QĐND - Trăn trở, nghĩ suy, tính toán cho sự ra đời và tồn tại của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Từng rơi nước mắt khi chuyến tàu đầu tiên thành công và lặng đi trong đau đớn, dòng lệ tuôn trào khi con tàu ở Vũng Rô bị lộ. Có rất nhiều câu chuyện cảm động về Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp...

Dặn dò cả chuyện mẩu thuốc lá 

Ngay từ khi con đường mới manh nha, tháng 7-1959, Đại tướng đã chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603 để chi viện vũ khí cho miền Nam, mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Đại tướng căn dặn: “Việc mở đường không được ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn...”. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra vùng biển Quảng Ninh

Khi tàu vận tải 603 chở 5 tấn vũ khí vào Hố Chuối không thành, 6 thủy thủ bị địch bắt, phải đổ toàn bộ vũ khí xuống biển, Đại tướng sớm chỉ thị phải dừng ngay hoạt động, tìm cách thức vận chuyển mới. Một bức điện “Tối mật” do Tổng Tư lệnh ký đã ra đời: “Các tỉnh tổ chức cho thuyền bí mật vượt biển ra Bắc báo cáo tình hình bến bãi, tình hình địch bố phòng ven biển và tuần tiễu trên mặt biển, rồi trực tiếp dẫn tàu vào.”

Năm 1961, Khu ủy Khu V giao cho Đặng Văn Thanh đi đường Trường Sơn ra miền Bắc, trực tiếp trao tận tay một báo cáo gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tám tháng trời anh mới tới Hà Nội, được đưa tới gặp Đại tướng. Viết về câu chuyện này, nhà văn Nguyên Ngọc có kể lại nhiều chi tiết thật cảm động: Đại tướng đưa cho anh một cây bút chì mới vót rồi bảo: “Đây, đồng chí báo cáo đi, nhớ chỉ rõ từng chỗ trên bản đồ...”. Đón nhận cây bút từ tay Đại tướng, anh đứng lặng sững trước tấm bản đồ rất lâu. Người sĩ quan Tham mưu khẽ nhắc: “Đồng chí Thanh cứ bình tĩnh nói đi!”. Thanh quay sang Đại tướng, một thoáng đỏ mặt rồi ấp úng, lắp bắp: “Dạ...báo cáo... báo cáo Đại tướng...Tôi...Tôi không biết chữ ạ”. Đại tướng đứng lặng hồi lâu, giọt nước mắt lăn trên gò má. Rồi ông nghẹn ngào nói với người sĩ quan tham mưu : “Anh em ta trong đó vậy đấy!”. Đại tướng kéo Thanh lại gần ông rồi cầm lấy cây bút chì, nhẹ nhàng bảo: “ Bây giờ tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ, đồng chí sẽ kể cho chúng tôi biết rõ tình hình từng nơi”. Sau đó anh đã được Đại tướng quan tâm, chỉ đạo cho đi an dưỡng và học chữ. Sau này, anh Thanh trở thành một chính trị viên giỏi của đoàn tàu không số, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 

Sau những chuyến đi thử nghiệm thành công, Đại tướng vẫn rất thận trọng, chỉ thị cho đồng chí Bông Văn Dĩa phải trở về miền Nam thăm dò tình hình rồi ra báo cáo. Tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương họp thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Tại hội nghị này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt ra câu hỏi: “Liệu có thể đảm bảo thành công 50% những chuyến đi không?”. Tướng Trần Văn Trà trả lời: “Đạt 100% thì khó chứ 50% thì tôi chắc được”. Nghị quyết được thông qua...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ tàu không số trước khi nhổ neo tại Đồ Sơn, Hải Phòng (ảnh nhỏ). Ảnh tư liệu

Hai lần rơi nước mắt

Khi chuyến tàu gỗ đầu tiên mang tên Phương Đông 1 xuất phát ngày 11-10-1962 vào Cà Mau, Đại tướng nóng lòng dõi theo con tàu. Tướng Đồng Văn Cống, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến là người được giao trực tiếp theo dõi diễn biến kể lại: "Người đi rất lo lắng. Người ở lại còn lo lắng hơn. Theo dự kiến, đi 5 ngày thì đến. Nhưng sáng nào cứ đến giờ giao ban thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi thế nào rồi? Mới đi 1 ngày, đến ngày thứ 2 ông đã hỏi. Ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5, sáng nào ông cũng hỏi. Tôi sốt ruột nhưng chỉ biết lắc đầu. Sau đó cả những ngày thứ 6, thứ 7, thứ 8 cũng không có tin lức gì. Tôi là người trực tiếp theo dõi hàng ngày, càng bồn chồn lo lắng. Điện đánh đi không có trả lời. Không biết họ sống hay chết! 

Mãi sáng ngày 19-10-1962, tức 9 ngày sau, mới có tin tức. Sáng hôm đó, Quân ủy Trung ương đang họp giao ban ở nhà khách 28 Cửa Đông. Tôi bước vào, Đại tướng ngẩng đầu nhìn tôi đăm đăm. Lần này thì tôi gật đầu, mặt tươi tỉnh, Đại tướng đứng dậy ôm chầm lấy tôi, ông khóc. Đại tướng liền cho tạm nghỉ cuộc họp, kéo tôi qua phòng bên để nghe rõ tình tiết. Tôi đưa bức điện của Bí thư Khu IX: “Tàu Lê Văn Một, Bông Văn Dĩa đã về đến nơi! An toàn, đầy đủ! Các đồng chí trên tàu đều khỏe mạnh."

 Một tay vuốt ngực, một tay vỗ vai tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “ Thôi, cho nghỉ họp để ăn mừng thắng lợi đầu tiên...". Ngay hôm đó, Đại tướng còn tổng kết thành công của con đường một cách thật chiến lược: “Tính ra theo đường biển, tàu chở 30 tấn vũ khí đủ trang bị cho một tiểu đoàn, chỉ đi trong 9 ngày với một tiểu đội, lợi hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người gùi cõng trên đường Trường Sơn trong 5 tháng...”. 

Khi nghe đề án vận chuyển vũ khí bằng đường biển cho Khu 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Đường biển là con đường duy nhất có thể chi viện cho đồng bằng sông Cửu Long, nên phải giữ cho được bí mật con đường đó. Phải kiểm tra thật kỹ, nắm chắc từng chuyến đi vào Khu 5. Không để một sai sót nhỏ khiến kẻ địch nghi ngờ...”. Theo chỉ đạo của Đại tướng, Đoàn 759 đã tiến hành rất nhiều chuyến tàu vào bến Ray (Bà Rịa), bến Lộ Giao (bãi ngang) Bình Định.

Năm 1965, xảy ra vụ Vũng Rô, Đại tá Phan Hàm, Cục phó Cục Tác chiến đã báo cáo gấp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng lặng người, ông khóc trước tin dữ này. Ông đã chỉ thị ngừng ngay việc vận chuyển đường biển, rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt hơn.

Đại tướng luôn dõi theo những chuyến tàu không số, nhiều chuyến đi, ông đích thân ra tiễn anh em ngoài cửa biển. Ông ra tận nơi, nắm tay từng chiến sĩ động viên, khích lệ, một hình ảnh sáng ngời và đọng mãi trong ký ức đoàn tàu không số về người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Lê Quý Hoàng