày không lấy nó thì lấy ai? Thế là, quyết định hệ trọng nhất của đời anh đã có thời điểm ra đời. Lần ăn hỏi thứ năm chính thức đưa cuộc đời anh sang bến mới. Đứa con trai ra đời sau đó gần hai năm đã thỏa mọi sự đợi trông. Tất cả như khơi nguồn để anh tiếp tục phấn đấu. Có lẽ chính nhân duyên nhiều khúc ngoặt đã cho anh nhiều suy cảm.

Chủ nhân của năm lần “ăn hỏi” ấy chính là Thiếu tướng Vũ Anh Thố, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, quê ở thôn Thận Tu, xã Yên Nam, huyện Duy Tiên-Hà Nam. Cậu con trai duy nhất của ông tên Vũ Hoàng Tùng nay là tiến sĩ, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai bố con ông đều có tên trong sách “Danh sĩ đương đại tỉnh Hà Nam”.

Giờ đây, Thiếu tướng Vũ Anh Thố đang được an hưởng hạnh phúc gia đình trong một ngôi nhà có rất nhiều hoa lá, phần nhiều được chăm bón bởi bàn tay của người vợ nhất mực đảm đang, chung thủy, tại phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy-Hà Nội. Thỉnh thoảng ông vẫn viết truyện (như tập truyện “Học uống”) và làm thơ (như tập thơ “Trăng Tháng Chạp”). Đôi lúc cao hứng với bạn tri kỷ tri âm, ông lại ngâm nga: Thời gian lẳng lặng trôi đi/ Tinh hoa đọng lại - vân vi tỏ tường/ Đời như hạt bụi, giọt sương/ Tình còn lấp lánh - Tơ vương nắng chiều...

Bài và ảnh: QUỲNH LINH